tập truyện “Vẫn Còn Vương Tơ” với Gs Võ Doãn Nhẫn

Lời Thưa

Thầy Võ Doãn Nhẫn là giáo sư dạy môn Triết khi tôi đang học lớp Đệ Nhất C  trường trung học Võ Tánh – Nha Trang. Khi ấy Thầy còn rất trẻ, có lẽ cũng vừa tốt nghiệp sư phạm từ Viện Đại Học Đà Lạt. Còn tôi là một đứa học trò không có gì đặc biệt. Học lực trung bình, kể cả môn Triết của Thầy, và cũng không nghịch ngợm phá phách lắm. Vì vậy mà sau này Thầy không còn nhớ đến tôi.

Rời trường một vài năm, tôi vào lính. Cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, cuốn tôi theo như cơn lốc xoáy. Năm tháng chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Bạn cũ trường xưa là một quá khứ rất dễ thương, nhưng cũng đành mờ nhạt phía sau lưng.

Chiến tranh kết thúc, tôi bất ngờ thành người bại trận. Tù đày nghiệt ngã. Cả miền Nam cũng khốn cùng. Chia ly tan tác. Thầy trò, đồng đội tứ tán lưu lạc muôn phương.

Năm 2008, từ Bắc Âu sang Cali ra mắt tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường, tôi bất ngờ gặp một cô bạn học cũ, và được biết tin Thầy đang sống ở thành phố San Diego. Tôi gởi biếu Thầy tập truyện với lòng biết ơn của một đứa học trò xưa, mà những bài viết hôm nay ít nhiều đã được thừa hưởng từ sự chỉ dạy của Thầy.

Tôi nhận được lá thư với nét chữ run run, không thẳng hàng, lời lẽ thật cảm động với sự ngợi khen và khích lệ của Thầy. Thầy cho biết trước đó, cũng đã có đọc qua một số truyện ngắn của tôi, nhưng không biết tác giả là học trò của mình ngày trước.

Điều làm tôi cảm động hơn khi biết sức khỏe của Thầy không mấy tốt. Thầy bị tai biến mạch máu não cách đây gần mười năm. Bây giờ liệt nửa người, chỉ quanh quẩn trong nhà với chiếc xe lăn. Bao dự tính, ước mơ có lẽ vĩnh viễn không còn thực hiện được.

Chúng tôi, một nhóm bạn cùng lớp rủ nhau xuống thăm Thầy. Một buổi trưa hè cháy nắng, Thầy ra ngồi trước hiên nhà hơn một tiếng đồng hồ để đợi đón đám học trò xưa. Lòng tôi thật cảm động. Sau đó, tôi còn biết thêm cô Cúc, người vợ chung tình hết lòng chăm sóc cho Thầy, lại là bà chị một người bạn học của tôi, rất thân thiết lúc hai đứa còn học bên trường Văn Hóa. Anh ta cũng đã tử trận tại Pleiku cuối năm 1973.

Nói năng hơi khó khăn, nhưng Thấy rất thích bàn luận về triết học, văn chương.  Những lúc như thế, tôi thấy đôi mắt của Thầy sáng lên rồi bỗng dưng trở nên u uẩn. Tôi nghĩ là Thầy đang tiếc nuối những chữ nghĩa, những tình tự văn chương còn lãng đãng ở đâu đó trong ký ức của Thầy. Thầy đang sống những tháng ngày buồn bã. Trường lớp, đồng nghiệp, học trò cùng phấn trắng bảng đen đã là một quá khứ mịt mờ xa – một quá khứ mơ hồ như thuộc về ai đó chứ không phải của Thầy.

Tôi năn nỉ xin Thầy viết lại. Dù Thầy chỉ còn một bàn tay hoạt động được, và tất nhiên trí óc Thầy cũng khá nặng nề, mệt mỏi, nhưng tôi tin là ký ức của Thầy sẽ trỗi dậy mãnh liệt, và trái tim của Thầy sẽ rung động hơn khi Thầy viết ra những gì đang còn đè nặng trong lòng Thầy. Và dù Thầy có viết được như ngày xưa, khi Thầy còn mạnh khỏe hay không, tôi hình dung những lúc Thầy ngồi trước máy vi tính, chậm chạp gõ từng mẫu tự trên bàn phím sẽ là những giây phút hạnh phúc nhất của Thầy.

Để có người đồng hành trên con đường có nhiều bông hoa nhưng cũng khá gập ghềnh ấy, tôi xin hứa sẽ cùng đi theo Thầy, viết với Thầy, và in chung thành một một tác phẩm kỷ niệm.

Và đó là lý do để tập truyện này ra đời, mang ý nghĩa  Vẫn Còn Vương Tơ, như cái tựa mà chính Thầy đã chọn.

Bên cạnh những bài viết mang ít nhiều tính triết học sâu sắc của một vị thầy là những câu chuyện kể bình dị của một đứa học trò. Ước mong được độc giả đón nhận với sự cảm thông và lòng độ lượng.

tháng 8/2013
Phạm Tín An Ninh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *