trang bạn hữu – Dương Minh Châu – những người lính đã ra đi

 

Những người lính đã ra đi

Dương Minh Châu

Trong câu chuyện tang tóc lớn của 81 tử sĩ Nhảy Dù, Quân Lực VNCH, vừa được cử hành Lễ Truy Điệu và An Táng rất uy nghiêm và cảm động vào ngày 26 tháng 10 tại Westminster, Orange County, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản,  xin kể anh chị nghe thêm câu chuyện nhỏ của những người lính trong gia đình chúng tôi.

Sinh tiền, bà nội các cháu rất sợ đi máy bay.  Dù con cháu năn nỉ cách nào bà cũng từ chối đi chơi xa với gia đình nếu chuyến đi phải di chuyển bằng máy bay.  Chỉ ngoại trừ một chuyến bay độc nhất bắt buộc bà phải lên máy bay vì không có chọn lựa nào khác.  Đó là chuyến bay di tản từ Saigon qua Montreal, Canada vào thời điểm cuối năm 1981, khi cả nhà lớn bé 10 người được cô các cháu bảo lãnh theo chương trình đoàn tụ gia đình.

Bước lên máy bay bà cụ ngồi im không dám nhúc nhích, chỉ nhắm mắt niệm Phật, các cháu ngồi hai bên phải nắm chặt tay bà, nhất là những lúc phi cơ cất cánh bay lên và đáp xuống các phi trường quá cảnh, hoặc khi máy bay chao đảo trên không, bà cụ sợ đến tái xanh mặt mũi làm chúng tôi cũng hoảng hốt cho sức khỏe của bà.  Nỗi sợ hãi máy bay của bà nội các cháu không phải vì bà lo cho tánh mạng của mình mà cả nhà đều hiểu đó là nỗi ám ảnh sâu xa từ 3 cái chết bi thuơng của những người con trong gia đình.

Trước tiên là Dương Văn Chánh, ở nhà gọi thân mật là chú Lô, con trai út của cụ, người trai trẻ tốt nghiệp trung học từ trường Chasseloup Laubat, qua Đại học Luật Saigon, rồi tình nguyện vào lính Nhảy Dù sau khi ra khỏi trường huấn luyện Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.  Chiến đấu trong quân ngũ dưới lá Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ của miền Nam vừa được một năm với những trận đánh kinh hồn bạt vía tại các địa danh Đồng Xoài, Bình Giã thì trong một phi vụ từ Pleiku về tiếp viện cho Tuy Hòa máy bay của chú gồm phi hành đoàn 4 người Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù VNCH lâm nạn.   Thời gian đó vì tình hình an ninh nguy hiểm không ai có thể tìm vào địa điểm phi cơ lâm nạn, kể cả phía Mỹ lẫn VNCH.

Cho đến 9 năm sau, cuối năm 1974, khi cuộc chiến đã đến giai đoạn gần tàn thì  mới có thể tiến vào khu rừng chỗ chiếc C-123 rơi xuống để tìm hốt các mảnh vụn xương cốt và những gì còn lại, giày bốt, nón trận, thẻ bài của một số trong 85 quân nhân Việt và Mỹ có mặt trên chuyến bay định mệnh này. Tìm ra được địa điểm lâm nạn khi những thân cây mọc xuyên qua máy bay đã cao quá đầu người và những gì còn lại của tất cả 85 tử sĩ đã hòa trộn vào nhau, dồn hết lại chỉ còn vừa trong một chiếc thùng lớn.

Thời gian đó mỗi ngày qua là một đón nhận những tin chiến trận khốc liệt dồn dập bay về thành phố từ khắp những nơi lãnh thổ VNCH còn sót lại.  Gia đình chúng tôi không hề hay biết về việc người Mỹ đã đem tro cốt của toán bay về Bangkok và sau đó chuyển qua Hawaii để phân tích và lưu giữ.  Qua thử nghiệm DNA 4 ngưới lính Mỹ đã được nhận diện và được an táng tại nghĩa trang Arlington, thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ sau một thời gian ngắn.  Trong khi tro cốt của 81 người lính Dù VNCH trở thành những người lính vô tổ quốc sau khi miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt.

Tro cốt của họ được chính phủ Mỹ lưu giữ ở Hawaii trong suốt thời gian gần 5 thập niên.  Không có nơi an táng, bởi vì họ là những người lính của Miền Nam VN, không thể chôn cất trên đất Mỹ.  Mãi đến năm 2017 cựu TNS James Webb được chính phủ Mỹ chỉ định nhận trách nhiệm lo cho hài cốt của 81 người lính VNCH, ông đã hai lần đề nghị chính quyền cộng sản VN cho đưa tro cốt của 81 tử sĩ này về chôn cất trên  quê hương của họ thì cả hai lần đều bị từ chối vì một lý do rất tiểu nhân và vô nhân đạo “không nhận những kẻ nợ máu của nhân dân trở về đất nước”  dù những “kẻ nợ máu” là những người đã chết từ hơn 50 năm về trước.  Và thật ra cùng với thời gian thiên hạ đểu nhận biết ai mới thật sự là người có nợ máu với nhân dân VN!!!

Sau 1975 gia đình chúng tôi kẹt lại Saigon hơn 6 năm, trong suốt thời gian đó cả nhà vẫn nuôi một hy vọng mỏng manh là cậu con trai út của gia đình chỉ bị việt cộng bắt làm tù binh khi máy bay gặp nạn, vẫn mong khi chiến tranh kết thúc chú sẽ được bên kia thả về …  Cho đến khi lên máy bay qua Canada cả nhà vẫn hoàn toàn không được biết tin tức gì về số phận của người con út.  Kể cả tin tức của Ngọc Lan, người yêu của chú, từ biến cố 75 cũng hoàn toàn bặt âm vô tín dù gia đình chúng tôi và cả nhóm bạn của Ngọc Lan ra sức kiếm tìm.

Sự mất tích và cầm như cái chết của chú Lô xảy ra cuối năm 1965, khi nỗi đau thuơng tang tóc vẫn chưa phai lạt thì tháng 8 năm 1968, chưa đầy 3 năm sau, người con gái lớn trong gia đình, chị Dương Thị Kim-Thanh, cũng là một quân nhân, Chuẩn Úy Nhảy Dù, cùng chồng là Thiếu Tướng Trương Quang Ân đồng tử nạn trong một chuyến bay thị sát mặt trận Đức Lập, đó là năm Tướng Ân đang giữ chúc vụ Tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.  Cả hai đều chỉ mới 36 tuổi.  Và mối tình của anh chị có thể gọi là “mối tình không gian” vì họ gặp và yêu nhau trong binh chủng Nhảy Dù, lễ cưới của họ là hai cánh Dù tung bay trong không gian lộng gió và ngày cuối cuộc đời của họ cũng từ không gian mà cùng nhau đi vào một thế giới khác.

Anh là vị Tướng trẻ tuổi nhất tử trận trong chiến sử VNCH.  Vị Tướng nổi danh trong toàn quân và toàn dân là người sĩ quan tài giỏi, kỷ luật và trong sạch nhất.  Hai người ra đi để lại 3 đứa con nhỏ, cháu bé nhất 3 tuổi, và cháu lớn nhất 11 tuổi, cùng với hoàn cảnh thuơng tâm của ba đứa cháu một sớm một chiều mồ côi cả cha lẫn mẹ là nỗi đau thuơng chồng chất không nguôi cho ông bà và cậu dì các cháu.

(Gia đình Tướng Trương Quang Ân trong ngày Quốc Khánh 1.11.1967- tại BMT)

Bước chân vể nhà chồng tôi bỗng nhiên trở thành bà mẹ trẻ của ba đứa cháu mồ côi ngây thơ vô tội.  Nhìn các cháu, nhớ đến những kỷ niệm với cha mẹ chúng mà rơi nước mắt.  Khi anh Ân, ba các cháu còn làm Tỉnh Trưởng Gia Định, những lần được mời vào dinh Tỉnh Trưởng dùng cơm với anh chị đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu đậm.  Bữa cơm của vị Tỉnh trưởng một tỉnh có thể nói là giàu có nhất miền Nam lại đạm bạc đến mức không thể nào đạm bạc hơn.  Trong phòng ăn của dinh Tỉnh trưởng rộng thênh thang, bài trí sang trọng, bữa cơm nào cũng chỉ là thố cơm trắng, dĩa giá xào với mấy con tép, dĩa thịt kho trứng, hoặc đĩa cá kho tiêu và bát canh rau, dọn ra nhìn thật khiêm nhường và tương phản với bộ bàn ăn to lớn, trịnh trọng.  Lại còn có chú lính đứng hầu sau lưng, chờ sẵn để đơm thêm chén cơm nhưng đôi khi mọi người không thể nào ăn hết một chén, bởi vì giữa bữa cơm có thể anh phải ngừng ăn để trả lời điện thoại khẩn cấp, có khi anh phải rời khỏi phòng ăn trở lại phòng làm việc, chúng tôi ngồi chờ và xếp đũa, no ngang.

Khi anh chị mất, chính quyền đến kiểm tra tài sản, họ tìm thấy:  tiền lương tháng cuối của anh còn nguyên trong phong bì chưa kịp đưa cho chị, trong tủ áo của ngôi nhà khiêm nhường ở cư xá Lữ Gia, ngoài những bộ quân phục của Tướng Ân là 8 chiếc áo dài lụa nội hóa của chị, một ít nữ trang vòng vàng toàn đồ giả, mà khi yến tiệc bà vợ ông Tướng cũng đeo cho có chút lấp lánh trên cổ, trên tai  …

Anh chị được chính phủ VNCH chôn cất với lễ nghi trang trọng trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, cho tới sau 75, khi chính quyền mới thấy gai mắt với những ngôi mộ trang nghiêm, bề thế, với  tên tuổi và chức vụ của những công dân VNCH thì họ ra lệnh tất cả phải di dời để họ phá bỏ nghĩa trang lấy đất làm công viên.  Người chết phải chết thêm lần nữa khi nhiều ngôi mộ không còn thân nhân ở VN đã bị cày xới, xương cốt nếu còn lại cũng xiêu lạc theo với cỏ cây đất đá.

Từ những cái chết bi thuơng bằng máy bay của con trai út Dương Văn Chánh, rồi người con gái lớn Dương Thị Kim Thanh và con rể Trương Quang Ân, bà nội các cháu đã bị ám ảnh, nhập tâm với nỗi sợ hãi phải bước lên máy bay.  Nỗi sợ từ hơn nửa thế kỷ trước cho mãi đến sau này, mỗi khi con cháu trong nhà vì việc làm hay du lịch phải bay đi chỗ này chỗ kia thì bà lo lắng, bức rức không yên cho đến khi mọi người trở về nhà bình an vô sự.

Mấy hôm nay, từ khi sửa soạn hành lý lên máy bay qua Cali dự lễ Truy Điệu và An táng 81 chiến sĩ Dù thuộc đại đội 72 của chú Lô tôi cứ loay hoay với câu hỏi trong đầu “không biết bà nội có chịu bước lên máy bay đi từ Toronto qua Cali dự lễ an táng chú Lô không nhỉ”.   Hỏi để tự hỏi vậy thôi, bà các cháu đã không còn cơ hội đến được nơi an nghỉ cuối cùng của người con trai út sau hơn nửa thế kỷ mong chờ.  Bà mất năm nay đã được 5 năm, thọ đúng 100 tuổi.

Anh chị và cháu của cố Th.úy Dương Văn Chánh ( trước mộ 81 tử sĩ ND 26-10-2019)

Phải chi bà còn sống để được biết tin người con thân yêu của mình sau 54 năm bặt âm vô tín nay đã được tìm thấy.  Cho dù mang danh “người lính vô tổ quốc” chú vẫn được an nghỉ bên đồng đội của mình ở một nơi ấm áp ân tình của người Việt tha hương. Nấm mộ của chú và 80 chiến sĩ Dù “Thiên Thần Mũ Đỏ” sẽ được yêu thuơng, chăm sóc và giữ gìn, không chỉ với thế hệ này mà mãi mãi.  Sẽ không có nỗi lo sợ mảnh đất nghĩa trang dành cho người đã chết cũng nay đào mai xới, ở một nơi mà người sống không yên đã đành, người chết cũng phải chịu nhiều lần xua đuổi.

             Dương Minh-Châu (*)
      Toronto cuối tháng 10, 2019.

(*) Tác giả Dương Minh Châu là phu nhân của anh Dương Văn Hóa, bào  đệ
của Bà Dương Thị Kim Thanh ( phu nhân cố Th. Tướng Trương Quang Ân),
và bào huynh của cố Th.úy Dương Văn Chánh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *