Năm 1970, trong một lần về phép tại Ninh Hòa tôi gặp lại chị Trương Gia Thức, bạn học cùng lớp thời trung học tại trường Trần Bình Trọng. Chúng tôi tổ chức một buổi du ngoạn loại bỏ túi tại bãi biển Đại Lãnh cùng một số bạn học cũ. Lúc đó mặc dù tôi đã là lính, đã có thể được gọi là dạn dày sương gió, nhưng gặp lại chị Thức với một số bạn bè tôi vẫn là một tên học trò mặt còn búng ra sữa như ngày nào . Trong lúc chúng tôi đang vui đùa trên bãi biển thì một chiếc xe jeep ngừng lại, một sĩ quan nhỏ nhắn dáng dấp phong sương từ trên xe bước xuống. Chị Thức giới thiệu với chúng tôi đó là ông xã. Anh ghé lại đây khi đang trên đường từ chiến trường An Khê trở về hậu cứ. Và tôi được biết anh Phạm Tín An Ninh từ đó. Biết là biết thế thôi, tôi và anh Phạm Tín An Ninh phục vụ ở hai đơn vị khác nhau, chúng tôi là những quân nhân, cuộc sống nay chỗ này mai chỗ kia, giữa sự chết và sự sống cách nhau chỉ bằng một lằn ranh mỏng như sợi chỉ. Đời lính quen biết được nhau dù chỉ một lần cũng đã gọi là định mệnh. Năm 1975 anh ở tù ngoài Bắc còn tôi thì tù trong Nam. Trôi dạt xứ người anh định cư tại Na Uy còn tôi ở Mỹ. Xa xôi như thế đâu nghĩ rằng với biết bao thăng trầm mà vẫn có lúc liên lạc lại được với nhau, cho dù mãi đến gần ba chục năm sau
Tuổi đời tôi chỉ là em út của anh Phạm Tín An Ninh, tuổi lính thì anh là huynh trưởng. Khi tôi vừa mang ba lô ra chiến trường thì anh đã dạn dày lửa đạn. Bà xã anh Ninh là bạn học cùng lớp cùng trường của tôi, thiết nghĩ rằng bấy nhiêu yếu tố đó gộp lại thì nó sẽ là sự thuận lợi khiến giữa tôi và anh dễ thân tình gần gũi thấu hiểu nhau hơn. Nhưng thực ra tất cả các điều trên chỉ là phụ. Yếu tố chính đem tôi gần với anh hơn đó là những bài viết, nhưng câu chuyện mà anh đem tâm tình trang trải trên đó. Tôi bắt gặp những niềm đau man mác của chính tôi, tựa hồ tất cả những uẩn khúc trong lòng tôi được anh thấu hiểu, mặc dù truyện của anh được kết nối từ những mảng sống trôi trên dòng đời của chính anh. Anh viết như thể anh đang bơi giữa dòng sông đầy cánh lục bình, anh cố sức quơ tay gom góp lại. Thời còn thơ trẻ tôi say mê Đoạn Tuyệt của Nhất Linh hay Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Lối viết truyện của những nhà văn đó khiến cho cảm xúc của tôi cứ man mác suốt ngày. Lớn lên đọc lại tôi vẫn thấy hay nhưng sự man mác không còn vương vấn nữa. Tôi cứ nghĩ rằng do hoàn cảnh của dòng đời biến chuyển cho nên cảm xúc của mình bị chai lì theo thời gian, tuy nhiên mãi sau này khi tôi có dịp được đọc truyện ” Những Điều Mơ Ước ” của anh Phạm Tín An Ninh thì bất ngờ những cảm xúc tưởng đã không còn kia nay ùn ùn sống lại. Đọc xong tôi có cảm tưởng như mình vừa nuốt ngược vào trong những giọt lệ ngậm ngùi. Cảm xúc của tôi không khác gì những cảm xúc trước kia khi tôi đọc truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhẹ nhàng nhưng thê thiết. Anh Phạm Tín An Ninh viết văn như thể là anh kể chuyện cho ai đó đang nghe và cũng bởi vì anh kể bằng lối văn quá chân thành nên dễ khiến cho người nghe xúc động. Hầu hết anh viết về số phận của những người lính sau khi cuộc chiến tàn, những người lính của cả hai miền Nam Bắc. Hai bên có hai con đường đi riêng biệt, để rồi “Ở cuối hai con đường “, nhân nghĩa vẫn thắng bạo tàn cho dù những người lính miền Nam đầy nhân bản đã bị bao điều không may buộc họ phải trở thành những người bại trận.
Anh Phạm Tín An Ninh thường tâm sự với tôi và bạn bè anh là anh viết không phải để thành một nhà văn mà chỉ muốn dịu bớt những nỗi đau, vơi đi những gì cứ đè nặng mãi trong lòng anh. Và anh không có ý định in thành sách. Tôi theo năn nỉ anh hết sức bởi vì tôi nghĩ những gì anh viết chính là những câu chuyện cần được lưu lại cho thế hệ sau này, nếu để bị mai một đi thì rất uổng. Tuy tôi là bạn thân của chị Thức, nhưng lại gần gũi với anh Phạm Tín An Ninh hơn vì trong dòng anh trôi nổi cùng có tôi lềnh bềnh trên đó. Khi đuợc biết anh quyết định in thành sách, tôi rất mừng vì sau này khi muốn tìm lại chính mình , tôi chỉ cần giở sách anh Phạm Tín An Ninh ra, và tôi nghĩ sẽ không phải chỉ là riêng tôi thấy mình trong đó mà còn có hầu hết những người lính VNCH cùng chung số phận.
New Orleans tháng 12/2007