Trong bài viết trước đây của tôi: Trạch Gầm, Thơ Với Gót Chân Người Lính Chiến có đoạn “Khi định cư tại Hoa Kỳ, Trạch Gầm (Nguyễn Đức Trạch) mang nhiều căn bệnh, theo lời anh thì “lục phủ ngũ tạng bị te tua” nhiều lần nhập viện nhưng có lẽ tính gan lì của người lính tác chiến nên phó mặc cho bệnh tình, đầu óc còn minh mẫn để sáng tác…”.
Người lính Quân Báo đã từng xông pha trong lửa đạn chứng kiến đồng đội “Thằng bị chôn bị hất lên bởi pháo. Thằng bị thương chưa bó… lại bị thương” anh may mắn được sống sót, sau ngày mất nước bị lưu đày trong chốn lao tù ở núi rừng miền Bắc với hậu quả mang nhiều chứng bệnh! Với những căn bệnh ngặt nghèo, bác sĩ gia đình, bệnh viện UCI khó chẩn đoán và ngay cả bản thân của anh cũng chịu thua! Tưởng anh bỏ bạn bè ra đi lúc nào không biết nhưng rồi Diêm Vương “chê” nên ở lại trần gian. Tôi viết: “Trạch Gầm với bao thứ bệnh quái ác đoán không ra, bác sĩ gia đình chê, bệnh viện chê và anh cũng chê… nên có khi nghe anh nhập viện, thật tình anh em tính chuyện thành kính phân ưu… thế rồi vài ngày sau thấy anh lù lù xuất hiện. Biết chuyện thì anh phán cái màn nầy không vui bằng tán gẫu với nhau thú vị hơn”.
Trưa Thứ Bảy 14/5/2022, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, Garden Grove, buổi tiệc Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người của Trạch Gầm và hiền thê Yên Ly với sự tham dự khoảng hai trăm thân hữu. Đây là buổi tiệc do con gái (cháu July) của Trạch Gầm tổ chức mừng thân phụ ở tuổi tám mươi.
Và lần nầy, anh cho biết July mừng tuổi thọ thân phụ nên “biếu” cho số tiền để du lịch nhưng anh nói đi bất cứ nơi đâu vì “Về đâu, đâu cũng là đâu đó. Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ (Nguyễn Bắc Sơn) cũng không bằng ra cà phê Gypsy tán gẫu với bạn bè. Vì vậy cuối năm 2024, anh nhờ tôi design thiệp mời gởi trong vòng thân hữu xa gần chủ đề “Đời Ghét… Đời Thương” vẫn tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2 vào sáng Thứ Bảy 11/1/2025. Buổi họp mặt với sự tham dự như hai năm trước với bạn bè, thân hữu xa, gần cùng chung vui với nhau.
Từ tập thơ Vụn Vặt đầu tay ấn hành năm 2007 đến Ráng Chịu 2009, Dấu Giày Chinh Chiến 2013 (sau đó ấn hành các tuyển tập Bên Lề Cuộc Chiến 2015, Nhốt Vòng Thương Nhớ 2016, Chôn Lầm Huyệt Nhớ 2019)… cùng nhiều bài thơ sau nầy được phổ biến, với tôi, có khoảng một trăm bài thơ được phổ nhạc, trong đó các giới trẻ thích ngôn ngữ thơ lính, giọng thơ độc đáo. Và, có thể nói “người lính làm thơ” nầy được phổ nhạc nhiều nhất. Vì vậy trong buổi họp mặt mặt nầy nhiều ca khúc phổ thơ được các ca sĩ trình bày: Đêm Qua Ta Mơ, Nghi Ngút Nỗi Niềm, Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến, Thiếu Em Một Nụ Cười, Một Ngày Của Ta, Hôn Nỗi Nhớ Quên, Sáng Gặp Em Trên Phố, Thoáng Xưa, Lời Cho Ngày Tận Thế, Theo Người Về Sông Buông, Sỏi Đá Vẫn Còn, Phải Chi, Tận Thế, Còn Thân Gió Cát, Tạm Biệt Diệm Song… Cùng với những bài thơ do chính tác giả đọc và thân hữu diễn ngâm.
Với tôi, thông thường mỗi tác giả chỉ viết một, hai bài nhưng với nhà thơ, nhà văn nầy, tôi đã “phá lệ” với năm bài (ngoài ra rải rác vài bài về sinh hoạt) tuy có đầu óc cục bộ trong bạn bè. Nhưng tôi nghĩ, như đã đề cập ở trên về tình trạng bệnh tình của anh, nay còn mai mất, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc, khi còn có nhau mà không chia sẻ cho nhau để rồi lúc vĩnh biệt “làm văn tế ruồi” chẳng còn ý nghĩa.
Vài ngày ra uống cà phê thấy vắng anh, bạn bè lại hỏi thăm rồi anh lững thững với Yên Ly và chiếc điếu cày. Cái máu của người lính trận năm xưa vẫn vậy, không hề than vãn, bi lụy đã thể hiện qua khẩu khí trong thơ anh.
Trên trận địa với hình ảnh:
“Thằng lính bộ binh gia tài súng đạn Lội mòn rừng, tiền mang đổi cơn say Phố quận khề khà… nhậu vài ánh mắt Theo hành trang, nhẹ gió cuốn mây bay”
Sau ngày tàn cuộc chiến:
“Đã cầm súng… ai đợi ngày mất nước Tỉnh hay say cũng gục giữa chơi vơi Từng đốt tay gọi thầm tên mấy đứa Đến cùng chia… chén rượu đắng thua đời”
Và, cả khi trong lao tù:
“Kệ mẹ nó, nó nói gì nó nói Ở tù lâu – chai – ta lại thấy vui”
Vì vậy khi sống trên xứ người đã bước vào tuổi tám mươi thì sá gì căn bệnh “bất trị” ám ảnh. Phải không, bạn ta?
Vì tình trạng sức khỏe nên Trạch Gầm bỏ làm đệ tử Lưu Linh nhưng không thể nào quên tháng ngày sống bạt mạng thời chinh chiến. Nhà thơ Nguyễn Thanh Huy thay mặt “bạn bè tóc bạc” gởi lời chia sẻ qua bài thơ: Chén Rượu Trạch Mời:
“Chén rượu mời đây chúng ta cùng uống Cạn ly buồn từ năm tháng xa xăm Năm ba thằng gặp nhau nơi xứ lạ Như đêm đông ngồi mong ánh trăng rằm Những cái mất kể luôn phần thân thể Cũng không buồn bằng mất cả quê hương Hôm nay đây quây quần bên tiệc rượu Để cùng nhau ôn lại chuyện lên đường Chuyện của một thời lìa xa phố thị Mang ngút ngàn cay đắng tải trên lưng Quên mất tuổi thơ một thời mộng mị Đôi lúc buồn khóe mắt bỗng rưng rưng Ta đã đi và máu xương đã đổ Cho cây đời xanh trái ngọt mai sau Những dong ruổi nửa đường gươm đã lỡ Nên bây giờ đành uống cạn thương đau! Uống chưa hết lời thơ buồn Trạch kể Đã thấy say trong ly rượu Trạch mời Thấy lại mình từ một thuở xa xôi Qua ngôn ngữ của Trạch Gầm viết lại. Ta cũng như người môi thèm ấm mãi Nên xin người đôi chén rượu để say Rượu không nhạt lòng ta đang rộng mở Nên cùng về tìm quá khứ hôm nay”.
Thật vậy, trong mỗi người với số mệnh “Đời Ghét… Đời Thương”. Đời ghét đã hành hạ bầm dập, nghiệt ngã, sinh lầm thế kỷ… nhưng đời thương vẫn còn đây với “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây… Không phản bội giòng sữa thơm nuôi dưỡng” (Thơ Hoàng Phong Linh, nhạc Nguyễn Ánh 9).