Báo Thằng Mõ (San Jose)
Ở Cuối Hai Con Ðường
Phạm Tín An Ninh là một nhà văn quân đội, tuy mới xuất hiện trên văn đàn hải ngoại, nhưng những truyện ông sáng tác đã nhanh chóng ngự trị trong tâm hồn đông đảo độc giả nhờ ở văn phong giản dị, nội dung trung thực, và đặc biệt hơn cả, là tấm lòng đôn hậu đầy nhân ái của ông được thấm nhuần qua từng câu, từng chữ, từng tình tiết, nhân vật, sự kiện… “Ở Cuối Hai Con Ðường” là tác phẩm đầu tay của ông, trong đó gồm 16 truyện ngắn, mỗi truyện phản ảnh một góc độ trung thực của cuộc đời, nhưng tất cả đều có giá trị cảm hóa sâu sắc, để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, nhiều thao thức, để rồi cuối cùng, người đọc luôn thầm nguyện với lòng, sẽ cố gắng sống tốt lành hơn, thuỷ chung hơn, nhân ái hơn.
Ðây là một câu truyện hoàn toàn có thật giữa tác giả, một người tù cải tạo tại trại 6 Nghĩa Lộ; và người quản giáo tên Thà, từng là bộ đội thuộc trung đoàn xe tăng của Sư 320, bị cụt tay trong trận đánh ở Trung Nghĩa, KonTum vào đầu mùa hè 1972, mà chính tác giả cũng tham dự. Sau khi bị thương, bị bắt làm tù binh, được những người lính VNCH bảo vệ, chăm sóc và chữa trị tử tế cho đến khi được trao trả tù binh trở về Bắc, quản giáo Thà đã được cảm hóa, trở nên một người tốt bụng, yêu thương tù cải tạo, luôn tìm mọi cách giúp đỡ tù. Biết ơn quản giáo Thà, tác giả, sau khi vượt biên thành công, định cư tại Na Uy, đã tìm mọi cách giúp đỡ quản giáo Thà và hai người con của ông, khi họ chẳng may khốn đốn tại Ba Lan.
Trên phương diện nghệ thuật, quản giáo Thà không phải là nhân vật điển hình, đại diện cho hàng trăm ngàn quản giáo VC tàn nhẫn, độc ác, thủ đoạn, phi nhân tính. Hơn nữa lòng tốt của quản giáo Thà được thể hiện khá can đảm, bất chấp mạng lưới ăng ten và hệ thống quản giáo, vệ binh dầy đặc trong các trại tù cải tạo. Hơn thế nữa, lòng tốt cùng niềm thống hận chủ nghĩa CS của quản giáo Thà không phải chỉ xuất hiện chốc lát, trong giây phút thức tỉnh của tình người, mà được trải dài theo thời gian, cho đến khi ông nhắm mắt. Tuy nhiên, giá trị cuả câu chuyện không phải là giá trị điển hình mà chính là giá trị cá biệt. Nhà văn Phạm Tín An Ninh đã kể lại trường hợp cá biệt quản giáo Thà vì, thứ nhất, đây là chuyện hoàn toàn có thật mà tác giả đã trải qua; và thứ hai, qua câu chuyện tình nghĩa giăng mắc xuyên suốt thời gian mấy chục năm, tác giả đã thành công khi đề cao được giá trị nhân quả của lòng nhân ái, của tình người. Chính giá trị to lớn này đã cảm hóa được người đọc, ngay cả những người đang chìm đắm trong u mê lọc lừa của chủ nghĩa cộng sản, miễn sao họ còn chút ít lương tâm và sự sáng suốt tối thiểu của một con người.
Tất nhiên, một số lái buôn văn nghệ thân cộng, một số trí thức vô lương tâm nằm vùng… đã vội vã bóp méo giá trị cảm hóa của tác phẩm nhằm dương lên một bẫy sập, khi họ rêu rao tuyên truyền, lòng nhân ái cá biệt của quản giáo Thà sẽ trở thành phổ quát cho tất cả những người cộng sản hiện nay, nếu người Việt hải ngoại biết một lòng một dạ đối xử tử tế, nhân ái chan hoà với những người cộng sản. Rõ ràng, đây là âm mưu nguy hiểm nhằm hóa giải sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại, nhưng chắc chắn âm mưu đó bất thành. Vì càng hiểu rõ giá trị nhân đạo cao quý của câu truyện, chúng ta càng nhìn rõ bản chất phi nhân của chủ nghĩa cộng sản và con người cộng sản. Bằng chứng, trong số hàng trăm ngàn tù binh VC được quân đội và chính phủ VNCH đối xử một cách tử tế trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, thử hỏi có mấy người được cảm hóa như quản giáo Thà? Câu trả lời chắc chắn là hầu như không có, vì cho tới nay, chúng ta chưa thấy bất cứ tài liệu, sách vở hay chuyện kể nào đề cập đến một quản giáo có lòng tốt tương tự như quản giáo Thà.
Thằng Mõ (San Jose)
********************************************
Nguyệt San Việt Nam ( Canada)
Ở CUỐI HAI CON ĐƯỜNG
Phạm Tín An Ninh
Câu chuyện cảm động có thực nói về tính nhân bản đầy tình người của người lính miền Nam được thể hiện rõ nét qua bài viết của tác giả Phạm Tín An Ninh, một sĩ quan QLVNCH và là một trong những “người tù cải tạo” bị giam ở miền Bắc sau 1975, tình cảm chân thật của Thượng úy Nguyễn Văn Thà, một sĩ quan thương binh bộ đội miền Bắc. Bài viết này được chuyển lên các hệ thống internet toàn cầu, được đọc trên các room paltalk với giọng đọc nghẹn ngào của các em thuộc thế hệ Việt Nam chưa hay không biết chiến tranh là gì. Chúng tôi xin được chạy đăng bài viết “Ở cuối hai con đường” vì nó phù hợp với luận điểm và nội dung của tác phẩm “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn”: Cuộc chiến đấu tự vệ chính nghĩa và nhân bản của miền Nam Việt Nam so với cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản Việt Nam từ miền Bắc.
Cám ơn anh Phạm Tín An Ninh đã cho chúng ta một lời nói công đạo chí tình, một câu chuyện vô cùng xúc tích và cảm động.
Hải Triều
(nhà văn quân đội)
******************************************************
GSTS Nguyễn Thanh Liêm
“Ở Cuối Hai Con Đường” là câu chuyện chính của tác phẩm. Đề tài chính ở đây là bản chất “THIỆN” của con người, bản tính bẩm sinh, vượt lên trên những bài học của xã hội. “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn” theo nho gia, cũng như “l’homme est né bon, la société le déprave” theo J.J Rousseau. Con người sơ sinh có bản tính tốt và chỉ trỡ nên xấu khi bị xã hội/văn hóa làm cho nó trỡ nên xầu. Xã hội cộng sản xấu, giáo dục của cộng sản phi nhân bản, hạ thấp giá trị con người, cho nên con người cộng sản xấu vì bị văn hóa xã hội cộng sản làm biến mất tính thiện bẩm sinh. Bản tính tốt bẩm sinh của con người giúp người ta cảm thông với đồng loại, tôn trọng người khác như trọng chính mình, giúp dở người khác như giúp đở chính mình. Tinh thần nhân bản được chú trọng và đề cao. Tinh thần đó được xã hội văn hóa và nền giáo dục nhân bản, khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa trước kia phát huy, nuôi dưỡng. Người lính Việt Nam Cộng Hòa, những y sĩ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã cứu sống người lính cộng sản Nguyễn Văn Thà. Họ là những người đã hành xử theo tinh thần nhân bản, họ còn gần với bản chất “thiện”bẩm sinh, không bị che lấp bởi những bài học nhồi sọ của một thứ đảng phái phi nhân nào. Được cảm hóa bởi văn hóa nhân bản, anh Thà trỡ về với bản chất “thiện” bẩm sinh của anh. Anh đã hành xử rất người đối với những tù nhân dưới quyền quản giáo của anh. Anh đã lột xác, vứt bỏ cái lớp cộng sản để trỡ thành người thật sự với cái “thiện” bẩm sinh của con người. Còn mang chất cộng sản là còn hận thù, còn trả thù, còn đối xử nhau bằng đòn thù (như ông Hồng Hương trong chuyện Chiếc Nhẫn chẳng hạn). Vứt bỏ được chất cộng sản, trỡ về với bản chật “thiện” bẩm sinh, người ta không còn hận thù, không còn trọng ta, khinh người, không còn chà đạp trên nhân phẩm kẻ khác. Trỡ về bản chất tốt bẩm sinh, người ta có thể sống hòa bình với nhau trong tinh thần nhân bản, tương thân, tương trợ, góp phần xây dựng hạnh phúc chung cho nhân loại. Cách hành xử tốt đẹp của quản giáo Thà đưa đến sự biết ơn, sự đền đáp lại, cũng bằng tình người của những tù nhân cựu sĩ quan quân lực VNCH. Những người này đã tận tình giúp đở con anh trong những ngày chúng bị lưu lạc khổ sở nơi xứ người. Tinh thần nhân bản, tánh “thiện” bẩm sinh của con người là những đức tính cơ bản cần được phát huy để làm cho cuộc sống của con người trên cõi đời này thêm ý nghĩa. Đó là cái thông điệp của câu chuyện “Ở Cuối Hai Con Đường”. Phạm Tín An Ninh không giảng đạo, không viết một bài học đao đưc luân lý nào trong tác phẩm của anh. Anh cũng không triết lý dài dòng. Anh chỉ đưa ra một câu chuyện khá đặc biệt, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Và câu chuyện của anh mang đến cho độc giả một thông điệp đầy nhân bản tính: con người trên hết, hãy đối xử với nhau bằng tình người. Được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, được trưởng thành trong xã hội văn hóa nhân bản của Miền Nam tự do, và được định cư tại Na Uy nơi mà người dân và chánh quyền đã bảo trợ, giúp đỡ người tỵ nạn một cách hết sức lịch sự, hết sức nhân đạo, bằng tất cả tình người, tác giả đã nuôi dưỡng trong tâm một triết lý sống đầy tình người, vô cùng nhân bản. Anh đã thể hiện triết lý nhân bản đó trong tác phẩm của anh.
GSTS Nguyễn Thanh Liêm
(California-Hoa Kỳ)