Đoàn Thức
Nếu bạn đã kịp lớn để biết và yêu nhạc Việt Nam do các nhạc sĩ Sài Gòn, và cả miền Nam, sáng tác hồi trước 1975, bạn chắc còn nhớ, ngày đó có nhiều nhà xuất bản chuyên in nhạc tờ, mà nổi bật trong đó là An Phú và Tinh Hoa. Về sau gọi là Tinh Hoa Miền Nam. Nhạc tiền chiến cũng không thiếu chỗ.
Những bản nhạc tờ dễ thương này thường in trên giấy dày, hình như là Bristol thì phải. Lúc đó tới thập niên 1970, kỹ thuật in offset đã bắt đầu song hành với kỹ thuật in typo, cho mỗi bản nhạc chỉ có 4 trang, khổ ngang ngửa A4 hay gia giảm một chút, phổ biến là kích thước 22x30cm. Phân biệt in offset và typo khá dễ.
Khi nhìn bìa, bìa nào ít màu, thậm chí chỉ là một màu cho in trên một nền nào đó khác màu đen, bất kể màu ấy có sắc độ đậm nhạt thế nào tùy theo bản ảnh gốc, là typo. Bản nhạc với năm dòng kẻ và lời hát nằm trọn vẹn ở các trang 2 và 3, còn trang 1 là bìa, thường do họa sĩ sáng tác trong suốt 20 năm 1950 – 1960, và trang 4 là bìa cuối, để giới thiệu các bản nhạc khác sắp phát hành.
Nếu bài hát nào dài quá, người ta sẽ tận dụng bìa 4 để in hết tác phẩm. Ví dụ, bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy. Lúc đó, có lẽ gần như mọi nhạc sĩ sáng tác từ nổi danh nhất cho đến người khẳng định được vị thế của mình trong làng ca nhạc miền Nam, đều có tác phẩm in trên nhạc tờ.
Ngày xưa, nhà tôi có cả một collection nhạc tờ tới mấy trăm bài đóng tập, vì mẹ tôi là người rất yêu âm nhạc. Bà hát nho nhỏ suốt ngày, dù phải kiếm sống vất vả để nuôi gia đình. Bà thuộc làu rất nhiều bài tiền chiến, mãi từ các nhạc sĩ Hà Nội, may thay theo thời cuộc chúng cũng vào Nam theo, để in trên nhạc tờ.
Nhạc tờ đã có từ lâu lắm, tôi nhớ, xa xôi cỡ Bến Xuân của Văn Cao và Phạm Duy, với lời mới do Phạm Duy viết lại, trên nền bài nhạc gốc của Văn Cao là Đàn Chim Việt, cũng đã đi vào nhạc tờ miền Nam.
Bài gốc của Văn Cao: “Về đây nghe gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ, bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô…” Bài Phạm Duy viết lại lời cho Bến Xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim cùng họp đàn trên khắp bến Xuân…”
Những vị sành nhạc cũ của Je me sou-viens như của thế hệ thập niên 50-70 của thế kỷ 20, chắc chắn biết câu chuyện này, Đàn Chim Việt ở lại ngoài Bắc sau 1954, khi vào miền Nam, nhờ Phạm Duy, thành Bến Xuân. Hai tâm tình, hai nỗi niềm, hai ý tứ mà cả hai đều cùng đi vào lòng người. Họa sĩ nào vẽ bìa bài Bến Xuân, lâu quá tôi không nhớ có phải là ông Lê Minh (hay Lê Trung) hay không, nhưng tôi nhớ cái nền màu xanh hy vọng của nó, một đàn chim trắng đang cùng nhau rũ cánh phơi phới trong ánh nắng Xuân trên một chiếc cầu ao, thật gợi cảm.
Nhiều lắm. Nếu kể ra đây thì Đan Thọ, với bài Tình Quê Hương phổ thơ Phan Lạc Tuyên, và cả bài Chiều Tím trứ danh của ông, cũng có mặt: “Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ…” và “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu lên phím đàn, mây bay quan san. Có hay?”
Có cả Đoàn Chuẩn và Từ Linh, không thiếu một bài nào, từ Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Gửi Người Em Gái, Lá Thư và tất cả những bài viết về mùa Thu khác. Ngay cả Ngọc Bích, Trăng Mờ Bên Suối, Việt Lang, Đoàn Quân Đi, Hùng Lân, Hè Về, Lê Thương với bộ ba Hòn Vọng Phu mà phần 2 là Ai Xuôi Vạn Lý, và phần 3 là Người Chinh Phu Về, đều có mặt.
Tất nhiên, 5 tác phẩm để đời của Văn Cao, là Trương Chi, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ và Cung Đàn Xưa, cũng đi vào nhạc tờ. Chỉ duy nhất có đề tài Người Thiếu Phụ Nam Xương, mà nếu không để ý lắm, chúng ta nhờ nhạc tờ Sài Gòn cũng có thể biết là bao nhiêu nhạc sĩ tài danh hàng đầu đều có tác phẩm từ đó.
Lê Thương đã đành, mà Văn Cao thì với Buồn Tàn Thu còn có cái tên là Chinh Phụ Khúc: “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng…” cứ mỗi khi Thái Thanh cất lên chữ “lướt” lại nghe đến độc đáo rợn người. Và đến Phạm Duy thì có Chinh Phụ Ca: “Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, mà hồn nương bóng quốc kỳ. Nàng dừng con thoi, có khi nhớ chàng, có muốn gì đâu, lệ thắm tơ vàng…” Còn những phiên bản nào khác nữa, chẳng nhớ hết!
Rồi Hoàng Trọng, Dừng Bước Giang Hồ, Văn Phụng, Bức Họa Đồng Quê hay Trăng Sáng Vườn Chè, lại Lê Thương, Thằng Cuội, La Hối, Xuân Và Tuổi Trẻ, Chung Quân, Làng Tôi – “…có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vòng quanh, êm xuôi về Nam” – kể cả Nguyễn Thiện Tơ, Giáo Đường Im Bóng, một khi nhạc sĩ vẫn còn ở lại nơi xa đó; nhất là Hoàng Giác, Ngày Về từng gây bao rắc rối cho chính ông và Mơ Hoa.

Gia đình nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cung cấp)