TƯỞNG NIỆM
Y sĩ tiền tuyến VŨ ĐỨC GIANG –Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 7 TQLC
_ Ngày 21 tháng Tư 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và khẳng định với quốc dân và chiến hữu trên Truyền Hình Việt Nam là sẽ trở lại với Quân Đội để chiến đấu. Ông trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Đêm 25 tháng Tư, 1975 ông Thiệu và toàn gia đình đã ở Đài Loan!
_ Ngày 25 tháng Tư 1975, nguyên Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã từng nói “sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết. Tôi sẽ biến Sài Gòn trở thành một Leningrad thứ hai” nhưng chỉ 4 ngày sau, 29 tháng Tư 1975 Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng cao chạy xa bay, trên một chiếc trực thăng ra Hàng không Mẫu hạm Midway bỏ lại sau lưng lời thề quyết tử.
_ Trong khi đó tại bãi biển Thuận An, Y sĩ Trung úy Vũ Đức Giang, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến và mấy quân Y tá vẫn khiêng các thương binh lên tàu, sau đó anh và toán cứu thương cùng bước xuống tàu, đi dưới làn mưa đạn của Việt Cộng lên bờ để tiếp tục ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Ý thức chọn lựa trách nhiệm và danh dự của BS Vũ Đức Giang đã kết thúc bằng cái chết bi thảm của Anh ở tuổi 28.

Đây là bài viết chính của BS Phạm Anh Dũng về Vũ Đức Giang, một người bạn thân cùng lớp tại trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn và cùng khóa Quân Y Hiện Dịch 21, cũng là khóa QYHD cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cũng thêm vào bài là các chi tiết, tạm gọi là bối cảnh sơ lược, đáng nhắc lại, còn ghi nhận được của từng năm học, liên quan đến cả học trình Y Khoa bảy năm 1967-1974. Phạm Anh Dũng
*****
Tôi thi được vào năm Dự Bị Y Khoa (APM), niên khóa 1967-1968. Lúc đó có biến cố Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, ảnh hưởng mạnh đến mọi người và chúng tôi, tất cả sinh viên, phải học quân sự tức là tham dự chương trình Quân Sự Học Đường (QSHĐ) để có kiến thức phải dùng khi hữu sự. Chính quyền VNCH lúc đó chủ trương QSHĐ để hy vọng khi cần đến, sinh viên dân sự cũng có thể cầm súng chiến đấu như các quân lính chuyên nghiệp.

Về học hành chính thức, chúng tôi là sinh viên của trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn và tuy học lớp tại Cơ Thể Học Viện cũ của trường Y Khoa ở đường Trần Hoàng Quân, nhưng thực tập lại ở Khoa Học Đại Học Đường Sài Gòn.
Chúng tôi học cả năm như vậy và cuối năm thi lên vào lớp Y Khoa năm thứ Nhất. Kỳ thi cuối năm của lớp APM thật khó khăn. Lớp Dự Bị Y Khoa tổng số có khoảng 380 người, mà chỉ có khoảng 250 người đỗ kỳ thi, được lên lớp. Trong số các bạn thi rớt cuối năm, có khoảng 50 người được “ở lại lớp” vì chỉ có thi trượt thực tập, còn số còn lại bị loại hẳn ra khỏi chương trình APM, vì trượt thi viết. Những bạn không may mắn bị “rớt” lại APM, tôi nhớ có một số rồi cũng tốt nghiệp được Y Khoa, nhưng trễ lại 1 năm như Nguyễn Như Thành, Lê Thành Đấu, Trần Hoàng Long, Nguyễn Võ Khanh…
Riêng cá nhân tôi, cả năm chỉ đi học thực tập là những giờ bắt buộc và chả mấy khi đi học ghi bài. Thường tôi chỉ đợi “cua” (bài học ghi lại) của ban Đại Diện lớp in, phát ra là đi lãnh về học. Cuối năm cứ thế mà đi thi và cũng thi đỗ được hết, và được vào năm Y Khoa thứ Nhất. Tôi phải thú nhận thật may mắn, đậu hạng 9 hay 10 gì đó, và nên còn được học bổng của Bộ Y Tế khoảng 10 ngàn đồng Việt Nam, tiền lúc đó.
Lên năm thứ 1 Y Khoa, vào chính thức học ở trường Y Khoa, thay vì Dự Bị Y Khoa APM do các giáo sư trường Đại Học Khoa Học giảng dạy, cách thi cử đổi khác. Cứ một vài tháng lại có kỳ thi, không Cơ Thể Học, cũng Sinh Hóa Học, rồi Mô Học… Quen tật xấu, tôi cũng chẳng đến trường ghi bài. Vì các kỳ thi gần nhau quá, ban Đại Diện lớp đôi khi không đủ thì giờ in bài kịp cho sinh viên học. Kỳ thi đầu tiên của Cơ Thể Học sắp đến, chỉ còn có vài ngày, tôi vẫn chưa có một số tài liệu do Bác Sĩ Y Khoa Trần Anh, Thạc Sĩ Nhân Chủng Học, giáo sư chính phụ trách môn Cơ Thể Học, giảng dạy. Không đủ bài vở, tôi đến trường hỏi mượn để chép lại học. Đang vớ vẩn trước cái Đại Giảng Đường to lớn, thì vừa đúng lúc nghỉ giải lao, sinh viên cùng lớp kéo nhau ra khỏi cửa. Là năm đầu tiên học ở trường Y Khoa, ít khi đến trường và lớp, tôi cảm thấy lạc lõng, nhìn ai cũng xa lạ cả. Tần ngần một lúc khá lâu, gặp một sinh viên khác vừa bước ra sau cùng. Tôi trông anh bạn đeo kính cận thị, có vẻ hiền lành, thành đánh bạo lại làm quen. Rất niềm nở và thông cảm, người bạn chưa quen trước và tốt bụng đó cho tôi địa chỉ nhà, hẹn buổi tối lại cho mượn bài. Đó là lần đầu tiên tôi gặp và quen Vũ Đức Giang.
Nhà của hai đứa cũng gần nhau, đều ở Đa Kao. Tôi ở đường Tự Đức. Nhà của Giang ở trong một ngõ của đường Phạm Đăng Hưng. Đó là một trong những nhà nhỏ, ngay dưới chân cầu Sắt, chiếc cầu nằm trên đường Nguyễn Văn Giai lối qua Gia Định, vẫn được gọi là “cầu Sắt”, vì cầu làm bằng sắt và tôi không biết tên thật của cầu là gì. Đi vào ngõ phía trong sâu chút nữa là nhà của Lê Huy Hòe, cũng là bạn cùng lớp. Nhà của Giang đơn sơ, nhưng sạch sẽ. Giang là con trưởng ở với bố mẹ, một em trai và một em gái. Tôi không nhớ nhiều về bố của Giang vì ông mất sớm, nhưng bà mẹ thì thật hiền dịu, chiều và thương con, một bà mẹ Việt Nam lý tưởng. Cậu em trai, kém Giang và tôi chỉ một vài tuổi nhưng rất kính trọng, lễ phép với anh và bạn của anh. Cô em gái Giang ngọt ngào, giản dị và dễ mến.
Ngay buổi tối đầu tiên, Giang đã hơi làm lạ khi thấy tôi rủ đi uống cà phê nghe nhạc và tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy bạn nhận lời ngay. Sau đó hai đứa mới khám phá ra là người bạn mới tuy có nhiều điểm khác mình, nhưng cũng có cùng một sở thích là âm nhạc. Giang học rất chăm và khá đều, còn tôi, thú thật, hơi… làm biếng, chỉ bắt đầu học lúc sắp thi. Là cầu thủ bóng tròn loại khá, lúc nào Giang cũng có mặt trong những lúc tranh giải túc cầu của lớp Y Khoa, trong khi tôi chỉ biết xem đá bóng và biết cổ vũ, hò hét, hoan hô. Tính của Giang trầm lặng, ít nói và tôi, ngày đó, sôi nổi hơn. Giang thích và hay ôm đàn guitar dạo, nhưng cũng như tôi, vì chính yếu chỉ tự học, nên không khá lắm. Giang đập trống thì khá hơn một chút. Về trình diễn âm nhạc, Giang đủ sức tham dự những buổi văn nghệ tất niên tài tử trong lớp. Giang rất thích nghe nhạc, loại nhạc như nhạc Tiền Chiến, Tình Ca Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên (học cùng thời với Giang, Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Tiến Dũng, Võ Tá Hân… ở trường Trung Học Nguyễn Trãi)…Vũ Đức Giang kể chuyện “hồi APM” lúc học Quân Sự Học Đường, hay đi hát đàn với hai bạn cùng lớp là Vương Đức Hậu và Nguyễn Minh Huấn. Có khi họ còn “chở ba” trên xe gắn máy và người nào ngồi giữa thì cầm cái đàn guitar. Nghe kể như vậy, tôi thấy người bạn mới của mình tính tình thật là “văn nghệ” rồi! Còn cá nhân tôi, mê đàn hát từ những ngày còn bé. Cả hai đứa vì không có “điều kiện” nên đều chưa bao giờ được học nhạc chính thức, từ thầy hay từ trường lớp, càng làm cho hai đứa hiểu nhau, gần nhau, rồi dần dần thân nhau nhiều.
Giang và tôi từ đó rủ nhau, ít nhất một tuần một lần, đi quán để uống cà phê, để hút thuốc lá, nói chuyện và nghe nhạc. Hai quán cà phê chúng tôi thường đến là quán Hân và Ly Tao. Cả hai quán đều có những nhạc thật hay.
Quán Hân ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, trước cửa là hiệu phở Hoàn Kiếm, ngay gần nhà. Con gái chủ quán, thỉnh thoảng ra quầy thu tiền, là một cô gái xinh xinh, ngày đó, có một thời gian ngắn cũng đã là “cô em nhỏ” của Vũ Quốc Phong, một bạn cùng lớp Y Khoa. Đây là nơi chúng tôi được nghe những băng nhạc hiếm, có Duy Trác đằm thắm ấm áp hát “Thuở Ban Đầu” (Phạm Đình Chương), Anh Ngọc điêu luyện với “Mắt Biếc” (Cung Tiến), Mai Hương thiết tha “Giấc Mơ Hồi Hương” (Vũ Thành), Châu Hà hát “Suối Tóc” (Văn Phụng) êm như mơ…
Quán Ly Tao gần nhà tù Chí Hoà. Chủ quán, ca sĩ Ngọc Long, là một người cao lớn. Quán có người hầu bàn cũng là con gái nhỏ nhắn của anh Ngọc Long. Cô bé gọi chúng tôi là chú xưng cháu, làm không khí ấm cúng và tự nhiên. Ở đây, Giang thường yêu cầu một băng nhạc rồi thẫn thờ, mê mẩn nghe bài “Chiều Mơ” của Vũ Đức Sao Biển do Ngọc Long hát:
“Chiều mơ anh sẽ về từ đèo cao hút gió, có hoa xưa chờ người xưa đó. Chiều mơ anh thấy em buông tóc bên trời, buồn một mình trên tuổi xuân phai. Chiều mơ anh cầm đàn về bờ xưa suối biếc, hát em nghe ngàn lời thương tiếc…”.
Tôi thấy bạn rất có lý, Ngọc Long ít khi hát, có giọng thật trầm, thật “đầy”, và hát bản này quả có một không hai. Vũ Đức Sao Biển nổi tiếng với bài “Thu Hát Cho Người” do Anh Ngọc hát thật hay, nhưng theo ý riêng của Giang “Chiều Mơ” tuyệt diệu hơn và lúc đó không được ai khác ngoài Ngọc Long trình bày, tuy sau này có Mai Hương hát ở Hải Ngoại.
Đúng như cảm nghĩ ban đầu khi gặp gỡ, Vũ Đức Giang rất tốt với bạn bè. Bản tính rất hiền, và nhiều khi ngây thơ như một cô gái nhỏ. Giang hiền lành, hầu như không biết giận ai, thành hay bị tôi và các bạn thân khác trong cùng lớp Y Khoa như Quách Anh Dương, Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Tiến Dũng… “bắt nạt” thường xuyên và Giang thường chỉ phản ứng bằng một nụ cười nhẹ nhàng. Tính Giang rất nhạy cảm, và thỉnh thoảng bị tôi trêu, vì Giang có thể rưng rưng “mau nước mắt” khi có chuyện gì cảm động, ngay cả chỉ lúc nghe những bản nhạc đầy tình cảm mạnh như “Bà Mẹ Gio Linh” (Phạm Duy) do Thái Thanh hát. Giao thiệp với Giang khá lâu tôi mới biết thêm về con người của bạn. Tuy hiền lành, thích chiều bạn, hay nhịn người khác nhưng một khi đã tin vào chuyện gì thì không có khi nào thay đổi ý kiến, nếu không có những sự kiện vững chắc chứng minh khác đi.
Năm thứ 1 Y Khoa của chúng tôi đánh dấu bằng một chuyện đau lòng. Tháng Ba 1969, Giáo Sư Thạc Sĩ Trần Anh, một bác sĩ rất giỏi, đang đảm nhiệm chức Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn ngoài chức Trưởng Khu Cơ Thể Học Viện của Đại Học Y Khoa, bị ám sát, bắn chết bằng súng lục, trong khi sau giờ làm việc, ông đi bộ từ trường Y Khoa về nhà, gần Đại Học Xá Minh Mạng. Vì ông là giáo sư chính hướng dẫn cho Y Khoa 1, đám tang của thầy, chúng tôi thay nhau “đứng gác” quan tài. Phải nói, tất cả chúng tôi và nhất là Vũ Đức Giang bị xuống tinh thần khá lâu, vì cái chết của người thầy đáng kính trọng. Giang tính tình nhậy cảm buồn đến cả tháng mới nguôi. Mãi sau 1 thời gian giáo sư Bác Sĩ Thạc Sĩ Nguyễn Hữu từ Pháp về, đứng ra lãnh trách nhiệm dẫn dắt sinh viên Y Khoa 1 môn Cơ Thể Học.
Sau khi thi đỗ lên năm Y Khoa 2, một buổi tối hơi lành lạnh, khí hậu hiếm thấy ở Sàigòn, hai đứa khi “ngồi” quán Hân nhìn khói thuốc bay lững lờ, ngắm từng giọt cà phê phin đen chảy và nghe nhạc, Giang đột nhiên cho tôi biết quyết định nộp đơn thi vào QY (Quân Y) và rủ tôi cùng theo. Giang nói cho tôi nghe về ước muốn trở thành y sĩ nhảy dù. Bình thường, Giang chỉ nhỏ nhẹ, nhưng lúc đó nhìn và nghe Giang, thấy nó thật cương quyết. Tôi đồng ý ngay, không chần chừ, nhưng theo tôi binh chủng nào cũng được. Về sau kéo thêm được Vũ Quốc Phong, Nguyễn Minh Huấn, Đoàn Trung Bửu… cũng thi đỗ và gia nhập Quân Y. Khoảng thời gian đó vừa sau vụ Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa miền Nam vừa chiến thắng một cách dũng cảm và tinh thần thanh niên đang được kích thích sôi động.
Cuộc đời Quân Y có những điều thật bất ngờ. Chúng tôi cứ nghĩ Sĩ Quan Quân Y sẽ gian khổ khi ra trường lúc chiến đấu, còn lúc là Sinh Viên Quân Y thì chỉ tập tành quân sự chút ít mỗi mùa Hè, và trong năm thì giờ dành cho việc học. Một buổi trưa nắng và gió tháng Giêng 1970 sau khi làm thủ tục được phát quần áo, giày “bốt đờ sô”… tôi và Giang chở nhau vào trường Quân Y ở đường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn bằng chiếc xe gắn máy “Honda dame” của tôi để tham dự Tám Tuần Lễ Huấn Nhục. Hai đứa khệ nệ khiêng mỗi đứa một bị to. Ngoài những đồ đạc nhà binh lỉnh kỉnh như “bi đông”, xẻng xúc đất, “gào mên”… còn nặng đầy sách vở, tưởng sẽ vào đó ngồi học bài ngay! Ba ông anh huynh trưởng sinh viên quân y do Sinh Viên Quân Y năm thứ 6 Tô Phạm Liệu chỉ huy đã đợi sẵn ở cổng vào. Không thấy đàn anh nào cười đón mừng cả! “Ông” nào trông cũng nghiêm và khó quá. Mấy chục tân sinh viên Quân Y, mới nhập ngũ, là những sinh viên Y Khoa 2 lớp chúng tôi, lớp Y Khoa 1 như Lê Quang Minh, Phạm Quang Tố, Ngô Hoàng Lâm, Lê Thành Đấu…), sinh viên Dược như Mai Gia Thược (Thược về sau tự tử trong trại Cải Tạo), Phạm Đức Thụy… và sinh viên Nha. Vũ Quốc Phong có giọng nói to, hoạt bát và có dáng điệu chững chạc nhất được cử làm Tân Sinh Viên Đại Đội Trưởng cho Đại Đội Tân Sinh Viên Quân Y. Ngay sau đó, đám tân sinh viên Quân Y chúng tôi được lệnh ôm gói hành trang nặng trĩu chạy chung quanh Vũ Đình Trường của trường Quân Y, theo ba ông đàn anh cho đến khi gần… xỉu. Thật là bất ngờ!

Rồi cứ như vậy mỗi ngày, các đàn anh sinh viên quân y như Tô Phạm Liệu, Phạm Gia Cổn, Phạm Đặng Long Cơ, Nguyễn Ngọc Ấn, Ngô Thế Khanh… lần lượt thay phiên nhau cho các đàn em mới “nếm mùi” Quân Đội. Khi còn là sinh viên dân sự, tôi đã từng đi học quân sự ở Quang Trung hai lần và Thủ Đức một lần nhưng không thấy chỗ nào có thể gian lao như là tám tuần lễ huấn nhục ở trường Quân Y. Những khóa huấn nhục quân y trong những năm trước chỉ có 6 tuần và khóa của chúng tôi lại kéo dài đến 8 tuần. Theo các đàn anh cho biết thì những năm trước cũng có thời gian huấn nhục nhưng vì “thông cảm” là cùng với quân sự, các đàn em vẫn phải “học chữ” ở các trường Y Nha Dược. Khóa của tôi thì đặc biệt sao đó, có nhiều đàn anh Quân Y có lý tưởng mạnh và nhiệt thành do đó muốn huấn luyện chúng tôi thành những sĩ quan nòng cốt cho ngành Quân Y trong tương lai. Dù muốn hay không, Trường Quân Y cũng là một trong những trường Sĩ Quan Hiện Dịch khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trường Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị… Tân Sinh Viên Quân Y ngoài sự huấn nhục thể xác và tinh thần ở trường Quân Y, chắc chắn không thể so với trường chuyên nghiệp quân sự Võ Bị Đà Lạt nhưng chúng tôi còn thêm sự lo lắng như những sinh viên Y Nha Dược ngoài dân sự là vẫn phải đi học, học bài rất nhiều của các ngành Y Dược Nha. Và nếu không thi đỗ, thì bị ở lại lớp hay có khi “ra trường sớm” (sortie latérale) tức là bị loại khỏi trường Y Khoa, nếu thi trượt hai lần. Nhất là ngày đó chúng tôi Y Khoa Hai có môn Ký Sinh Trùng Học do Giáo Sư Bác Sĩ Đỗ Thị Nhuận tuy rất tận tâm nhưng cũng nổi tiếng rất nghiêm khắc, trong việc học hành, thi cử của sinh viên và có lúc thẳng tay “đánh rớt” những người không đủ điểm.
Trong số các đàn anh có ba người khó tính nhất cùng ở một toán huynh trưởng huấn luyện là anh Cảnh, Đức và Ấn (anh Nguyễn Ngọc Ấn khóa 18 Quân Y Hiện Dịch, sau đi Biệt Động Quân, tác giả bài “7 Ngày Ở Quảng Trị” viết về chuyện bị bắt làm tù binh ở trận Hạ Lào, khi bị đưa ra Bắc, và mãi sau mới được hoán chuyển tù binh về lại được miền Nam). Ba ông này huấn nhục chúng tôi theo đúng nghĩa huấn nhục, ngay từ buổi đầu tiên với các hình phạt nặng, vì những lý do đôi khi thật là vô lý. Vì không được chuẩn bị tinh thần nên các đàn em rất ngạc nhiên và có thể nói là bất mãn. Một buổi chiều, như thường lệ, ba ông đàn anh đem cả Đại Đội Tân Sinh Viên ra phạt tới tấp vì một cái lỗi rất là nhỏ, tôi không nhớ rõ và hành xác đàn em khoảng một tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang. Đoán biết có sự bất mãn, anh Cảnh trước khi giải tán đại đôi, tuyên bố sẽ tập họp lại buổi tối và nói rõ ràng nếu có ai không bằng lòng thì lúc đó cho biết để các đàn anh sẽ cho phép “rời khỏi Quân Đội”. Giang, vài bạn nữa và tôi có họp lại bàn chuyện này. Mấy ông đàn anh thì cũng dự định “dọa già” các em thôi. Các ông em ngây thơ, tin thật và hẹn nhau nhất định giữ vững lập trường dù có gì xảy ra. Tối hôm đó, Vũ Đức Giang, Nguyễn Minh Huấn và Phạm Anh Dũng đã đứng ra khỏi hàng để được “cởi áo nhà binh”, như các anh đã hứa hẹn. Sau đó thì chúng tôi “vỡ mộng”! Những đàn anh ra lệnh cho Vũ Quốc Phong đứng ra phạt chúng tôi. Phong nhận thấy sự vô lý, vì các bạn của mình chỉ bày tỏ ý kiến khi được đàn anh hỏi thôi, nên nhất định không tuân lệnh. Ba ông đàn anh nổi giận phạt riêng Phong trước hàng quân và rồi phạt cả đại đội chạy vài vòng Vũ Đình Trường. Riêng ba đứa chúng tôi thì biết thêm hình phạt Dã Chiến là gì, đêm hôm đó. Các ông anh thay nhau phạt 3 đứa tôi cả đêm dài. Đến sáng ra, khi hỏi lại chúng tôi vẫn cương quyết giữ ý kiến đòi “rời khỏi Quân Đội” như đàn anh đã hứa. Riêng Vũ Đức Giang, khi được cho nghỉ vài phút, đã thu dọn cho đồ nhà binh vào bị và mặc sẵn quần áo dân sự từ lúc nào rồi. Lúc này các ông đàn anh cũng hơi lúng túng, không biết xử trí ra sao. Huynh trưởng Tô Phạm Liệu phải đến gọi riêng ba đứa em ra khuyên bảo. Anh Liệu nói nhiều về tình cảm anh em trong gia đình Quân Y và giảng cho các đàn em bướng bỉnh hiểu về mục đích chính của thời gian huấn nhục chỉ làm cho tân sinh viên tập quên đi cá nhân của mình và nghĩ đến tập thể, tương lai, tổ quốc… Anh nói rất hay, chúng tôi cảm động nhiều và riêng Giang phải long lanh nước mắt.
Chúng tôi hiểu, không xin “rời khỏi Quân Đội” nữa và rồi theo thời gian, cũng quen đi những huấn luyện về thể xác và tinh thần để sửa soạn thành những Quân Y Sĩ trong tương lai. Thôi thì đủ trò phạt, hít đất, chạy… Một lần tôi đang ở trong hàng nghe anh Phạm Gia Cổn “thuyết pháp”, không hiểu sao, lỡ dại không nhịn được phải phì cười, và bị anh phạt. Anh cho là tôi “cười nhỏ quá”, nhiều người chưa được nghe và bắt thằng em đứng giữa hàng quân cười thật to 10 lần để cả Đại Đội được nghe. Tôi nhớ mãi bị khản giọng, mất tiếng đến cả mấy ngày. Nhưng kể từ ngày đó, 2 anh em chúng tôi lại quen biết thân nhau, thân nhau nhiều, thân nhau mãi cho đến khi anh qua đời năm 2022. Những tuần lễ huấn nhục của Tân Sinh Viên cũng qua đi, trở thành những kỷ niệm thú vị không bao giờ quên. Khi chúng tôi tổ chức Đêm Lễ Gắn Alpha theo sau là buổi văn nghệ mãn khóa, cả Giang và tôi đều vào ban văn nghệ trình diễn. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm Nguyễn Minh Huấn hôm đó hát “Nguyệt Cầm” của Cung Tiến-Xuân Diệu.
Lên năm thứ 3 Y khoa, sinh viên bắt đầu thực tập ở bệnh viện và cũng bắt đầu được chia đi gác đêm. Tôi và Giang có một kỷ niệm không bao giờ quên ở nhà thương Hồng Bàng là nơi chuyên trị những bệnh nhân bị bệnh Lao, nhiều người thật nặng, ngày nào hình như cũng có người chết. Phòng trực cho sinh viên Y Khoa ở chỗ vắng vẻ, cách xa tòa nhà chính, nơi bệnh nhân nằm dưỡng bệnh. Ban đêm vắng mà bị gọi khi bệnh nặng hay khi bệnh chết thì rất ngại, vì phải đi bộ khá xa và “đường xá” thì tối mù mịt. Các đàn anh Y Khoa thường bảo là chỗ đó có… ma! Chuyện ma của nhà thương Hồng Bàng cũng đã có nhắc đến trong quyển “Thế Giới Trường Thuốc” của Đặng Đức tức Bác Sĩ Đặng Đức Nghiêm. Tôi vừa đọc xong quyển sách vài ngày hôm trước và vẫn còn đang bị ám ảnh. Anh bạn cùng lớp, tôi không nhớ rõ tên, được chia trực cùng đêm lại bị ốm, nên tôi “năn nỉ”, rủ Giang đi cho đỡ sợ. Đêm khuya hôm đó đang ngủ thì nghe tiếng động lục cục ở ngoài cửa phòng, Giang giật mình thức giấc và lay tôi dậy. Tôi thu hết can đảm dậy bật đèn, lên tiếng hỏi nhưng không thấy ai trả lời. Tiếng động nghe như là chân người mang guốc bước qua lại trên sàn xi măng tiếp tục khá lâu cũng đến khoảng 5-10 phút. Tiếng động đó cũng mất đi nhưng cả hai đứa đều sợ xanh mặt, để đèn sáng và không ngủ được cho đến sáng. May mà đêm đó cũng không bị gọi lên trại bệnh thành cả hai nằm im lặng trong giường cho đến lúc thấy trời sáng tỏ nghe thấy tiếng người thì mới mò ra ngoài cửa. Chúng tôi cũng không tìm được, thật ra là không dám đi tìm lý do của cái tiếng động kỳ quái giữa đêm khuya vắng. Cũng có thể chỉ là do gió mạnh đập cành cây hay cái gì vào tường hay cửa sổ chăng?
Cũng nói qua, vào khoảng 1970, sau Chiến Dịch Campuchia của quân lực Hoa Kỳ và QLVNCH và vì bị “cáp duồn” như các kiều bào Việt khác, các sinh viên học Y Khoa Campuchia như Nguyễn Mạnh Khang, Hà Phi Phụng, Mai Thế Vĩnh, Hồ Hoàng Trang, Nguyễn Thanh Phong… phải chạy thoát về Việt Nam để cuối cùng được nhận vào Y Khoa Sài Gòn, vào lớp Y Khoa Sài Gòn 1967-1974 chúng tôi.
1972, năm của những Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại Lộ Kinh Hoàng, Cổ Thành Quảng Trị (Chiến Dịch Lam Sơn 72)… Đây cũng là năm của “Tổng Động Viên” khi chúng tôi đang học Y Khoa 4, năm thứ Tư Y Khoa. Tôi nhớ một số anh em “Dân Y” như Hoàng Lộc (Lộc sau 1975 bị giết chết ở trại Cải Tạo), Nguyễn Mạnh Khang, Lê Minh Đức, Trần Thiện Tư, Trần Chánh Khương, Lại Văn Tiến, Nguyễn Minh Quốc, Đào Văn Kim, Trần Hoàng Hải, Ngô Đăng Tuấn, Lại Hoàng Ân, Lưu Văn Châu , Trương Hoàng Nghiệp… quá tuổi, sinh vào 1947 hay trước nữa, bị “đôn quân”, phải nhập ngũ học khóa sĩ quan ở Đồng Đế, “ra” chuẩn úy. Tuy vậy một thời gian sau, đa số về sau cũng được thầy bác sĩ Trần Lữ Y, lúc đó là Tổng Trưởng Y Tế chính phủ Nguyễn Cao Kỳ thành có thế lực, can thiệp xin cho về học lại Y Khoa, nhưng kết quả ra trường trễ hơn các bạn cùng lớp 1 năm.
1972, chiến tranh bùng nổ lớn ở miền Trung. Dân Quảng Trị chạy giặc vào tạm trú hàng chục ngàn người ở những trại tị nạn xung quanh Đà Nẵng. Tình trạng y tế của các trại tị nạn rất nghèo nàn. Không đủ y sĩ để săn sóc dân và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhờ đến các sinh viên quân y giúp. Tôi và một số anh em sinh viên khác của lớp Quân Y Y Khoa 4 như Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn Trung Bửu, Trương Ngọc Hiền… Quân Y Y Khọa 5 như Phạm Hiếu Liêm, Bùi Quang Dũng, Bùi Hữu Phước, Nguyễn Anh Tuấn… Quân Y Y Khoa 3 như Trần Hoàng Long, Trần Đông Giang, Nguyễn Văn Hãn, Lê Thành Đấu, Nguyễn Võ Khanh… Quân Dược như Nguyễn Hiền, Mai Gia Thược (Thược sau tự tử trong Trại Cải Tạo) , Châu Minh, Nguyễn Văn Trực, Nguyễn Quang Toản… được cử ra miền Trung để giúp vào việc lo y tế cho đám dân tị nạn vài tháng. Đối với đời sinh viên Quân Y thì chuyến đi cũng đầy những lo lắng nhưng cũng thật thú vị và hồi hộp. Tôi chỉ có một chuyện duy nhất lo lắng là chị Nga, bà chị ruột của tôi, vừa bị nám phổi nhẹ nhưng phải chích thuốc chống Lao Streptomycin mỗi ngày. Vũ Đức Giang, không phải đi ra miền Trung chuyến này, biết chuyện và nhận giúp ngay. Trong những ngày tháng tôi lưu lạc ở Đà Nẵng, Giang đã đến nhà tôi mỗi ngày để chích thuốc cho chị Nga. Mẹ tôi hiền nhưng bố tôi tính khó, nên ít có bạn thường lại nhà. Giang thì đặc biệt lại nhà tôi thường xuyên. Bố mẹ tôi rất quý tính nết hiền, tốt và lễ phép của Giang. Chị Nga tôi thương mến Giang coi như em ruột trong nhà.
Sau khi đám Sinh Viên Quân Y ở Đà Nẵng được vài tháng, tại Sàigòn Y Sĩ Đại Tá Nhảy Dù Hoàng Cơ Lân về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y thay Y Sĩ Đại Tá Hải Quân Phạm Vận. Đại Tá Lân, ngày đó, là một người đầy nhiệt huyết và thanh liêm có tiếng. Tính tình ông, nóng nảy, nhưng thẳng thắn và ông rất được kính nể trong ngành Quân Y. Đại Tá ra lệnh cho tất cả sinh viên đang đi quân sự vụ tại miền Trung về lại Sài Gòn, để tiếp tục việc chính là học Y Khoa. Theo quan niệm của ông, vấn đề quan trọng nhất trong việc đào tạo Sĩ Quan Quân Y giỏi là Sĩ Quan Quân Y phải nghĩ đến chuyện học trước hết. Chuyện chữa bệnh cho dân tị nạn để cho người khác, chính phủ lúc này đã xoay sở lấy được. Về Sài Gòn, một số anh em, trong số đó tôi còn nhớ có Vũ Đức Giang, Phạm Anh Dũng, Lý Văn Quý (Quân Nha)…rủ nhau nộp đơn xin đi học bằng Nhảy Dù, như các khóa đàn anh trước vẫn được phép, nhưng không được ông Lân chấp thuận, chắc cũng vì lý do này. Giang bực mình nhiều về chuyện đó, vì vẫn muốn sẽ gia nhập nhảy dù. Mỗi lần nhìn “đàn anh mũ đỏ” như Tô Phạm Liệu, Phạm Gia Cổn… lúc đó đã ra những đơn vị chiến đấu nhảy dù thỉnh thoảng vẫn về thăm trường với binh phục rằn ri, Giang vẫn tấm tắc khen và… mong ước!
Vì là “gốc” Nhảy Dù nên Đại Tá Hoàng Cơ Lân hơi có thiên vị cho binh chủng này và tôi nghĩ có lẽ chính ông đã tuyển lựa nhiều sĩ quan nhảy dù về trường Quân Y, có những Y Sĩ như Trung Tá Vũ Khắc Niệm, Thiếu Tá như Lê Văn Châu, tác giả quyển “Y Sĩ Tiền Tuyến” được giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1969, Đại Úy như Hoàng Ngọc Giao, Đường Thiện Đồng…. Còn ngành Dược thì có Đại Úy Trần Mạnh Anh… và đa số giữ những chức vụ huấn luyện cho đám sinh viên quân y. Thật sự đây là điều rất tốt, vì những vị này phần lớn đều khá và xứng đáng được làm gương. Cũng có một số Quân Y Sĩ binh chủng “rằn ri” khác được “gọi về” phục vụ ở Trường Quân Y như Thiếu Tá Trần Xuân Dũng từ Thủy Quân Lục Chiến và Đại Úy Ngô Thế Vinh, tác giả quyển “Vòng Đai Xanh” được giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1971, từ Biệt Cách Dù. Đại Tá Lân để ý đến sinh viên từ những chuyện tầm thường nhất như đi đứng, y phục, ăn uống… cho đến những chuyện quan trọng thi cử, học hành… Chính ông thường bất thần xuống khu nội trú xem xét đời sống sinh viên hầu như mỗi ngày. Nhiều khi tôi có cảm tưởng ông coi các sinh viên quân y như là những em nhỏ dại dột của chính ông cần được săn sóc cho thành người tốt.
Đại Tá Hoàng Cơ Lân, lúc đó, có rất nhiều ý kiến mới lạ, áp dụng vào việc huấn luyện sinh viên. Tất cả sinh viên quân y phải nội trú trong trường Quân Y để tập quen với đời lính. Tình cảm giữa các sinh viên quân y đối với nhau trở thành gắn bó hơn. Ông lập võ trường cho sinh viên tập Nhu Đạo, tôi nhớ có hai Y Sĩ Thiếu Tá Lê Trọng Tín và Đỗ Danh Thụy hướng dẫn. Ông còn tổ chức những buổi nói chuyện cho sinh viên mở rộng kiến thức. Nhiều nhân vật nổi tiếng ngoài dân sự như nhà văn Hoàng Hải Thủy diễn thuyết về “Y Sĩ và Văn Nghệ”, linh mục Thanh Lãng nói chuyện về “Văn hóa dân tộc và vấn đề Hùng Vương”… là các vấn đề tổng quát, văn học nghệ thuật. Rồi đến Bác Sĩ Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo, Giảng Sư Trần Xuân Ninh, Đinh Hà… nói về chuyên môn Y Khoa. Còn có các diễn giả là đàn anh Quân Y của chúng tôi đã ra trường như Đại Tá Văn Văn Của về nói chuyện để truyền kinh nghiệm đến đàn em. Có một hôm, anh Trần Xuân Dũng, đã từng là Y Sĩ Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến, thuyết trình về chuyện gì đó. Tôi ốm không đi được nhưng Giang đi nghe và khi về kể lại lấy làm thú vị, thích lắm vì anh Dũng dáng dấp thư sinh, nhưng nói chuyện rất hay và có duyên. Từ ngày đó thỉnh thoảng Giang cũng nói với tôi là có thể sẽ chọn Thủy Quân Lục Chiến khi đến lúc ra trường.
Công việc học hành, thi cử ở trường Y Khoa song song với chuyện quân sự ở Trường Quân Y rồi cũng qua dần. Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 của Kissinger và Lê Đức Thọ, khi tôi đang học Y Khoa năm thứ 5, thực tế chỉ là một “tờ giấy lộn” và chả hiểu tại sao vì “nó” mà 2 người này họ lại được giải Nobel Hòa Bình! Bộ Đội miền Bắc không tôn trọng những gì đã cam kết, vẫn xâm nhập miền Nam và Nam Bắc vẫn tiếp tục phân tranh. Phải nói tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate vào tháng 8 năm 1974 và viện trợ quân sự của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa đã dần bị cắt giảm rất nhiều.
Lúc đó, chúng tôi ít có giờ học ở trường hơn những lớp dưới và được cử đi thực tập nhiều ở các bệnh viện. Một vài tháng đầu tiên của năm thứ 5, Giang và tôi đến phiên học ở Bệnh Viện Nhi Đồng nơi có trẻ con bị bệnh nặng chết nhiều và chúng tôi được gọi ký giấy tử, có khi 5, 6 lần một đêm gác. Tôi nhớ mãi Giang được cử săn sóc một đứa bé trai độ 5 tuổi bị phù thủng rất nặng, khắp cả người sưng vù (edema) vì một bệnh về thận. Bố mẹ đứa nhỏ đã định sửa soạn ngày tang ma vì tưởng con không thể qua nổi cơn bệnh. Giang rất tận tâm chịu khó đọc sách, hỏi han những anh nội trú bệnh viện chữa cho thằng bé bằng kích thích tố tuyến thượng thận (corticosteroid) và kết quả rất thành công. Giang khá thật, chỉ một thời gian ngắn thằng bé đã đỡ hẳn. Bác Sĩ Giáo Sư Trịnh Thị Minh Hà, trưởng khu bệnh là người nổi tiếng giỏi nhưng rất khó tính cũng phải ngạc nhiên và vui lòng. Tôi nhìn thằng bé con vui đùa, tung tăng chạy nhảy lúc được xuất viện mà thầm phục thằng bạn của mình lầm lì, ít nói nhưng có tài. Sinh viên ngoại trú Y Khoa đầu năm thứ 5 mà có thể làm được chuyện như vậy không phải dễ. Giang rất thích trẻ con, sau kỳ học đó lại nộp đơn quay lại Nhi Đồng một lần nữa.
Chẳng mấy chốc đã đến năm thứ 6 là Y Khoa, năm cuối cùng của học trình 7 năm “dài đăng đẳng”. Một số chúng tôi được cử để phụ trách huấn nhục đám đàn em mới vào và “lịch sử lại tái diễn”! Chúng tôi cũng đến lượt trở thành những đàn anh hò hét, huấn nhục đàn em. Lúc đó, chính bản thân tôi lại được cử ra làm sinh viên quân y Đại Đội Trưởng Đại Đội Tân Sinh Viên, y như là anh Tô Phạm Liệu năm 1970, phụ trách việc huấn luyện này.
Sau khi thi xong kỳ thi Bệnh Lý ở trường Y Khoa, Khóa 21 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch QYHD, khóa Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa làm lễ ra trường. Chúng tôi được chính thức đeo lon Y Nha Dược Sĩ Trung Úy.
Tháng Hai 1975, “cả nước” rúng động vì tỉnh Phước Long đã mất. Ngày 20 tháng Hai 1975 là ngày chọn đơn vị. Đa số bạn bè xôn xao, bàn tán về những binh chủng khác nhau. Tôi vẫn có chủ trương như cũ, đơn vị nào cũng vậy và cuộc đời có lẽ có sẵn số mệnh cả. Rồi tùy theo theo thứ tự đậu cao chọn trước, đỗ thấp lựa sau.
Những người đậu cao chọn chỗ ở Tổng Y Viện Duy Tân có Bạch Thế Thức, Phan Thanh Hải. Về QYV (Quân Y Viện) có Nguyễn Phan Khuê (Thủ Khoa khóa 21 QYHD) QYV Ban Mê Thuột, Trần Trung Hòa QYV Quảng Đức, Nguyễn Dương Mỹ QYV Nguyễn Tri Phương, Trần Ngưu Tử và Nguyễn Chí Vỹ chọn về QYV Pleiku.
Có 2 chỗ Hải Quân cũng dành cho những người xứng đáng học khá giỏi và đậu cao là Nguyễn Văn Công và Nguyễn Văn Chiếu.
Nhảy Dù, binh chủng “rằn ri” mũ đỏ, hết khá sớm vì Châu Hữu Hầu, Trương Văn Như, Nguyễn Xuân Thiều, Nguyễn Văn Liêm, Trần Duy Thanh, Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Văn Thạnh đã lựa chọn ngay.
Về Thủy Quân Lục Chiến, mũ xanh, 9 người, có Vũ Đức Giang, Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Ngọc Sĩ, Nguyễn Bá Linh, Trương Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Châu, Bùi Chí Hùng, Huỳnh Đình Đại, và Hồ Đình Dư.
Chọn đi các Bộ Binh của tất cả 4 vùng quân sự: Vùng I Chiến Thuật có Chu Kỳ Đức; Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Đỗ Quan và Hồ Thanh Tùng chọn Sư Đoàn 1 Bộ Binh; Lê Bình Đẳng và Võ Dũng chọn Sư Đoàn 2 Bộ Binh; Vũ Quốc Cường và Phạm Anh Dũng chọn Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Vùng II Quân Sự có Phan Ngọc Hà, Lê Vĩnh Thịnh, Thái Văn Châu và Nguyễn Khánh Hỷ về Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Vùng III có Lê Huy Hòe chọn Sư Đoàn 5 Bộ Binh; Mai Thanh Hồng chọn Sư Đoàn 18 Bộ Binh và Lê Văn Cẩm chọn về Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Vùng IV có Nguyễn Văn Quốc chọn Sư Đoàn 7 Bộ Binh, Huỳnh Thắng Toàn và Nguyễn Văn Đơ chọn Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Nguyễn Minh Huấn và Phạm Văn Hạnh cùng về Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Biệt Động Quân, binh chủng “rằn ri” mũ nâu, đang dự định đưa Y Sĩ xuống cấp tiểu đoàn theo như Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến và do đó lấy khá nhiều. Đó là Nguyễn Tài Mai (Sinh Viên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Sinh Viên Quân Y, “gốc” Thiếu Sinh Quân), rồi đến Nguyễn Quốc Anh, Ngô Bá Bảo, Đoàn Trung Bửu, Nguyễn Kỳ Chân, Nguyễn Đăng Cung, Nguyễn Hữu Chí, Nguyễn Văn Đổng, Nguyễn Hữu Khoát, Nguyễn Phong Nghi, Hồ Sĩ Nghĩa, Nguyễn Văn Tân, Tề Văn Tiếng, Đỗ Danh Toàn, Vũ Ngọc Tuấn và Nguyễn Tấn Việt.
Một số chọn những đơn vị lẻ tẻ, nhưng đặc biệt như Huỳnh Minh Châu về Nha Kỹ Thuật Tổng Tham Mưu, Dương Thanh Trắc chọn Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Trịnh Ngọc Toản “đi” Tiểu Đoàn 12 Kỵ Binh Thiết Giáp và Phạm Hồng Hải “về” Liên Đoàn 72.
Sau ngày chọn đơn vị, tôi lại nhà Vũ Đức Giang ngày cuối tiễn Giang ra trình diện đơn vị. Giang mặc quân phục “rằn ri” mới, đeo lon đỏ, đội mũ xanh của Thủy Quân Lục Chiến, trông thật lạ mắt. Giang giới thiệu tôi với hôn thê mới của mình, là một giáo sư trường trung học ở Sài Gòn. Cô vợ chưa cưới của Giang tên là Mai, trông thật ngoan và hiền dịu. Trước khi từ giã, Giang đưa tặng tôi cặp lon Trung Úy và bảng tên màu đen dùng cho những đơn vị tác chiến, dặn dò tôi phải cẩn thận vì chiến cuộc đang gay go. Nhìn tôi khá lâu vào mắt, hơi khác thường, Giang bắt tay từ giã. Cả mấy năm trời thân thương với nhau, chúng tôi chưa hề bắt tay nhau bao giờ. Lần đó là lần đầu tiên và không ngờ, cũng là lần cuối cùng tay chúng tôi bắt tay. Đó là lần cuối cùng hai đứa gặp nhau. Giang ra thay một đàn anh ở Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến, tham chiến ngay ở gần Huế. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vừa ra lệnh rút Sư Đoàn Nhảy Dù về trấn giữ Sài Gòn và để một số Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng vài Liên Đoàn Biệt Động Quân thay. Giao chiến khốc liệt đẫm máu xảy ra ở những vùng quanh Huế, Quảng Trị, Đại Lộc… Nguyễn Tiến Dũng thành Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đóng ở tuyến đầu Quảng Trị.
Cuộc đời Y Sĩ Tiền Tuyến chúng tôi thật sự khởi đầu.
Tôi đến Sư Đoàn 3 Bộ Binh gần Đà Nẵng. Vũ Quốc Cường về cùng đơn vị đã trình diện trước tôi một vài ngày. Ngày Xuân, tháng Ba mà đã nóng như lửa. 11 giờ trưa trình diện Tiểu Đoàn 3 Quân Y. Dược Sĩ Trung Úy Lê Văn Khoa rủ ăn trưa với các Y Sĩ Trung Úy của Sư Đoàn 3 như Nguyễn Hữu Mãn, Đào Tư Huyền, Lê Văn Thu…và chỉ dẫn chút ít về doanh trại. Vũ Quốc Cường dẫn tôi đi tắm suối xong 2 giờ chiều cùng ngày tôi được ông Thiếu Tá Y Sĩ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Quân Y gửi đến Trung Đoàn 2 Bộ Binh. Vũ Quốc Cường được giữ lại Sư Đoàn. Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 3 và Trung Đoàn 1 của Sư Đoàn 1 là hai đơn vị thiện chiến có tiếng trong các đơn vị Bộ Binh của Vùng I Quân Sự. Trung Đoàn 2 đang đóng và chiến đấu ở Quế Sơn. Tôi đến thay cho Y Sĩ Trung Úy Bùi Trần Anh ở trung đoàn này đã được vài năm.
Đến lúc đó tôi mới thấy cái đời sống thật sự của những Y Sĩ ở mặt trận không còn những lúc văn chương thơ mộng như mình đã tưởng tượng, như khi đã đọc ở quyển “Y Sĩ Tiền Tuyến” của Trang Châu. Quyển sách của anh Châu, viết có lẽ chỉ khoảng 5,6 năm trước và thời gian đó đã trở thành phải nói có những chỗ không còn “hợp thời” nữa. Chiến tranh sau này phũ phàng và tàn bạo hơn nhiều. Tôi thông cảm và kính phục các vị Quân Y Sĩ đàn anh bao nhiêu năm gian khổ, nguy hiểm nơi tiền tuyến. Cảm giác lạnh lẽo, cô đơn một mình giữa đêm khuya ở bệnh xá Trung Đoàn thật khó quên. Những buổi trưa ấn vội nắm “cơm sấy” vào mồm cho đầy bụng để còn kịp có thì giờ chữa thương bệnh binh. Tôi đã ớn lạnh nghe quả pháo vút qua đầu và rơi cách chỉ hơn trăm thước mà vẫn phải dặn dò y tá bình tĩnh. Lúc cảm thấy bất lực nhìn tủ thuốc trống rỗng với vài viên thuốc chữa cảm cúm vớ vẩn, không còn trụ sinh trong khi bệnh nhân đợi la liệt với những vết thương không cần phải đợi lúc thay băng cũng đã ngửi thấy mùi nhiễm trùng. Còn nỗi bàng hoàng, khi thấy lính phải bỏ tiền túi ra mua đạn. Chuyện khó tin nhưng có thật! Trận chiến như đã được xếp đặt đến lúc tàn. QLVNCH chưa mỏi mệt, nhưng đồng minh Hoa Kỳ đã mỏi mệt, muốn “bỏ rơi” miền Nam. Quân miền Nam không còn đủ súng ống, đạn dược trong khi Bộ đội miền Bắc lại đầy T54, B41, AK47…vì Nga và Trung Cộng vẫn chưa bỏ cuộc.
Khóa 21 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch, những ngôi sao sáng, những niềm hy vọng mới của đất nước, của tổ quốc ra trường đúng những ngày tháng sửa soạn cho thất trận. Chiến tranh hình như bùng nổ lớn khắp nơi trên khắp bốn vùng chiến thuật I, II, III và IV. Tháng Ba 1975 các Tân Trung Úy Quân Y Nha Dược Sĩ chân ướt chân ráo ra chiến trường, tìm đơn vị, là lúc hầu như cả một đạo quân Việt Nam Cộng Hòa một triệu người đang giao tranh, tan rã, bắt đầu di tản ngược lại hướng của mình. Bao nhiêu bạn cùng khóa bị bắt làm tù binh. 8 Quân Y Sĩ mới của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra thay thế đàn anh ở những tiểu đoàn chiến đấu, 5 người bị bắt khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ ngỏ Huế. Còn nhiều người vì hỗn độn chưa kịp tìm thấy đơn vị mới đã chết trận.
Ngày 10 tháng Ba 1975 Ban Mê Thuột bị tấn công.
Chỉ 3 ngày sau Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Vùng II Quân Sự Phạm Văn Phú bỏ Cao Nguyên. Đại Tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất được thăng Chuẩn Tướng chỉ để dẫn quân dân triệt thoái theo Liên Tỉnh Lộ 7, con đường lâu ngày không dùng trở thành “một con đường máu”, đúng nghĩa chữ “máu”. Tại “Con Đường Tử Thần” này, Y Sĩ Trung Úy Biệt Động Quân Đoàn Trung Bửu, QYHD khóa 21 của chúng tôi, đã chết khi cố vượt qua một con sông trong chuyến di tản. Cũng trong lúc di tản của Quân Đoàn II, Y Sĩ Trung Úy Bộ Binh Thái Văn Châu, khóa QYHD 21 của chúng tôi, bị bắn chết ở biển Quy Nhơn khi cố bơi từ bãi biển ra tàu Hải Quân.
Những đàn anh Quân Y hy sinh trước kia như Đỗ Vinh, Trương Bá Hân, Trần Ngọc Minh, Lê Hữu Sanh, Bửu Trí, Đoàn Mạch Hoạch… đều được vinh danh là anh hùng. Tên của các Quân Y sĩ là tên những Quân Y Viện trên khắp các vùng chiến thuật. Ai biết đến, ai nhắc đến Đoàn Trung Bửu, Thái Văn Châu… Lúc chôn, nếu có tìm được xác chắc cũng không được phủ mảnh cờ vàng ba sọc đỏ.
