Tài sản quý giá nhứt của một con người
Chu Thập
(Nguồn : April 10, 2018 – Việt Luận Úc Châu)
Tôi thích đọc Phạm Tín An Ninh. Có những truyện tôi đọc đến ba bốn lần. Truyện nào của ông cũng là chuyện người thật việc thật. Lý do tôi thích đọc nhà văn này thật đơn giản: tôi là dân Khánh Hòa. Tôi đọc truyện của nhà văn này để sống lại tuổi thơ ở nhà quê, nhìn lại những thôn làng trong tỉnh tôi đã từng đặt chân đến, đi lại những con đường quen thuộc ở Nha Trang trước năm 1975 hay ngay cả gặp lại một người mình đã từng quen biết.
Bên cạnh lý do “thấy sang bắt quàng làm quen” ấy, tôi “mê” Phạm Tín An Ninh là vì truyện nào của ông, nếu không đầy ắp tình người thì lúc nào cũng thôi thúc người đọc đi tìm những giá trị mà tiền bạc, danh vọng, chức quyền không thể mang lại.
Mới đây tôi đọc lại truyện “Nguồn Cội Xa Xăm” trong tuyển tập “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân”, tuyển tập thứ hai của nhà văn Phạm Tín An Ninh, được tái bản tại Úc Châu hồi năm 2011. Cũng là chuyện người thật việc thật. Trong truyện, ông kể lại chuyện tình của một người bạn mà ông đã quen trong quân trường Thủ Đức. Đẹp trai, hào hoa, phong nhã và thông minh, sau khi ra trường ông bạn người Vĩnh Long này lên như diều gặp gió trong quan lộ cũng như trong tình trường. Sau một thời gian làm việc tại một quân trường ở Nha Trang, ông bạn này báo tin cho nhà văn Phạm Tín An Ninh rằng mình sắp cưới vợ và vợ ông là ái nữ của một nhà thầu giàu có ở Nha Trang. Phạm Tín An Ninh được dành cho vinh dự làm phù rể trong lễ cưới. Nhưng đám cưới đã không thành. Ông bạn người Vĩnh Long cho biết sắp đến ngày cưới, bà già vợ tương lai của ông bất thần tuyên bố từ chối cuộc hôn nhân. Lý do bà đưa ra rất cụ thể: tiền! “Bà hỏi ông già tao: Ông hỏi con trai ông là lương tháng của cậu ta có đủ cho con gái tôi mua phấn son cho nó hay không mà đòi cưới với hỏi”.
Nhưng người bạn này đã không bỏ cuộc. Áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” được nhà văn gợi ý, cuối cùng bạn ông cũng đã làm cho bà già vợ xiêu lòng và đành phải chấp nhận đám cưới.
Lanh lợi, xông xáo trong mọi tình huống cho nên khi Sài Gòn thất thủ, người bạn của Phạm Tín An Ninh cũng thành công trong việc đưa cả vợ con sang Mỹ. Tại đây chỉ sau một thời gian ngắn ông đã trở thành một doanh gia giàu có.
Giàu có, nhưng ông không cảm thấy hài lòng với cuộc sống gia đình. Về con cái, ông tâm sự với nhà văn: “Tụi nó lấy vợ Mỹ, chồng Mỹ. Bây giờ tụi nó thành Mỹ hết. Cả năm nay tao chưa gặp tụi nó. Còn bọn nó đâu có rảnh. Có vacation là tụi nó đưa vợ con nó đi đó đi đây. Lâu lâu tụi nó gọi phône hỏi thăm tao vài câu. Còn bà vợ tao nói tiếng Anh giọng Hà Nội, nên mỗi lần nhớ cháu, mới nói một hai câu là tụi nó nói không hiểu, rồi cúp phône luôn. Nghĩ lại, “lỗi tại ta mọi đàng”. Sang đây vợ chồng tao cứ lo làm giàu. Tao nghĩ ở Việt Nam, vì gia đình tao nghèo nên bị người ta khinh rẻ. Mặc dù tao cũng có chức có tước như ai. Tao nghĩ có tiền là có tất cả. Tao nhất định phải rửa cái hận nghèo. Vì vậy mà đâu có còn thì giờ để gần gũi con cái, cứ bắt tụi nó phải học, cho nó ở hẳn trong “dorm” (nội trú), không cho nó kết bè kết bạn với đám nhỏ Việt Nam, để cho tụi nó sớm thành Mỹ, mà phải là Mỹ thượng lưu, trí thức. Bây giờ nó đã thành Mỹ thiệt rồi, thì càng lúc tao thấy càng cách xa tụi nó, có khi mất luôn. Tính ra con cháu cũng cả đàn đó chứ, vậy mà bây giờ nhìn trước nhìn sau cũng chẳng có ai. Không biết về già vợ chồng tao sẽ sống ra sao đây, vào viện dưỡng lão thì chán chết”.
Riêng về quan hệ với bà già vợ, người bạn của nhà văn Phạm Tín An Ninh cho biết: sang Mỹ, ông đã mua cho ông bà già vợ một ngôi nhà cả triệu đô và giúp cho đám em vợ học hành đến nơi đến chốn. Ông giải thích: “Tao làm cho bà ấy thấy tiền bạc có nghĩa gì đâu, mà ngày xưa bả khinh rẻ gia đình tao, làm cho ba tao buồn đến phải bệnh luôn. Cả đời này tao sẽ còn hận bà”. Hận đến độ chỉ có vợ ông lâu lâu về thăm bà, còn ông thì không bao giờ muốn gặp lại bà, bởi vì “mỗi lần gặp lại bà tao lại nghĩ đến nỗi hận của ba tao”.
Thông điệp mà nhà văn Phạm Tín An Ninh muốn nhắn gởi thật rõ ràng: “Tiền bạc có nghĩa gì đâu”. Tiền bạc, nhứt là tiền bạc phi nghĩa và bất chính, không bao giờ là thước để đo giá trị của một con người. Ngay cả sự thịnh vượng của một quốc gia cũng không tự nó đủ nói lên sự vĩ đại của một đất nước. Còn có những giá trị khác mà tiền bạc và sự giàu có không thể mang lại.
Trong quan hệ giữa người với người, tôi thấy mình dễ bị đánh động và thu hút bởi một người giàu về những đức tính nhân bản và đạo đức hơn là giàu của cải vật chất hay ngay cả giàu về trí thông minh. Nói chung, những giá trị đạo đức là yếu tố quan trọng nhứt để chúng ta đánh giá về một người khác. Một cách cụ thể, tôi tôn trọng và thích người nào biết sống tử tế, biết cảm thông và có lòng yêu người hơn là một người giàu có, thông minh mà tráo trở. Sở dĩ những giá trị đạo đức và nhân bản có một tầm quan trọng đặc biệt để tôi thẩm định về giá trị của người khác là bởi vì một cách nào đó những giá trị ấy mang lại cho tôi sự tin tưởng. Khi tôi biết ai đó là một người lương thiện, có lòng thương người và biết cảm thông, thì tự nhiên tôi cảm thấy an toàn khi giao dịch và ngay cả “làm ăn” với người đó. Ở bất cứ quy mô nào và trong bất cứ lãnh vực nào cũng thế, sự tin tưởng chỉ có thể đặt trên những giá trị đạo đức.
Gần đây, ở Úc đã nổ ra vụ tai tiếng về gian lận trong vụ thi đấu Cricket tại Nam Phi. Đã hơn 2 tuần nay, hầu như ngày nào các cơ quan truyền thông ở Úc cũng đều đưa vấn đề ra mổ xẻ. Trong các bộ môn thể thao, tôi hoàn toàn mù tịt về Cricket. Có lẽ do tuổi già chăng, được giải thích cặn kẽ không biết bao nhiêu lần, tôi cũng chẳng hiểu và thưởng thức được nghệ thuật của bộ môn thể thao này. Thành ra, cứ mỗi lần có tin liên quan đến Cricket, tôi đều lướt qua hay phớt lờ. Nhưng mấy ngày vừa qua, tôi bị bắt buộc phải theo dõi tin tức về môn thể thao này là bởi vì sự gian lận của thủ quân của đội tuyển Úc bị bắt quả tang và sự gian lận này lại có liên quan đến một số cầu thủ khác cũng như giới lãnh đạo của đội tuyển. Sự gian lận trầm trọng đến độ chính Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng phải lên tiếng.
Gian lận là một hành động thuộc phạm trù đạo đức. Dù cho kỹ thuật gian lận có tinh vi đến đâu, nó vẫn là một hành vi vô đạo đức và chẳng có ai tán thành hay ca ngợi một hành vi vô đạo đức cả. Sự gian lận đã làm cho sự nghiệp thể thao của không biết bao nhiêu tuyển thủ tan thành mây khói.
Trong sinh hoạt chính trị cũng thế thôi. Đặc biệt ở Mỹ, dường như người ta xem trọng các giá trị đạo đức trong sinh hoạt chính trị. Trăng hoa nham nhở một chút mà bị khám phá là tiêu tan sự nghiệp. Lỡ có thành tích hành hung vợ cũ thôi một ông phụ tá của Tổng thống Donald Trump phải từ chức. Chuyện lùm xùm của ông Trump với một cô người mẫu hay một nữ tài tử đóng phim khiêu dâm cũng bị bới móc và đàm tiếu. Nhiều người nhớ lại chuyện tai tiếng tình dục khiến Tổng thống Bill Clinton suýt bị bãi nhiệm. Nói chung, khác với các nước Tây Phương, như Pháp chẳng hạn là nơi mà xem ra người dân vẫn tỏ ra tỉnh bơ trước việc một ông tổng thống có vợ bé hay một ông tổng thống đêm đêm cải trang và leo lên xe mô tô để đi thăm bồ, người dân Mỹ nói chung xem trọng những giá trị đạo đức mà những người cầm cân nẩy mực luôn được đòi hỏi phải tôn trọng, thực thi và xiển dương. Người ta không chỉ đánh giá một nguyên thủ quốc gia dựa trên tài kinh bang tế thế, mà còn trên những giá trị đạo đức nữa. Xét cho cùng sức mạnh của một quốc gia không chỉ được thể hiện qua một quân đội hùng mạnh, những vũ khí tối tân, một nền kinh tế mạnh hay mức thất nghiệp thấp, mà còn qua những phúc lợi tinh thần nữa. Xét cho cùng, cũng như trong việc đánh giá một cá nhân, các giá trị đạo đức cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu để thẩm định về sức khỏe của một đất nước. Dân giàu nước mạnh đâu chỉ là chuyện súng đạn và cơm bánh, mà còn ở những giá trị đạo đức và nhân bản làm nên con người.
Trong các cộng tác viên của Tổng thống Trump bị ông sa thải hay tự ý từ chức, tôi thấy “thích” cựu Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson. Cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty ExxonMobil này nổi tiếng là một nhà thương thuyết tài ba. Nhưng với vai trò ngoại trưởng Mỹ trong 13 tháng vừa qua, theo nhận định của nhiều cơ quan truyền thông, ông đã chẳng lập được thành tích đáng kể nào. Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên, theo một lời tuyên bố của Tổng thống Trump, người chỉ muốn tiêu diệt một quốc gia Bắc Hàn côn đồ bằng “nộ khí và lửa”, thì Ngoại trưởng Tillerson chỉ làm “mất giờ” vô ích mà thôi. Không biết có phải vì làm “mất giờ” hay vì dám gọi Tổng thống Trump là một kẻ “ngu đần” (moron) không mà Ngoại trưởng Tillerson đã bị sa thải chỉ bằng một cái “tuýt” của Tổng thống Trump.
Có thể tôi chủ quan, nhưng sở dĩ tôi “thích” ông là vì dựa vào những tiêu chuẩn thông thường mà tôi thường có để đánh giá về người khác. Tôi thấy có thể đặt tin tưởng nơi một mẫu người như ông. Trong suốt 13 tháng làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã chẳng để lại một câu nói nào đáng ghi nhớ. Nhưng trong bài diễn văn từ giã đọc trước toàn thể nhân viên của Bộ Ngoại giao hôm thứ Năm 22 tháng Ba vừa qua, ông đã biểu lộ một nhân cách đáng kính phục. Tôi ghi nhận được một lời khuyên nổi bật trong bài diễn văn của ông: “Đừng bao giờ xem thường tài sản quý giá nhất mà các bạn đang có: đó là danh dự của quý vị! Chẳng có ai trong các bạn được ban tặng cho điều đó. Các bạn được sinh ra cùng với nó. Nó thuộc về các bạn và mãi mãi thuộc về các bạn và chỉ một mình các bạn mà thôi. Chỉ có các bạn mới rời bỏ nó hay cho phép nó bị cướp mất vì thỏa hiệp. Nếu các bạn để cho điều đó xảy ra, thì rất khó mà lấy lại nó. Các bạn hãy gìn giữ nó như tài sản quý giá nhất mà các bạn đang có”
Chu Thập
(http://abcnews.go.com/Politics/spirited-town-tillersons-goodbye).
Có thể ông Tillerson đã thất bại trong vai trò ngoại trưởng. Nhưng với tôi, ông đã thực sự thành công và thành công lớn nhứt của ông chính là trong một môi trường chính trị xôi thịt, bát nháo, ông đã bảo tồn được tài sản quý giá nhứt của một con người mà tiền bạc và địa vị không thể cướp mất được. Tài sản đó chính là danh dự!