Bạn đọc viết – Cảm xúc khi đọc chuyện Cái Nón Lá

Cảm xúc khi đọc chuyện Cái Nón Lá

 

 Điệu Đức

    Lịch sử là những diễn tiến thăng trầm của thời cuộc theo từng giai đoạn thời gian. Hằng năm cứ mỗi lần nhìn hoa xuân trên đất khách, tôi chạnh lòng về một tháng tư buồn như một chứng nhân lịch sữ, dù đã 34 năm phôi phai.

   Nhìn lại chặng đường của một phần ba thế kỷ trôi qua trên một xứ sở đã mang nhiều thương tích như Việt Nam, có lẽ mỗi người chúng ta đều có những nhận định khác nhau tùy theo góc độ quan sát cũng như khía cạnh tìm hiểu của từng người. Đó là niềm thao thức về dòng lịch sử đầy biến động của quê hương

   Với tiêu đề chuyện phiếm Cái Nón Lá của Phạm Tín An Ninh, tôi vẫn ngỡ ông đang đùa với trò chơi kỷ niệm. Chúng ta đã mấy ai không bồi hồi khi trở lại trường xưa bằng lối cũ quay về. Bước đi với tâm tư hoài niệm về những thân yêu của một thời áo trắng, với bóng dang xuân thì thơ mộng của thuở ”nghiêng nghiêng vành nón che làn tóc” thì có lẽ ai cũng có giây phút chạnh lòng nhớ lại thời kỳ của…con tim lạc nhịp.

   Hình ảnh chiếc nón lá đã là biểu tương về nét Duyên của người con gái, để giấu đi chút thẹn thùng, chút bối rối, chút ngập ngừng giữa bầu trời ngập tràn bóng nắng của ngày xưa. Nhưng buồn thay, chiếc nón lá nên thơ dạo ấy đã mất đâu rồi vào những giờ tan học hôm nay,  khi tác giả tìm về ngôi trường cũ, nơi đã từng một thời…anh theo Ngọ về đầy nhung nhớ năm xưa.

   Mang tâm tư của một người không phản bội quá khứ và luôn thao thức với quê hương, Phạm Tín An Ninh đã biết trân trọng sự thủy chung của những món nợ ân tình. Ngoài món nợ lớn của người luôn nặng lòng với quê hương, tác giả đã nhắc đến nghĩa thâm sâu của tình chồng vợ. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện cái nhìn nhân bản qua từng giây phút suy tư:

 – Như đã ngậm ngùi cho thân phận của người con gái nông trường đã gặp tình cờ khi còn là tù nhân cải tạo. Họ đã đến và đi trong cuộc đời có khác gì cây cỏ!

 – Và về sự bức bối trước thực trạng bi thương của xã hội đương thời, khi phải chứng kiến những hoàn cảnh đau lòng và tủi nhục của người phụ nữ quê nhà, những sự trao đổi tính dục bằng nhiều hình thức khác nhau để đổi lấy miếng cơm manh áo. Nhưng bi đát nhất vẫn là hình ảnh của những thiếu nhi đã bị xô ngã vào hố thẳm của dòng đời trong lứa tuổi đáng lẽ phải được thấy thiên đường tuổi thơ thật hồn nhiên, trong sáng dưới mái ấm gia đình.

   Ba mươi bốn năm trôi qua, thời gian không ngắn để đổ lỗi cho chiến cuộc tương tàn, nếu không có một đường lối sáng suốt trong vấn đề trị nước an dân của thành phần lãnh đạo.

   Làm người viễn xứ, chúng ta đã xa rời chốn cũ, giận hờn chăng chỉ là.. ”gởi-những-đường-gươm-chém-với-hư-không” của người đã một thời ngang dọc trên những nẽo đường đất nước.

   Dù đã đối diện với bao tang thương biến đổi, Phạm Tín An Ninh cũng vẫn thể hiện là một con người tình cảm khi đã kết thúc bằng hai câu thơ của nhà thơ Khoa Hữu:

Trăm năm hạt cát vô cùng
Trăm năm ta vẫn một lòng nhớ em

   Thật dễ thương khi tác giả đã tôn vinh chiếc nón lá như vị quan tòa, tiếng nói cao đẹp của lương tâm, và xa hơn nữa là hình ảnh tượng trưng cho hồn thiêng núi sông từ thời dựng nước. Hiện tại là sự nối kết của quá khứ, vì vậy nếu một lúc nào đó bất chợt:

   “Nửa đời mới gặp lại nhau
    Ngước nhìn mái tóc ngã màu thời gian…

và rồi

  “Mỗi người ở một phương trời
    Vẫn không quên được cái thời xa xưa” (Lá sen tơ)

Thì tất cả cũng chỉ là những nụ cười ý nhị làm đẹp cuộc đời.

(Viết tặng Tomi, Minh Thư, Minh Tâm và các em tôi)

Diệu Đức

 

(trích từ trang nhà Trung Học Duy Tân – Phan Rang)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *