trang bạn hữu – Dương Kiền và các bạn Nguyễn Trãi Hà Nội

 

 

Hoàng Huyên

Tôi hồi Tề vào cuối năm 1951 và đầu hè năm 1952 thì thi Tiểu Học. Đề thi Việt văn năm đó là bình luận câu ca dao: Ăn vóc học hay. Tôi đoán Vóc là một loại trái cây bổ não, định bụng kỳ này về là ăn vóc thay cơm để đền ơn Bố Mẹ sinh thành dưỡng dục. Sau Bố tôi cho biết nghĩa là: Ăn cho có sức vóc thì mới đủ sức học cho hay, nhưng không trách, vì Bố tôi đã dẫn gia đình đi theo”kháng chiến” vào an toàn khu tận làng Bàn Thạch, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tôi mất 6 năm, chỉ được học “lớp Ba trường làng”. Mỗi khi có nhật thực, giáo làng lại bắt học trò lấy soong chảo ra gõ cho mặt trăng nhả mặt trời và dùng thau nước để quan sát theo dõi. Thầy như thế thì trò như vậy là đúng rồi. May mắn đề toán thuộc loại kinh điển “dễ như cơm sườn”: hai xe hơi khởi hành cùng một chỗ nhưng khác giờ và khác tốc độ, hỏi gặp nhau sau mấy giờ và cách bao xa chỗ khởi hành, thì tôi đã làm tốt. Có tên trên danh sách trúng tuyển, tôi chạy như bay về nhà, Bố tôi khuyên thi vào trường Nguyễn Trãi, nằm góc đường Lý Thường Kiệt và đường Hai Bà Trưng, lý do gần nhà.

Lớp đệ thất B1 rồi  đệ lục B1 nằm dẫy phụ mới xây, phía nhà để xe, vừa lên cầu thang là phòng đầu tiên. Tôi có một lô bạn mới: Phạm Xuân Lương (Gia Cát Lượng), Nghiêm Sỹ Anh (Bàng Thống), Dương Kiền, Ngô Tằng Giao, Nguyễn Xuân Phúc (Robert Lửa), Nguyễn Văn Hiền, Phí Thịnh Đức, Vũ Mạnh Phát, Phạm Hoài, Phạm Hữu Độ (Độ đen), Phạm Doanh (Doanh Nehru), Trần Kim Cát (Đằng Giao), Phạm Quốc Đăng, Nguyễn Đào Nùng, Đỗ Trí Khang (Khang khều), Nguyễn Khắc Lãng, Bùi Công Huề, Đoàn Văn Ngô, Đỗ Kim Bảng, Nguyễn Ngọc Khôi , Nguyễn Tiến Khải (Khải Lùn), Từ Ngọc Ánh, Từ Ngọc Ấn (em GS Từ Ngọc Tỉnh), Mai Thế Chính (Đại tá quân đội Bắc Việt), Nguyễn Ruyên, Nguyễn Trực, Tạ Vương Tín, Lê Khắc Thủ, Nguyễn Quang Cự, Bùi Đắc Ngọc, Ngô Văn Chương, Phạm Đình Cương, Đào Đức Chính, Nguyễn Huy Đức, Trần Chi Dung, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Thượng Võ, Mai Thế Phú, Lê Tiến Thoại, Lê Đức Tống, Vũ Tường Ánh, Nguyễn Gia Xuân, Nguyễn Minh Loan, Nguyễn Đức Hào, Nguyễn Bá Hùng, Lê Bá Hải, Nguyễn Ngọc Trương, Đoàn Văn Huân ….

Đa số học sinh thì đi máy bay DC3 hay theo tầu há mồm di cư vào Nam, trong khi hầu hết ban giám hiệu thì ở lại Hà Nội, không biết vì lý do gì.

Lên trung học có nhiều môn mới không có trong chương trình tiểu học như Anh văn, Hán văn,… Thầy Hoàng Trần Hoạch dậy Anh văn. Trong lớp vang lên những giọng ngọng nghịu nghe như trẻ con mẫu giáo học đánh vần: This is a table. That is a chair. This is a boy. That is a girl. Sách giáo khoa là cuốn “L’anglais vivant” nên chúng tôi nói tiếng Anh giọng Tây. Mỗi khi gặp Mỹ thì lảng lảng đi chỗ khác. Phải trừ một người: học trò ruột của Thầy Hoạch là bạn Phạm Xuân Lương, như có năng khiếu từ nhỏ. Phạm Xuân Lương giỏi mọi môn và đứng đầu lớp hai năm liền nên được phong là Gia Cát Lượng và tôi đã không ngạc nhiên khi nghe tin bạn đã bứt phá về đích sớm hơn các bạn cùng lứa: Cậu Tú, kéo theo Phạm Hoài. Lên lớp đệ Ngũ, sách giáo khoa thay bằng cuốn “English for Today”, tình hình có cải thiện,

Riêng tôi còn được học thêm “English for Tonight” từ Nam Sinh Tín, tay chơi này nổi tiếng với quan niệm hiện sinh qua mặt Jean Paul Sartre: “Life is a hole: Born from a hole, Live for a hole, Buried in a hole”. Nghe na ná bản tuyên ngôn độc lập của Tổng thống Abraham Lincoln mà “Bác” đã mạo nhận. Chàng còn vươn tay tới cực điểm của khoa học khi thêm: “Universe is a black hole”, làm ta nghĩ đến nhà vật lý học Stephen Hawking với phát biểu: “There are no black holes.” Nhà khoa học nay được kể là một nhà vật lý học xuất sắc nhất thế giới chỉ sau Einstein với một nhận định chấn động nhân loại khỉ phủ định mọi tôn giáo: “Dead, It is finished.”

Đến môn Hán văn, buổi đầu tiên bước vào lớp là một Cụ Đồ mặc áo the thâm chân đi guốc mộc. Ý thức rằng mình chỉ là một cái gì rơi rớt lại từ quá khứ và sắp bị đào thải: “generation perdue” hay sao mà Cụ rất dễ dãi và tha hồ để cho chọc ghẹo. Đối với chúng tôi, chữ nho là một quần thể các đoạn ngang dọc chéo nên xin Cụ cho bí quyết để cất chúng vào trong đầu. Hơi giận, Cụ phán có 2 điều cơ bản:

  1. Viết từ trên xuống dưới và từ phải qua trái.Nếu không theo luật này thì là chân lý thành phản chân lý, như câu “Cấm không được đái” thành “Đái được không cấm”
  2. Chữ Nho được hình thành theo nguyên tắc: tượng hình hài thanh, chẳng hạn:

Chữ Nhân giống hình người đang đi:nhan

Chữ Mã  giống hình con ngựa có 4 chân:ma

Vậy hãy banh to mắt mà nhìn cho kỹ là nhận ra.

Có trò cắc cớ hỏi: còn các chữ thuộc phạm trù tâm linh thì Cụ tịnh khẩu.

Lẩm cẩm thế mà Cụ cũng tìm được hai đệ tử đặng truyền y bát là Nghiêm Sỹ Anh, em của Nghiêm Sỹ Tuấn và Phạm Doanh chú của Phạm Hoán. Nghiêm Sỹ Anh học chỉ thua Phạm Xuân Lương nên được phong là Bàng Thống. Doanh có hỗn danh là Doanh Nehru, nguyên thủ tướng Ấn Độ. Hai anh này thuê một căn gác trong một hẻm cuối đường Phan Đình Phùng, gần ngõ với nhà Nguyễn Hoàng, cùng học y khoa với Nguyễn Văn Hiền. Vừa ló đầu khỏi thang gác là thấy sách và sách đầy các kệ, các tủ như một thư viện nhỏ. Hai hủ nho mọt sách.

Thầy dạy Việt Văn là Lương Ngọc Phát, nhưng năm đó xuất hiện một Thầy trẻ trung đẹp trai năng động với học vị cử nhân văn chương. Đó là thầy Trần Ngọc Huyến, sau này Thầy bị động viên và lên tới chức đại tá làm chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt. Thật là văn võ song toàn. Thầy là một thần tượng để chúng tôi, một đám ngựa non háu đá, nhìn lên với đôi mắt ngưỡng mộ. Sinh hoạt văn nghệ trong trường chợt nở rộ. Từ các lớp lớn hình thành ban kịch nổi nhất là vở ”Cái tủ chè” trình diễn tại Nhà hát lớn Hà nội. Từ các lớp nhỏ hình thành một đội vũ công, nổi nhất là màn “Trấn thủ lưu đồn” trình diễn tại sân Septo, hàng Đẫy Hà Nội. Về văn chương chữ nghĩa thì xuất hiên vài tờ bán nguyệt san cho tuổi học trò như tờ : Tuổi Ngọc. Tuổi Ô Mai… đã thấy vài bài thơ ngắn lởi lẽ và tư tưởng trong sáng ký tên Dương Kiền bạn ta.

Cụ Dương Vi Long, Giám đốc Nha Học chánh Bắc Việt đặt tên các con theo quẻ Dịch Phục Hy: Dương Cự, Dương Kiền, Dương Phục. Thừa hưởng giòng máu khoa bảng, Dương Kiền gia nhập làng thơ làng văn ngay những ngày đầu bước lên trung học. Năm Quí Tỵ vừa rồi tôi về Sài Gòn vào dịp Tết, Trần Ngọc Quân “Ba Cụt” tổ chức họp mặt thường niên “CVA59 Sài Gòn” tại quán café’ 247, thiếu Dương Kiền. Lý do chàng đã dọn ra ngoại thành tìm lại cuộc sống thôn dã êm đềm như tranh: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững vờn quanh…,” nhạc và lời của thầy Chung Quân. Cả nước đều biết thế mà một tên nào đó đã mạo nhận thật là vô liêm sỉ. Văn hóa mạo nhận phổ biến quá đến nỗi Nguyễn Trọng Dzũng đã phải đi một bài giải tỏa dư luận rất công phu. Đằng Giao khuyên Dương Kiền nghĩ lại vì vấn đề mất an ninh nhưng chàng vốn tính ngang tàng: muốn gì là làm liền và chỉ nhếch mép xổ nho: “Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn”. Phong cách Lão Trang này làm nhớ đến thi sĩ Đào Tiềm nổi tiếng với bài văn tế tự làm cho mình lúc sắp lâm chung:

… Bầy thức rau ngon.
Rót chén rượu sạch.
Nghe hơi đã tịch.
Than ôi: Thương thay!

Biết rằng không qua khỏi Dương Kiền cũng để lại bốn câu thơ khẩu khí Đào Tiềm và thản nhiên tự tại ra đi trong quan niệm “Sinh ký tử qui”:

Một mai rũ áo ra đi.
Chỉ là quay gót trở về cố hương.
Tạ ơn trăm nhớ ngàn thương.
Buông tay chỉ những vô thường thế thôi

Sáng tác đa dạng như thơ, truyện, dịch thuật, biên khảo. Nói về thơ của Dương Kiền tôi xin mượn lời phê bình của một người không quen biết:Thơ của Dương Kiền dễ lưu vào lòng người những cảm giác man mác, buồn buồn điển hình như những dòng thơ sau trích từ tập Mùa Gặt Giữa Hư Vô ấn hành năm 1991:

Châm một điếu thuốc hút
Cho ngắn bớt đời ta
Nâng một ly rượu uống
Cho ngày tháng trôi qua
Bóng quê trong khói thuốc
Rồi cũng đến tan ra
Một giọt nơi đáy cốc
Sao cũng cháy lòng ta?
Đời đã năm mươi mấy
Bỗng như trẻ lên ba…

Mỗi khi nhớ đến mấy câu thơ này là tôi lại lên bộ mò đến một quán vắng, kêu một ly cà phê đen, châm một điếu Basto xanh, xin nghe bản Tình Nhớ.

Đương học gần hết niên khóa lớp đệ Ngũ tại trường tiểu học Trương Minh Ký, góc đường Trần Hưng Đạo và đường Nguyễn Thái Học thì tôi phải theo ông già đổi ra Nha Trang và theo học trường Võ Tánh vào đúng lớp của Nguyễn Công Thuần, sau học điện lực với Nguyễn Trọng Dzũng. Đương buồn vì xa trường không bạn nơi vùng đất mới thì bất ngờ nhận được bài thơ sau của Gia Cát Lượng mừng quá. Đây là bài thơ nhận từ năm 1955 tức cách đây 60 năm sẽ làm bạn Lương ngạc nhiên làm sao tôi nhớ được. Chắc các bạn còn nhớ, Lại Quốc Ấn tức giặc lái đã nói một câu sướng rên cả con cu: Lão Tà mắt mờ nhưng óc còn sáng.

Nhớ nhớ lắm.
Mắt dõi xa xôi ngắm hững hờ.
Tâm tư trầm lắng nghĩ vẩn vơ.
Sầu vương cay đắng niềm ly cách.
Đôi phút chạnh lòng những ngẩn ngơ.
Thương thân bơ vơ cách nẻo đôi bờ.
Chiều nay dõi chim trời dõi mây mờ dần khuất.
Xa vắng niềm u uất quê hương nẻo xa vời.

Hỡi ôi !
Một giải đất hai phương trời.
Người hỡi ! tha thiết quá.
Đau thương muôn vạn nẻo đường nhớ mong.

Bạch Ly.
Phạm Xuân Lương.

Một bài thơ nói lên nỗi niềm uất hận phải xa Hà nội, đất ngàn năm văn vật và một trăm năm súc vật.

Phạm Xuân Lương còn làm thơ tiếng Anh ngay thời trung học. Cha Vị đã mang bài thơ này đi tuyên dương tại các lớp. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Xuân Lương được học bổng theo chương trình tiến sĩ, nhưng chàng theo truyền thống: Tiểu đăng khoa rồi Đại đăng khoa, làm buồn long song thân. Tuy vượt biên trễ, cuối cùng chàng cũng hoàn tất chương trình PhD và giảng dậy Anh Ngữ tại một số trường Đại Học Cộng Đồng tại Houston và cũng từng làm Assistant Principal cho Clear Lake High School.

Nói đến Dương Kiền là phải nói đến Ngô Tằng Giao. Ngô Tằng Giao là một công tử con nhà giầu. Chàng không chỉ là một nhà thơ, một nhà văn mà còn là một học giả đặc biệt về đạo Phật với bút hiệu Tâm Minh. Tôi thích pháp danh này vì Vô Minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi và Vô Tâm là kẻ cùng hung cực ác, vì Phật tại Tâm. Người ta thường nói đến ba bài thơ chuyển ngữ: Grandparents của Stacy Smith, In Memory of my grandfather của Christina Hintenberger, Grandma’s Hugs của Anonymous. Nhưng riêng tôi, thích nhất là bài chuyển ngữ từ bài: The Price of Being a Mother của Nguyễn Dương. Lý do là khi tôi sinh ra thì Ông Bà đều đã qua đời. Phần khác Nguyễn Dương là anh vợ của tôi, nguyên là Y sĩ Đại tá Quân đội Hoa Kỳ, với chức vụ cuối cùng là Chỉ huy trưởng Quân y viện Fort Myers tại Washington DC, sát bên nghĩa trang Arlington. Cho phép tôi kể một câu chuyện. Một tên trung tá dưới quyền, báo cáo với cấp trên là Nguyễn Dương bossu, Sau đó đến gặp Nguyễn Dương và nghênh ngang nói: “Hãy để tao yên”. Nguyễn Dương trả lời: “Mày muốn yên, hãy nhẩy qua hàng rào kia”. Bên đó là Nghĩa trang Arlington.

Bài thơ của Nguyễn Dương :

The price of Being a Mother
It was a cold and rainy day
The rain finally stopped, only now and then a few drops
Making circular wrinkles on the surface of the lake
By the shore under a dead hollow tree trunk
A mother goose was lying quietly with her eyes open
She was there, day and night, warming her eggs
Paying the price to be a mother
Forgetting the cold, the thirst, the hunger
She lay there always on the guard
Suddenly a furry mammal head emerged in the lake
Nonchalantly heading toward the nest
Like an arrow cutting through the serene water
The mother goose’s head rose on the defensive
Her companion usually close by was nowhere to be seen
A piercing shrick.Help ! Help ! Sacrifice.

Bản chuyển ngữ của Ngô Tằng Giao:

Lòng Mẹ Hy Sinh
Một hôm mưa lạnh ngoài trời
Mưa bay rả rich buông lơi rồi ngừng
Đó đây rơi giữa không trung
Phất phơ vài giọt từ vùng trời cao
Hồ bên lặng lẽ bay vào
Loang thành vòng nhỏ lao xao mặt hồ
Dưới thân cây mục ven bờ
Lặng yên Ngỗng Mẹ nằm chờ ấp con
Mẹ dương cặp mắt to tròn
Truyền hơi ấp trứng cho con đêm ngày
Vinh danh tình mẹ đẹp thay
Quản chi đói khát hao gầy tấm thân
Sá chi lạnh lẽo vô ngần
Mẹ nằm ấp trứng xa gần giữ canh
Chợt đâu trời giữa hồ xanh
Một đầu thú vật lao nhanh bất ngờ
Phóng về tổ ngỗng bên bờ
Như tên rẽ sóng vút đưa mặt hồ
Vươn đầu chống trả quân thù
Vì con Mẹ Ngỗng há từ hiểm nguy
Chồng thương kề cận mỗi khi
Giờ đây vắng bóng, bốn bề im hơi
Cứu tôi! Cứu mẹ con tôi !
Tiếng kêu như xé bầu trời. Hy sinh !

Qua bên này, tới phiên Vũ Mạnh Phát xuất thần thực hiện một công trình ngoạn mục. Người đã chuyển ngữ những bài thơ trong tập: “Hoa Địa Ngục” của Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện thành hai tập. Không ngừng ở đó, chàng còn cho ra đời một công trình sưu tầm văn học bằng hai ngôn ngữ Việt Anh để giới thiệu với người nước ngoài:
Thơ Việt Nam chọn lọc.
    Vietnamese Poetry, A sampler

Người ta chuyển ngữ từ Pháp Anh Hán ra Việt, còn chàng lội ngược giòng: chuyển từ Việt ra Anh. Không phải chuyện dễ. Phải nói thêm Vũ Mạnh Phát là phù rể của tôi năm xưa. Xin cám ơn bạn. Xin chọn bài thơ: Vịnh cái quạt. Bạn hỏi tại sao: dễ thôi vì là đàn ông ai chả thích quạt. Mỗi khi buồn lại ngâm thành tiếng rồi cười mỉm. Bắt gặp, nhà tôi chọc: dở hơi rồi đó!

Vịnh cái quạt
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng:
Phì phạch trong lòng đã chán chưa?

Bản chuyển ngữ của Vũ Mạnh Phát:

Allusions to a Fan
A hole to take in any inserting
Since ancient times her sticky charm has attracted
Spread into a triangle, the skin misses out a bit
Close in on both sides, the flesh protrudes a little
She cools a warrior’s face, when there’s a full
She covers a gentleman’s head, when it rains hard
Try asking the one fondling her behind the curtain in bed
Are you satisfied, fanning yourself that way ?

Thật là tuyệt vời vì bài thơ mang tính ẩn dụ, dịch không khéo thành tục.

Chúng tôi cũng có nhiều sinh hoạt chung

Lúc còn tại Hà Nội, thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đến nhà Ngô Tằng Giao đánh bóng bàn. Nhà Ngô Tằng Giao là một villa khá rộng, mới đủ chỗ để kê bàn. Nhà Nguyễn Tiến Khải to rộng như một lâu đài, đúng hơn là nhà của Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, nằm trên đường Hàng Lọng nối dài, phía ga Hàng Cỏ. nhưng chẳng được nhờ. Chẳng buồn vì các cụ đã dậy: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún, ngũ thẹo. Một lý do thầm kín khác là Ngô Tằng Giao có mấy cô em gái rất xinh đẹp, Nguyễn Xuân Phúc tức Robert Lửa bảo thế. Rồi kéo nhau đến hồ Halais gần đó chèo perissoire, không dám bơi lội vì nghe đồn dưới đáy hồ đầy các bộ xương người. Muốn bơi lội phải đạp xe tới các hồ Nghi Tàm hay Quảng Bá và trên đường về thế nào cũng ghé các vườn ổi hái trộm.

Đến khi vào Sài Gòn, nơi tụ tập là nhà Nguyễn Xuân Phúc sau rạp Đại Nam gần đường Cô Giang, cô Bắc. Mẹ của Phúc coi các bạn của Phúc như con. Có lần nhân dịp Tết Ta, bà sai anh tài xế mua 12 vé xe đò đi Đà Lạt cho chúng tôi. Lúc đó Bố của Phúc là Giám đốc Nha Địa Dư tại Đà Lạt được cấp một biệt thự Tây to như một lâu đài. Chúng tôi có một cái tết để đời. Ban ngày xuống Trại Hầm ăn trái cây, tắm tại Suối Vàng, thăm ngôi nhà Ma trên đèo Ngoạn Mục… Tối về chén chú chén anh: nai rừng, heo mọi … uống rượu cần, say ngất ngư.

Một buổi sáng còn sương mù chúng tôi được thăm viếng Nha Địa Dư và cho xem những bức không ảnh mà không quân Mỹ để lại. Có thể nói họ chụp từng mét vuông của dẫy Trương Sơn. Có dư luận giải thích: người Mỹ đi tìm các mỏ khoáng sản như uranium chẳng hạn, nhưng trữ lượng không bao nhiêu. Cũng như giáo sư địa chất Trần Kim Thạch khi nói về các mỏ dầu hỏa tại thềm lục địa Việt Nam: các túi nghiêng về phía Phi Luật Tân.. Cho nên Việt Nam Cộng Hòa đã bị trao đổi với thị trường Trung Cộng giữa Mao trạch Đông và Richard Nixon.

Năm 1970, trước khi về hưu, ông già của Phúc Lửa nói: hiện ba còn tại chức, ba có thể xoay cho con đi làm tùy viên quân sự tại một trong ba nước: Mỹ, Anh và Pháp, con chọn nơi nào. Phúc trả lời: con chọn binh nghiệp là với lý tưởng: bảo vệ đất nước và dân tộc, xin Ba cho con được giữ trọn lời thề dưới cờ ngày ra trường. Thật là hào hùng. Năm 1975, ngày 29 tháng 3 , chàng là Lữ đoàn trưởng lừng danh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đi đoạn hậu chặn địch để quân dân rút ra bờ biển Đà nẵng. Phúc ở lại sống chết với đơn vị đến giờ phút cuối cùng rổi mất tích từ ngày đó. Thật là một thái độ tiết tháo. Tôi có hỏi Đỗ Trí Khang thân thiết với cả gia đình Phúc nhưng không biết gì hơn.

Những kỷ niệm thời trung học vẫn còn theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay. Lên đại học thì mỗi người một ngành và lúc ra trường thì mỗi người một phương nên ít gặp nhau, làm gì có kỷ niệm. Chính những kỷ niệm này gắn bó bạn bè với nhau, nếu không chỉ là giả dối và lợi dụng. Không thể dựa hơi người này lấy điểm với người kia: vải thưa không che nổi mắt thánh. Cho nên chỉ có hội ái hữu các trường trung học.

Hoàng Huyên
Th. 11, 2015

(Kỷ Niệm CVA59)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *