Phan Thị Ngôn Ngữ – nhà thơ xuất thân từ trường Nữ Trung Học Nha Trang

Phạm Tín An Ninh
(góp nhặt)

Từ bốn câu thơ trên trang bìa sau của Đặc San Hội Ngộ Liên Trường Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang năm 2004 tại San Jose, lần đầu tiên người viết được biết Phan Thị Ngôn Ngữ, một nhà thơ xuất thân từ trường Nữ Trung Học Nha Trang đang được rất nhiều độc giả khắp nơi ái mộ:

Mùa hạ ơi đừng đi vội
Để ta về góc sân xưa
Nhón chân hái nhành phượng đỏ
Giấu trong trang sách hẹn hò

Phan Thị Ngôn Ngữ làm rất nhiều thơ – và làm dễ dàng như đưa tay hái một cánh hoa dại bên đường hoặc cúi xuống nhặt một vỏ ốc, một hòn sỏi trên bờ biển cát – Với chị, thơ như là hơi thở. Đọc thơ chị, dù chỉ một vài câu, ta cũng đủ thấy lòng lâng lâng man mác, cảm giác rất gần gũi thân quen. Từng câu thơ như con đò êm đềm đưa ta trở về những bờ bến cũ, những hang động tuổi thơ, nơi đã cho ta biết bao kỷ niệm dễ thương của cả một thời ấu thơ, lớn lên, yêu đương… rồi giã biệt:

miền cố lý

Đâu Hòn Chồng sóng xô ghềnh đá trải
Một thủa hẹn hò rồi mãi chia xa
Lời nguyền xưa bên cạnh Tháp Bà,
Tan với sóng Cù Lao ra cửa biển
Nắng Đồng Đế chân ai còn thao diễn
Chiều Bãi Tiên núi xõa tóc đợi chờ

Đâu những con đường áo trăng nên thơ
Nữ trung Học – Thánh Tâm giờ tan lớp
Vang tiếng em cười sau vành nón rợp
Chao nắng sân trường Võ Tánh – Bá Ninh
Đời học sinh lãng đãng những bóng hình
Theo vết mực nhạt nhòa trên trang vở

Đâu Cầu Đá thuyền đi về bợ ngợ
Bến đâu rồi thuyền nhớ gió ngàn khơi
Thoảng chuông chùa Hải Đức nhẹ buông rơi
Trong sương sớm qua đỉnh đồi Trại Thủy
Chuông gọi hồn ai từ miền cố lý
Chuông giáo đường nhà thờ núi vang vang

Đâu mùa đông qua trên những cánh bàng
Chiếc lá đỏ như mắt người mong đợi
Hạ ngập ngừng bên những tàn sen rối
Tiếc mùa xuân biển gọi – lỡ con tàu
Mùa thu nào quên nỗi nhớ nhau

nha trang – bữa ta về

Bữa ta về – mấy con đường nắng rộ
Một tháp Hời xiêu đổ đứng nghe mưa
Dăm cột đèn ngơ ngác giữa phố xưa
Nghiêng bóng rọi từng mặt người xa lạ

Bữa ta về – sân ga chiều vội vã
Tiễn đưa ai bịn rịn những con tàu
Kẻ đến người đi chẳng biết về đâu
Giọt nước mắt trên môi cười lạc lõng

Bữa ta về – hiên chùa cao nắng đọng
Màu áo xưa đã phai nhạt theo mùa
Vẳng tiếng chuông buồn lần lữa sớm trưa
Lá trúc rụng quanh bậc thềm rêu phủ

Bữa ta về -nghiêng xiêu bờ giậu cũ
Trời Nha Trang ai khóc để sương mù
Biển vẫn thầm thì như một lời ru
Sao sóng vỗ trong lòng người trở lại

 Và những bài thơ làm xao xuyến trái tim của những người đàn bà trên tuổi 60, khi tưởng mình đang là cô bé học trò Nha trang ngày nào, sau bao nhiêu năm lưu lạc, trôi nổi theo dòng đời, giờ trở về bên ngôi trường cũ:

trở lại trường xưa

Tôi về đứng trước ngôi trường nữ
Ngóng mãi một thời áo trăng bay
Ðâu rộn đường trưa khua guốc mộc
Giọng cười ròn rã tuổi thơ ngây

Tôi về đứng nép hành lang vắng
Nghe kẻng giờ chơi báo hết giờ
Cuống quít chân lần tìm cửa lớp
Giật mình lòng bỗng khóc vu vơ

Đây mái trường xưa đã đổi tên
Lầu cao mấy dẫy đứng chênh vênh
Thương ai khóc mãi chiều mưa muộn
Hay nhớ đôi tà áo trắng buông

Ô cửa – sân chơi – lớp học sầu
Những giòng lưu bút chẩy về đâu
Thầy cô – bè bạn phương trời dạt
Năm tháng sương sa bạc mái đầu

Phan Thị Ngôn Ngữ sinh năm 1955 tại Diên Khánh -Khánh Hòa, theo học tại Trường Nữ Trung Học Nha Trang đến năm 1973. Định cư tại tiểu bang Virginia từ năm 1993. Có Thơ đăng trên: Tap chí Văn, Tuần báo Văn Nghệ Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo,Tuần báo Thời Báo Oakland CA, Trang Văn Học Cội Nguồn, Việt Nam Thời Báo (San Jose) Tạp chí Nguồn – Bắc Cali, và trên nhiều báo khác. Tác phẩm đã ấn hành: Vọng khúc  do Tap chí Khởi Hành xuất bản năm 2003, Tạ Tình Khúc do Cội Nguồn xuất bản năm 2005, Lỗi Một Vần Gieo và Dùng Dằng (Thơ Lục Bát) do Cội Nguồn xuất bản năm 2010.

Từ  năm 2006, nhà thơ Chu Vương Miện đã viết về Phan Thị Ngôn Ngữ:

 “Phan Thị Ngôn Ngữ là một người làm thơ mới xuất hiện ở hải ngoại gần mười năm. Tuy thời gian chưa dài, nhưng thơ khá đặc biệt, được độc giả mến mộ, không ồn ào mà thơ vô cùng thiết tha.
Qua hai thi phẩm Vọng Khúc,Tạ Tình Khúc và Tuyển Thơ Khung Trời Vọng Tưởng đứng một mình và đứng chung nhiều người, mấy trăm bài thơ, 5 cd của Phan thị Ngôn Ngữ. người viết đã đọc và nghe nhiều lần. Nhưng gom lại chỉ có một chữ “nhớ”.

vườn ai khóm trúc la đà,
hồn ta mấy rặng tre già xác xơ
nhớ quê – nỗi nhớ dại khờ
nhớ từ gốc rạ qua bờ cỏ tranh

(nỗi nhớ dại khờ Vọng Khúc trang 20)

lòng cứ chồng chềnh bên ni bên nớ
nắng tháng tư mà ngỡ nắng quê nhà,
ta-con tắc kè chắt lưỡi nhớ quê cha

(bên ni bên nớ Vọng Khúc trang 22-23)

đó về – đây nhớ đó thôi
nhớ câu đó dạ – nhớ lời đó thưa
đó về – cầu nắng đừng mưa
kẻo đây nhớ chuyện ngày xưa khóc thầm

(đó đây – Tạ Tình Khúc trang 96)

Trước sau cũng chỉ là một chữ Nhớ, con nhớ mẹ già, con nhớ cha tuổi đã xế chiều, nhớ cố nhân, nhớ trường trung học, nhớ tháp Ponogar, nhớ cầu Xóm Bóng, nhớ Hòn Chồng, ôi tình cảm thiết tha giữa người với người, rồi dẫn đến tâm trạng, xa xăm hơn, như chim nhớ rừng, cây nhớ cội, thuyền nhớ bến nhớ sông, nhớ con đường làng, lũy tre xanh, luống cày luống đất.
Những miền đất xa xăm – không có người, không có thân tình. Miền đất vẫn là miền đất, nhưng con người mà xa đất xa nước, xa nơi chôn rau cắt rốn [nơi mình sinh ra và lớn lên] mất đi cái thủa thơ ấu thiếu thời, ôi thôi thì nhớ vô cùng nhớ quay quắt, nhớ da diết nhớ đến vô bờ, cái nhớ mênh mông bồng bềnh theo đám lãnh vân hồng vân trôi lênh đênh trên vòm trời .
Ðọc những đoạn thơ của Phan Thị Ngôn Ngữ, nhất là những đoạn nhớ quê hương, sao mà thắt lòng, như hoa cả mắt, mà nước mắt lưng tròng tự bao giờ ?
Thơ Phan Thị Ngôn Ngữ giống như những phiến trầm hương, phiến kỳ nam ở miền đất vùng biển thùy dương trân quí, Diên Khánh (NhaTrang) thoang thoảng mùi thơm bát ngát giữa đất và trời . Có đó mà như không có đó. (Chu Vương Miện)

 thương vô cớ
nhớ vô cùng

Hạt muối mặn ba năm còn mặn
Lát gừng cay chín tháng còn cay
Bậu với ta ơn nặng nghĩa dầy
Nỡ mô bỏ tổ xa bầy bậu ơi

Mơi mốt có về bậu nhớ ghé chơi
Ðường năm cũ mây cười trong nắng
Vẫn tán lá xanh – chùm hoa sứ trắng
Tiếng ve kêu rang rảng trưa hè

Con tắc kè còn đậu ngọn me
Khan cổ gọi bậu từ năm nọ
Mơi bậu về nhớ đi ngang ngõ
Vườn ta xưa trăng tỏ bên đèn

Đóa quỳnh nào nở ngát hương đêm
Trắng như áo bậu chiều qua phố
Ơi , thương bậu chi mà thương vô cớ
Ơi, nhớ bậu chi lòng nhớ vô cùng

Nhớ bậu thời còn tóc xõa ngang lưng
Khua guốc mộc dẫm hồn ta vụn vỡ
Hai bờ vắng bên bồi bên lở
Thuyền bậu qua sông sao chẳng trở về ?

Ðể ta giờ như bến sông quê
Theo nước lớn nước ròng trăn trở
Như con cá giữa giòng nước lợ
Chẳng ra khơi – không thể về nguồn

nỗi nhớ dại khờ

Lái xe xuống phố loanh quanh
Sững sờ một khóm trúc xanh bờ rào
Vườn ai chưa ửng nắng đào
Trong ta đã thắp ngàn sao giữa trời

Nghe chừng thăm thẳm mù khơi
Hồn quê réo gọi bên trời tạm dung
Xe qua lòng phố ngại ngùng
Quay lưng phố lạ- rưng rưng quê nhà

Vườn ai khóm trúc la đà,
Hồn ta mấy rặng tre già xác xơ
Nhớ quê – nỗi nhớ dại khờ
Nhớ từ gốc rạ qua bờ cỏ tranh

Nhớ chim chiền chiện trên cành
Sớm mai đứng kể chuyện mình líu lo
Dường như đã trễ chuyến đò
Bến trưa ta đứng buồn xo một mình

*Nhà thơ Viên Linh giới thiệu Vọng Khúc, thi tập đầu tiên của Phan Thị Ngôn Ngữ:

Đọc “Vọng Khúc” của Phan Thi Ngôn Ngữ, ta thấy những giây phút bất ngờ, chẳng hạn như qua bài “tình tang” thấy cô đùa nghịch với lời thơ, và lại diễu nỗi buồn của mình. Thơ hải ngoại nhiều khi nghiêm trang quá, trầm trọng quá. Thi sĩ không phải là người mang tin buồn, hay là kẻ phải đeo bộ mặt rúm ró đau thương. Thi sĩ cao siêu đến mấy, cũng nên nghĩ như Nguyễn Du , viết “mua vui “cho đời. Mà phải tin sự mua vui của mình có thể khiến nhân gian sẽ hiểu cuộc hí trường hơn, đời này qua đời khác. Thơ Phan Thị Ngôn Ngữ còn nói nhiều tới sinh hoạt hàng ngày: qua cuộc sống người thiếu nữ khi còn ở với Cha Mẹ , với ngoại qua tấm lòng một người đàn bà khi có chồng , nhắc đến những thứ ngoài tình cảm mà chan chứa yêu thương, ngoài uyên ngôn mà sâu thẳm Hồn Quê…
(Viên Linh)

niệm khúc

Trời mưa chi sợi trùng sợi rối
Để hồn ta mấy nỗi ngậm ngùi
Con chim lạc bầy ngó tới ngó lui
Ta xa quê lòng lặng câm như đá cuội

Bong bóng vỡ dưới vòng xe dong ruổi
Giòng nưóc kia cứ đuổi mãi chân người
Đất Virginia ta ngồi – hồn đã chẩy xuôi
Về bên ấy – những cơn mưa mùa hạ

Mưa Sàigòn hay tiếng cười dòn dã
Lẫn trong hàng cây nhạc ngựa che đầu
Mưa tỉ tê buồn trên ngọn sầu đâu
Huế trăn trở của một thời Tôn nữ

Chân đã đi sao tay còn níu giữ
Mưa trái mùa HàNội luyến lưu ai
Đẫm ướt đời nhau giọt vắn giọt dài
Mưa Nha Trang cơ hồ như nước mắt

Như có chút gì xót xa – dằn vặt
Có chút gì nằng nặng giữa ngày mưa

Thơ Phan Thị Ngôn Ngữ bài nào cũng hay, mỗi dòng thơ mang theo cho người đọc biết bao nhớ nhung, cảm xúc. Tiếc nhớ một thời đã qua, những gì đã mất, cho dù những hình bóng ấy vẫn còn nặng  mãi trong lòng, không hề nhạt nhòa trong ký ức.

Nhưng có lẽ bài thơ dưới đây đã làm cho người đọc xao xuyến nhất, thấy lòng thổn thức, thương nhớ khôn nguôi. Một trong những bài thơ đã làm nên tên tuổi Phan Thị Ngôn Ngữ:

Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm

Từ khi rời quê ra phố chợ
Có đôi lần con trở về thăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Chiếc chõng tre kê đầu hiên vắng

Chiếc võng gai mấy mùa mưa nắng
Mỗi trưa ngồi – con nhổ tóc sâu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng trang Kiều lẩy.

Câu Lục Vân Tiên như mái dầm mái đẩy
Giọng ngoại chèo lúc nhặt lúc khoan
Ðể hồn con là cánh vụ quay tròn,
Rồi ngủ rụng trên vai còm của ngoại.

Bên bộ ván đã bao đời chìm nổi
Nhũng lọ sơn – những thỏi mực tàu
Những tờ giấy điều, giấy bổi vàng thau
Cũng úa ố theo tuổi già của ngoại

Vết mực loang đọng trong lòng nghiên tối,
Ngọn bút tà nên cũng chẳng buồn chăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Có thời Xuân Thu đi về qua trang sách

Có thủa Thịnh Ðường vang vang trên vách
Dốc bầu thơ Lý Bạch ngửa nghiêng sầu
Trong con – ngoại là ngõ trúc ngọn cau
Là bóng hạc trên mái đình rêu phủ

Là chiếc nôi êm ru hồn con ngủ
Giữa vòng tay quê không bến không bờ



*Nhà thơ Diên Nghị đã viết ra nhận định tinh tế của mình sau khi đọc bài thơ “Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm” của Phan Thị Ngôn Ngữ:

Bằng cảm xúc đậm đà hồi tưởng tuổi thơ, Phan thi Ngôn Ngữ đã kể lại, trong bình dị, thông thường, lại nổi lên tính nghệ thuật thời gian lẫn không gian – thành một bài thơ tinh tế, lắng đọng.

Nhân vật trung tâm ngoại được khắc chạm lấp lánh ân tình, dưỡng dục cùng những kỷ niệm chẳng bao giờ có thể phai quên, giữa dòng đời biến đổi. Tựa đề Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm, xác định sợi dây gắn bó, ràng buộc máu thịt, ảnh hưởng len sâu vào vùng tiềm thức để chực chờ cơ hội biểu hiện, tỏ bày… Tuổi thơ bước đến ngưỡng cửa truởng thành, mà nơi chốn còn nguyên dấu tích. Một đôi lần trở lại từ nơi chốn cách xa (quê ra phố chợ) khoảng không gian nhỏ bé, bình lặng, thân thương, xôn xao dòng thi sĩ:

Từ khi rời quê ra phố chợ
Có đôi lần con trở về thăm

Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm. Chỗ ngoại nằm, bóng hình khắng khít với tuổi thơ, là chiếc chõng tre đầu hiên vắng, chiếc võng gai giữa vườn bao mùa mưa nắng, đến rồi đi … An ổn trong vòng tay nâng niu, che chở của ngoại, thế giới gần gũi, chung quanh được cảm nhận dịu dàng qua tiếng chim kêu (gù gù) lời ru của ngoại bằng những câu Kiều lẩy, Lục Vân Tiên trong nhịp điệu mái đẩy, mái dầm:

Chiếc võng gai mấy mùa mưa nắng
Mỗi trưa ngồi con nhổ tóc sâu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng câu Kiều lẩy
Câu Lục Vân Tiên như mái dầm, mái đẩy
Giọng ngoại chèo lúc nhặt, lúc khoan

Chuỗi âm thanh nhặt khoan man mác, mơn mê, len dần, cuộn tròn vào những đầu dây thần kinh cảm thụ, cơ hồ như cánh vụ quay, cho đến lúc chìm đắm vào giấc ngủ sâu đầy, trên vai ngoại:

Ðể hồn con là cánh vụ quay tròn
Rồi ngủ rụng trên vai còm của ngoại

Hai câu thơ diễn đạt hồn nhiên, so sánh mang tính sinh vật lý, minh họa phong phú hình tượng – Cánh vụ quay tròn như hồn con nghe ngoại ru, ngoại dẫn – Cánh vụ quay do một lực tác động, và ngã xuống khi hết vòng quay – Hồn con đi vào giấc ngủ do tác động thẩm thấu âm thanh – Sự so sánh tương quan nhân quả đồng dạng, có khởi đầu và kết thúc. Con chìm vào giấc ngủ chẳng khác cánh vụ ngã xuống khi hết lực quay. Hình ảnh này đơn giản mà lý thú – André Maurois gọi là Réalistic poétique (sự thực thi vị)

Ðoạn thơ chan hòa mỹ cảm, đến đây ngừng lại, để ngoặt vào khúc quanh liên tưởng khác, liên tưởng quá khứ của quá khứ. Lịch sử gia đình ngoại sang trang, thời của ngoại mà bộ ván cùng những vật dụng thân quen chỉ ra chứng tích, giữa dòng thời gian trôi nặng nề, chậm chạp, có khi thách đố, truân chuyên.

Bên bộ ván đã bao đời chìm nổi
Những lọ sơn, những thỏi mực tàu
Những tờ giấy điều, giấy bổi vàng thau
Cũng ố uá theo tuổi già của ngoại.

Những lọ mực tàu, giấy điều, giấy bổi, những lọ sơn khô khốc, liên hệ một phần quá trình của ngoại – giấc mộng mười năm đèn sách, duyên nợ bút nghiên, nếu không may ấn bảng đề danh, vinh qui ông Nghè, ông Cống, thì ít lắm cũng anh Khóa, anh Ðồ, thông Tứ thư, Ngũ kinh, thấu lẽ đạo, khuôn phép nho gia…

Dường như duyên không bén, nợ còn vương – mọi kỷ vật phai mòn màu sắc theo bóng thời gian cùng tuổi tác già nua của ngoại – Không sức mạnh, phép lạ nào ngăn cản được qui luật hóa sinh (úa ố theo tuổi già của ngoại).

 Vết mực loang đọng trong lòng nghiên tối
Ngọn bút tà nên cũng chẳng buồn chăm.

Phương cách phản ảnh tinh tế và sâu lắng. Mỗi thi từ vợi lên ý nghĩa đậm nét (vết mực loang đọng trong lòng nghiên tối) Vết mực loang thừa thãi, đọng lại trong lòng nghiên màu đen đúa, phải chăng tác giả muốn giả định một bi kịch, một thảm cảnh, khi ngòi bút cũng đã đến mạt thời … Bóng dáng quá khứ của quá khứ tái hiện mất mát, suy vi. Người trong cuộc bức xúc, trăn trở, cũng đành buông xuôi (chẳng buồn chăm) – Câu thơ đượm nỗi tiếc nuối, một chấp nhận rã rời, đồng thời cũng phát biểu nhiều điều về thời tàn suy nho học, nhường chỗ cho Quốc ngữ. Khi những bến cảng mở rộng đón nhận những con tàu buôn đến từ biển Ðại Tây Dương, những sản phẩm con tàu mang lại đã đổi thay dần nếp sinh hoạt xã hội, cả đến quan niệm cố cựu hàng thế kỷ.

Ngòi bút sắt thay ngòi bút lông, tờ giấy trắng thay giấu điều, giấy bổi, mực Tây thay mực Tàu, và ánh sáng đèn cao áp thay thế cho ngọn đèn dầu hạt đậu. Lớp thầy Thông, thầy Ký với dung mạo tân thời bước lên trước hàng nho sĩ vốn sành lễ nhạc, khuôn phép phong kiến, nặng suy tư trước những hệ lụy cũ mới, trước sức đào thải thường như một qui luật tự nhiên. Ðộng lực nhìn lui, tìm về khung trời quá khứ càng nung nấu, càng ràng buộc, để được tái sinh.

Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Có thời Xuân Thu đi về qua trang sách
Có thuở Thịnh Ðường vang vang trên vách
Dốc bầu thơ Lý Bạch ngửa nghiêng sầu

Qua những trang sách đậm nhạt, ẩn hiện thời đại hoàng kim XuânThu Chiến Quốc, chiếu soi gương sáng các bậc đại hiền những dự tính tham vọng của Tăng Lâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha, cũng những mẫu mực lý luận tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ sống động, thuyết phục con người.

Rồi, Thịnh Ðường với Thi Thần, Thi Bá, những khổ Ðường thi trác, tuyệt, đã nhiều lần vịnh, họa, ca, ngâm – Rượu với thơ, kẻ chung tình, đồng điệu – hể hả cợt đùa, hưng phấn lên tiên, thỏa chí bình sinh trang lứa, pha lẫn chán chường, cay đắng qua Lý Bạch, dòng thơ huyền thoại xuống nước tìm trăng, và với những Thôi Hộ, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị vò võ nỗi niềm gửi gấm vào cảnh vật.

Thân xác nhân sinh đã qua cuôc trở về vĩnh cửu, mà hồn còn phảng phất loanh quanh để còn nghe âm vọng bất tận ẩn tàng trên bức vách (thuở Thịnh Ðường vang vang trên vách). Còn lại bốn câu của đoạn kết – chân dung ngoại, con người ngoại như đang hiện hữu, chứng kiến lời tôn vinh của con của cháu:

 Trong con, ngoại là ngõ trúc, vườn cau
Là bóng hạc trên mái đình rêu phủ
Là chiếc nôi êm ru hồn con ngủ
Giữa vòng tay quê, không bến, không bờ …

Ngoại hiện diện trong con, giữa ba chiều không gian rộng lớn, ngoại cao như ngọn cau, chỗ đứng của chim hạc trên mái đình làng dành cho linh hồn ngoại – Tiết tháo ngoại phải được ví như ngõ trúc, tình thương con cháu của ngoại như chiếc nôi êm đềm, bàng bạc tiếng quê hương ngàn đời, chiếc nôi của tuổi thơ giữa chiếc nôi bao la đã ru bao thế hệ sinh ra, lớn lên trong tình yêu bất diệt (không bến không bờ).
Bài thơ gói gọn trong 26 câu – đã dàn trải ra nhiều góc cạnh và tận từng quá khứ – Bài thơ theo thể truyền thống – mỗi câu từ bẩy, tám hoặc chín âm tiết (chữ) tương ứng nhịp điệu bộc bạch, tự sự … Phan thị Ngôn Ngữ đã vận dụng những thi từ bất ngờ, đầy ấn tượng (giọng ngoại chèo) (ngủ rụng) (dắt con qua trang Kiều lẩy) – Hai lần nhấn mạnh Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm và đại từ Ngoại được nhắc 7 lần trong 7 dòng thơ khác nhau. Mỗi lần nhắc Ngoại theo tâm trạng diễn biến, khi thương (chỗ ngoại nằm …) khi nhớ (ngoại dắt con…) khi gắn bó (ngủ rụng trên vai còm…) khi buồn (úa ố theo tuổi già …) khi tôn vinh (…ngõ trúc ngọn cau).
Phan thị Ngôn Ngữ hồi niệm chi tiết từ nơi chốn tưởng chừng bình thường, quen thuộc, bỗng tìm ra những qui luật tình cảm diệu kỳ, thất thân của người con, người cháu thấm nhuần lễ giáo, đạo lý lâu đời, với những liên tưởng trong sáng, nồng nàn …
…..
Bài thơ sống động – hồn thơ long lanh – những câu thơ toát ra luồng truyền cảm mạnh – Người đọc thơ, ắt hẳn không chỉ đọc một lần …
Như tiếng thì thầm đang thôi thúc nhìn về – từ một nơi nào trên đất lạ – cùng hòa đồng vào không gian hoài niệm của tình yêu quê hương máu thịt.
(Diên Nghị)

*Nhà thơ Trần Trung Đạo, (nhà thơ đã có những bài thơ viết về Mẹ rất nổi tiếng, được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc), đã có nhận xét rất sâu sắc về:

Mẹ và Kỷ Niệm trong thơ Phan Thị Ngôn Ngữ

Tháng Bảy lại về. Những đêm trăng tròn tháng Bảy, khi còn ở chùa Viên Giác, tôi thường ngồi một mình dưới hiên chùa và nghĩ đến mẹ, người đã mang tôi đến cuộc đời này. Tôi trốn tránh thực tế đau lòng và che dấu mặc cảm mồ côi bằng mơ mộng. Khi nhìn ánh trăng soi trên sông Thu Bồn tôi mơ đến khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn áng mây bay trên nền trời  tôi mơ dòng sữa mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà bát ngát tôi mơ về đôi mắt hiền từ của mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối. Lớn lên tôi tập làm thơ và những bài thơ đầu tiên của tôi cũng là thơ về mẹ.

Người ta thường nói, tình yêu muôn đời vẫn là nguồn sáng tạo không bao giờ ngưng chảy trong tâm hồn người nghệ sĩ, và trong những mối tình đó, tình yêu dành cho mẹ là nguồn sáng tác hấp dẫn và phong phú nhất. Tại sao? Bởi vì mẹ không chỉ là hình ảnh đẹp, thiêng liêng, gần gủi, thân thương mà còn giản dị. Đối với các nhạc sĩ, chỉ riêng âm tiết “mẹ ơi” thôi, nhiều khi có thể tạo nên cả dòng suối nhạc. Đối với các họa sĩ, những nét vẽ về mẹ, giống như tấm lòng của mẹ, thường không cầu kỳ nhưng vô cùng tuyệt mỹ. Trong thế giới thi ca cũng thế, thơ hay về mẹ nhiều không kể hết. Và trong khu vườn thơ ngào ngạt hương thơm dành riêng cho tình mẫu tử, một bài thơ đã làm cho tôi xúc động và tôi tin sẽ làm quý vị xúc động, đó là bài “Xa mẹ rồi con sẽ về đâu” của nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ. Tôi xin chép nguyên văn ra đây để chúng ta cùng thưởng thức:

Dáng mẹ gầy thấp thoáng buổi hoàng hôn
Tóc mẹ trắng chia đường trăm lối rẽ
Con đứng một mình trước sau quạnh quẽ
Một giòng sông mất hút cuối chân trời
Một con thuyền xa tắp mịt mù khơi
Chỉ tiếng sóng bên kia đời hiu quạnh
Chỉ tiếng sóng giữa hồn lơ đễnh
Biết về đâu đời dâu biển khôn cùng
Dáng mẹ gầy như ánh nến lao lung
Cơn gió thoảng biết tìm đâu bóng mẹ
Tóc mẹ trắng hay mây ngàn dặm lẻ
Cứ dần xa xa khuất tận phương đoài
Con mất mẹ rồi con sẽ mồ côi
Trong góc tối con âm thầm khóc mẹ
Trong góc tối một mình con lặng lẽ
Chỉ mình con tiếng gõ nẻ đêm sầu
Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu !

Mẹ trong thơ Phan Thị Ngôn Ngữ là bóng đèn dầu sắp cạn, rất mong manh, mỗi lúc một xa thêm về phía chân trời tưởng nhớ. Thật vậy, dù ta mới lên mười, hai mươi, ba mươi hay thậm chí già hơn thì cảm giác bơ vơ, cô đơn, lạc lỏng trong một ngày không có mẹ vẫn giống nhau. Mỗi chúng ta, giống như chị Phan Thị Ngôn Ngữ, vẫn thầm tự hỏi “Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu” trong “đời dâu biển khôn cùng” này.  Xã hội dạy chúng ta những mánh khóe để tồn tại trong cuộc tranh đua nhưng không dạy cách hy sinh tha thứ, dạy chúng ta trách nhiệm của một công dân nhưng không dạy chúng ta lương tâm và thiên chức làm người, dạy chúng ta kết án những sai lầm của kẻ khác nhưng không dạy chúng ta lòng bao dung cho những ai lầm lỡ. Chỉ có mẹ, mẹ là người thầy đại lượng với trái tim đại lượng dạy chúng ta yêu thương vượt qua cả giá trị bình thường của hai chữ thương yêu. Người đàn bà chân mang đôi dép ngược, khoát chiếc mền rách, như trong một câu chuyện thiền mà chúng ta có thể đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng vẫn không than van, không oán trách, vẫn chờ đơi ngày về của đứa con mãi mê trên đường đi tìm chân lý. Nếu chân lý mà chúng ta  đi tìm là tình thương và sự  thật thì chân lý sẽ không ở đâu xa mà trái lại vô cùng gần gủi. Trong tấm thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu và lòng vị tha sâu thẳm.

Ngoài bài thơ trên, chị Phan Thị Ngôn Ngữ còn viết nhiều bài thơ khác rất hay về mẹ như “Thương mẹ khổ một đời”:

Bên con ngày hanh nắng
Quanh mẹ đêm mịt mùng
Con với đời nhộn nhịp
Mẹ cuối trời mênh mông.
hay trong bài thơ “Chỗ mẹ ngồi”:
mẹ ngồi nước mắt dầm chan
gọi con -con đã bạt ngàn đất xa
đầu sân rơi một tiếng gà,
tưởng đâu ngày cũ vừa qua ngõ buồn
mẹ ngồi ngóng bóng mưa tuôn
thương con giờ đã bỏ nguồn – nước xuôi
võng trưa đâu tiếng ru hời
nhà xưa đâu giọng trẻ cười ngu ngơ
mẹ ngồi bóng ngã trang thơ
giọt mồ hôi đọng ướt tờ thư con
tháng năm năm tháng mõi mòn
cạn dòng hưng phế đời còn viễn phương.

…..

Các triết gia thường nói trong mỗi phút giây chúng ta đang sống đều có bóng dáng của quá khứ và dấu hiệu của tương lai. Và đối với một người Việt Nam tỵ nạn, quá khứ và tương lai không chỉ là bóng dáng và dấu hiệu thôi, hơn thế nữa, là hai cuộc đời cùng sống, cùng tồn tại, cùng níu kéo nhau, xô đẩy nhau vô cùng mãnh liệt. Một giọt mưa rơi, một chiếc lá rụng ngoài hiên, một tiếng sóng vỗ vào bờ đá cũng làm chúng ta choàng thức dậy, lắng nghe như tiếng có chân ai đang bước. Từ tâm cảm đó, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có lần đã viết trong bài Từ Tiếng Hát Tiếp Nối của anh:”Bàn chân đi, lòng vẫn mong về”. Dù sao, các văn nghệ sĩ vẫn là người may mắn vì ít ra họ có cơ hội để làm vơi bớt đi nỗi u uất trong lòng qua thi ca nhạc họa, bao nhiêu đồng bào khác, không có năng khiếu văn chương, âm nhạc, phải âm thầm chịu đựng. Nếu cuộc sống ở hải ngoại không phải quần quật áo cơm, đầu tắt mặt tối, nhiều người Việt có thể đã chết vì khủng hoảng tinh thần bởi vì những ám ảnh thường xuyên của kỷ niệm. Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ đã viết về kỷ niệm của chị với “Sài Gòn Xưa” như một vết thương đầy đau nhức:

Sài Gòn xưa – giờ còn ai vắng ai?
nay xa lạ từng tên đường tên phố
ba mươi năm giữa chia lìa – hạnh ngộ
vẫn không sao vá được vết thương đời !

Hay vài đọan trong bài thơ “Về ngang ngã bảy” dưới đây:

như cá cuối dòng mắc nạn bờ mương
thương sông nhớ lạch cùng đường cạn kiệt
con chim quốc cứ kêu lời da diết
đời tha hương biền biệt tháng năm dài
những ân tình mãi trỉu nặng đôi vai
oằn lưng gánh một bóng đời quạnh vắng
tìm sau trước đôi bờ sông nhuộm nắng…

Hay trong bài “Ẩn Cư” :

sáng nắng mưa trưa trời viễn xứ
năm tàn tháng tận đất tạm dung
lãng đãng một màu sương quá khứ
trăng sao chia mấy nẻo muôn trùng
vẫn hỏi lòng đã quên hay nhớ
đường quê hương xa lắc khôn cùng
chuyến tàu hạnh ngộ xuôi về trễ
mưa lưng đồi hoa khế rưng rưng

Độc giả khi đọc những đọan thơ tượng trưng tôi vừa trích trong số hàng trăm bài thơ hay của chị, có thể thắc mắc tại sao mãi cho đến bây giờ mình mới nghe tên Phan Thị Ngôn Ngữ? Chị là ai? Phải chăng đó là bút hiệu khác của một nhà thơ tên tuổi? Không. Chị là Phan Thị Ngôn Ngữ, người con gái của miền biển Nha Trang thơ mộng. Độc giả yêu thơ ở hải ngọai biết đến chị Phan Thị Ngôn Ngữ chưa nhiều không phải chỉ vì chị ít làm thơ, cũng không phải vì thơ chị không có nét độc đáo, nhưng chỉ vì bản tính khiêm nhượng, đơn giản, thích lặng yên trong đời sống tinh thần riêng tư của mình. Tôi có cảm tưởng, chị Phan Thi Ngôn Ngữ khi cầm bút viết một bài thơ đã không hề nghĩ có một ngày chị sẽ chia xẻ những vần thơ đó với ai, đọc cho ai nghe đừng nói chi đến việc xuất bản, phát hành hay giới thiệu. Và cũng nhờ vào đặc tính chơn chất, khiêm cung, bình dị đó mà thơ chị rất thật, trong sáng như những trang nhật ký buồn vui của một thời con gái, một thời làm vợ, làm mẹ và làm người Việt Nam đã sống qua những giai đọan thăng trầm của vận nước.

Không giống như nhiều nhà thơ khác, việc sáng tác với họ là một cách để chứng minh cho sự hiện diện giữa cuộc đời, thơ của chị Phan Thị Ngôn Ngữ là nơi trở về sau một ngày tất bật, là bóng cây trên chặng đường mà chị đang đi, là người bạn chân tình để chị thủ thỉ những buồn vui sâu kín trong lòng. Thơ của chị là tình thương dành cho mẹ, cho cha, cho ngoại, cho đồng bào bất hạnh, và cho kỷ niệm của một đời người, ba mươi năm sau vẫn chưa thể ngủ yên”

Những nữ sinh Nha Trang của một thời giờ đã trở thành những bà nội, bà ngoại. Sau bao năm thăng trầm theo vận nước, giờ tứ tán bốn phương trời. Kẻ ở trong nước, sống trên quê hương mỗi ngày mà sao thấy có gì xa lạ, thời đẹp đẽ của quá khứ mơ hồ xa xôi như tiền kiếp. Nếu có lần bất chợt đi ngang qua ngôi trường cũ, giật mình chợt nhớ ra, à! mình đã có một thời cùng bao nhiêu bè bạn học hành đùa giỡn ở đây. Người ra đi, luôn mang theo hình ảnh quê nhà cùng dư âm của một thời mới lớn. Hạnh phúc nhất vẫn là những phút giây hồi tưởng, ngỡ như đang tung tăng bên đám bạn bè, nghe tiếng sóng biển rì rào mà xôn xao trong lòng bao ước vọng, như muốn đưa tay ôm lấy cả bầu trời xanh.

Trong số ấy có Phan Thị Ngôn Ngữ, người nữ sinh Nữ Trung Học Nha Trang ngày nào, đã mang theo bao hình ảnh của một thời đẹp đẽ dễ thương để dệt vào những vần thơ tuyệt tác của mình.

Phạm Tín An Ninh
( tháng 6/ 2013)

1 thought on “Phan Thị Ngôn Ngữ – nhà thơ xuất thân từ trường Nữ Trung Học Nha Trang

  1. Vivi

    Rất hữu ý,

    Người viết thơ diễn ý đã khó, nhưng người đọc thơ nhận ý càng khó hơn.
    Bác PTA Ninh đọc thơ cảm nhận được ý thơ một cách sâu thẳm … Rồi
    viết lên những ngôn từ thật là tuyệt ý thơ.

    Cảm mến .
    Vivi

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *