Năm 1969, sau khi tốt nghiệp khoá 1 trường Cao Đẳng Quốc Phòng, tôi được phân phối trở lại Bộ Thông Tin cùng với một học viên khác là Đại Tá Bùi Quang Định. Khóa học này kéo dài một năm, chỉ có hai mươi người gồm 15 quân nhân cấp đại tá và 5 dân sự cấp giám đốc nên chúng tôi khá thân nhau. Riêng với đại tá Định, vì ông biết tôi đã là Giám Đốc Thông Tin nên khi ông được tin thuyên chuyển về Bộ này thì sự liên hệ giữa ông và tôi càng thêm gắn bó.
Tổng Trưởng Thông Tin thời đó là ông Nguyễn Ngọc An. Lúc đón tiếp chúng tôi tại văn phòng lần đầu ông đã tỏ ra rất niềm nở. Vốn là một nhà giáo nên ông có vẻ coi trọng ngôi trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trên nguyên tắc là nơi đào tạo cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của quốc gia trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Tại các nước hầu hết đều có trường này. Nhưng sự khác biệt giữa Việt Nam Cộng Hòa và các nước là, các nước tuyển học viên căn cứ trên khả năng, đó là những người còn tương lai để mai sau khi ra trường thăng tiến địa vị, giữ một chức vụ cao hơn, còn ở Việt Nam cả hai phía quân đội và dân chính lại đẩy tới trường này những người đang phải ngồi chơi xơi nước. Ông Tổng Trưởng Nguyễn Ngọc An dường như tin rằng những người tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Phòng phải có một trình độ nào đó nên ông đã dành cho chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Ngoài ra, theo Đại Tá Định thì giữa ông và ông Nguyễn Ngọc An lại còn có tình thân thuộc. Cho nên ông An đã bổ nhiệm Đại Tá Bùi Quang Định làm Phụ Tá Tổng Trưởng và ông đã nói với tôi là sẽ sắp xếp để tôi giữ một chức vụ cao cấp ở trung ương.
Trong vài ngày đầu ngồi ở văn phòng Bộ giúp đại tá Định về việc điều hành, tôi thấy trên sơ đồ tổ chức của Bộ đang khuyết chức Quản đốc Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh. Về đẳng cấp hành chánh thì Trung tâm này chỉ ngang hàng với cấp sở. Trung tâm lại thuần túy làm một công việc là sản xuất phim thời sự hàng tuần để cung cấp cho các rạp chiếu trước khi vào phim chính. Đôi khi Trung tâm cũng làm phim truyện với chủ đề tố cộng như phim Chờ Sáng, Con Búp Bê Nhồi Bông,….
Thế là đầu óc tôi nghĩ ngay tới chuyện muốn về làm việc tại Trung Tâm Điện Ảnh. Từ nhỏ, tôi vốn say mê phim ảnh. Khi còn là học sinh tiểu học trường tư thục Đại La và trường công Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, tôi đã thường xuyên có mặt ở các rạp chiếu bóng để ngắm những tấm bích chương quảng cáo phim dán trên tường, những tấm hình đen trắng của bộ phim đang chiếu hay sắp chiếu. Trong cặp sách của tôi đựng rất nhiều tờ chương trình in trên giấy màu xanh đỏ tím vàng để trao đổi với những người bạn lấy những tờ của các rạp xi nê ở các khu phố xa, sau đó mang về nhà đóng thành tập dầy như quyển tự điển. Tên các tài tử nổi tiếng của Pháp tôi cũng thuộc. Tên của nhiều cuốn phim nổi tiếng tôi cũng nhớ vì trong giờ chờ vô lớp hay giờ ra chơi, một số bạn ghiền xi nê chúng tôi thường tụ tập nói chuyện về đề tài này.
Hồi học lớp nhì, nhiều buổi tối cuối tuần tôi thường ăn mặc rất chải chuốt, quần áo thẳng nếp, tóc chải tí brillantine cho mượt, rồi từ nhà ở đường Mai Hắc Đế tới rạp Đại Nam hay Majestic, ngắm xem có cặp vợ chồng nào coi mòi khá giả, thế là tôi tới gần lân la làm quen rồi ngỏ ý xin họ kèm cho tôi vào rạp. Nếu người soát vé cho vào thì tôi sẽ kiếm chỗ ngồi riêng còn nếu không lọt thì đương nhiên tôi lỉnh thật lẹ để những người soát vé không kịp nhớ mặt tôi để tôi còn “làm ăn” chuyến sau. Nhiều cặp vợ chồng cũng gật đầu cho tôi quá giang kiểu đó. Và khi người ta đang trình vé thì tôi giả vờ cúi xuống chăm chỉ đọc tờ chương trình để tránh ngượng ngập và thân thể như cố thu nhỏ lại lũn cũn len vào đi giữa cặp vợ chồng đó. Thường thường thì tôi được vô trót lọt.
Có đêm tuy ngỏ lời xin nhiều người mà không được nhận cho đi kèm tôi cũng vẫn không chịu bỏ cuộc. Tôi thử thời vận bằng cách chờ cho một cặp nào đó với quần áo sang trọng khả dĩ khiến mấy người soát vé nể nang là tôi len lén đi vào chung với họ, tất nhiên mặt tôi vẫn cái kiểu cúi xuống đọc tờ chương trình và thu người thấp thêm một chút.
Lớn hơn chút nữa, tôi thường chú ý tới các báo nói về phim ảnh. Tôi mò mẫm tới các “phim trường” của các gánh hát quay những phim “cải lương hát bóng”. Mỗi khi nghe nói nơi nào có đoàn quay phim là bằng mọi cách, kể cả trốn học để lặn lội tới đó đứng mãi mê quan sát. Tuy bị các nhân viên trật tự của đoàn quay phim hống hách nạt nộ, nhưng tôi và nhiều người hiếu kỳ vẫn lì lợm đứng. Bị cảnh sát huýt còi, cầm dùi cui dọa tôi và nhóm người tò mò cũng chỉ lùi nhích ra một chút. Và rồi vì mê coi quay phim mà tôi từng bị họ xua đuổi theo kiểu còn quá quan quyền là lấy nước tạt vào người.
Do đó, khi tôi nhìn vào bảng sơ đồ tổ chức Trung Tâm Điện Ảnh Bộ Thông Tin tôi không hề cân nhắc cao thấp giữa chức vụ hành chánh tại trung ương mà ông Tổng Trưởng đang thu xếp cho tôi và tôi quyết định về cơ quan này. Tôi nói ý muốn của tôi với đại tá Định. Ông Định tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
– “Vous” có biết mẹ gì về điện ảnh đâu mà tính xuống dưới đó?
Tôi cười:
– Đúng như anh nói đấy, tôi chả biết gì về điện ảnh nhưng tôi có khả năng quản trị, tôi có sáng kiến.
– Sáng kiến gì?
-Thì tôi sẽ tìm cách để phát triển phim ảnh Việt Nam. Như anh thấy, phim ảnh là vũ khí tuyên truyền lợi hại nhất thế mà nền điện ảnh của mình èo uột quá. Ngay tại thủ đô Sài Gòn mà các rạp chỉ chiếu phim Mỹ, phim Hồng Kông, năm bảy năm mới có một cuốn phim Việt Nam. Điều này bắt mình phải suy nghĩ chứ!
– Làm phim Việt Nam là việc kinh doanh của mấy nhà sản xuất, mình xía vô làm gì.
– Mình là chính phủ thì mình có trách nhiệm tìm cách khuyến khích người ta tham gia kinh doanh phim ảnh. Khi họ thấy lợi thì họ sẽ hăng hái bỏ tiền đầu tư.
Ông Định ngần ngừ:
– Thôi đi cha nội. Ở trung ương làm việc với “moa”. Xuống Trung Tăm Điện ảnh, “toa” chỉ là cấp chánh sở mà ham cái đếch gì. Khả năng của “toa” “moi” biết từ lúc ngoài học chung ở trường Cao Đẵng Quốc Phòng nên “moa” đã bàn với ông Tổng trưởng trọng dụng “toa” rồi.
Tôi cố thuyết phục ông Phụ tá Tổng trưởng Bùi Quang định:
– Anh nói anh biết tôi thì anh phải tin tôi chứ. Tôi không làm anh thất vọng đâu.
Đại Tá Bùi Quang Định đưa tôi vào gặp Tổng Trưởng Nguyễn Ngọc An. Nghe đại tá Định trình bày ông An cũng lộ vẻ ngạc nhien không kém:
– “Qua” thấy em tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và trường Cao Đẳng Quốc Phòng nên muốn nhờ cậy em ở trung ương, nơi đó hợp với chuyên môn của em. “Qua” nghĩ em xuống Trung Tâm Điện Ảnh thì phí lắm.
– Thưa ông Tổng Trưởng, tôi rất thích điện ảnh nên nếu được làm công việc này tôi tin chắc tôi sẽ làm được nhiều việc có ích cho Bộ.
– Em không có chuyên môn ngành đó. Với lại, em biết không, Trung Tâm Điện Ảnh từ ngày thành lập cho đến nay toàn do người của trung tâm làm giám đốc. Em là người lạ, Qua sợ em khó làm việc….
Tôi ngồi trình bày một lúc và tôi biết được là ông tổng trưởng chỉ có tin được tôi ở một điểm là tôi phải có một lý do chính đáng lắm mới bỏ một chức lớn hơn để xuống nhận làm một chức nhỏ.
Cuối cùng, thấy đại tá Bùi Quang Định gật đầu, ông Nguyễn Ngọc An đành nói:
– Nếu em quyết định như vậy thì tui để cho em vui. Được rồi, tui sẽ yểm trợ em hết mình.
Mấy hôm sau, Đại tá Bùi Quang Định đưa tôi xuống nhận chức Giám Đốc Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh. Trong đời hành chánh của tôi, tôi đã làm nhiều chức vụ nhưng với ngày đầu tiên đi tới nhiệm sở mới lần này, lòng tôi rất hồi hộp. Tôi so sánh bước chân tôi khi bước vào tòa nhà của trung tâm giống như khi tôi bước chân vào một khu rừng. Những người ra chào đón tôi là những người ít nhiều tôi đã nghe danh nhưng bây giờ mới gặp như Lê Hoàng Hoa, Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ… Khi bàn giao xong, tôi xúc động nói với anh em:
– Anh chị có thể mang ra đây cái camera cho tôi chạm tay vào nó lần đầu tiên trong đời, được không?
Sau câu nói, tôi đã thoáng thấy khá nhiều nhân viên che miệng cười. Rồi tôi đi từng phòng, có anh Trần văn Biên là một chủ sự hướng dẫn. Đến phòng Ráp Nối, thấy có mấy cô đang ngồi trước máy ráp nối phim. Tôi sờ tay vào đoạn phim và hỏi:
– Phim gì đây cô?
Tức thì cô nhân viên trả lời, nét mặt thì làm ra vẻ tự nhiên nhưng giọng nói rõ ràng là trêu đùa tôi:
– Thưa Giám Đốc, đây là phim đen trắng ạ.
Sau ít ngày tiếp xúc với từng phòng, ban nghe các cấp trình bày đến đâu tôi ghi ngay vào giấy để học việc đến đấy. Dần dần tôi gây được cảm tình của một số đông anh em vì họ thấy tôi thành thật nói với họ tôi không biết gì về điện ảnh, và tôi đến đây không phải vì chức vụ mà vì tôi yêu thích điện ảnh, mong muốn mang lại sinh khí cho Trung Tâm Điện Ảnh. Có một số không cần biết cái “sinh khí” mà tôi hứa hẹn kia xanh đỏ trắng vàng ra sao, họ chỉ nhìn thấy ở tôi là có gốc lớn trên bộ, cụ thể là bạn thân của ông Phụ Tá Tổng Trưởng nên họ nể nang tôi nhiều hơn.
Một tuần lễ trôi qua, công việc hàng ngày của trung tâm đã ổn định, tôi lên gặp đại tá Bùi Quang Định để trình bày việc nâng Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh lên thành Nha Điện Ảnh. Cơ quan này sẽ không chỉ có trách nhiệm sản xuất các phim thời sự mà sẽ lãnh đạo ngành điện ảnh Việt Nam.
Muốn đóng trọn vai trò này, tôi xin đại tá Định đưa phòng Kiểm Duyệt Phim Ảnh về dưới quyền tôi. Đại Tá Định cũng đồng ý cho Nha Điện Ảnh có thêm hai sở là Sở Kỹ Thuật và Sở Chương Trình sau khi ông hỏi cho có lệ:
– Đ.M. làm được không?
Mang tờ Nghị Định về, tôi làm phiếu đề cử ngay ông Tôn Thất Cảnh, một đạo diễn kỳ cựu của Trung Tâm làm chánh sự vụ Sở Kỹ Thuật và ông Trần Văn Biên cũng là một chuyên viên được đào tạo bài bản tham niên của Trung Tâm làm chánh sự vụ Sở Chương Trình.
Hai người này rất yêu nghề nên đã đóng góp cho tôi rất nhiều ý kiến hữu ích. Đặc biệt là ông Trần Văn Biên, tốt nghiệp khóa 1 lớp huấn luyện cán bộ điện ảnh do chuyên viên Phi Luật Tân và Mỹ huấn luyện, lúc nào cũng thiết tha với việc phát triển ngành điện ảnh Việt Nam. Ông Biên cũng đã sưu tầm rất nhiều tài liệu về điện ảnh của các nước khác để tôi nghiên cứu..
Ngoài ra, tôi đã được đi Hồng Kông để quan sát phim trường Show Brothers và tới Đài Loan, quan sát phim trường Gia Hòa. Nhờ đó, tôi đã đề ra được một số các biện pháp để xây dựng nền điện ảnh trong nước.
Biện pháp thứ nhất: hạn chế quota nhập cảng phim ngoại quốc.
Biện pháp thứ hai: khuyến khích tư nhân sản xuất phim bằng cách hãng phim nào sản xuất phim sẽ được nhập cảng phim ngoại quốc.
Biện pháp thứ ba: hợp tác giữa Nha Điện Ảnh với các hãng phim tư nhân để sản xuất phim. Nha Điện Ảnh tùy theo từng chuyện phim có thể chung vốn với tư nhân bằng phim liệu, máy móc, cơ sở kỹ thuật và nhân viên, phương tiện,….
Ông tổng trưởng Nguyễn Ngọc An vì có lòng tin tôi cho nên những biện pháp trên khi tôi trình lên đều được ông ký để trở thành quyết định hành chánh tức khắc. Vì thế nên đến mùa thu năm 1969, tuần nào cũng có người đến xin giấy phép để mở hãng phim. Những hãng chuyên nghiệp nhập cảng phim như Cosunam, Lido Films, Tân Kiệt Y Oan, cũng phải tìm cách sản xuất phim Việt Nam. Một số những tài tử cũng trở thành chủ hãng phim như Túy Hồng, Kim Cương và Kiều Chinh. Các đạo diễn, các thu hình viên trong Nha Điện Ảnh là những người bận rộn nhất vì các phim khởi quay ào ạt. Tất nhiên, với chuyên viên trình độ nghiệp vụ hạn chế, máy móc thô sơ, phim Việt thời đó không thể đạt tới tiêu chuẩn nghệ thuật. Nhưng tôi quan niệm là cứ phải tạo nên nhịp độ làm phim thật nhiều thì hy vọng do nghề dạy nghề mà các chuyên viên sẽ giỏi dần và các hãng phim sẽ mua sắm máy móc hiện đại hơn.
Ít tháng sau, tôi lại được Cụ Mai Thọ Truyền mới sang họp tại Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa. Cụ Truyền cho biết là Phủ sẽ tổ chức một Tuần Lễ Văn Hóa. Trong tuần lễ này sẽ có những buổi trình diễn cải lương, hát bội và ca kịch. Cụ hỏi tôi: Điện Ảnh có tham gia không? Tôi nhận lời ngay. Trong đầu tôi đã nảy ra ý định là phải nương theo Tuần Lễ Văn Hóa này để lấy đà đẩy phong trào sản xuất phim ảnh Việt Nam lên thêm một bậc.
Trở về văn phòng, tôi họp các cấp chánh sở, chủ sự để thảo luận ý kiến của tôi là tổ chức “Ngày Điện Ảnh Việt Nam” trong Tuần Lễ Văn Hóa. Và nếu các năm sau không có Tuần Lễ Văn Hóa thì Nha Điện Ảnh cũng sẽ tiếp tục tổ chức Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ II rồi kỳ III, tạo nên một truyền thống. Người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất là ông Trần Văn Biên. Ông Biên đã nhận trách nhiệm thảo kế hoạch cho Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ I với khẩu hiệu: Người Việt xem phim Việt”. Nội dung của kế hoạch gồm công tác vận động tất cả các rạp chiếu bóng tại đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn trong Ngày Điện Ảnh Việt Nam đều đồng lượt chiếu phim Việt Nam vào cửa miễn phí. Nhưng quan trọng nhất là việc tổ chức một đại hội chính thức cho Ngày Điện Ảnh Việt Nam, cố gắng mượn rạp Rex để mời hội đồng nội các, nhân viên ngoại giao đoàn, giới điện ảnh và văn nghệ sĩ, nhà báo,….tới nghe ông Tổng Trưởng Thông Tin trình bày về hướng đi mới của điện ảnh Việt Nam.
Kế hoạch này được ông Tổng Trưởng Nguyễn Ngọc An ký và gửi sang Cụ Mai Thọ Truyền. Và trong các phiên họp kế tiếp tôi và các vị trong Tuần Lễ Văn Hóa ấn định Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ I là ngày 22 tháng 9 năm 1969.
Khi báo chí loan tin về Ngày Điện Ảnh Việt Nam sắp tổ chức, dư luận xem ra khá theo dõi. Tôi liền gửi giấy mời tất cả các hãng phim, các nhà nhập cảng phim và các chủ rạp chiếu bóng tới họp để thành lập Ban Tổ Chức Ngày Điện Ảnh kỳ I. Các vị này đã tín nhiệm bầu tôi làm Trưởng Ban Tổ Chức. Tôi nhận lời nhưng đã yêu cầu lần sau Ngày Điện Ành kỳ II Trưởng Ban Tổ Chức sẽ phải là người trong giới điện ảnh tư vì hai lẽ, chủ yếu là phát triển nền điện ảnh tư và chỉ có giới điện ảnh tự đóng góp với nhau mới tổ chức Ngày Điện Ảnh Việt Nam lớn lao được. Nha Điện Ảnh không có ngân sách cho công trình đó.
Tôi nghĩ rằng các anh em trong Nha Điện Ảnh năm đó có lẽ cũng hãnh diện phần nào về ngành nghề của mình khi dư luận khắp nơi bàn tán và trông chờ Ngày Điện Ảnh Việt Nam cho nên dù phải làm thêm giờ ai nấy cũng đều vui vẻ. Các anh em chia nhau đi vận động các rạp để họ nhận chiếu phim Việt Nam. Các anh em phải lục kho để gom góp lại các phim truyện còn giá trị, mang ra in thêm nhiều ấn bản để phân phối cho các rạp. Một bộ phận lo phụ trách việc in vé để phát tặng đồng bào vào xem phim miễn phí. Bộ phận khác lo viết bích chương cổ động Ngày Điện Ảnh để treo ở các nơi đông người qua lại quanh thành phố và tại cửa của các rạp chiếu bóng.
Đến ngày 22 tháng 9 năm 1969, mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp đúng như dự tính. Ông tổng trưởng Nguyễn Ngọc An đã tuyên bố với các phóng viên báo chí ngay tại cửa rạp Rex đại khái như sau: “ Từ lâu, tôi cố tìm một người trông coi ngành điện ảnh và nay đã kiếm được đây. Vì thế, từ rày các anh muốn hỏi gì về điện ảnh khỏi cần phải gặp tôi mà cứ hỏi thẳng ông Đỗ Tiến Đức”. Và hôm ấy, tại rạp Rex quả là một ngày hội. Các nam nữ tài tử, đạo diễn, chuyên viên điện ảnh, các nhà sản xuất đều quần là áo lượt cùng các quan khách ngồi chật rạp. Cuốn phim Việt Nam, màn ảnh cinemascope được chọn để đánh dấu Ngày Điện Ảnh kỳ I là “Xin Nhận Nơi Đây Làm Quê Hương” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.
Trước cử tọa chọn lọc như vừa kể, ông Nguyễn Ngọc An đã tuyên bố khai mạc Ngày Điện Ảnh Việt Nam và ban hành chính sách phát triển điện ảnh Việt Nam cũng như vạch một hướng đi mới cho nền điện ảnh Việt Nam, triệt để nâng đỡ những nhà làm phim Việt Nam ngoài biện pháp trước mắt là hạn chế nhập cảng phim ngoại quốc lấy rạp cho phim Việt nam chiếu, trợ giúp máy móc và nhân sự của Nha Điện ảnh cho các hãng phim tư nhân, còn biện pháp dài hạn là soạn thảo đạo luật Điện ảnh miễn thuế nhập cảng phim liệu và máy móc, miễn trừ thuế lợi tức cho các chủ hãng phim, chuyên viên và diễn viên….
Thu hoạch thành quả của Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ I tôi và ông Biên càng trở nên tâm đắc. Chúng tôi vận động với Phủ Tổng Thống và những người trách nhiệm để thành lập giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc hàng năm để có giải thưởng cho bộ môn điện ảnh. Sau khi được chấp thuận, ông Biên là người soạn thảo điều lệ cuộc thi, tiêu chuẩn chấm điểm, thực hiện tượng và bản tuyên dương để trao tặng những người trúng giải. Tôi cũng làm chủ tịch ban giám khảo năm đó.
Cũng trong thời gian này, tôi vẫn luôn chuyên chú học hỏi về các phần vụ chuyên môn của điện ảnh. Đến khi được đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa tham dự nhiều đại hội điện ảnh quốc tế, thấy phim Việt Nam thua kém quá, tôi nghĩ rằng không thể kéo dài cái tình trạng như một vị thượng cấp đã nói: “Mình tham dự đại hội Điện ảnh quốc tế không mong chiếm giải mà chỉ mong lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa được treo tại đại hội để họ không mời Việt Cộng tham dự. Thế thôi”.
Hàng năm có rất nhiều đại hội điện ảnh quốc tế mời Việt Nam cộng hòa tham dự. Hầu hết khi họ gởi giấy mời thường nhận đài thọ di chuyển, ăn ở trong hai tuần cho hai người là một nhà sản xuất và một tài tử chính của cuốn phim tham dự. Vì không phải đài thọ bằng ngân sách của bộ Thông tin nên cũng dễ được thượng cấp chấp thuận cho đi.
Năm 1970, tôi đi dự Đại hội Điện ảnh Bá Linh, một thành phố nằm trong phần lãnh thổ Đông Đức. Lục trong danh sách phim của cả nước, cuối cùng Nha Điện Ảnh chọn cuốn “Cô gái Điên” do Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đạo diễn gửi sang ban tổ chức Đại hội Điện ảnh Bá Linh, vì như đã nói, chỉ cần ta có mặt để họ không mời cộng sản Bắc Việt.
Ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi Bá Linh, tôi chợt thấy bà bí thư của ông Tổng trưởng ở phòng chờ. Tưởng là văn phòng Bộ cử bà này ra tiễn đưa, tôi rất cảm động tới chào bà. Ngờ đâu bà nói: “Không phải tôi đi tiễn ông Giám Đốc mà tôi đi cùng với ông”. Quá ngạc nhiên, tôi hỏi: “Bà đi cùng với tôi đi đâu?”. Bà trả lời: “Thì đi tham dự Đại hội Điện ảnh”.
Tôi không thấy cô tài tử chính trong phim Cô Gái Điên đi chung với tôi như văn thư mà Nha Điện ảnh đã gửi cho ban tổ chức. Khi lên máy bay, bà Bí thư mới cho hay ông Tổng trưởng cho bà đi thế cô tài tử kia, tên cô tài tử kia là nghệ danh của bà, đi Bá Linh để từ đó bà có cơ hội tới Vương quốc Bỉ thăm người con của bà đang du học tại đây.
Tới phi trường Bá Linh tôi đã thấy một người Đức giơ cao tấm bảng viết “Mr Đuc – Republic of VietNam” để tôi tới gặp họ. Người này đưa tôi ra một chiếc xe mới, mời tôi lên và nói rằng ban tổ chức đã sắp đặt ông ta đưa đón tôi suốt thời gian đại hội. Ông ta chở tôi về một khách sạn, nơi đó đã có phòng dành riêng cho tôi với chiếc tủ lạnh đầy ắp bánh trái, nước uống và sữa. Rồi ông ta cũng đưa cho tôi hai cuốn coupon, mỗi cuốn cho bảy ngày, mỗi ngày gồm coupon làm tóc và trang điểm buổi sáng, coupon giặt ủi quần áo, coupon ăn sáng, coupon ăn trưa, coupon ăn tối, coupon xem ca nhạc kịch… Hôm sau chính ông ta gợi ý bán hộ tôi hai cuốn coupon này lấy tiền rồi tùy thích cái gì thì ăn, rẻ hơn và ngon hơn. Với lại, theo ông ta thì ngoài giờ sinh hoạt trong đại hội, tôi sẽ có nhiều buổi tiếp tân, nhiều chuyến du ngoạn, nhiều buổi đi thăm các cơ sở sản xuất của thành phố nên sẽ không cần dùng những coupon này.
Sáng hôm sau, tôi tới trụ sở của ban tổ chức. Nhìn hàng quốc kỳ các nước bay phấp phới trên cao, tôi chú ý tìm lá cờ vàng ba sọc đỏ nhưng không thấy mà lại thấy cờ đỏ sao vàng. Lập tức tôi hỏi ban tổ chức. Một người cùng tôi bước ra, nhìn các lá cờ muôn màu, rồi ông ta hớn hở nói trong khi tay chỉ lá cờ đỏ sao vàng: “Kìa cờ của qúi ông!”. Tất nhiên tôi trả lời không phải. Ông ta lúng túng xin lỗi, giải thích về sự nhầm lẫn đáng tiếc, rồi hỏi tôi có thể cung cấp cho ban tổ chức lá cờ Việt Nam cộng hoà không.
Tôi mượn điện thoại của ban tổ chức, gọi về tòa đại sứ Việt Nam cộng hòa ở Bonn, xin gặp ông Đại sứ và trình bẩy cho ông ta hiểu câu chuyện rồi hỏi xin ông ta một lá quốc kỳ. Ông Đại sứ trả lời tòa đại sứ chỉ có một lá quốc kỳ do Bộ Ngoại giao cấp nên không thể cho mượn được. Tôi đề nghị ông ta may hộ rồi gửi gấp cho tôi, nhưng ông ta vắn tắt từ chối.
Không lẽ cứ để cờ cộng sản Bắc Việt bay trong dàn cờ các nước tham dự Đại hội Điện ảnh như thế sao? Tôi đi lang thang, vừa đi vừa đánh dấu vào tấm bản đồ cầm trên tay kẻo sợ lạc, tính kiếm một tiệm may để thuê họ may cấp tốc một lá quốc kỳ. Tình cờ, một phụ nữ từ bên kia đường băng qua, vừa thở vừa hỏi tôi: “Xin lỗi, chú có phải là người Việt Nam không?”. Nghe tôi nói tiếng Việt Nam, bà ta ôm chầm lấy tôi mừng rỡ như gặp người ruột thịt. Bà ấy vừa khóc nức nở vừa nói: “Tôi nhớ nhà quá, chú ơi”…
Bà ấy kéo tôi vào quán nước, nói ; “Chú làm ơn vô đấy, nói cho em nghe nước mình ra sao nhé chú”. Sau đó bà ấy gọi điện thoại, chỉ chừng nửa giờ là có mấy thanh niên Việt tới. Họ giới thiệu là từ Sài gòn du học ở đây và đang bị tòa đại sứ gây khó khăn trong việc nhận tiền của gia đình gửi sang. Lý do là từ Bá Linh muốn về tòa đại sứ ở Bonn để lãnh tiền thì phải đi qua Đông Đức. Khi qua lãnh thổ của họ thì họ đóng dấu vào sổ thông hành. Nhân viên tòa đại sứ Việt Nam cộng hoà nhìn thấy con dấu của cộng sản Đông Đức trong sổ thông hành thì kết luận là những sinh viên này đã liên lạc với “địch”. Kết qủa là cúp học bổng, không cho nhận tiền của gia đình từ Việt Nam gửi sang.
Biết tôi sang dự Đại hội Điện ảnh quốc tế Bá Linh, những sinh viên này, khoảng bốn mươi người đã tới với tôi, gia nhập phái đoàn Việt Nam cộng hòa tham gia Đại hội Điện ảnh. Thế là phái đoàn Việt Nam cộng hòa trở thành hùng hậu, nói tiếng Đức như gió. Lá cờ Việt Nam cộng hòa do các em sinh viên thực hiện ngay buổi tối đã được trao cho ban tổ chức để thay chỗ lá cờ đỏ sao vàng.
Nhưng cuốn phim đại diện nước Việt Nam cộng hòa không gây một tiếng vang nào tại Đại hội.. Trở về nước, tính hiếu thắng của tôi nổi dậy. Tôi tâm sự với ông Biên về việc mở trường đào tạo chuyên viên điện ảnh, lập một thư viện điện ảnh và cử người ra ngoại quốc tu nghiệp. Đã có vài chuyên viên điện ảnh đã được cơ quan viện trợ Mỹ đài thọ sang đại học USC trong dịp này tham dự các khóa huấn luyện ngắn hạn như anh Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Văn Đồng,….
Rồi cơ hội mở trường đại học điện ảnh đã đến với tôi song tôi không nhớ vào khoảng ngày tháng nào. Tôi không hiểu là do ai giới thiệu, có thể là do Bác Sĩ Bùi Duy Tâm, Linh mục Bửu Dưỡng đã tới Nha Điện Ảnh mời tôi hợp tác với Viện Đại Học Minh Đức mà ngài đang thành lập. Linh mục Bửu Dưỡng muốn tôi giúp ngài giữ chúc phụ tá sinh viên vụ cùng với Bác Sĩ Bùi Duy Tâm là phụ tá học vụ. Tôi không có thì giờ để đáp lại sự tín nhiệm của Linh Mục Bửu Dưỡng nhưng từ đó vẫn giúp việc cho ngài những gì có thể làm được.
Cấp lãnh đạo Bộ Thông Tin bất ngờ thay đổi. Ông Nguyễn Ngọc An bàn giao chức tổng trưởng cho ông Ngô khắc Tỉnh. Đại Tá Bùi Quang Định trở về Bộ Quốc Phòng. Nhóm Nhân Xã này tới Bộ Thông Tin với những khuôn mặt mới như ông Phạm Duy Lân và ông Chung Đức Mai. Sự làm việc giữa tôi nhóm này trục trặc mỗi ngày một nhiều tuy rằng ông Phạm Duy Lân và tôi cùng viết chung trên tạp chí Bách Khoa. Chính sách hợp tác với tư nhân làm phim hầu như bị thượng cấp thao túng, hết ông này đến ông khác, chỉ thị bằng điện thoại buộc tôi phải ký với hãng phim của một nữ tài tử làm giám đốc rồi với một thương gia gốc Hoa mà giấy phép mở hãng hành nghề sản xuất phim của họ mới xin chưa đầy một tuần lễ.
Một hôm, một thương gia nổi tiếng trong Chợ Lớn cùng một ông lớn thuộc tòa đại sứ Đài Loan mời tôi đi ăn cơm tối tại Văn Cảnh. Những người này muốn “thương lượng” với tôi về việc hủy bỏ nghị định hạn chế nhập cảng phim. Tôi đã trả lời đại ý rằng: “Tôi rất cảm ơn những người bạn Trung Hoa đã từng giúp tôi trong chuyến đi Đài Loan học hỏi về điện ảnh. Nhờ đó tôi biết được là sở dĩ phim ảnh Đài Loan vượt lên được là vì chính phủ Đài Loan đã có chính sách hạn chế nhập cảng phim ảnh Nhật, đã ban thưởng quota nhập cảng cho những nhà làm phim nội địa. Học được những bài học quý giá đó nên tôi đã áp dụng cho nước tôi để phát triển phim Việt Nam”. Thế thì vị thương gia có thế lực kia cười và nói: “ Xin lỗi ông Giám Đốc nhé, tổng trưởng còn thay thế được huống chi ba cái tờ nghị định. Nếu ông giám đốc không làm được chuyện này thì xin ông cho phép chúng tôi nhờ đến người khác làm vậy”.
Tôi rất bực tức với thái độ hỗn xược của bọn cậy nhiều tiền bạc này. Từ nhà hàng Văn Cảnh trở về, tôi liền gọi điện thoại tới tư gia của thượng cấp kể cho ông nghe diễn tiến câu chuyện. Nghe xong, ông ta lên tiếng chửi thề rồi khuyên tôi: “Cậu yên chí đi sẽ không bao giờ có chuyện thay đổi”. Tin tưởng vào lời của thượng cấp nên trưa hôm sau, thứ bảy, khi tan sở tôi còn thơ thới rủ người phụ tá của tôi là Thiếu Tá Phạm Văn Thiệp đi Vũng Tàu chơi.
Sáng thứ hai, khi đang làm lễ chào cờ trong hội trường thì thư ký báo tin là có điện thoại trên Bộ gọi. Vị thượng cấp cho tôi hay rằng Bộ đã ra nghị định giải tán Nha Điện Ảnh, tái lập Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh và cử ông Tôn Thất Cảnh làm quản đốc. Riêng phòng Kiểm Duyệt Phim Ảnh và phân phối quota phim nhập cảng thì trực thuộc ông Đổng Lý. Thượng cấp đã yêu cầu tôi bàn giao gấp và cử tôi nhiệm vụ mới là Thanh Tra Bộ Thông Tin.
Chất điện ảnh như ma túy đã ngấm sâu vào xương tủy tôi giờ đây không cách nào “cai” nổi nữa. Với bản tính tôi từ xưa là ương ngạnh, thích làm bằng được việc gì mình muốn. Vì thế, tôi tự thúc đẩy tôi thực hiện phim. Sau khi học tập cách làm phim trong thực tế với anh Trần Ngọc Huỳnh, năm 1972 tôi hăng hái quay cuốn phim đầu tay, Ngọc Lan, do hãng Hương Giang sản xuất. Người bạn tôi là anh Nguyễn Ngọc Minh làm giám đốc hình ảnh. Tài tử chính là Thanh Lan, Ngọc Minh, Bảo Ân, Hà Huyền Chi.
Năm 1973, tôi quay cuốn phim Yêu, phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử, cũng do Nguyễn Ngọc Minh cầm máy và hai ca sĩ Thanh Lan, Anh Ngọc đóng vai chánh. Nhà văn Chu Tử cũng xuất hiện trong phim.
Năm 1974, tôi quay cuốn Giởn Mặt Tử Thần cũng lại Nguyễn Ngọc Minh cầm máy và Thẩm Thúy Hằng, Bảo Ân đóng vai chánh.
Tuy đà làm phim của tôi có vẻ nhanh hơn vài đồng nghiệp nhưng trong óc tôi vẫn cứ day dứt là nếu không lo giáo dục, đào tạo chuyên viên thì chắc chắn điện ảnh Việt Nam cũng chỉ tiến những bước chậm chạp vì quanh quẩn vẫn là cảnh “nghề dạy nghề” và người nọ hướng dẫn người kia qua lúc thực hiện phim.
Tôi bèn bàn bạc với ông Trần Văn Biên về một ý nghĩ táo bạo là mở trường dạy Điện ảnh ở cấp đại học. Tại Việt Nam, từ thời Bác sĩ Đàm Quang Thiện làm phim Việt Nam hồi thập niên 1930 tới năm 1973 chưa bao giờ công cũng như tư, điện ảnh được giảng dạy trên cấp cao. Cái khó khi mở trường là phải có ban giảng huấn đầy đủ bằng cấp và kinh nghiệm. Điện ảnh Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phôi thai thì lấy đâu ra người có đủ tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục để được chuẩn nhận. Cái khó thứ hai là làm sao để chiêu mộ sinh viên theo học nếu như họ biết rằng sau khi tốt nghiệp sẽ không dễ dàng kiếm được việc làm.
Nhưng khi tôi bàn việc mở trường đại học điện ảnh với Linh Mục Bùi Quang Diệm, Khoa Trưởng Phân Khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật Đại Học Minh Đức, Linh Mục Diệm đã khuyến khích tôi bằng cách cho thành lập ngay Ban Truyền Thông Điện Ảnh thuộc phân khoa và bổ nhiệm tôi làm Trưởng Ban. Như cây cung đã giương, tôi chạy đua với đồng hồ để làm mọi thủ tục cho kịp khai giảng vào đầu niên khoá 1973. Thông cáo tuyển sinh viên được phổ biến. Số ghi danh đông hơn số thu nhận. Cuộc thi tuyển được tổ chức. Cuối cùng 100 sinh viên đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam đã hiện diện trong lớp ngày khai giảng để theo học chương trình cử nhân điện ảnh với học trình 4 năm.
Tuy là đại học tư nhưng đa số sinh viên không phải đóng tiền vì các chủ hãng phim, các chủ rạp hát qua lời xin của tôi mỗi cơ sở đã nhận bảo trợ cho một vài sinh viên. Và nhân danh là người điều khiển trường đại học điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, tôi cũng đã gửi thư ra ngoại quốc để xin trợ giúp, như với Alan Delon của Pháp. Tôi đã đề nghị tài tử tặng cho Trường Điện Ảnh Minh Đức một thư viện và thư viện này sẽ mang tên là Thư Viện Alan Delon. Với nữ tài tử Elizabeth Taylor, tôi xin một phim trường cho trường đại học Minh Đức và phim trường cũng sẽ có tên Elizabeth Taylor. Trường dự định 4 năm kiện toàn sẽ cấp học bổng cho sinh viên Lào và Cam Bốt để tạo một đầu cầu đưa phim ảnh Việt Nam ra khỏi biên giới quốc gia mai sau….
Thế nhưng những dự án này đã không thành vì Sài Gòn bị cộng sản chiếm năm 1975….
Giới điện ảnh lưu vong ở Hoa Kỳ chúng tôi thường tổ chức những buổi gặp gỡ nhau trong tình đồng nghiệp. Ngày Điện Ảnh Việt Nam luôn luôn là một biểu hiệu để người làm điện ảnh tìm tới nhau. Chúng tôi ôn lại những Ngày Điện Ảnh đã qua như một kỷ niệm thân thiết nhất trong đời mình. Nghệ sĩ Nguyễn Long khi mới tới Mỹ đã tổ chức tại Santa Ana Ngày Điện Ảnh Việt Nam. Đạo diễn Bùi Sơn Duân vừa sang Mỹ đoàn tụ cũng tổ chức Ngày Điện Ảnh tại Pomona. Năm 1993, Ngày Điện Ảnh Việt Nam được khai diễn trọng thể tại rạp chiếu bóng duy nhất của người Việt ở thành phố Westminster cùng một phòng triển lãm nhỏ tại hội trường Lạc Hồng. Dịp này, thành tích làm phim trong những năm ở hải ngoại được mang ra phổ biến như một chứng tích yêu nghề đồng thời là chất men để kích thích giới trẻ hăng say nhập cuộc.
Ngày Điện Ảnh Việt Nam tuy tổ chức ở nước ngoài nhưng những người làm điện ảnh vẫn không quên truyền thống. Đó là lý do tuy công khai tổ chức lần đầu tiên trên đất khách, Ngày Điện Ảnh Việt Nam năm 1993 được đặt tên là Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ 7 vì cho tới năm 1975, chúng ta đã có Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ 6. Cứ thế mà tiếp tục. Ngày Điện Ảnh Việt Nam năm 1994 là Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ 8… Cả hai thế hệ điện ảnh, thế hệ làm phim từ trước năm 1975 và thế hệ mới làm phim ở hải ngoại thân ái nắm tay nhau cùng vun đắp Ngày Điện Ảnh Việt Nam.
Có thể nói, Ban Tổ Chức Ngày Điện Ảnh Việt Nam tại Nam California đang đi lại những bước của Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ 1 nghĩa là khởi hành từ sự nghèo nàn của điện ảnh Việt Nam hải ngoại nhưng tất cả đều tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển.
Cuộc đổi đời lịch sử đã khiến hơn một triệu người Việt rời quê hương sinh sống tại các nước, đó là cơ hội để giới trẻ học hỏi những tinh hoa của thế giới, trong đó có nghệ thuật thứ bảy.
Ít năm nay, chúng ta đã nghe một số tin tức về các sinh viên Việt tốt nghiệp các trường đại học điện ảnh Hoa Kỳ và Pháp. Đã có những khuôn mặt trẻ Việt Nam tham dự trong các phim Mỹ, Pháp. Cũng đã có những tác phẩm điện ảnh của giới trẻ Việt Nam được trình chiếu trên màn ảnh Mỹ và Pháp và đã có tên trong danh sách phim ngoại quốc tranh giải Oscar.
Điều quan trọng hơn nữa đối với kỹ nghệ phim ảnh là thị trường trong nước, dân số Việt Nam đã trên 70 triệu, đó là một thị trường lớn cho điện ảnh Việt Nam ngày mai khi chế độ cộng sản không còn nữa. Tại hải ngoại, người Việt có mặt khắp nơi, tuy khối người này không lớn về mặt khán giả nhưng sẽ là những đầu cầu tốt để phim Việt đi vào thị trường quốc tế.
Thực tế đó đã gây trong lòng những người mê thích làm điện ảnh Việt ở Nam California một ánh sáng hy vọng. Ánh sáng hy vọng đó đã thắp sáng Ngày Điện Ảnh Việt Nam hàng năm tại hải ngoại. Vì thế, Ngày Điện Ảnh Việt nam ở hải ngoại không phải là để tưởng niệm quá khứ mà chính là cơ hội đưa điện ảnh Việt Nam tiến tới.
Câu “Người Việt xem phim Việt” không còn là một khẩu hiệu như chủ đề của Ngày Điện Ảnh kỳ I mà đã trở thành một mơ ước, để được hãnh diện của người dân nước Việt.
Đỗ Tiến Đức
(Trích trong cuốn Kỷ yếu “Ngày Điện Ảnh Việt Nam kỳ 8, năm 1994 có viết bổ túc thêm)