vài ý nghĩ về tác phẩm Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân của Phạm Tín An Ninh

* HUY PHƯƠNG

Chiến tranh đã chấm dứt hơn ba mươi lăm năm nay, nhưng nỗi buồn của chiến tranh, không những còn để lại những nghĩa trang và những nấm mồ thất lạc, những dấu vết trên da thịt con người mà vẫn ám ảnh trong lòng chúng ta, dù đã sống trong cuộc chiến để chịu nỗi oan khiên hay ở bên lề cuộc chiến.

Phạm Tín An Ninh là người đi tìm những nhân vật sau cuộc chiến, hay do một sự tình cờ, qua sự sắp xếp của định mệnh, đã gặp lại được những con người sau ba mươi lăm năm khi tiếng súng đã ngưng. Từ đó, tác giả mở ra cho chúng ta đi vào những câu chuyện có thật, lúc nào cũng đầy tình người để lại cho chúng ta những nỗi xúc động, bùi ngùi. Trong “Ở Cuối Hai Con Đường” xuất bản cách đây ba năm, tác giả đã kể lại câu chuyện một cán binh CSBV được cảm hóa bởi tính khoan dung nhân bản của những người lính VNCH, khi anh ta bị thương và bị bắt làm tù binh tại chiến trường Tây Nguyên năm 1972, nhận ra sự dối trá và tàn độc của chủ nghĩa mà anh ta đã bắt buộc phải phục vụ, trở về với bản tính lương thiện của con người. Động lòng trắc ẩn, thầm cảm phục tính nhân bản, độ lượng của những người lính VNCH, nên anh ta có dịp đền ơn đáp nghĩa sau 1975, khi trở thành quản giáo của một trại tù cải tạo mà tù nhân chính là những người lính VNCH nhân ái năm xưa, để rồi sau đó chính anh ta bị kỷ luật, sa thải khỏi quân đội và cả gia đình phải sống trong khốn khó. Cuối cùng anh ta và con cái lại được những người tù xưa giúp đỡ, khi họ đã vượt biên sống ở nước ngoài. Một câu chuyện thấm đẫm tình người.

“Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân” hôm nay là câu chuyện vợ một người lính BĐQ trở lại chiến trường xưa, đi tìm lại dấu vết của chồng và đứa con trai mất tích trên đường chạy loạn 7B từ Phú Bổn về duyên hải, đã gặp người thanh niên Ksor Tlang bán gà giữa chợ. Nhờ một vết sẹo đặc biệt trên tay người thanh niên miền Thượng này, bà đã nhận ra đứa con trai thất lạc của mình và nhờ đó, tìm lại được ngôi mộ của chồng. Nhưng kết cuộc vẫn là chia lìa, xót xa  vì nghịch cảnh và những trớ trêu của chiến tranh.

Trong “Gói Quà Đầu Năm” người sống là vị sư trụ trì và người chết nằm sau vườn chùa là đôi bạn trận mạc ngày xưa, và thiếu phụ viếng chùa hôm nay là cô nữ sinh thêu khăn tay gửi cho chiến sĩ ngày trước. Người chết, người sống cùng ngậm ngùi trước những ngày tháng cũ và một mối tình thời chiến không trọn vẹn.

Trong “Tiếng Sáo”, về California gặp lại bạn bè xưa, tác giả tình cờ gặp Hồ Ngọc, người thổi sáo trên sân khấu trong buổi diễn hôm nay lại là một người bạn cũ, nhân vật chính của một cuộc tình ngang trái. Ngay cả ở một nơi xa xôi, trong chuyện “Nghỉ Hè Ở Mallorca”, Tây Ban Nha, cũng xuất hiện Hà Giang, một cán bộ lâm trường trong thời tác giả bị tù tập trung ở Bắc Việt, và trang hồi ức cũng được mở ra với mối tình của một bạn tù “cải tạo” và cô cán bộ này. Kết cuộc cũng chỉ là những đổ vỡ, kẻ mất người còn.

“Những Đám Mây Trên Núi Phổ Đà” lại gần như một tự truyện của tác giả, kể lại đoạn đời ấu thơ từ lúc mất mẹ, lớn lên vào trận mạc và kết thúc bằng nỗi u hoài về những người đã mất, gói ghém cả một đoạn đời hơn 60 năm vào trong bối cảnh của cuộc chiến, trong đó, cha mẹ, bạn bè, chiến hữu đều đã trở thành những cánh chim xa “mất hút ở cuối chân trời.”

Người đọc Phạm Tín An Ninh thường cho rằng, truyện của ông có quá nhiều những cuộc gặp gỡ của  định mệnh, tình cờ. Ông đưa một nhân vật ra dưới ánh đèn sân khấu, để nhân vật tự kể chuyện đời mình, hay qua đó, tác giả dẫn chuyện, đưa chúng ta trở lại câu chuyện của hai, ba mươi năm về trước. Tôi không nghĩ rằng những nhân vật của Phạm Tín An Ninh là những nhân vật hư cấu, không có thật như trong phần lớn tác phẩm của các nhà văn khác. Qua những vùng đất quê hương, nơi đơn vị anh đã từng chiến đấu, qua những địa danh người tù binh miền Nam đã từng bị giam giữ, với những con người thật, còn sống hay đã chết, những thảm cảnh hay bi kịch trong tác phẩm của Phạm Tín An Ninh đều gần gũi với chúng ta, những người vừa qua khỏi cuộc chiến tranh, vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân đã chịu nhiều khổ đau mất mát. Cũng như những truyện ngắn khác của Phạm Tín An Ninh, tập truyện “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân”, đầy những đổi đời xót xa, qua ba mươi năm chiến tranh, nhưng luôn luôn đậm thắm tình người.

Phạm Tín An Ninh, thường không nhận mình là một nhà văn. Theo tôi, ông là một người lính trận, sau chiến tranh, tù đày, trở về đứng trên đống hoang tàn đổ nát của quê hương, đi tìm lại những hình bóng của một thời, đó là những người thân yêu đã khuất, những bạn bè đã nằm xuống cùng với những kỷ niệm đã mù xa.

Cali đầu năm 2011

Huy Phương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *