đường xưa lối cũ

      4 Comments on đường xưa lối cũ

Đường xưa lối cũ ta về
Từng con sóng vỗ não nề xa xa.

Phạm Tín An Ninh

Tôi xin mượn tên một bài hát của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm tựa cho bài viết có lẽ không đâu vào đâu này, để cám ơn chị bạn Ninh Hòa có cái họ vừa đẹp vừa buồn – Lương Lệ – đã hát tặng trong đêm đầu tiên chúng tôi vừa trở lại quê nhà, ở cái quán cà phê mang tên khá lạ; Hòn Kiến, nằm trong một khu vắng vẻ trên con đường Bạch Đằng quen thuộc của một thời tôi còn lang thang đi học ở Nha Trang.
Bài hát dù hay nhưng xưa cũ lắm, tôi đã nghe rất nhiều lần, đến gần như không còn cảm xúc. Nhưng hôm nay ngồi nghe chị hát mà lòng chợt ngậm ngùi. Bởi vì chính bây giờ đây, tôi đã trở về và đang đi trên những con đường xưa lối cũ ấy.

Không ngờ chị hát thật hay, thật truyền cảm. Tôi nghe tên chị từ lâu lắm, nhưng hôm nay lần đầu tôi gặp chị. Tôi mới chợt nghĩ ra rằng, ở Ninh Hòa, cái họ Lương này, dù ở Phú Hòa hay là ở Xóm Rượu gì cũng đã từng vang bóng một thời, đã từng làm khổ biết bao chàng, từ thư sinh đến anh hùng hào kiệt. Bà xã tôi thường nhắc tên một cô bạn thân, cùng lớp, cùng đội múa Trăng Mường Luông ngày xưa, đẹp và hiền hơn ma soeur, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể khóc được. Hỏi ra thì cô nàng có cái tên Lương-Lệ Bích-San. Tôi bảo, cô ấy dễ khóc là phải, vì trong cái tên lúc nào cũng đã có sẵn cả một dòng nước mắt. Đêm nay cũng có Bích San và ông xã. Anh ngồi bên tôi, rất hiền lành, chỉ mỉm cười, ít nói, thì thầm đọc cho tôi mấy câu thơ về một chuyện tình buồn. Anh làm thơ hay lắm nhưng cho tôi cái cảm giác là cuộc tình của hai người ngày xưa cũng có cả một trời sóng gió. Trước năm 75, anh là giáo sư của vài trường trung học ở Ninh Hòa, nhưng bây giờ anh làm một việc giống như “cai trường”, sống âm thầm lặng lẽ ở Nha Trang. Chị bạn hát tặng chúng tôi bài hát mừng hội ngộ tối nay, chắc lúc xưa cũng đã từng làm dại khờ bao nhiêu trái tim của đám học trò lẫn các ông thầy Trần Bình Trọng, Võ Tánh.

Được người bạn tù của cha tôi cho biết chính xác nơi cha tôi chôn cất, sau khi ông chết trong một trại tù “cải tạo” vào cuối tháng 5 năm 1976, tôi về lại Việt nam để tìm hài cốt cha, đưa về cải tang bên cạnh mộ mẹ tôi và ông bà nội trong nghiaa trang gia tộc. Bà vợ Ninh Hòa của tôi cũng tháp tùng một chuyến cố hương. Lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm, bất ngờ được ăn một cái Tết quê nhà. Đêm giao thừa, nằm ờ Ninh-Hòa mà thấy lòng buồn bát ngát một mùa thu. Có lẽ, tuổi đã già nên không còn cái nao nức của thời xưa, hay là còn cái cảm giác quê hương mình sao vẫn còn xa lạ quá. Ngay trước nhà là một chợ hoa, nhiều nhất là hoa cúc với hoa mai. Dường như hai loại hoa này đang mang mùa xuân đến cho Ninh-Hòa. Sắp đến giờ giao thừa mà hoa vẫn còn đầy ngoài đường, trước ngõ. Người ta phải bán với cái giá chỉ để khỏi phải trả tiền chuyên chở lại về nhà trên các vùng như Quang Đông, Chấp Lễ. Tội nghiệp, những người trồng hoa có lẽ đã phải vất vả suốt cả năm, để mang mùa Xuân đến cho mọi nhà, nhưng rồi không biết mùa Xuân có đến được nhà của chính họ hay không?

Sáng mồng một Tết, dự định ghé lại thăm một vài người quen, nhưng ngại có người kiêng cữ. Một kẻ lưu lạc tha phương xông đất biết đâu lại là cái điềm chia lìa nào đó. Nên cuối cùng đón xe lửa trở lại Nha Trang để tìm một chút yên bình. Đi xe lửa bây giờ là điều thú vị, vừa được ngắm cảnh núi non đồng ruộng, vừa được nghe toàn những bản nhạc “vàng” tình ca của miền nam thuở trước và nhớ lại cái thời vào trọ học Nha Trang, cuối tuần chỉ toàn đi xe lửa “cọp”.

Nha Trang, dù có cái gì xa lạ nhưng lúc nào cũng đẹp. Đẹp để đủ cho lòng người ta nuối tiếc mông lung. Bởi ngồi trước biển Nha Trang mà tâm tư cứ mơ hồ giữa cái còn và cái mất, giữa ngày xưa với bây giờ. Cái nhớ nhất, sâu lắng nhất còn lại trong lòng là kỷ niệm của một thời đi học, của những mối tình học trò vụng dại dễ thương.

Niềm vui là tìm gặp được những bạn bè cùng lớp ngày xưa để còn thấy mình trẻ lại. Nhưng vui đó rồi buồn đó. Bởi bây giờ ai cũng đã già và mỗi người một số kiếp long đong.

Một thằng bạn cùng học ba năm cuối cùng ở trường Võ Tánh, to con, đẹp trai và học giỏi. Sau này cũng là bạn lính. Ở tù hơn bảy năm nên bạn bè ai cũng nghĩ là nó đã đi diện HO và đang nổi trôi nơi nào trên nước Mỹ, không ngờ còn gặp lại nó ở Nha Trang.

Sau sáu tháng nó vào tù, cô vợ “Bắc Kỳ nho nhỏ” mang ba đứa con (mà đứa lớn nhất mới vừa năm tuổi) giao cho bà nội ở trên Thành, Diên Khánh, rồi sang sông….. về đâu đó, không bao giờ trở lại thăm con. Bà nội thì già, mấy đứa nhỏ bấu víu vào ông chú, vừa tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc, nhưng bởi có ông anh là “ngụy đang cải tạo”, nên được chức phụ hồ cho một ông thợ nề là bác họ. Trong lúc phụ hồ xây dựng một bệnh viện, anh làm quen được một chị đầu bếp của bệnh viện, Không biết tài ăn nói thế nào mà anh làm cô đầu bếp động lòng trắc ẩn, thương cảm hoàn cảnh mấy đứa cháu dại không mẹ không cha. Cô sẵn sàng làm mẹ nuôi. Với tất cả tiền bạc và tấm lòng, cô đã cưu mang ba đứa bé còn hơn cả một người mẹ. Ba đứa nhỏ lớn lên cứ tưởng cô là mẹ. Cái tình mẫu tử này sao mà hiếm hoi và bi tráng quá. Thì ra trong cái thời nhá nhem tình nghĩa ấy vẫn còn có những tấm lòng hơn cả chữ từ bi viết trong mấy ngôi chùa.

Bảy năm sau, thằng bạn tôi được thả về, cúi mình trước người con gái lần đầu tiên gặp mặt để xin lạy một lạy tạ ơn. Cô nắm tay ngăn lại. Đúng giây phút ấy, bốn mắt nhìn nhau và cùng rơi lệ. Họ ôm nhau và yêu nhau rồi lấy nhau… Hôm gặp chị, tôi tò mò hỏi lý do nào chị yêu và lấy thằng bạn khốn cùng của tôi trong lúc chị còn con gái. Chị cho biết vì không thể rời xa ba đứa nhỏ mà chị cứ tưởng là con ruột của chính mình. Chính cái tình thương gắn bó mấy đứa nhỏ mà chị trở thành vợ của ba nó. Còn tôi thì lại mơ màng suy ngẫm đến hai chữ duyên nợ của đất trời.
Sau này chị làm đầu bếp cho một nhà hàng ở bờ biển Nha Trang. Thằng bạn tôi và mấy đứa con vẫn sống trên Thành, vì với cái lý lịch đen, không thể xin được cái hộ khẩu về thành phố. Còn chị vợ thì tiếc cái hộ khẩu ở thành phố, mà không muốn chuyển lên Diên Khánh. Mặc dù ban ngày làm ở Nha Trang nhưng tới tối là chị chạy xe Honda về với chồng con.

Cũng chính vì cái “hộ khẩu” mỗi người một nơi ấy, mà khi thằng bạn của tôi nộp đơn xin đi theo diện HO, bị phái đoàn Mỹ từ chối, trả lại hồ sơ và sỉ vả một trận, vì nghĩ chị vợ tốt bụng này chỉ là vợ giả, trả tiền cho nó để được bỏ nước ra đi. Chuyện tình ngay mà lý gian ấy cũng đã làm vợ chồng tốn kém và khốn khổ một thời. Sau mấy lần khiếu nại, cái ân sủng cuối cùng là: chỉ có người cha và ba đứa con được ra đi vào đợt cuối HO. Còn chị vợ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được bước chân đến Mỹ.

Bạn tôi quyết định ở lại với người vợ ân tình, mà anh coi như ông trời đã sai xuống dương trần này để gánh vác cho mấy cha con.
Bây giờ ba đứa con đã là người lớn. Thằng bạn tôi ở nhà chăm sóc ngôi từ đường, nuôi mấy con heo và nấu cơm cho con cho vợ. Chị ấy vẫn làm ở khách sạn dưới Nha Trang.

Hôm đứa con gái lớn lấy chồng, chị khuyên mãi thằng bạn tôi mới báo tin cho bà mẹ ruột bạc tình, bây giờ đang lấy một ông chồng người Thụy Sĩ. Bà ấy cũng vác bộ mặt đầy son phấn trở về. Nhưng đứa con gái chỉ cho bà đến nhà hàng dự tiệc mà từ chối sự hiện diện của bà trong hôn lễ. Con bé bảo rằng, bà chỉ là một cái máy đẻ ra tôi, nhưng mẹ tôi chính là vợ của ba tôi bây giờ.

Tôi rót một ly rượu mừng cho cả cái vô phúc lẫn cái diễm phúc của thằng bạn cũ, nhưng rót đến hai ly để mời vợ nó. Một ly mừng và một ly để nói hộ giùm tôi lòng biết ơn và ngưỡng mộ.

Tội quay sang bảo thằng bạn:

– Dường như chính phủ Mỹ vừa cho mở lại diện HO, mày thử nộp đơn lại xem sao.

Nó xua tay:

– Tao chẳng cần đi đâu nữa, vì ở đâu có bà vợ tao đây là ở đó có thiên đường.

Tôi đùa:

– Mày nói còn hay hơn mấy ông linh mục trong nhà thờ.
Tôi choàng tay ôm vợ chồng nó mà nước mắt trào ra. Tôi nghĩ, nó vẫn còn tác phong của một thằng lính.

Một cô bạn học từ năm đệ tứ. Mùa hè năm rồi sang Mỹ thăm cô con gái là ni cô tu ở một ngôi chùa nữ dưới Los Angeles, bất ngờ đọc được bài viết của tôi trong Đặc San Hội Ngộ Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang, trong đó tôi có nhắc đến tên nàng, rồi lần mò tìm ra tông tích của tôi. Ngày xưa là một cô bé khá xinh và học giỏi. Sau này có thời làm phóng viên chiến trường cho QĐ II. Ông chồng gốc Võ Bị Đà Lạt, chết một tháng trước ngày có chuyến bay theo diện HO. Nàng dắt hai đứa con gái lưu lạc khắp nơi, với một số vốn liếng của mẹ cha để lại. Cuối cùng, khi kinh tế ổn định, mẹ con về mua một ngôi nhà bên cạnh Quan Âm Tự ở Sài Gòn. Cô con gái út vừa học đại học vừa tu học trong chùa. Còn nàng thì tu tại gia và cũng là một nhà thơ. Ngồi trên máy bay trở lại Nauy, tôi đọc hết hai tập thơ của nàng ký tặng lúc chia tay. Nàng làm thơ Đường thật hay và cảm động. Tôi nghĩ, nếu Đức Phật mà đọc được thơ nàng thì cũng phải rơi nước mắt xuống tòa sen.

Mấy ngày ở Sài Gòn, tôi ghé thăm chị Hà , một người con gái gốc gác “quan họ” nhưng lúc nào cũng nặng lòng với Ninh Hòa. Ông bố ngày xưa là một niên trưởng của tôi, nên ngôi nhà nhỏ, dù là của gia đình đã bao đời, bây giờ vẫn chưa có “sổ đỏ”, trông cũ kỷ nhất trên con đường Minh Mạng xưa, vì không được phép sửa sang lại. Vẫn với nụ cười, từ tốn và lịch thiệp đủ để cho người lạ dễ làm quen và có cảm giác gần gũi thân thiện. Tôi hiểu lý do tại sao, giữa Sài Gòn với những bề bộn trong mấy ngày giáp Tết, bao nhiêu người phải đi ngược về xuôi, vậy mà cuộc họp mặt tất niên của Hội Đồng Hương Dục Mỹ & Ninh Hòa của chị có đến hơn một trăm người hiện diện. Nghe tôi ghé thăm, có một anh bạn trẻ Ninh-Hòa cũng đến chờ tôi. Chính cái cách biệt tuổi tác, cái khoảng cách không gian giữa ngoài và trong nước, lại là một sự gắn bó đến không ngờ. Chúng tôi có biết bao nhiêu điều để nói, từ hoài cảm về một thời xa xưa, đến những buồn vui trăn trở bây giờ.

Tội nghiệp người bạn trẻ có lòng. Hôm sau, anh xin nghỉ làm nguyên cả buối sáng… ghé lại khách sạn rủ tôi ra quán cà phê tâm sự. Tôi có cả xót xa và hạnh phúc, khi thấy mình đã già, trí óc có thể đã cằn cỗi, lỗi thời nhưng lại có rất nhiều ưu tư, suy nghĩ rất gần với người bạn trẻ, vừa có lòng vừa có kiến thức này. Những nhận định, từ cái tư cách của ông nhạc sĩ Phạm Duy, những điều đáng buồn của quê hương đất nước: đạo đức xã hội ngày cáng bị xói mòn, người ta làm giàu không từ nan bất cứ một thủ đoạn nào, ngay cả bán phụ nữ đi làm nô lệ -kể cả nô lệ tình dục- và bán cả một phần giang sơn đất nước.

Nói chuyện với anh, tôi chợt nhớ tới cái kết luận của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, khi đọc Le Fils de La Baleine (Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải), tác phẩm nổi tíếng trên thế giới vào những năm giữa thập niên 50-60, của ông Thầy, nhà văn Cung Giũ Nguyên (nguyên tác bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1956. Sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản ở Đức và Canada):

“Người ta tôn vinh, thờ phụng một con Cá Voi chết, nhưng tại sao người ta lại tàn nhẫn với cuộc sống của một con người. ? – Xin đừng choàng vòng hoa cho một người đã chết và hãy yêu một người đang sống”.

Chiều hôm qua, trong khi bà vợ Ninh Hòa đi mua sắm, làm tóc làm tai, tôi nằm dài trong hotel đọc hai cuốn sách. Cả hai cuốn sách này tôi đã đọc qua trên mạng, cùng vớí bao ý kiến khen chê từ trong ra ngoài nước: Nhật Ký ĐặngThùyTrâm và tiểu thuyết Bóng Đè. Một cuốn đề cao một nữ bác sĩ hy sinh trong cuộc chiến, mà cuốn nhật ký của cô được kẻ cựu thù là một ông Mỹ vô danh nào đó gìn giữ và trao lại cho gia đình. Tôi nghiệp, lại thêm một cái chết nữa bị người ta lợi dụng. Còn cuốn kia nói về hiện tượng một cô gái bị bóng ma của mấy đời nhà chồng: ông, cha, từ trên bàn thờ trong nhà họ, đêm nào cũng xuống đè cô hãm hiếp. Tôi thích cuốn tiểu thuyết này, tác giả là một cô luật sư trẻ ngoài Hà Nội. Dường như báo chí trong nước phê phán gắt gao về những từ ngữ tả chân tình dục. Riêng tôi, tôi thích thú cái ý đằng sau những từ ngữ ấy. Đúng như vậy, có biết bao nhiêu người tuổi trẻ mà tôi biết hay đã gặp, như người bạn trẻ đang ngồi trước mặt tôi đây, với tấm lòng, kiến thức và nhiệt huyết, họ thừa khả năng để đưa đất nước vươn lên. Những cái bóng ma của quá khứ chỉ làm cho họ thêm nặng nề, ngộp thở. Chia tay anh, suốt trên đường về lại hotel… lòng tôi miên man với bao suy tư và hy vọng.

Ở Nha Trang, bất ngờ gặp vợ chồng cô bạn ở bên con sông Dinh và cây cầu Sắt, học cùng lớp và cũng cùng đội múa với bà vợ Ninh Hòa của tôi ở Trần Bình Trọng, cũng trở về từ một nơi nào đó. Ông bà cứ như là đám mây trên trời. Chợt đến rồi chợt đi. Không biết những nơi hai người đi qua có còn để lại vết tích của một đôi tình nhân sáu mươi khi “con tim đã vui trở lại?”

Gặp cô bạn thân thiết một thời này, bà xã tôi bèn làm ngay một cuộc họp bạn bỏ túi. Bốn người bạn cùng lớp, trôi nổi mỗi người một cảnh, bây giờ gặp lại nhau, thôi thì tha hồ mày tao mi tớ, và kể đủ thứ chuyện dưới đất trên trời, làm tôi nhớ đến mấy câu thơ “làm chơi” của một ông bạn vong niên:

Một đám con nít sáu mươi
Gặp nhau bỗng thấy nhớ trời đất xưa
Nhớ ngôi trường cũ dưới mưa
Nhớ thầy nhớ bạn nhớ giờ ra chơi

. . .
Một đám con nít sáu mươi
Tìm nhau kể chuyện trên trời dưới sông
Trên trời mây nổi mênh mông
Dưới sông bèo dạt bềnh bồng nổi trôi

Một người nhắc tới anh bạn “ốm tong teo” cùng lớp, nhà thơ Quan Dương, đang lưu lạc ở New Orleans, vừa bị cơn bão Katrina rượt chạy sang tận Houston-Texas, và cho biết là dường như có một tờ báo trong nước luận (tội) về thơ Quan Dương. Tôi bảo là thơ Quan Dương chỉ kể lại những cái đau của người miền Nam trong những ngày tháng cũ. Có luận thì cũng chỉ thấy tội…nghiệp mà thôi. Đã là con người, lại là một nhà thơ.., xin hãy để cho họ nói lên những nỗi niềm tận đáy lòng của họ. Làm thơ cũng chỉ là một sự giải tỏa những niềm đau, những ẩn ức còn ở trong lòng. Chính những ông Văn Cao, Phùng Quán, hai nhà thơ nổi tiếng nhưng đã bị tù đày, tàn tạ gần cả một đời chỉ vì “…muốn làm nhà văn chân thật / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi /Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá ” cũng đã từng nhờ thơ mà sống còn, bởi “có những lúc ngã lòng,.. nhờ vịn câu thơ mà đứng dậy”. Bây giờ nhà nước đã phải chấp nhận ngợi ca giá trị thơ văn của hai ông, như là một đóng góp quí giá, lớn lao vào sự nghiệp văn hóa chung của dân tộc. Đặc biệt tên Văn Cao đã được dùng đặt tên cho một con đường ngay giữa lòng Hà Nội. Tiếc là mọi thứ chỉ xảy ra khi ông sắp chết!

Một anh bạn trong nước cho biết thêm một điều thú vị: “ông chủ tịch tỉnh” bây giờ là bạn học cùng lớp cùng trường Trần Bình Trọng với Quan Dương. Không biết ông ta có chút xót xa nào khi đọc được tập thơ Ruột Đau Chín Khúc của Quan Dương, và nếu bây giờ gặp nhau, liệu “ông chủ tịch” có tay bắt mặt mừng, hay lại bắt thằng bạn xưa nhốt vào trại tù cải tạo thêm vài ba năm nữa ? Ôi ! cuộc chiến tranh Việt nam sao mà bi thảm quá!

Tôi từ giã Ninh-Hòa vài ngày sau Tết, nhưng không biết Quê hương mình có thực sự bước vào một mùa Xuân? Tôi nhìn thấy người ta bắt đầu phóng những con lộ lớn từ quốc lộ “đại hàn” nối về khu thị trấn. Tôi cũng mừng về những đổi thay muộn màng đó của quê hương, nhưng thầm mong những con lộ mới làm này cũng sẽ nối lại được cái tình tự của con người Ninh Hòa, người Việt Nam với nhau, cho dù trước kia, trong cuộc chiến, kẻ ở bên này người ở bên kia và bây giờ kẻ ở quê nhà còn người thì lưu lạc khắp muôn phương. Bất giác tôi lại nhớ tới những đồng đội bất hạnh nhất của tôi còn nằm lại trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, mồ mả của họ đã bị đâp phá, san bằng, người nhà không được tự do đến thăm viếng, sửa sang. Vết thương cũ trong lòng tôi nhói đau trở lại, tựa hồ như vừa có trăm ngàn vết chém.

Phạm Tín An Ninh

(Mồng bảy Tết năm Bính Tuất)


4 thoughts on “đường xưa lối cũ

  1. Nguyễn Huy Điền

    Tôi mất không biết bao nhiêu giọt nước mắt khi đọc những tự chuyện của nhà văn Phạm Tín An Ninh.

    Reply
  2. Thu B Dam

    Xin phap duoc goi ong bang anh vi co Le ong cung bang tuoi anh hai cua toi.
    Anh Ninh doc nhung truyen cua anh viet ve linh va nhung chuyen tinh linh that cam dong, vi cha toi va hai anh lon deu la linh VN CH.
    Toi chi moi 14 vao nam mat nuoc 75, nhung sao thuong nguoi linh VNCH va dan toc Viet qua.
    Xin cam on ong rat nhieu

    Reply
  3. Hai Nguyen

    Tôi rất thích đọc những truyện viết về Lính của Ông . Dù là vợ Lính nhưng tôi thấy thương quá những ngừơi Lính, vợ Lính trong tất cả tac phẩm của Ông và nhất là những mối tình cuả Lính sao mà đẹp và xót xa quá .. Cám ơn Ông đã cho tôi những bửa ăn thật thịnh soạn của tâm hồn . Chúc Ông và gia đình luôn an bình và hạnh phúc.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *