Viết Về Các Chiến Hữu Của Tôi
Song Vũ
( Song Vũ là bút hiệu của cựu Trung Tá Ngô Văn Xuân, tốt nghiệp Khóa 17 VBQGVN, nguyên là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 thuộc SĐ 23 BB. Một đơn vị thiện chiến, lực lượng chính đánh tan SĐ 320 Điện Biên của CSBV, tạo bao chiến tích lẫy lừng, giữ vững thành phố Kontum trong mùa hè 1972)
Những ngày tháng sau hiệp định Paris 27 tháng 1 năm 1973 đối với các đơn vị đang chiến đấu là một khoảng thời gian dở khóc dở cười. Cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn nhưng danh nghĩa chiến tranh thì không. Những thương thảo giữa các phái đoàn 4 bên VNCH-HK-VC-CSBV sau những thủ đoạn mánh lới, cuối cùng cũng đã mang đến một bản hiệp ước mà bên nào cũng giải thích cho rằng mình thắng lợi! Duy có một sự thực không thể chối cãi là máu vẫn còn tiếp tục đổ trên lãnh thổ miền Nam vĩ tuyến 17.
Về mặt quân sự, hình thái tác chiến cũng đổi. Cộng quân chuyển sang thế chủ động tấn công, quân đội ta rút về vị thế phòng thủ vừa tuyến vừa khu vực tùy tình hình chiến sự của từng vùng chiến thuật. Trong lúc ấy quân đội Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào việc rút chân ra khỏi cuộc chiến và áp lực bạn đồng minh phải tuân thủ các điều khoản trong hiệp định! Các đại đơn vị chính quy Miền Bắc sau thời gian nghỉ khỏe lần lượt lên đường vượt vĩ tuyến 17. Các đơn vị địa phương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bò ra khỏi mật khu đánh phá lấn chiếm các thị xã, thị trấn và các trục giao thông. Ngọn roi chí tử B52 không còn, các đơn vị chính quy cộng sản di chuyển nhởn nhơ giữa ban ngày trên các trục xâm nhập. Đặc biệt trên đường mòn Hồ Chí Minh, các đoàn xe dài hàng chục cây số nối đuôi nhau chuyên chở vật liệu, quân cụ và người di chuyển ngày đêm. Có lẽ trong quân sử thế giới, chưa có một đạo quân nào như chúng ta đã phải chiến đấu trong một tình trạng tồi tệ đến như thế. Quân trang dụng, đạn dược bị hạn chế, những cấp lãnh đạo chiến tranh tất bật với những mưu toan tranh đoạt lẫn nhau, thậm chí ngồi làm vì cho có vẻ đoàn kết. Thủ đô Sài Gòn hỗn loạn, không ngày nào không có biểu tình tranh đấu cho đủ mọi thứ rắc rối trên đời.
Trong một tình hình hỗn loạn như thế, đòi hỏi người lính chiến VNCH phải tác chiến có hiệu quả cao có phải là một ảo tưởng không? Thành ra, việc sụp đổ của cuộc chiến trong ngày 30 tháng 4, 1975 là một hệ quả có thể hiểu được và tiên đoán được. Điều đáng buồn là cho đến ngày nay, nhiều vị từng giữ những chức vụ then chốt trong cuộc chiến vẫn chưa nhận ra trách nhiệm của mình. Cuộc đổ lỗi lòng vòng từ các vị nguyên thủ xuống thứ dân, từ người ngoại cuộc sang người cầm súng trực tiếp còn có cơ kéo dài miên man.
Cuộc chiến tranh tự vệ vừa qua là cuộc chiến của chúng ta, những người quốc gia bảo vệ đất nước chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản. Do vậy, khi chúng ta thua trận, mất nước, toàn thể những ai còn nhận mình là người quốc gia đều có lỗi. Lỗi nặng nhẹ tùy theo vị trí và vai trò của mình trong hàng ngũ chiến đấu. Phải xác định như thế để có thể tìm ra những bài học hữu ích cho lịch sử dân tộc, cho các thế hệ tiếp nối và đề ra được những đối sách hiệu quả trong tình hình mới. Còn nếu không, chúng ta sẽ cứ mãi phân hóa, chia rẽ trong đội ngũ và những ước mơ về tương lai sáng lạn của dân tộc vẫn sẽ mãi mãi chỉ là những ước mơ.
Trong thất bại chua cay tháng Tư năm ấy, đành rằng nạn nhân là tất cả những ai đã từng đứng chung và hãnh diện chung dưới một mầu cờ vàng ba sọc đỏ. Nhưng không ai có thể phủ nhận được những thiệt thòi, bất công và sự điêu linh thống khổ cùng những hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ QLVNCH. Họ là những người đã coi nhẹ mạng sống của chính mình trong một cuộc giao chiến mà giỏi lắm là thủ huề ! Nhìn lên trên những người chỉ đạo cuộc chiến, các nhà lãnh đạo chính trị đã không thực tâm sống chết với dân tộc. Hãy nhìn sang ngay một lân bang sát cạnh chúng ta. Tôi còn nhớ rõ những cảm xúc dào dạt của mình khi đọc tin trên báo chí trong những ngày tháng 4 năm ấy khi xem lá thư từ chối việc ra đi của thủ tướng Cam Bốt Sirik Matak gởi cho đại sứ Hoa Kỳ John Gunther Dean. Thậm chí ngay cả đến em ruột của thủ tướng Lon Nol, tướng Lon Non đang chỉ huy quân đội, biết chắc chắn họ sẽ mạng vong khi rơi vào tay quân địch. Nhưng họ đã chấp nhận điều ấy trong sự can trường hào hùng của một cấp lãnh đạo. Họ đã chết theo cái chết của dân tộc Cam Bốt trong cơn cuồng sát tự diệt của Khờ Me đỏ!
Cũng còn may cho chúng ta trong những giờ phút bi tráng nhất của lịch sử dân tộc trong tháng Tư năm ấy. Chúng ta cũng đã có những gương hy sinh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng tương tự. Trong quân sử VNCH chúng ta sẽ vẫn mãi mãi tự hào về những tướng lãnh vị quốc vong thân trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến: Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú và những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ khác được biết đến tên tuổi hoặc vô danh. Sự hy sinh của họ theo cung cách của một quân nhân vừa biểu lộ lòng ân hận với dân tộc vì đã không làm tròn bổn phận của một người lính bảo vệ đất nước, vừa là lời khẳng định quyết liệt không thể cùng tồn tại chung một bầu trời với quân thù. Cái chết của họ đã tự nói lên sự hào hùng dũng cảm của một đạo quân từng làm nên bao chiến tích.
Đời sống con người thực sự có những giới hạn rất ngặt nghèo. Dù cho có ở những địa vị trùm thiên hạ, tiền muôn bạc đống cũng chẳng thể kéo dài đời sống ra được. Nhưng ngược lại, con người có thể làm cho nó ngắn đi theo mong muốn của mình, một thứ cướp quyền của Thượng đế! Lẽ sống chết, tử sinh trong vai trò cuả một chiến sĩ là một điều gì đó rất lạ lùng. Có những quyết định chỉ hiện đến trong giây lát, có vẻ như rất tình cờ, nhưng thực ra nó đã được hình thành trong suốt chặng đường suy tưởng và va chạm với thực tế. Những hành động dũng cảm, liệt oanh của các vị anh hùng liệt sĩ trong quân sử ta là một dẫn chứng điển hình. Chắc hẳn khi tự chọn lấy cái chết cho mình, từng vị chẳng hề nghĩ rằng sau khi mình nằm xuống sẽ còn có cơ hội để những người khác tưởng nhớ tới. Ý nghĩ chết theo với sự tan rã của một đạo quân từng dưới quyền chỉ huy của mình, chỉ là sự thể hiện lòng trách nhiệm với quốc gia dân tộc và đặc biệt là sự trung thành với lý tưởng mà họ đã theo đuổi; với sự nhận thức rõ ràng về danh dự cuả một chiến binh với đồng đội của mình.
Trong quân sử thế giới, khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh, nhiều sĩ quan cao cấp cuả quân đội Nhật cũng đã từng bầy tỏ lòng trung thành với đất nước y như thế. Duy có điều, cái chết của họ ít ra cũng còn được người chịu trách nhiệm cao cấp nhất là Hoàng đế Hirohito ghi ơn và làm gương để đưa nước Nhật vào một trang sử mới. Còn các liệt sĩ cuả chúng ta thì không; thậm chí còn tệ hơn, khi những vị thượng cấp cuả họ có người vẫn còn bất cố liêm sỉ tới mức độ sẵn sàng thỏa hiệp với kẻ thù để mưu cầu quyền lợi tư riêng được ngụy trang dưới lớp vỏ bọc vì quyền lợi của đất nước, dân tộc! Tháng Tư năm nay lại đến, các chiến hữu nổi danh một thời nay đã đi rất xa, đến một vùng trời bình yên không còn lửa đạn và thù hận. Nói theo danh tướng Mac Arthur, những người lính già ấy chỉ mờ dần theo thời gian.
Tháng 7 năm 1972, mặt trận Cao nguyên đã trở lại bình thường. Sau ba đợt tấn công mưu đồ chiếm Kontum để lập thủ đô cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) của cộng sản thất bại. Thế trận trở lại giằng co. Lúc đó các lực lượng chính của mặt trận B3 lui dần vào các mật khu để tái tổ chức, bổ sung quân số và trang thiết bị. Những đơn vị trực thuộc của Sư đoàn 23BB/VNCH cũng được tái phối trí phòng thủ mở rộng vòng đai tỉnh lỵ Kontum và tung các cuộc hành quân an ninh xa ngoài vòng đai hàng chục cây số.
Tháng 9 tôi bị thương sau đợt pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly của địch khi vừa bước chân ra khỏi trung tâm hành quân của Trung Đoàn 44 đặt tại Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 24 cũ. Tôi bàn giao đơn vị cho đại tá Võ Hữu Hạnh để trở về điều trị vết thương tại quân y viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. Sau hơn hai tháng điều trị và nghỉ dưỡng thương tôi trở lại trình diện BTL/SĐ tại Kontum. Lúc này tướng Trần Văn Cẩm đã thay thế tướng Lý Tòng Bá làm Tư lệnh Sư đoàn. Tôi được chỉ định giữ chức vụ Trưởng phòng Ba (Phòng Hành quân và Huấn luyện) thay thế cho Trung tá Điều Ngọc Chánh nguyên trước đây từng là trung đoàn trưởng của tôi. Trung tá Chánh thuyên chuyển về Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia tại Sài gòn. Tưởng cũng nên nhắc lại trong khoảng thời gian tương đối ngắn từ cuối năm 1972 đến giữa năm 1973 đã có nhiều thay đổi cấp chỉ huy trong Sư đoàn. Trung đoàn 44 do Trung tá Nguyễn Hữu Lữ từ Sư Đoàn 2BB điều về làm trung đoàn trưởng. Đại tá Võ Hữu Hạnh từ Trung Đoàn 44 chuyển qua làm Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 45 một thời gian ngắn sau đó bàn giao lại cho Đại tá Phùng Văn Quang. Trung Đoàn 53 do Trung tá Võ Ân được điều từ Sư Đoàn 22BB qua giữ chức vụ trung đoàn trưởng thay thế cho Đại tá Trần Văn Chà bị thương nghỉ điều trị.
Trong những cuộc họp hành quân và qua các buổi tham dự thuyết trình hàng ngày để cập nhật tình hình địch bạn; thời gian đó tôi quen biết Trung tá Võ Ân. Nhận xét đầu tiên của tôi về anh là tính tình cởi mở và vui vẻ trong giao tiếp rất dễ gây thiện cảm cho người tiếp xúc với anh lần đầu. Vì anh xuất thân từ một tiểu đoàn trưởng giỏi kinh qua kinh nghiệm tác chiến từ cấp trung đội trưởng trở lên nên nói chung việc chỉ huy tác chiến đối với anh không có trở ngại gì. Anh người Huế và xưng hô với bạn hữu cùng trang lứa luôn dùng “tau” và “cụ mi” nghe cũng ngồ ngộ. Các sĩ quan tham mưu chính của Sư đoàn lúc đó ngoại trừ Đại tá Bùi Hữu Khiêm, Tham mưu trưởng, một sĩ quan Pháo Binh tốt nghiệp khóa 3 Thủ Đức là lớn tuổi, tính tình trang nghiêm đạo mạo, đám còn lại chúng tôi tương đối trẻ hơn nên sinh hoạt cũng thân mật và vui hơn. Trưởng phòng Một là Trung tá Dương Đức Sơ cùng khóa 17VB với tôi. Trung tá Điều Ngọc Chuy trưởng phòng Hai tốt nghiệp khóa 16 VB, trước tôi một khóa. Tôi là trưởng phòng Ba. Trung tá Nguyễn Khoa Đài khóa 4 Thủ Đức, trưởng phòng Tư. Trưởng phòng Tổng quản trị là Trung tá Nguyễn Xuân Thắng cùng khóa với Chuy, sau đó ít tháng bàn giao cho Trung tá Lợi.
Từ cuối năm 1972 cho tới trước ngày hiệp định Paris được ký kết chừng một tháng tình hình Kotum sôi động trở lại. Thực ra điều này không nằm ngoài những ước tính tình báo của Sư đoàn căn cứ trên các tin tức kỹ thuật chúng tôi thu thập và qua cung từ hồi chánh và tù binh chúng tôi bắt được. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận rõ âm mưu của cộng sản gia tăng các cuộc lấn đất giành dân và áp lực quân sự nhằm hỗ trợ cho các đòi hỏi chính trị trên bàn hội nghị lúc đó. Đó chính là thời gian trận Trung Nghĩa xẩy ra.
Trung Nghĩa là một khu dân cư nằm ở phía tây thành phố Kontum giới hạn bởi hai nhánh sông Dak Bla ở hướng nam và Dak Kron ở hướng tây. Phía bắc là ngọn Ngok Bay cao độ 669 mét là ngọn núi cao nhất trong khu vực hành quân đang do địch quân kiểm soát là mục tiêu rất khó chịu. Lực lượng phòng thủ chính là Trung đoàn 44 và các đơn vị ĐPQ, NQ của Tiểu khu Kontum. Vì các Trung đoàn 45 và 53 trách nhiệm khu vực bắc Kontum nên BTL/SĐ yêu cầu BTL/Quân Đoàn 2 tăng cường lực lượng ngõ hầu tổ chức hành quân quy mô tảo thanh các lực lượng địch trong khu vực Trung Nghĩa.
Bộ Tư lệnh Quân Khu 2 đã điều động Trung đoàn 42 từ Bình Định lên tăng cường. Lực lượng tham chiến của cộng sản chủ lực là Trung đoàn 24, 95 và 66 luân phiên tấn công và một số đơn vị đặc công, pháo và hoả tiễn thống thuộc hỗ trợ. Trận đánh kéo dài từ khoảng cuối tháng 8 cho tới đầu tháng 9 thì kết thúc. Các lực lượng cộng sản chịu tổn thất nặng đành phải bỏ dở mục tiêu rút về hướng bắc. Trung đoàn 42/SĐ22 sau khi hoàn thành nhiệm vụ được lệnh dời khu vực hành quân trở về lại vùng duyên hải. Trong đêm ăn mừng chiến thắng trận Trung Nghĩa, Đại tá Thông có nhã ý mời anh em chúng tôi một bữa cơm thân mật tại nhà hàng Thiên Nam Phúc ngay tại thị xã.
Bữa ăn gồm niên trưởng Nguyễn Cao Vực khóa 13, Tiểu đoàn trưởng 230 Pháo binh; Thiếu tá Đinh Ngọc Thạch khóa 15VB, Trung đoàn phó 45; Dương Đức Sơ trưởng phòng 1/SĐ; Điều ngọc Chuy trưởng phòng 2/SĐ; bác sĩ Tường tiểu đoàn trưởng 23 Quân y; và tôi trưởng phòng 3/SĐ. Tưởng cũng nên nói thêm khi còn là Sinh viên Sĩ quan Võ Bị, niên trưởng Thông và tôi cùng ở chung đại đội 7 SVSQ. Anh người cao lớn và da ngăm đen mắt hơi lộ nên các bạn trong khóa 16 gọi anh bằng một cái tên nghe rất ngộ: Thông Lumumba. Thực tình tôi cũng không hiểu tại sao tên anh lại được gắn với tên của ông tổng thống xứ Congo này, tôi đoán chừng là tại ngoại hình của anh chăng? Anh vốn dĩ là một người tu xuất nên tính tình thuần hậu hiền lành, trước các lời trêu chọc của các bạn đồng khóa, anh chỉ mỉm cười vui vẻ. Anh tốt nghiệp tháng 11 năm 1962 và được điều về Sư đoàn 1 ở Huế là quê hương của anh, còn tôi về Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho. Tính từ ngày ra trường đến lúc gặp lại, chúng tôi đã xa cách nhau gần 10 năm!
Tôi còn nhớ trước khi bắt đầu bữa ăn, anh mang ra ba chai rượu whiskey hiệu Black and White, là món khó kiếm trong thời gian đó ở Kontum. Anh đĩnh đạc nói: “Hôm nay tôi mời các bạn ăn bữa cơm thân mật, trước là mừng ngày gặp gỡ các niên trưởng Vực và Thạch, các bạn khóa 17, bạn Chuy và bác sĩ Tường. Tôi cũng muốn nói lời cám ơn các bạn đã giúp đỡ đơn vị tôi trong suốt thời gian hành quân vừa qua. Ngày mai chúng tôi sẽ trở lại Bình Định, tôi muốn chúng ta vui với nhau đêm nay để kỷ niệm buổi gặp gỡ thân mật này.” Bác sĩ Tường là người lên tiếng trước tiên: “Nếu uống hết rượu đại tá cho chúng tôi uống thêm bia nữa chứ?” Anh Thông cười “Uống líp, tôi bao hết.” Khi người hầu bàn mang thực đơn ra anh giao cho từng người kêu món mình thích. Bàn qua tán lại cuối cùng chúng tôi kêu món gà gói giấy là món ăn có tiếng của tiệm này, thêm món mì xào thập cẩm và thịt bò xào lăn. Đại tá Thông nói tiếp: “Moi không uống được rượu thành ra xin lỗi moi sẽ uống nước ngọt còn các toi cứ dùng tự nhiên.” Và sau đó anh kêu một chai xá xị ngồi nhâm nhi với đĩa đậu phọng rang mang ra ngay từ đầu.
Khi nhà bếp nhận xong món đặt làm và bắt đầu chế biến đun nấu thì cũng là lúc chúng tôi kêu nước đá và soda để mở rượu uống. Chắng biết cao hứng thế nào chưa đầy 20 phút, chai rượu đầu tiên cạn láng. Từ đó cả bàn sáu người chúng tôi bắt đầu nóng máy. Bác sĩ Tường giành khui chai rượu thứ hai đổ cạn vào 6 chiếc ly trên bàn. “Dô, dô trăm phần trăm mừng đại tá Thông cùng Trung đoàn 42 và buổi gặp gỡ đêm nay!”
Tường nâng ly lên mời và chúng tôi lại uống. Khi chai rượu thứ ba khui cũng là lúc món gà gói giấy và bò xào được mang ra để trên bàn. Bàn nhậu trở nên nóng bỏng vì các tiếng dô dô và niên trưởng Thạch là người khui chai này. Chai whiskey Black and White thứ ba cũng được thanh toán gọn lẹ trong chiều hướng ngưu ẩm như thế rất chóng vánh và cả sáu người chúng tôi bắt đầu quờ quạng. Bác sĩ Tường là người đầu tiên ói và lui hui chui dưới ghế để tìm lối đi ra! Niên trưởng Vực, Thạch, Sơ và tôi cùng mờ mịt hết thấy đường về. Chỉ riêng niên trưởng Chuy là còn tương đối tỉnh táo. Tôi nghe giữa những lời đàm thoại có tiếng Đại tá Thông: “Ơ này các bạn phải ăn đi chứ, đồ ăn kêu ra rồi mà không ai chịu ăn gì hết vậy!?”
Sáng hôm sau trong buổi tiễn đưa Trung đoàn 42 rời khu vực hành quân trở về hậu cứ chúng tôi có mặt đầy đủ nhưng đầu óc lừ đừ mụ mị. Tôi nhớ mãi nụ cười hiền hòa của đại tá Thông và câu nói với chúng tôi: “Moi sợ mấy toi luôn, uống gì đâu mà như trâu uống nước ruộng!” Chúng tôi dơ tay chào anh và cũng từ bữa nhậu không thể nào quên đêm ấy ngờ đâu lại là lần gặp gỡ cuối cùng với anh.
Đại tá Thông cùng đơn vị của anh trở về với vùng Bình Định cũng đang sôi sục mùi thuốc súng. Sư đoàn 23 BB cho đến giữa năm 73 sau khi hiệp định Paris được ký kết lại thêm một lần tái phối trí lực lượng. Trung đoàn 44 của trung tá Lữ tiếp tục ở lại Kontum. Trung đoàn 45 của đại tá Quang trở về hoạt động khu vực giữa đèo Tử Sĩ và Hàm Rồng. Trung đoàn 53 của Trung tá Võ Ân về lại Ban Mê Thuột. Bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn đặt tại Hàm Rồng.
Tháng 7 năm 73 tình hình quân sự thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Đức trở nên sôi động. Các đơn vị chính quy của địch từ Bình Long, Phước Long tăng cường đánh phá mở rộng vùng kiểm soát vào khu vực giao tiếp giữa vùng 3 và vùng 2 khu quận Kiến Đức thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Đức. Bộ tư lệnh Sư đòan 23 và trung đoàn 53 từ Ban Mê Thuột di chuyển đi Quảng Đức để ứng phó tình hình. Vùng giao tranh chính là nơi một đơn vị ĐPQ của tỉnh, trú phòng tại Bù Binh đang bị uy hiếp nặng nề và sau đó bị tràn ngập. Khu vực hành quân là vùng đồi núi có cao độ trung bình 600m. Quốc lộ 14 chạy vòng vèo giữa hai bên đồi núi chập trùng, sâu hai bên trong quốc lộ khoảng 2 đến 3 cây số là hai con sông nhỏ Dak Kar ở phía nam và Dak R’Lap chảy song song theo hướng đông bắc tây nam cùng hướng với quốc lộ ở hướng bắc. Một vị trí lý tưởng cho các cuộc vận động phục kích, công đồn đả viện của địch.
Đại đội 23 Trinh sát của sư đoàn được tung vào trận địa đầu tiên sau khi mục tiêu là đồn Bù Binh được pháo binh và không quân dọn dẹp xong. Trung úy Giáo đại đội trưởng là một sĩ quan giàu kinh nghiệm và rất gan dạ cùng toán viễn thám đầu tiên đổ xuống ngoài vòng thép gai của đồn để trực tiếp xung phong chớp nhoáng vào mục tiêu. Cuộc chạm súng ngắn ngủi và đại đội này chiếm lại được vị trí phòng thủ của địch với tổn thất nhẹ. Cuộc hành quân khởi đầu có vẻ thuận lợi. Chuẩn tướng Lê Trung Tường ra lệnh tổ chức phòng thủ. Chiều xuống mau. Ban đêm đại đội trinh sát báo cáo nghe nhiều tiếng động của cơ giới từ hướng Bình Long kéo lên. Vừa hừng sáng hôm sau đại đội trinh sát báo cáo bị pháo kích nặng và xin ‘không yểm’ để ngăn chặn các cuộc xung kích của địch. Tướng Tường nhận định nếu để đại đội trinh sát cố thủ tại vị trí sẽ gây tổn thất cho đơn vị này trước lối đánh biển người của địch. Ông bí mật nói cho Trung úy Giáo hiểu ý định vể kế hoạch triệt thoái khỏi mục tiêu để ông rộng tay sử dụng hỏa lực.
Các phi tuần khu trục vần vũ suốt ngày đánh phá, ngăn chặn địch để yểm trợ cho đại đội trinh sát cắt vòng rào rút về hướng đông nam. Sau khi hoàn tất việc rút quân, trời đã về chiều. Không quân ra khỏi vùng hoạt động, pháo binh sử dụng hỏa lực thay thế yểm trợ cho đơn vị bạn. Đồng thời Trung đoàn 53 từ quận Kiến Đức xuất phát tham gia giải tỏa áp lực địch.
Tưởng cũng nên nhắc lại tình hình chiến sự trong giai đoạn này. Vì tuân thủ theo những điều kiện đã được quy định trong hiệp định Paris nên những hoạt động quân sự của chúng ta lúc đó là tổ chức phòng thủ khu vực hoặc tuyến trên lãnh thổ cả bốn quân khu. Ngược lại, những đơn vị cộng sản gia tăng vận chuyển quân trang dụng và người từ miền Bắc bổ sung cho chiến trường miền Nam để tổ chức các cuộc tấn công quy mô đều trên cả bốn vùng chiến thuật. Ngoài chiến xa được sử dụng rộng rãi trên các chiến trường lớn từ đầu năm 1972, địch còn được trang bị loại hoả tiễn cá nhân SA-7 của Liên xô chế tạo để bắn hạ máy bay. Những vũ khí này chỉ được sử dụng hạn chế để thử nghiệm trong thời gian trước đó ở vùng 1 thì tới giai đoạn này đã được trang bị rộng rãi cho các đơn vị bộ binh của họ ở vùng 2.
Trận đánh giải tỏa áp lực địch tại Bù Binh là trận đánh đầu tiên loại hỏa tiễn này được địch quân sử dụng tối đa. Và trận đánh thứ hai họ cũng sử dụng tối đa loại vũ khí lợi hại này hơn một năm sau khi địch quân tấn công Ban Mê Thuột. Tôi nhớ tới những giờ phút ngồi trên trực thăng chỉ huy C&C trong trận đánh ấy mà thấy thương mến các chiến hữu không quân của mình. Lúc đầu là phản lực, tiếp theo là trực thăng và sau cùng là quan sát, tất cả các bạn tôi phần nhào lộn bắn phá mục tiêu hỗ trợ quân bạn dưới đất, phần nhào lộn như làm xiếc tránh né hỏa tiễn cầm tay của địch. Đầy trời là những đốm khói đen trắng xen kẽ nhau, khói của hỏa tiễn nổ hụt mục tiêu, khói của các trái khói lân tinh của các máy bay trực thăng do các xạ thủ đại liên liệng ra nổ ngoài trời để thu hút hỏa tiễn tìm nhiệt của địch.
Tôi cũng nhớ tới tiếng Ân báo cáo về Trung tâm Hành quân Sư đoàn khi anh tịch thu được 11 cây 57 ly! (thực ra sau đó, qua tài liệu của Phòng Hai, chỉ là các vỏ ngoài của loại hỏa tiễn tầm nhiệt này, lần đầu tiên chúng tôi thấy được trên chiến trường Cao nguyên!) Cuộc chiến rõ ràng có sự chênh lệch hẳn về mặt vũ khí. Bên địch được trang bị vũ khí ngày càng tối tân và đầy đủ hơn còn phía chúng ta lại bị hạn chế về sử dụng đạn dược, quân nhu và nhất là không được dùng loại oanh tạc cơ B52 một thứ khắc tinh đối với địch quân, chiếu theo hiệp định Paris!
Trung đoàn 53 và Đại đội 53 Trinh sát quần thảo với địch gần mười ngày với tổn thất nặng cho cả hai phía. Sau cùng địch cũng phải rút quân khỏi khu vực và Trung đoàn 53 trở về quận Đức Lập thuộc tỉnh Đắc Lắc nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số. Trên đường từ Quảng Đức trở về lại Ban Mê Thuột, Tướng Tường, Chuy và tôi có ghé lại Bộ chỉ Huy trung đoàn 53 của anh đóng cách quận lỵ chừng hai cây số trên quốc lộ 14 nối Quảng Đức đi Đắc Lắc.
Võ Ân ra đón chúng tôi. Nhìn khuôn mặt anh tươi tắn trẻ trung tuy rất mệt mỏi sau gần mười ngày hành quân mà cảm thông sự vất vả ưu tư trên nét mặt anh lúc đó. Nói thật lòng, nếu anh mặc áo trắng quần dài xanh, không ai có thể nói anh là một sĩ quan cao cấp và đang đảm nhiệm một chức vụ quan trọng như thế. Anh có dáng dấp một cậu học trò cấp ba hơn là một võ quan.
Tháng 3 năm 1974 tôi nhận được quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu trở ra lại đảm nhiệm chức vụ trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 thay thế cho Trung tá Nguyễn Hữu Lữ thuyên chuyển về Quân đoàn 2 chờ lệnh. Rồi tôi đi Kontum nhận đơn vị, sau đó trở về Pleiku hành quân vùng căn cứ 801. Từ đó tôi chỉ thỉnh thoảng gặp lại Ân trong các cuộc họp hành quân sư đoàn, bởi vì trung đoàn của Ân phụ trách khu Đắc Lắc và Quảng Đức.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Ban Mê Thuột bị tấn công. Tôi còn nhớ mãi những bàng hoàng khi đựơc tin hơn nửa đơn vị cuả mình đã không thể không vận tới nhập cùng mũi tấn công với Trung đoàn 45 như theo kế hoạch dự trù để tiến vào giải cứu Ban Mê Thuột. Nhìn về hướng thị xã, khói lửa ngút trời. Những đoàn người thuộc đủ mọi thành phần, đủ sắc dân lũ lượt kéo nhau chạy về hướng biển. Những nét mặt ngơ ngác, thất thần, những đôi mắt không còn nước mắt để khóc. Sự khổ đau tột cùng hiện nguyên hình trên khuôn mặt họ đã nói lên điều mà lời nói trở thành vô dụng không diễn đạt đựơc. Tôi cũng nhớ tới những báo cáo nghe thật buồn của đơn vị bạn khi trình lên thượng cấp những tổn thất về các cuộc chạm súng với địch mà phần hoả lực yểm trợ pháo binh cuả ta là số không. Chỉ còn những chiến sĩ võ trang bằng máu hồng, xương trắng, một lòng yêu quê hương dân tộc chống trả lại chiến xa đại pháo của địch quân đang nã đạn dồn dập vào họ. Và những chiến hữu không quân cũng đang vừa yểm trợ vừa làm xiếc với hỏa tiễn SA-7 của địch trên vùng trời Ban Mê Thuột lúc đó!
Tôi nhớ tới những cuộc đối thoại ngắn ngủi với Võ Ân đang cố thủ trong vòng đai phòng thủ phi trường Phụng Dực, mà qua những lời nói đứt đoạn, tôi vẫn hình dung ra được niềm hy vọng tràn trề của anh trong ao ước bắt tay được với chúng tôi đang trên đường đi vào thị xã trong ngày 12 tháng 3 năm ấy. Rồi sau đó chỉ ít ngày, chiều 16, tôi nghe tiếng Thiếu tá Cẩm, trưởng phòng 3 Sư đoàn chuyển lệnh cho anh rời khỏi căn cứ. Trong quân sử VNCH, cuộc chiến đấu oanh liệt này là một trong những nét son cuối cùng trước khi sang trang.Với quân số khoảng 2 tiểu đoàn trong một căn cứ phòng thủ không thuộc loại kiên cố kiểu pháo đài bởi vì đó chỉ là một hậu cứ tiếp liệu, không có hoả lực hùng hậu của Pháo binh hoặc Không quân hỗ trợ, đơn vị của anh đã chiến đấu với tất cả nỗ lực vô song của mình để chống trả một lực lựơng tấn công với quân số địch quân đông gấp nhiều lần, có xe tăng và pháo hỗ trợ.
Mặt trận Ban Mê Thuột (BMT) nằm trong biển lửa hỏa lực và các đợt xung phong của địch muốn mau chóng thanh toán chiến trường, cứ điểm của anh là một ốc đảo nhỏ nhoi, đơn vị của anh đã chiến đấu đơn độc như thế để sống còn. Sau này khi mở đọc hồi ký cuả các tướng lãnh cộng sản viết về trận đánh BMT, về đơn vị của anh, trận đánh của anh vẫn bị xỉ vả, chửi rủa nhiều nhất! Cái kết thúc bi hùng của trận đánh nằm ở chỗ này: Sau nhiều ngày vây đánh liên tục, các lực lượng chủ công của địch đành phải bỏ qua mục tiêu khó gặm mà tiếng quân sự gọi là “By pass” để thanh toán các mục tiêu khác. Đơn vị cuả Ân cũng chẳng đầu hàng, anh nhận được chỉ thị của thượng cấp rời bỏ vị trí. Trận đánh không có đợt xung phong cuối cùng bởi vì người công không thể chiếm lĩnh trận địa nếu không chịu một tổn thất to lớn và người thủ mặc dù không còn ở lại cứ địa nhưng đã thực sự làm xong trách nhiệm của mình. Hậu quả của trận đánh còn kéo rất dài sau đó khi Sài Gòn thất thủ, anh vẫn còn bị gọi lên trình diện Ủy ban Quân quản để viết lại toàn bộ diễn tiến trận đánh này. Tính tình anh bình dị, dễ mến. Trong chỗ bạn bè thân thiết, anh thuộc loại hiền lành không thích lý sự, ba hoa.
Lúc gặp lại nhau tại Sài gòn sau nhiều năm tháng bị tù đầy cộng sản, tôi thấy anh hầu như vẫn chẳng mấy thay đổi. Vẫn thân hình gầy gò, xương xẩu, tuy nét mặt có vẻ đăm chiêu hơn ngày nào. Tôi bảo anh: “Tớ thấy cậu chẳng ốm đi chút nào.” Ân cười bảo: “Chỉ còn toàn xương thôi, không thể ốm thêm được!” Anh cũng như bao sĩ quan khác, khi được thả ra khỏi trại giam CS, đều bị cuộc sống thực tế đánh cho những đòn chí tử. Anh đi buôn phụ tùng xe đạp cũ ở chợ Trương Minh Giảng kiếm sống qua ngày. Cuộc vật lộn với sinh kế để tự tồn và cưu mang gia đình chiếm trọn vẹn những suy tư của anh. Trong một lần thù tạc trước khi lên đường, anh tâm sự ” Mai mốt gặp lại nhau, xếp đặt xong công việc gia đình để vợ con không oán trách chúng mình đã vô trách nhiệm, tụi mình sẽ tính lại món nợ đời với mấy tên cán quốc này!”
Anh sang Hoa kỳ theo diện HO sau tôi gần vài tháng. Từ tiểu bang Colorado, anh điện thoại báo cho tôi biết trong giọng nói vui vẻ hồn nhiên: “Gia đình tau qua đây hơn một tuần rồi, trên này đang mùa mưa, chán quá, dưới đó cụ mi ra sao?” Sau đó chẳng bao lâu, tôi được tin anh bị stroke, mê man bất tỉnh trong lúc đang chơi cờ tướng với cùng một ông bạn HO gần nhà. Bạn bè kêu cấp cứu và đưa anh vào bịnh viện thì đã quá trễ. Qua điện thoại với cháu gái lớn của anh ít giờ sau tôi nghe tin anh mất!
Thượng đế thật dị kỳ. Trong suốt quãng đời binh nghiệp vào sinh ra tử, từ một chuẩn úy bộ binh tốt nghiệp khóa 12 Thủ Đức, anh thăng tới cấp đại tá trong quân lực trong vòng 12 năm. Các cấp bực anh mang hầu hết là tại mặt trận. Súng đạn quân thù bủa vây tứ hướng, anh vẫn nhởn nhơ vào ra giỡn đùa. Mười ba năm khổ sai hành hạ, anh vẫn bình an trở về. Bây giờ đây, bước chân lên đến xứ sở tự do chưa đầy năm, chưa kịp hít thở cảm nhận hương vị ngọt ngào của tự do thì anh trở về với cát bụi!
Anh đã ra đi trong âm thầm bình thản vì ít ra anh cũng đã thực hiện được một điều tâm nguyện đưa cả gia đình tới nơi mong muốn. Anh đã làm đựơc những điều tốt đẹp cho tương lai của gia đình anh mà trong thời gian quân ngũ, cuộc chiến tàn khốc đã không cho phép anh rảnh rang suy nghĩ đến nó. Anh là một trong những anh hùng quân đội thực sự làm tôi kính phục. Can trường, bình dị, thẳng thắn là đặc tính của anh. Thời gian rồi sẽ xóa mờ những hình ảnh hào hùng cuả anh trong lòng những ngừơi lính từng chiến đấu bên anh. Nhưng thực ra điều ấy nào có nghĩa gì, khi chính bản thân anh bước vào và bước ra cuộc chiến chỉ vì mong mỏi làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc, dân tộc.
Hồi tưởng lại những ngày tháng 4 năm ấy – hình ảnh những trận chiến không cân sức, giữa một lực lượng cộng quân được bổ sung từ những đại đơn vị hậu bị từ miền Bắc với các đơn vị của ta đã quá mệt mỏi qua những tháng ngày chiến đấu liên tục. Giữa một lực lượng được trang bị đầy đủ những chủng loại vũ khí hiện đại, đối đầu với một đạo quân bị gò bó, hạn chế trong việc tiêu thụ đạn dược, tiếp liệu. Giữa một bên có hậu phương ổn định với một bên hậu phương luôn bị khuấy đảo bằng đủ mọi thứ thù nghịch. Và quan trọng hơn hết, giữa một bên, người chiến binh quốc gia có thể mất tất cả mọi thứ thân yêu trên đời với một bên người lính cộng sản không có gì để mất ngoại trừ sự khốn nạn ma quái của đảng luôn đeo đẳng bên mình.
Người lính VNCH, đã có biết bao mỹ từ viết về họ trước khi cuộc chiến kết thúc. Và cũng có không biết bao điều vu khống, bôi lọ, thậm chí xuyên tạc trút vào họ sau cuộc chiến. Quái gở hơn nữa, đạo quân ấy còn bị bôi xóa khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 20 năm ấy như thể nó đã không tham dự, không có mặt! Những sử gia cộng sản và Hoa Kỳ thường nói đến cuộc chiến Việt Nam là cuộc đối đầu giữa cộng sản và “đế quốc” Mỹ chứ không phải là cuộc chiến tranh tự vệ giữa nước VNCH và cuộc xâm lược xuẩn động của cộng sản miền Bắc.
Tháng Tư sẽ cứ mãi là một tháng Tư Đen cho đến bao giờ những người cộng sản nhận thức ra một điều thật giản đơn: Những ngày tháng ấy lẽ ra không bao giờ nên xẩy ra trong lịch sử dân tộc. Họ đã thực sự làm một quyết định sai khi họ cho rằng dân tộc, đất nước chỉ là phương tiện để họ bước tới một thứ thiên đường theo con đường không tưởng do một chủ thuyết ngoại lai áp đặt.
Đầu tháng Giêng năm nay, khi đọc tin tức trên Web, bất ngờ tôi nhận được thêm thông tin về cái chết của đại tá Thông. Anh đã tự sát trong trận đánh cuối cùng tại Bình Định và được bác sĩ Nguyễn Công Trứ và Dương Văn Anh chôn cất tại cột cờ quân y viện Quy Nhơn cùng 46 người khác. Trước đó, khi còn trong trại tù cộng sản tôi cũng đã được nghe đồn về anh đã tuẫn tiết nhưng là ở tại một nhà thờ nào đó trong thành phố Quy Nhơn khi cùng thuộc hạ rút về tử thủ tại nơi này.
Cái chết của Đại tá Thông làm tôi nhớ tới một niên trưởng khóa 16 khác tôi quen biết, Trung tá TQLC Nguyễn xuân Phúc, Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369 hy sinh trên bãi biển Hội An trong lúc rút quân lên tàu. Tôi cũng nhớ tới cái chết của người bạn cùng khóa, Đại tá Võ Toàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1/SĐ1 BB. Toàn hy sinh cùng tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư lệnh Sư đoàn 1 trên chuyến bay từ miền Trung về Nam.
Những bạn hữu thân quen, những niên trưởng đáng kính của tôi đã nằm xuống trên quê hưong. Họ đã cống hiến cả sinh mạng của mình cho đất nước với niềm tin vào sứ mệnh bảo vệ đồng bào chống lại cái ác độc phi nhân. Thế hệ chúng tôi đã làm hết sức trong khả năng hữu hạn của mình. Chúng tôi vào quân ngũ với tấm lòng trong sáng và nhiệt tình của tuổi thanh xuân. Chúng tôi đã chiến đấu không ngại hy sinh gian khổ trong suốt cuộc chiến tranh. Đồng đội chúng tôi hoặc đã nằm lại trên quê hương trong các nấm mộ được chôn cất tử tế, bằng các nghi lễ trang nghiêm hoặc bỏ thân xác trên các ghềnh đá ven rừng hốc suối, trên vùng núi non hiểm trở không được ai biết tới. Những người may mắn thoát ra khỏi cuộc chiến cũng mang biết bao vết thương vẫn mãi còn rỉ máu trong tâm hồn.
Suy cho cùng, cũng may mắn còn những người sống sót trở về để viết về các anh cho những thế hệ tiếp nối biết tới những nét kiêu hùng cuả cha anh trong cuộc chiến đấu chống lại cái chủ nghĩa phi nhân của cộng sản trên đất nước mình. Những ngông cuồng huyễn tưởng của giới cầm quyền và cái đảng ma quái hiện nay ở trong nước chắc chắn sẽ chấm dứt trong một ngày nào đó. Dân tộc tôi sẽ hồi sinh để sống trong tự do và hạnh phúc. Lịch sử đất nước tôi sẽ được viết lại một cách công bằng và trung thực. Tấm gương hy sinh của các anh, những người con tuấn kiệt của dân tộc sẽ được biết đến và trân trọng.
Tôi vững tin như thế.