Nguyễn Thanh Khiết
Thứ hai 19-01-25
Những con đường trong thành phố chật và kẹt cứng, từ quận 7 đi tới quận 1 không hơn 7km mà tôi phải đi gần một tiếng mới tới đầu đường Nguyễn Trãi. Đi ngang chợ Thái Bình, khu chợ cổ của Sài Gòn thấy nó vẫn lem nhem đầy rác bên đường, những ngày cận tết mà nó lưa thưa thật tội nghiệp, thương nhân vật vã với tình huống trả mặt bằng, mua bán tiện tặn. Tết năm nay chắc là cái chợ sẽ thê thảm, cái chợ này là phần nào phản ảnh trung thực sinh hoạt cuối năm của Sài Gòn.
Tôi đứng đợi để nhận một ít tiền mà thằng bè bạn quen từ hơn 15 năm chuyển cho để làm quà cho những anh em của tôi, những kẻ còn mang đầy thương tích từ nhiều chiến trường xưa. Trong tình người cũ, tôi cố chịu đựng và đứng đợi trên lề đường hơn cả tiếng, vì nơi tôi đến là một cửa hàng người ra vào vướng víu, chật chội. Kệ, nắng, bụi, ồn ào chút xíu có sao đâu…
Cho tới 10g hơn tôi băng ra đường đội cái nắng nóng và mịt mù khói bụi của Sài Gòn, hướng về nhà Đoàn Ngọc Mỹ ở tận bờ kinh Nhiêu Lộc. Lâu lắm rồi tôi không đi qua những con đường lớn của Sài Gòn, thấy hình ảnh mặt bằng đóng cửa hàng loạt ở Lê Lợi, ở Trần Hưng Đạo và cả những khu sầm uất của Chợ Lớn, tôi đâm ra thấy thương cho Sài Gòn, cái thành phố nuôi tôi nhièu chục năm bất thần hình ảnh nhộn nhịp ngày cuối năm hồi xưa không còn nữa.
Mỹ ngồi xe lăn, đón tôi ngoài cửa, ba điều bốn chuyện vội vàng với Mỹ, chưa đầy 5 phút tôi đã rời nhà Mỹ chạy về quận tư, đi trên cầu Kinh Tẻ rồi quay đầu xuống con hẻm dưới gầm cầu, để tới nhà Hoàng, gã thương binh cùng tôi và Mỹ một thuở nhà bàn ở Quang Trung.

Hoàng trần trụi ngồi đắp ba thứ lăng nhăng cỏ cây gia truyền trên cái chân còn lại đang bị hoại tử của hắn, ngay cửa ra vào. Căn nhà tối mờ mờ, một cái giường cá nhân kê sát vách, lôi thôi và nhếch nhác. Hoàng bảo tôi ngồi đại trên giường của hắn. Chỉ với mỗi cái quần tà lỏn, hắn nhấc cái chân cụt, chống tay đứng dậy, lê cái cẳng còn lại với lớp da sần sùi đã ngả màu đen.
– Cái chân mày giống y chang thằng Đính ở Huế, mà tao cũng lạ sao nó không hoại tử vài năm sau khi mang thương tật, mà chờ mấy chục năm sau mới hành tụi bây vậy chứ?
– Tao dùng hết các loại thuốc rồi, nhưng bó tay, nay xài tới mấy thứ cỏ cây xem ra sao.
Tôi có quá nhiều kỷ niệm với hai gã này. Năm 2011 tụi tôi ngồi uống trà ở nhà Trần Mộng Hằng trên đường Trần Hưng Đạo, đó là ngày các cựu khoá 3/73 ngồi lại với cây mùa xuân muộn màng. Buổi tiệc trà qui tụ hơn chục mạng, rồi à ới gọi cho mấy tên ở xa online qua Skype. Nhớ lúc đó facebook, Viber chưa có cái vụ video call, Zalo thì chưa ra đời. Thằng Skype lại chập chờn, kết nối hai mạng thì khỏi thấy hình. Vậy đó mà 15 năm qua ở Sài Gòn này tôi còn lại chỉ có hai thằng nó là cùng mâm nhà bàn, mấy đứa kia đã chán đời, chán tình rủ áo ra đi, Hằng, Phạm Tuyết, Trần Thanh Bạch, Vàng… cả đống bạn bè những thằng không chết trận mà chết trong tuổi già, bệnh tật, thương tích, và mất mát. Riêng Mỹ, nó liệt giường từ 1974 với mảnh đạn cắm vào cột sống, NẰM mà nhìn bè bạn ra đi.
– Hôm ghé thăm thằng Đính ở Huế, tao thấy nó giống như mày trên cái chân còn lại, nhưng Đính thì mủ trong ống chân cứ rỉ ra hoài, làm nó phải tẩy trùng, lau miết, ngồi với nó chưa được hai giờ mà nó hai lần xì mủ ra.
Hoàng tỉnh bơ:
– Riết rồi quen mày ơi! Tao chỉ bực là nó làm mình khó chịu chút.
– Nè, tao mới có tí tiền gởi mày như quà cây mùa xuân, dúng ra tao phải bỏ nó vào phong bì trịnh trọng ghi mấy chữ: Kính gởi cựu chuẩn uý Hoàng, K 3/73 lung tung, nhưng tội cho tao gấp gáp, tao mới từ thằng Mỹ chạy sang, mà tao, mày, nó có chi phải cung kính chào tay, nghiêm nghỉ. Trịnh trọng một chút thì:
– Thay mặt các anh em bè bạn đã nhờ tao chuyển cho mày, coi như chút quà tết.
