đứa cháu nội

      2 Comments on đứa cháu nội

(thương mến tặng Vi-Na)

Khi sắp sinh đứa con đầu lòng, và được bác sĩ cho biết là con gái, vợ chồng cậu con trai lớn dành cho chúng tôi cái vinh dự: đặt tên cho đứa cháu nội đầu tiên.

Đã hơn mười năm sống (tạm) trên xứ Bắc Âu, một tiểu vương quốc nhưng có nền dân chủ vào bậc nhất hoàn cầu nên chúng tôi cũng đua đòi tập tành chơi trò dân chủ: triệu tập tất cả nhà lại để làm một cuộc “trưng cầu dân ý”. Thế là một đại hội tiểu Diên Hồng được triệu tập, trong không khí “hồ hởi phấn khởi” của ông bà nội và các cô, chú tương lai. Vợ chồng cậu con trai lớn, chuẩn bị làm bố mẹ, được ngồi dự thính. Để thực thi dân chủ, tôi chỉ định cô con gái lớn điều khiển buổi họp. Mỗi người chỉ đề nghị một hoặc hai cái tên, phân tích ý nghĩa và cuối cùng biểu quyết chọn cái tên nào có đa số phiếu. Bà cô chủ tọa cũng muốn “tiếp nối truyền thống dân chủ”, chỉ định cô út phát biểu ý kiến trước, rồi lần lượt từ nhỏ đến lớn. Ông nội bị xếp vào vị trí cuối cùng, sau bà nội.

Bà cô út Quỳnh, vừa mới chân ướt chân ráo vào đại học, không cần suy nghĩ, đề nghị ngay hai cái tên:

–          Elisabeth Phạm và Sonja Phạm.

Lý do được nêu ra: cô cháu sinh ra ở Na-Uy, nên tốt nhất là có tên Tây, vừa hợp “thời trang” vừa cho người Tây dễ gọi . Elisabeth , tên cô đào ciné Liz Taylor mà cô út Quỳnh rất mê từ lúc được xem phim Cléopâtre, còn Sonja là tên của đương kim hoàng hậu Na-Uy.

Bà nội liền đưa tay xin phát biểu ý kiến:

–    Má muốn một cái tên Việt Nam, để giữ cội nguồn. Mình là Việt nam thì cứ là Việt nam, lấy tên tây tên tiếc làm gì, mai mốt về Việt nam, ông bà cố không biết sao mà gọi. Các con có nghĩ là má lạc hậu, má chịu.

Bà cô ba Mỹ Linh xin được đồng tình ý kiến với mama, và nói thêm:

–   Dù có lấy tên Tây, cũng không nên có tên Elisabeth và Sonja. Vì bà Elisabeth bây giờ già rồi, vừa xấu lại vừa lăng nhăng, chưa hết ông này đã có ông kia. Còn lấy tên bà hoàng hâu Sonja, người ta lại nghĩ mình là dân ở nhờ mà còn bày đặt… muốn làm hoàng hậu. Không được.

Đến lượt ông chú út Vinh, cầu thủ, ba năm liền giữ chức vua phá lưới của trường trung học, lên tiếng :

–          Brazil Phạm và Maradona Phạm

Cả nhà xua tay ồn ào phản đối:

–    Không được! Nó là con gái, ai lại lấy tên cái nước Brazil nhiều đĩ điếm hay là tên một cầu thủ đàn ông đang bị truy tố vì hút thuốc phiện. No! No!

Bà cô năm, Phương Chinh, người có biệt danh là bà cụ non và lý sự nhất nhà:

–    Để dung hòa, Chinh xin đề nghị cho cháu lấy cả hai tên: Tên Na-Uy trên giấy tờ cho dễ gọi khi đi học hay đi làm. Xem vậy chớ người Na-Uy này cũng “kỳ thị ngầm” dữ lắm. Biết đâu khi nộp đơn xin việc làm, có cái tên Na-Uy được xét ưu tiên hơn. Còn tên Việt thì chỉ gọi trong nhà, và với người Việt nam mà thôi. Xin đề nghị tên Na-Uy là Solveig Phạm, nhân vật nữ chính rất dễ thương và tốt bụng trong truyện Peer Gynt của văn hào Henrik Ibsen. Cô giáo của Chinh cũng tên Solveig, vừa đẹp vừa hiền. Còn tên Việt Nam là Mi-Kha Phạm, lấy hai mẫu tự đầu của tên bố. Mi-Kha đẹp và dễ gọi nữa.

Bà nội chưa kịp đưa tay đã phản đối ngay:

–   Không được, không được! Mi-Kha là tên người yêu thời học trò của ông già này hồi xưa ( bà chỉ tay sang tôi). Đặt tên này cho cháu chỉ tổ giúp cho ông nội dễ nhớ tới, rồi cứ mơ với mộng cả ngày, phiền lắm. Quên giùm cái tên này đi!

Tới lượt bà cô tư Thục Trinh, vốn rất kiệm lời:

–   Ba nó là Minh, mẹ nó là Liễu. Đặt tên MiLi cho gọn. Tây gọi cũng được, ta gọi cũng xong, khỏi phải dấu diết lung tung.

–   Tên này cô Trinh chọn cũng hay, nhưng bà chị của chị đã có đứa con gái tên MiLi rồi. Cô dâu lên tiếng.

Đến lượt chính thức của bà cô ba Mỹ Linh. Lúc rời khỏi quê nhà cũng đã hơn 10 tuổi, nên còn ảnh hưởng chút sách vỡ và nhớ tiếc thành phố biển thơ mộng của một thời tuổi thơ:

–    Linh đề nghị đặt tên cho cháu là NhaTrang. NhaTrang Hoàng Phạm. Vừa đẹp vừa dễ gọi mà lại mang chút ý nghĩa và  hình ảnh quê nhà. Còn nếu không thì đặt tên Cali. Vì ba má nó gặp nhau ở Cali bên Mỹ, mới có nó bây giờ.

Cô dâu nhoẻn miệng cười e thẹn.

Đến phiên bà nội được “phép” có ý kiến:

–     Theo Má, cháu là con gái, mà hoa là tượng trưng đẹp nhất cho phái nữ. Nếu Phượng, Hồng, Mai, Cúc thường quá, thì các con đặt cho nó tên Tỷ Muội, Bàng Lăng, Hãi Đường, hay Thủy Tiên, Tường Vi, Mẫu Đơn cũng hay lắm.

Cả nhà ai cũng thông cảm cho bà nội, người rất thích hoa và bỏ ra nhiều thời gian để chăm sóc vườn hoa, còn hơn là chăm sóc ông nội.

Cuối cùng đến phiên ông nội, là tôi. Sau khi có đôi lời chúc mừng và cám ơn vợ chồng đứa con trai lớn, nhất là cô dâu. Lớn lên ở xứ này mà còn biết nghĩ đến cha mẹ, xin đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình, vẫn còn giữ chút nề nếp Đông Phương. Cô dâu xin lên tiếng:

–   Chuyện tình của hai đứa con nhiều rắc rối quá. Cũng nhờ có ông bà nội ủng hộ, dàn xếp, mới nên vợ nên chồng. Đứa cháu đầu lòng ông bà nội đặt tên là phải thôi. Tên gì vợ chồng con cũng vui.

Cô ba Mỹ Linh trở về với cương vị chủ tọa:

–          Xin papa đề nghị một cái tên, rồi cả nhà biểu quyết.

Suy nghĩ một lúc, tôi đưa ra ý kiến:

–    Tổng hợp ý kiến của các con và má vừa đưa ra, ba đề nghị lấy tên cháu là Vi-Na. Phạm Hoàng Vi-Na. Vi-Na là hai chữ viết tắc của Việt-Nam, quê hương mình, dù có bao nhiêu đời cũng phải nhớ và Vi-Na cũng còn là hai chữ viết tắt của Việtnam-Nauy, hai quê hương của cháu bé sau này. Chữ Vi-Na cũng vừa tây vừa ta, ai gọi cũng được.

Không biết có thực thi tinh thần dân chủ đúng mức hay không, hay vì nể tình ông già, cái tên Vi-Na cuối cùng được “đa số tuyệt đối”chấp nhận, và bố mẹ cô cháu cũng vui mừng.

Vi-Na ra đời khi cha nó đã sang Mỹ tiếp tục học, nên mẹ con được ở nhà ông bà nội, để ông bà bảo bọc, giúp mẹ nó một tay. Hơn nữa mới có con đầu lòng, cô dâu chưa có kinh nghiệm.

Vi-Na vừa đẹp, vừa giống mấy bà cô: mắt lớn, tóc nhiều và đen mướt, lông mày dài và rậm. Bà cô nào cũng giành là con bé giống mình. Ôi thôi, tha hồ mà cãi vã. Riêng bà nội thì tất cả những cái đẹp của con cháu thì bảo là giống bà nội, còn cái gì xấu, như cái bàn chân hơi giao chỉ, thì bảo là giống ông nội y chang.

Càng lớn Vi-Na càng dễ thương. Khuôn mặt bầu bĩnh, cái miệng thật xinh, ai bồng cũng chịu, nhìn ai cũng cười. Ông bà nội và các cô chú thi nhau bồng bế nựng nịu. Quà cáp, áo quần và các thứ đồ chơi ngập cả một phòng. Các máy ảnh digital thi nhau chụp hình cô bé đủ kiểu. Cô dâu tự dưng được khỏe re, nằm đọc sách và nghe nhạc tình…thời chinh chiến.

Sau thôi nôi, Vi-Na biết đi chập chững. Gần hai tuổi thì biết nói bập bẹ. Nói tiếng Việt ngon lành. Ngày nào ông bà nội và một đám cô chú cũng thi nhau nói chuyện với cháu. Có lẽ vì vậy mà Vi-Na học nói rất nhanh. Thuộc tên ba mẹ, ông bà nội, ngoại và tất cà các cô chú trong nhà. Biết đếm từ 1 tới 10. Có ai hỏi Vi-Na là người gì, cô bé trả lới rất rõ:

–   Vi-Na là người Việt Nam.

Từ khi sanh, Vi-Na chưa biết mặt cha.Vì cha bận thi cữ bên Mỹ không về thăm được, nên đúng hai tuổi được mẹ bồng lên máy bay sang Mỹ thăm cha. Cô bé cũng có một cái passport riêng như ai, với tên Vi-Na Hoang Pham và tấm hình có đôi mắt thật to.

Cô bé sinh ra vào đầu mùa đông. Trời Na-Uy lại tối đến hơn sáu tháng, và gần hai năm chỉ ở trong nhà. Khi vừa tới Mỹ, đi tung tăng trong nắng, lần đầu tiên thấy cái bóng cứ chạy theo mình, sợ quá đứng lại khóc. Vậy mà khi vào Disneyland, ngồi chung với ba mẹ trên các cầu vòng quay tít, cô bé cười thích thú, không còn biết sợ là gì. Các bà cô nghe, bảo đúng là tuổi con cọp, lại còn đến hai cái xoáy trên đầu nữa.

(sinh nhật Vi-Na 2 tuổi)

Vi-Na đi, nhà vắng tiếng cười. Đêm nào ông bà nội và các cô cũng thi nhau gọi điện thoại sang Mỹ để nói chuyện với Vi-Na. Điện thoại được mở volum lớn hết cỡ để cả nhà cùng nghe. Cô bé nói được nhiều và cũng biết được nhiều chuyện. Nhưng chỉ nói được những từ đơn giản. Mỗi lần nghe Vi-Na kể chuyện, ai cũng cười lăn và thi nhau đoán xem là cô bé muốn nói cái gì.

Sau ba tháng xuất ngoại về, Vi-Na trông lớn nhiều và đen đi một chút, nên trông càng khỏe mạnh xinh xắn. Và cũng bắt đầu biết tìm hiểu, thắc mắc nhiều chuyện quanh mình. Có lần nhìn thấy tấm hình đám cưới của ba mẹ được phóng lớn treo trên vách, Vi-Na la khóc, hỏi là tại sao trong tấm ảnh không thấy có mình. Các cô giải thích mãi mà cô bé vẫn không chịu. Cuối cùng chú út Vinh chỉ vào bó hoa mà cô dâu – mẹ Vi-Na – đang ôm trước bụng trong hình, bảo là Vi-Na đang núp sau bó hoa ấy, cô bé mới chịu cười.

Có đứa cháu đầu lòng, lại dễ thương và biết nói tiếng Việt, nên ông bà nội thường bồng đi khoe với mấy ông bà bạn già thân thiết.

Một lần tới nhà anh chị Úy, tôi bảo Vi-Na vòng tay chào ông bà nội Úy. Cô bé trợn mắt :

–          Sao ông nội bảo Vi-Na chỉ có một ông bà nội thôi mà.

Đúng là ông nội đã dạy thế. Cô bé hỏi đúng phóc, nhưng ông nội “ngụy biện” :

–     Phải rồi. Vi-Na chỉ có một ông bà nội, nhưng bạn của ông bà nội Vi-Na cũng phải gọi là ông bà nội. Đây là ông bà nội Úy, chứ không phải ông bà nội.

Vi-Na gật đầu, rồi quay qua anh chị Úy, cúi đầu:

–          Con chào ông bà nội Úy.

Đến lượt bà nội lắc đầu, giải thích:

–    Con nhỏ, nên không được gọi là ông bà nội Úy. Gọi vậy là vô lễ biết không. Chỉ gọi là ông bà nội thôi.

Lần này thì cô bé tròn mắt ngơ ngác.

Một lần được tôi dẫn theo đến nhà anh chị Tâm. Nghe bảo nhà ông bà nội Tâm có vườn hoa, có nuôi một con chim biết hót, và có cây đàn piano nữa, Vi-Na mê lắm, vội vã đi tìm áo quần đẹp cho mẹ thay, rồi dắt tay ông nội ra xe. Trước khi vào nhà, tôi dặn Vi-Na:

–   Con nhớ là chỉ gọi ông bà nội, đừng có gọi ông bà nội Tâm nghe. Như vậy là uhøflig (vô lễ, tiếng Nauy). Như bà nội đã dạy con đó.

Vi-Na gật đầu, đưa ngón tay cái lên, như hứa với ông nội.

Được ông bà nội Tâm cho ăn bánh, cho nghe chim họa mi hót, nhưng cô bé thích nhất là được bà nội Tâm dạy đánh dương cầm. Cô bé phải ngồi trên một chồng sách kê thêm trên ghế, mới sờ tới được phiếm đàn. Sau đó, gần cả buổi Vi-Na chỉ ngồi chơi đàn một mình, có lúc làm inh tai nhức óc, tôi phải nắm hai bàn tay lại, bảo chỉ đụng nhẹ vào phím đàn mà thôi. Khi nào nổi tiếng như ông Văn Cao thì mới đánh đàn bằng cùi tay được.

Thấy bên ngoài tuyết rơi, tôi cáo từ anh chị Tâm, bồng Vi-Na xuống tầng dưới để về. Anh chị  mặc áo lạnh cho cô bé, theo xuống tiễn chân ông cháu. Khi Vi-Na được anh chị Tâm ôm hôn từ giã, tôi nhắc nhỏ:

–    Con phải nói cám ơn ông bà nội.

Vi- Na vòng tay, cúi đầu chào:

–          Vi-Na xin cám ơn ông bà nội.

Sau khi được ông bà Tâm xoa đầu khen giỏi, vừa mới bước ra, cửa chưa khép, cô bé liền hỏi tôi:

–          Hai “đứa” đó là hai “đứa”  nào vậy ông nội?

Cả anh chị Tâm và tôi nhìn nhau cười ngất. Tôi nói với anh chị Tâm như để trần tình :

–     Tuần trước, bà xã tôi hỏi nó tối nay muốn ngủ với ai. Nó bảo Vi-Na ngủ với ông bà nội, Vi-Na muốn nằm giữa “hai đứa”. Bà nội cũng mới vừa dạy xong đó, bây giờ quên mất tiêu.

Anh chị Tâm chưa có cháu, nên rất thích con nít.

Năm sau, cậu con trai về lại Na-Uy. Vợ chồng mua nhà ra ở riêng. Rồi Vi-Na có em, cũng một cô con gái. Thấy cha mẹ lo lắng, săn sóc cho em nhiều hơn, đã vậy lâu lâu còn bị ba la vì ghẹo em bé khóc. Vi-Na buồn, cứ đòi về ở với ông bà nội. Mỗi lần các cô hỏi Vi-Na có thích em không, nó chau mày trả lời:

– Con muốn em bé chui lại vô bụng mẹ, papa thì trở lại Mỹ học, còn mẹ và Vi-Na về ở nhà ông bà nội như hồi trước vậy. Vi-Na không muốn lớn!

Sau hai năm ở nhà trẻ, cô bé vào trường mẫu giáo. Mỗi lần được các cô giáo hỏi, nó ngẫng mặt lên, líu lo khoe cái tên Vi-Na là do ông bà nội đặt cho và hãnh diện giải thích:

–          Vi-Na là VietNam, hay là VietNam -NaUy. Vì Vi-Na là ngưòi Việt Nam, sinh ở Na-Uy.

Cô giáo nào cũng khen Vi-Na giỏi và có cái tên rất đẹp. Nó mừng lắm, về nhà khoe cha mẹ và gọi điện thoại khoe với ông bà nội.

Chiều thứ sáu mỗi tuần, tôi chưa kịp xuống đón, Vi-Na đã gọi điện thoại nhắc. Vì mỗi cuối tuần nó muốn về ở nhà ông bà nội. Cái vali nhỏ, có hình Barbie (được cô Chinh tặng vào dịp sinh nhật ba tuổi), lúc nào cũng xếp sẳn một số áo quần, mấy con búp bê và cái máy game hiệu Nittendo để kéo theo ông bà nội.

Lần nào Vi-Na về nhà, bà nội và các cô tha hồ theo “điều tra” con bé, nào là ba mẹ có còn cãi nhau, giận nhau không?, nào là papa còn hút thuốc, đánh Lotto  không?

Có một lần, Vi-Na “khai” là papa và mama cãi nhau một trận, papa giận lắm đập bể cái điện thoại mobil (cầm tay). Bà nội hỏi thế đến tối ba mẹ có ngủ chung phòng không? Vi-Na gật đầu:

–   Mama không cho con ngủ riêng, bảo phải ngủ chung với ba má. Nhưng lạ lắm. Trước khi ngủ con nằm giữa, nhưng tới sáng sớm thức dậy, con thấy mình nằm sát trong vách.

Cả nhà tha hồ cười. Đúng là con nít, “có sao nói vậy người ơi”.

Chiều chủ nhật, sau khi chở con bé về nhà trả lại cho cha mẹ nó, vợ chồng tôi la vợ chồng cậu con trai một trận, vì cãi cọ giận hờn mà để cho con nó biết rồi sao mà dạy dỗ nó được.

Không biết bị cha mẹ la và dạy thế nào, chiều thứ sáu tuần sau, xuống đón cô bé, khi vừa mới bước vô nhà đã thấy Vi-Na lăng xăng chạy ra vừa lắc đầu vừa lên tiếng:

– Papa-Mama không có giận và cũng không có cãi nhau đâu ông bà nội. Hồi tối con ngủ chung với ba má.

Ai cũng ôm bụng mà cười.

Vợ chồng tôi rất vui và cũng rất hãnh diện có một đứa cháu nội vừa khôn ngoan lại vừa nói giỏi tiếng Việt.

Lên tám tuổi, lần đầu tiên Vi-Na được ba mẹ dắt theo về Việt Nam thăm ông ngoại, và được đi đó đi đây gần hai tuần lễ. Chẳng biết vui buồn thế nào, khi vợ chồng tôi ra đón ở phi trường Gardemoen, cô bé chạy đến ôm ông bà nội, mặt buồn thiu:

–          Ông bà nội ! Vi-Na hater Vietnam!( tiếng Nauy : Vi-Na ghét Việt Nam)

Khi về nhà, bà xã tôi hỏi vì sao mà ghét Việt Nam, nó phụng phịu:

–          Việt Nam nóng và dơ quá bà nội ơi. Ruồi không hà.

–          Xứ nóng thường có ruồi con à. – Bà nội giải thích

–    Politi (tiếng Na-Uy: Cảnh sát) ở đó dữ như bà chằn, nhìn mặt ông nào cũng thấy sợ, hỏi ba má đủ chuyện, bắt con đứng đợi mõi chân luôn. Đường thì đầy motorsykkel (tiếng Na-uy: xe gắn máy) và rác nữa, ghê lắm bà nội ơi. Lúc nào con cũng bị papa nắm tay thật chặt, không nhúc nhích được. Kjedelig! (tiếng Nauy: Chán!)

Tôi ôm cô bé vào lòng, vỗ về:

–    Ở Việt nam người đông và nghèo. Nhiều người chỉ mua nổi xe motorsykkel hay xe đạp thôi. Có xe đi là họ mừng lắm rồi đó con. Con có quen đứa bạn nào ở Việt Nam không?

–    Con có quen mấy đứa nhỏ, ở gần nhà ông ngoại, tuổi bằng con mà đã biết đi đánh giày, bán báo. Tụi nó khổ lắm, chỉ mặc áo quần rách, nên con cho hết 50 đô la của ông bà nội cho con rồi.

Tôi rờ đầu khen con bé.

Cuối cùng, như vừa nhớ ra điều gì, con bé lại phụng phịu:

–          Con bắt đền ông bà nội, đã đặt tên Vi-Na cho con. Con không muốn.

Tôi trố mắc ngạc nhiên, hỏi nó là tại sao lúc trước con thường hãnh diện khoe cái tên Vi-Na với các cô giáo, rồi bây giờ thì bảo là không muốn. Cô bé trả lời:

–    Về Việt Nam rồi con mới thấy Vi-Na không còn đẹp nữa. Chỗ nào con cũng thấy chữ Vi-Na : hotel Vi-Na, cà phê Vi-Na, tiệm giày Vi-Na, quán ăn Vi-Na. Ở ngoài Hà gì đó, à Hà Nội, còn có cả quán bán thịt chó Vi-Na, vừa ác vừa dơ bẩn. Con sợ lắm.

(Vi-Na 6 tuổi)

Tôi phải giải thích một hồi lâu, nào là chữ Vi-Na đẹp nên người ta mới giành nhau đặt tên, nào ở Việt Nam có người thì giàu quá mà có người thì nghèo, nên Vi-Na có nghĩa là Việt Nam cũng phải chịu như thế: có hotell Vi-Na thiệt lớn mà cũng có quán ăn Vi-Na nhỏ xíu nữa. Cô bé cũng chỉ bớt buồn được một chút.

Nghe vợ chồng cậu con trai kể chuyện đưa hai đứa con về thăm bà cố, là nhạc mẫu của tôi, bà xã tôi hỏi Vi-Na:

–          Con đến thăm bà cố, bà cố có hôn con không?

–          Bà cố muốn hôn con, nhưng con không cho. Thấy miệng bà cố chảy máu, con sợ lắm.

Bà xã tôi lắc đầu bảo là miệng bà cố không phải chảy máu, mà bà cố ăn trầu. Nghe bà nội giải thích một hồi, nhưng Vi-Na cũng không hiểu nổi lá trầu, trái cau là cái gì và tại sao người ta phải ăn trầu, rồi bất ngờ quay lại hỏi bà nội:

–          Mà bà cố là cái gì của bà nội vậy?

Đây là lần thứ mười mấy cô bé hỏi ba mẹ nó và vợ chồng tôi. Con nít có nhiều thứ nhớ rất nhanh, nhưng cũng quên rất nhanh.

Sau này, trong các đám cưới của các cô và chú út, Vi-Na luôn được chọn làm flowergirl, nắm đuôi áo cưới cô dâu. Khách khứa ai cũng khen con bé xinh xắn khôn ngoan .

Tháng sáu vừa rồi, ngày giỗ của ba tôi lại đúng vào chủ nhật, nên có dịp qui tụ đầy đủ con cháu. Sau khi niệm hương trước bàn thờ, tôi bảo Vi-Na dẫn tất cả mấy đứa cháu nhỏ (có cả con của chú út) đến lạy ông cố. Đã được chỉ vẽ một vài lần trước, nên Vi-Na khá thuần thục. Dắt bốn đứa em nhỏ lại trước bàn thờ, sắp xếp đứng theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, dạy cho các em cách chấp tay và lạy ba lạy. Mấy đứa bé vừa lạy vừa cười, thích thú.

Nhìn mấy đứa cháu nội, tự dưng lòng tôi chùng xuống. Một ý nghĩ vừa thoáng trong đầu: Liệu sau thế hệ chúng tôi, con cháu có còn tiếp nối việc kỵ giỗ ông bà cha mẹ, có còn biết thắp hương và lạy trước bàn thờ tiên tổ. Và cả một tủ sách Việt Nam, trong đó có những sách về lịch sữ, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam, mà tôi đang chăm sóc, giữ gìn, thỉnh thoảng lấy ra kiểm soát lại từng cuốn một, rồi biết sẽ làm gì sau ngày tôi vĩnh viễn ra đi.

Cả đêm hôm đó trằn trọc không ngủ được, tôi miên man hồi tưỡng tới bao nhiêu điều. Ngày đó khi mới lên ba, tôi đã mất mẹ, được ông bà nội đùm bọc nuôi nấng, được bà cô Út thay mẹ ẵm bồng, chăm sóc. Nguyên ngôi nhà trên thật lớn có mái ngói âm dương của ông bà nội là nơi thờ tự. Trên bàn thờ có nhiều tấm hình và những bài vị của những người đã khuất. Không khí uy nghiêm. Những ngày giỗ, Tết, bao nhiêu con cháu từ các nơi tụ về, đông đão, nghi ngút khói hương. Ngày ông nội mất, ba tôi là trưởng nam, mặc áo tang trắng, đầu rơm mũ bạc, trịnh trọng bưng tấm ảnh chân dung ông nội đi trước quan tài, đám con cháu chúng tôi cũng được mặc áo tang theo sau ông nội. Hình ảnh đó đã in vào tâm trí tôi từ thời thơ dại để sau này lúc nào tôi cũng hình dung đến một ngày nào đó, ba tôi mãn phần, tôi cũng là người được vinh dự mặc áo tang, đầu rơm mũ bạc và bưng tấm hình ba tôi, đưa ông ra nghĩa trang gia tộc. Nơi có ông bà nội và má tôi nằm ở đó.

Nhưng rồi tôi lớn lên với những năm tháng chiến tranh. Tôi càng lớn thì đạn bom lại càng khốc liệt. Cũng như bao thanh niên khác, tôi trở thành người lính, trực tiếp tham gia cuộc chiến chống giữ làng mạc quê nhà. Rồi cuộc chiến kết thúc trong tức tưởi, ngỡ ngàng, tôi không chết mà cùng với cha tôi cũng như hầu hết những người miền Nam, bị tù tội, đọa đày. Ngày cha tôi chết trong một trại tù miền Nam, tôi đang khốn cùng ở một trại tù tận vùng Việt Bắc. Cha tôi được chôn cất nơi nào, cả gia đình không một ai hay biết và mãi đến gần năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Tôi đã khóc đến không còn nước mắt khi biết là chẳng bao giờ mình có cái vinh dự được mặc áo tang, đầu rơm mũ bạc, bưng tấm hình chân dung của ba tôi tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bây giờ, tôi lại trôi dạt xứ người. Quê hương còn đó nhưng biết bao giờ mới trở về lại được.  Dù ở nơi này có đầy đủ cháu con, nhưng dường như tất cả mọi điều đã dần dà thay đổi. Lòng tôi bỗng đau đớn, nước mắt trào ra, khi nghĩ đến một ngày nào đó, những đứa cháu của mình sẽ còn lại được bao nhiêu Việt-Nam trong lòng. Cho dù tôi đã cố gắng dạy cho các cháu nói được nhiều tiếng Việt, và khi đặt cái tên Vi-Na cho đứa cháu nội đầu lòng, tôi đã muốn gởi gấm biết bao nhiêu điều ước mong của mình trong đó  •

           Phạm Tín An Ninh
(25.11.2002 – sinh nhật Vi-Na 4 tuổi))

(Vi-Na sinh nhật 18 tuổi cùng ba mẹ và em Ái Vy- 25-11-2016)

2 thoughts on “đứa cháu nội

  1. trần ái trung

    Truyện rất thực, và cảm động,cũng nói lên mối ưu tư của cá nhân tôi,cũng như bao ngươi Việt xa quê hương,về đám con cháu sau nầy, còn giữ lại được những gì về quê mẹ Việt Nam,phải chăng trách nhiệm rất nặng nề của thê hệ chúng ta: ông bà, cha mẹ,cô dì cậu, chú bác- những người đã lớn lên và sống trong lòng Việt Nam,- phải truyền đạt lại những gì cho con cháu giữa xã hội hoàn toàn khác lạ về mọi mặt ?..Những nhà văn như tác giả , những nhà làm phim ảnh, những nhà giáo dục,những văn nghệ sĩ , đã, đang và sẽ đóng góp phần lớn,nhưng căn bản phải bắt đầu từ gia đình , và sau đó là nhà trường, nếu có được vài giờ một tuần,trong chương trình chính thức,từ tiểu học,bộ môn ngôn ngử và văn hóa Việt Nam…

    Reply
  2. Tho truong

    Đọc truyện nào của anh, mình cũng cảm thấy những điều muốn giữ, như rời khỏi tầm tay,không cách nào níu kéo lại được, như cái đồng hồ thời gian tuổi đời của mình, chỉ đành hít một hơi sâu vào lòng mà buông tiếng thở dài……..!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *