Đỗ Trung Quân
…
Chỉ cần 3 Huyền sử ca “Hòn vọng phu” là nhạc sĩ Lê Thương đủ trở thành bất hủ nhưng cụ chưa chịu dừng sự bất hủ ở đấy. “thằng Cuội” ra đời, Lê Thương kể một câu chuyện cổ tích bằng âm nhạc pha thêm chút hài hước của tuổi thơ trong trẻo “các em thích cười muốn lên cung trăng …cứ hỏi ông trời…cho mượn cái thang …” thằng Cuội ấy đi qua bao nhiêu thế hệ, những đứa trẻ từng nghe hát câu chuyện ấy thay nhau trở thành ông già bà lão, còn vầng trăng tuổi thơ vẫn mãi vằng vặc.
Phạm Duy không chịu ngồi yên, ông là nhạc sĩ có máu “cạnh tranh” vào bậc hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Văn Cao có “Thiên Thai” thì Phạm Duy có “Tiếng sáo Thiên Thai” , Văn Cao có “Trương Chi” thì Phạm Duy có “Khối tình Trương Chi”. Lê Thương có “Thằng Cuội” thì Phạm Duy có “Chú Cuội” mà cô Hằng trong ca khúc không ai khác chính là Thái Hằng người vợ của ông. Nhiều năm sau nữa Phạm Duy dấn thêm một bước đi vào đề tài bất hủ Đồng dao tuổi thơ “Ông Trăng xuống chơi”:
ông Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
ông Trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
ông Trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa
ông Trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính…
ông Trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa
ông Trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái…
Cụ Phạm tinh quái lẫn tinh tế lắm. Bài “ông trăng xuống chơi … ” toàn bộ là từ “xuống chơi ” nhưng tới câu “gái đẹp ” thì Phạm Duy đổi “ông trăng xuống CÔ GÁI ĐẸP . Và ông trăng xuống ANH ĐÀN ÔNG …”
Duy 2 câu ấy cụ đổi động từ “chơi” thật hay, giữ nguyên vẹn tính chất ngây ngô, hồn nhiên của Đồng dao.
Ai có gì Phạm Duy có nấy không hề thua kém. Cuộc cạnh tranh công khai nhưng lành mạnh ấy mang lại cho âm nhạc những ca khúc trứ danh mà người thưởng thức âm nhạc Việt Nam được thừa hưởng.
