Cách đây mấy tháng, tôi có đọc trên mạng nào đó; một bài ký ” Ở cuối hai con đường “của Phạm tín an Ninh (PTAN). Bài ký hay, cảm động.. Đọc xong thực sự tôi không tin là một sĩ quan VNCH, đã trải qua những năm tháng dài tù đầy, mà có bút pháp, lời văn nhẹ nhàng, đến như vậy. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ tác giả ghi lại lời kể của ai đó. Nhưng cách đây vài tuần, vô tình lang bang trên mạng, tôi có địa chỉ trang web của tác giả “Ở cuối hai con đường” -PTAN.- Đọc tiếp một vài truyện của anh, tôi mới thực sự tin anh là sĩ quan VNCH. Sở dĩ tôi gọi truyện của PTAN là truyện ký, bởi vì tác giả đã lấy những câu chuyện thực của đời mình, hoặc những câu chuyện ngoài đời mà tác giả bắt gặp, nhập tâm vào chính mình, rồi viết ra chăng?. (Tôi viết, hoặc là những câu chuyện ngoài đời-không phải là chuyện của PTAN- bởi vì tất cả các chuyện đều có hậu, tác giả đều vô tình gặp lại con, cháu của các nhân vật gắn với tác giả- Trường hợp này quả thật hiếm hoi, nhưng có thể PTAN trong cái rủi có cái may – âu cũng là nhân qủa vậy- Nếu đúng, em thành thật chúc mừng bác PTAN).
Tôi chưa có cái may, đọc toàn bộ tập truyện ký của PTAN, nhưng tôi đã đọc rất kỹ 10 chuyện ký trên trang web của tác giả. Cả 10 chuyện trên đều làm tôi xúc động, tôi đọc một mạch theo lối dẫn chuyện mạch lạc, nhuần nhuyễn. Qủa thực truyện ký là thể loại gần gũi, mang tính chân thật hơn đến với người đọc. Là truyện ký, nên tác giả sử dụng từ đầu đến cuối đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất. Tôi chính là nhân vật trung tâm xuyên suốt cả câu chuyện. Gần đây cũng có nhiều người viết theo dạng này,hoặc tự truyện, nhưng làm cho người đọc cứ thấy mờ mờ, nhạt nhạt, nếu như không muốn nói là sáo rỗng. Truyện ký của PTAN, từ ngữ đơn giản, mộc mạc, không lên gân, không đao to búa lớn, nhưng đi thẳng vào lòng người. Anh đã thành công, và những gì anh gửi gắm đằng sau câu chuyện của anh đều đã đến người đọc. Đọc truyện của anh, tôi thấy nhẹ nhàng xót xa, chứ không nặng nề, căng thẳng như một số cây viết gần đây. Trong cái khổ cái bi của các anh, nhưng tôi không thấy sự hằn học oán trách nào ở trong đó. Như anh kể về cái chết của cha anh trong nhà tù phiá nam, khi anh đang ở tù ngoài bắc, ta thấy dòng nước mắt thấm đẫm trang viết của anh, chứ ta tuyệt nhiên không thấy những con chữ gầm thét lên. Anh có cái nhìn đời nhìn con người cũng khách quan công bằng hơn. Anh bị bất công, nhưng anh không vơ đũa cả nắm. Anh phân biệt rõ ràng người tốt kẻ xấu, anh có tình cảm, vị tha với một người lính bên kia chiến tuyến,( người quản giáo) vì anh cho rằng, không phải tất cả họ đều là những người xấu. Nhưng anh cũng khinh tởm những kẻ từng cùng chí hướng, nhưng đã đón gió trở cờ. Cái cao cả hơn trong truyện ký của PTAN là tình người. Những việc, anh giúp con người quản giáo Thà , việc anh cho tiền gia đình chú bé đánh giầy Nghiã lộ..vv.. là việc nhỏ anh nhắc tới, không phải để khoa trương, nhưng đằng sau đó anh muốn gửi gắm chúng ta một điều gì, mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên. Tôi không rõ, PTAN có tập thiền hay không? , nhưng trong truyện ký của anh, tôi thấy anh tĩnh tâm lắm.
Chiến tranh đi qua đã lâu, những vết thương của bom đạn có lẽ sẽ được lành lại- Nhưng vết thương ở trong lòng người dường như cứ day dứt mãi. Phải chăng chúng ta còn cần rất nhiều những truyện ký như „”Ở cuối hai con đường”, nó là những liều thuốc xoa dịu những khắc khoải, đau đớn trong ta ? Mong lắm thay !
Đức quốc 8-11-08
ĐỖ TRƯỜNG