NHÌN THẲNG VÀO CHÍNH MÌNH ĐỂ CÒN BIẾT NHÌN NHẬN NHAU! (ALEX-THÁI VÕ)

Alex-Thái Võ

Tiến sỹ Alex-Thái Võ là Phó Giáo sư Sử học tại Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas (Vietnam Center, Texas Tech University). Ông nhận bằng tiến sỹ sử học tại Đại học Cornell.

*****

Tôi là Alex-Thái Đình Võ, nhưng hầu hết mọi người tôi quen đều gọi tôi là Alex-Thai Dinh Vo, không có dấu. Tôi là một người Mỹ, và cụ thể hơn, tôi là người Mỹ gốc Việt. Và càng cụ thể hơn, tôi là một người tỵ nạn Mỹ gốc Việt.

Dù tôi không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến Việt Nam – vì tôi được sinh ra sáu năm sau khi nó khép lại và lớn lên trong một thế giới tách biệt khỏi những tàn dư của nó – ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn âm thầm đeo bám tôi. Hôm nay, là một người Việt Nam tỵ nạn trên đất Mỹ, tôi vẫn sống trong cái bóng của những hệ quả mà chiến tranh để lại…

Tôi là “con ngụy”

Khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân đội cộng sản vào mùa Xuân 1975, ba tôi, một viên chức của Việt Nam Cộng Hòa tại tỉnh Quảng Ngãi, đã bị bắt và phải trải qua sáu năm dài đằng đẵng trong ngục tù. Mẹ tôi, với sức mạnh của một phụ nữ kiên cường, đơn độc gánh vác trách nhiệm chăm sóc ông bà và bảy đứa con nhỏ, trong đó có một người vừa chập chững biết đi và một người mới sinh. Cuộc sống vô cùng khắc nghiệt với bà, như bao người phụ nữ khác cùng thời. Có những lúc cùng quẫn, bà phải liếm những hạt cháo còn sót lại từ bát của các con, thậm chí trong những đêm khuya, bà lén lút nhai những gốc cỏ dại để lấp đi cơn đói cồn cào.

Đã không ít lần, bà đứng bên mé sông trước nhà, nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình, nhưng lòng yêu thương dành cho đàn con thơ đã níu kéo bà trở lại bờ. Khi các anh tôi lớn lên, người thì đau buồn vì nỗi xa cách với ba, người thì thậm chí không nhớ đến sự tồn tại của ông. Khi tôi hỏi anh Thức, người anh thứ bảy của tôi, về ký ức đầu tiên khi ba trở về từ trại cải tạo, anh chỉ đáp: “Tao chạy trốn. Rụt rè. Tao không biết ông ấy là ai – một người đàn ông xa lạ nhận mình là ba tao.”

Tôi sinh ra vào năm 1981, nhưng giấy khai sinh ghi là 1983. Khi tôi thắc mắc hỏi mẹ, bà giải thích: “Má sinh năm 1945. Cuộc đời má, từ khi con ra đời, đều bị bóng ma chiến tranh bao trùm – Chiến tranh Pháp, Chiến tranh Việt Nam, rồi cả Chiến tranh Biên giới với Campuchia và Trung Quốc. Má không muốn con lớn lên quá nhanh và phải đối diện với một cuộc chiến nữa.”

Khi tôi mới bảy tuổi, một cảnh tượng đau đớn khắc sâu trong tâm trí tôi: Anh trai tôi đứng giữa sân trước nhà, tay nắm chặt chai thuốc chuột, bên cạnh đống sách mà anh định đốt. Những giọt nước mắt của anh hòa cùng tiếng gào thét tuyệt vọng khi anh không được vào đại học, dù đạt điểm thi cao. “Má, sống còn có ý nghĩa gì nếu họ không cho con một cơ hội, mặc dù con đã cố gắng hết sức?”

Cùng thời gian đó, tôi lần đầu nghe một cụm từ xa lạ: “Con ngụy.” Một người hàng xóm đã đùa cợt và la tôi: “Kìa con ngụy, xuống khỏi cây khế nhà tao! Về đi, đồ con ngụy!” Bối rối với những lời ấy, tôi chạy về hỏi ba: “Ba, ‘con ngụy’ nghĩa là gì vậy?” Ông trả lời dứt khoát: “Đừng bao giờ nhắc đến hai từ đó nữa.”

Khi tôi lên tám, phó hiệu trưởng trường tiểu học gọi tôi vào văn phòng. Ông ta bắt tôi đứng giữa phòng trong khi ông mắng tôi. Ông gọi tôi là “con ngụy” rồi dùng đầu điếu thuốc đang cháy dí vào bắp chân tôi, để lại vết sẹo không bao giờ phai. Sau đó, ông nhốt tôi vào một tủ tối và bỏ đi.

Đầu năm 1990, ba tôi trở về nhà với nụ cười rất tươi, bước qua cổng, bế bổng tôi lên và khẽ nói: “Thái, nhà mình sắp đi Mỹ rồi!” Tôi ngơ ngác nhìn lên trời, lẩm bẩm, “Mỹ?”, mà chưa thật sự hiểu điều đó nghĩa là gì hay Mỹ là cái gì và ở đâu. Mùa Thu năm đó, gia đình mười người chúng tôi rời Việt Nam theo chương trình H.O., một chương trình nhân đạo dành cho những người từng phục vụ VNCH và đã chịu đựng ba năm hoặc hơn trong trại cải tạo, cho phép họ cùng gia đình được định cư tại Mỹ.

Tôi là ai, trên đất Mỹ?

Việc ra đi nghĩa là từ bỏ tuổi thơ, bạn bè, ngôi nhà, và tất cả những gì thân thuộc. Với ba mẹ và các anh lớn của tôi, đó là một sự hy sinh sâu đậm hơn nhiều – một hy sinh mà họ vẫn chấp nhận, dù không chắc chắn điều gì đang chờ đợi họ phía trước. Gia đình tôi là một trong những nhóm đầu tiên rời Việt Nam qua chương trình này; trong lòng không khỏi hoang mang, không biết liệu mình có thực sự đến được Mỹ, hay đây chỉ là một cái bẫy khác, đưa chúng tôi đến một nơi nào đó giữa đại dương. Nhưng ba mẹ tôi vẫn quyết định đánh đổi, mang theo niềm hy vọng mỏng manh về một tương lai cho các con – một tương lai đã bị cướp đi vào ngày 30 Tháng Tư, 1975. Với ba tôi, đây là cái giá của sáu năm đằng đẵng trong trại cải tạo, một sự đánh đổi mà thế hệ ông không bao giờ tưởng tượng đến.

Sau một tháng trong trại tỵ nạn tại một nhà tù ở Bangkok, cuối cùng chúng tôi đặt chân đến thung lũng San Gabriel, Los Angeles, California, chỉ vài ngày trước Halloween. Từ West Covina đến Monterey Park đến El Monte – một trong những khu vực nguy hiểm nhất của California – chúng tôi bắt đầu một hành trình mới, giữa ranh giới của sợ hãi và hy vọng, của mất mát và khởi đầu.

Tôi bị ném vào lớp hai, đối mặt với thử thách khủng khiếp trước một ngôn ngữ hoàn toàn mới giữa những môn học lạ lẫm, trong một cuộc sống khác xa với mọi điều tôi từng biết ở Việt Nam. Dù nhận được sự chăm sóc từ thầy cô và chút an ủi từ những bữa ăn ở trường, mọi thứ vẫn quá xa lạ, choáng ngợp. Những bài kiểm tra chính tả hàng tuần, bài tập chất chồng – tất cả như bức tường cao vời vợi. Điểm số của tôi lao dốc, và trong nỗi xấu hổ cùng sợ hãi, tôi tìm đến sự gian lận: Viết từ vựng vào lòng bàn tay, in nhỏ ghi chú trên bàn, lục lọi Los Angeles Times và các tạp chí để tìm từ ngữ phục vụ cho các bài chính tả và bài tập viết câu.

Mặc dù bắt đầu ở lớp hai, phải mất gần bốn năm tôi mới tạm vững tiếng Anh, nhưng vẫn với giọng điệu tiếng Việt và sự vụng về ngữ pháp. Nỗi xấu hổ đó đè nặng. Tôi trở nên nhút nhát. Tôi sợ bị thầy cô yêu cầu đọc to hay phát biểu trước lớp, biết rằng giọng lơ lớ của mình sẽ kích động tiếng cười, ánh mắt chê bai, và những lời trêu chọc theo tôi từ trong lớp ra đến sân chơi. Những biệt danh như “chink,” “chino,” “monkey” từ đó bám theo, và sự kỳ thị ngu dốt mặc định rằng tôi, chỉ vì là người châu Á, chắc hẳn phải biết võ như Lý Tiểu Long hay đến từ một sự “man rợ”, ăn những thứ kỳ lạ như chó mèo.

Nỗi xấu hổ ấy kéo dài, thêm vào việc ba mẹ không biết tiếng Anh, càng khiến tôi lún sâu vào mặc cảm. Tôi giấu bảng điểm, tránh các buổi họp phụ huynh-giáo viên, không muốn ba mẹ biết đến những khó khăn của tôi hay để ai ở trường biết ba mẹ tôi là ai. Khi được hỏi, tôi bảo họ bận làm việc. Khi ba mẹ hỏi về trường, tôi chỉ trấn an bằng những lời dối trá khác. Dần dần, tôi xây dựng cuộc sống của mình trên nền tảng của sự lừa dối – với giáo viên, bạn bè, ba mẹ, và cả chính mình, như thể bức tường ngăn cách ấy là nơi duy nhất tôi có thể tìm thấy chút an yên.

Dưới lớp vỏ bọc dối trá, tôi héo mòn từng ngày. Tôi thu mình lại, mắc phải hội chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng, nơi chỉ với ý nghĩ đơn giản về một cuộc trò chuyện với người khác cũng đủ khiến tôi hoảng hốt và bối rối. Tôi sợ phải nhìn vào mắt người khác, đứng trước đám đông, hay thậm chí nghe tên mình được gọi lên để phải phát biểu điều gì đó. Những cơn hoảng loạn đến bất ngờ – dù có bao nhiều sự chuẩn bị, tôi cũng vẫn sẽ đứng đơ người, đầu óc mờ mịt, không nói nổi một lời, mồ hôi căng thẳng rịn qua từng lỗ chân lông, tim đập dồn dập, giọng run rẩy.

Sự lo âu ấy theo tôi vào tận chương trình tiến sĩ, nơi mà việc thảo luận trong lớp và thuyết trình tại những hội thảo là điều không thể tránh khỏi. Mỗi lần chuẩn bị để nói một điều gì thì ký ức tuổi thơ – những lần phát âm sai, tiếng cười chế giễu, lời trêu chọc – lại ào về. Đó là một cuộc chiến nội tâm mà tôi không thể thổ lộ cùng ai, ngay cả với những người yêu thương nhất.

Cuộc chiến đó dần ăn mòn kết quả học tập của tôi, ảnh hưởng đến điểm số và cả học bổng. Cho đến một ngày, trưởng khoa gọi tôi vào văn phòng, với ánh mắt ngờ vực rằng liệu tôi có đang đi đúng đường hay không. Cô giáo dạy tiếng Hoa của tôi gợi ý rằng tôi nên đến gặp bác sĩ tâm lý của trường. Chỉ sau một buổi tư vấn, tôi được kê thuốc kiểm soát lo âu. Tuy nhiên, tôi tin bác sĩ chưa bao giờ thực sự hiểu câu chuyện của tôi.

Giữa những mảnh ghép, tìm lại VNCH

Vâng, tôi được sinh ra là Võ Đình Thái, nhưng khi đặt chân lên đất Mỹ, tên tôi – cũng là phần nào bản sắc của tôi – đã bị đổi thành Thai Dinh Vo, theo quy ước tên gọi ở Mỹ. Các dấu thanh đặc trưng của “Thái” biến mất, âm “tie” mới mẻ xuất hiện, như trong “bowtie” hay “tie my shoes.” Và thế là Thái Võ trở thành “Thai Vo,” và tuy không bị trêu chọc như Bích, Ngọc, hay Dũng và Phúc, nhưng dù gì cũng là một cái tên gọi lạ lẫm dễ bị phát âm sai và chế giễu bằng những câu đùa kiểu “Tae Bo,” tên một chương trình tập thể dục của Billy Blanks, hoặc lời khẩn nài đầy mỉa mai: “Này, mầy có thể dạy tao vài chiêu Taekwondo không?”

Trải nghiệm này khiến tôi muốn có một cái tên Mỹ, một tấm vé hòa nhập để được nhìn nhận như người bản xứ. Tôi chọn “Logan,” lấy cảm hứng từ Wolverine trong truyện X-Men – đứa trẻ nào lại không muốn thành siêu anh hùng mạnh mẽ và độc lập như Logan chứ? Nhưng khi thủ tục nhập tịch diễn ra, đại diện pháp lý người Mỹ gốc Việt phụ trách hồ sơ của tôi cười trước ý tưởng đó. “Logan không phải cái tên dành cho người châu Á hay người Việt,” ông nói, và bác bỏ nó vì quá lạ, quá “Mỹ.” Thay vào đó, ông khuyên tôi lấy Alex (có lẽ vì “Alex” giống Alexander Đại Đế, như một cách khác để phản ánh chữ “Thái” mang nghĩa “lớn lao.”) Vậy là tôi chính thức trở thành Alex Thai Dinh Vo. Từ đó, tôi được biết với những cách gọi khác nhau: Alex Thai Vo, Alex Vo, và Alex Thai.

Nhưng không chỉ tên tôi bị đảo lộn. Lịch sử của tôi cũng vậy. Ở Việt Nam, tôi được dạy tôn thờ Hồ Chí Minh. Hình ảnh ông hiện diện khắp nơi – trên những tờ tiền, dọc theo đại lộ, trong từng lớp học. Tất cả đứa trẻ đều được khuyến khích trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ,” học theo “gương đạo đức” của Bác. Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng quốc gia, và mỗi ngày chúng tôi buộc phải thề trung thành với nó.

Dù lớn lên giữa nền giáo dục tuyên truyền, gia đình tôi đã che chắn cho tôi phần nào khỏi tầm ảnh hưởng của nó, nhưng đâu đó trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy điều gì đó bất ổn. Từ những lần bị gọi là “con ngụy,” đến những khổ nhọc của gia đình; từ cảnh ba mẹ nói về việc bị phân biệt trong hợp tác xã, đến những lần phải lén lút nghe đài VOA và BBC – tất cả như những mảnh ghép rời rạc báo hiệu một điều gì đó không đúng. Khi ấy, tôi chưa hiểu hết, nhưng linh cảm mách bảo rằng có gì đó rất sai trái.

Chỉ đến khi gia đình chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ, câu chuyện thực sự mới dần hé lộ. Ở đây, tôi mới biết ba tôi từng bị cầm tù sau cuộc chiến, ánh nhói đau thương, nhưng đó cũng là cơ duyên đưa chúng tôi đến nơi này. Cũng ở đây, tôi biết ngôi nhà ba mẹ đã gầy dựng nên với bao vất vả, nơi các anh tôi từng sống, đã bị chiếm đoạt sau chiến tranh, biến thành đồn công an, và hàng trăm cuốn sách quý giá của ba bị đốt cháy, vì chế độ mới coi chúng là thứ “phản động” và “suy đồi.”

Ở đây, tôi được biết là trước khi tôi chào đời và trước những năm tù đày của ba, từng có một Việt Nam khác, một Việt Nam Cộng Hòa, với lá cờ, xã hội, và lý tưởng riêng. Chính lòng trung thành của ba tôi với miền Nam đã đóng dấu chúng tôi là “ngụy,” gán cho chúng tôi cái nhãn phản bội, đẩy chúng tôi vào cảnh ngộ bị ruồng rẫy, và không còn lối thoát ngoài việc rời xa đất nước để làm lại cuộc đời nơi đất khách.

Tái dựng lịch sử của chính mình

Dẫu vậy, giữa bao đau khổ, ba mẹ tôi chưa từng dạy chúng tôi thù hận. Ba tôi ít khi nhắc đến thời gian trong trại cải tạo, và khi kể, ông không nhuốm màu giận dữ hay oán trách. Thay vào đó, ông kể về khát vọng phụng sự đồng bào, về hành trình từ cậu bé quê nghèo trở thành một trong những người tốt nghiệp trường luật đầu tiên của tỉnh nhà.

Ông kể về sự phản bội của đảng cộng sản đối với ông bà tôi, những người từng ủng hộ phong trào cách mạng chống Pháp, và về những năm tháng yên bình dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông nhắc đến những năm tháng căng thẳng trong chiến tranh, khi xung đột leo thang; và nhắc về những giá trị của VNCH – một Việt Nam quyết chống lại chủ nghĩa cộng sản, gìn giữ bản sắc văn hóa, và xây dựng một quốc gia độc lập theo lý tưởng dân chủ.

Với trái tim nặng trĩu, ba tôi nuối tiếc về sự phản bội của người Mỹ, về sự sụp đổ của VNCH, và về việc mất đi tất cả những gì ông hằng yêu quý. “Ở tuổi 33, ba mất tất cả – những năm tháng đỉnh cao của tuổi trẻ, giấc mơ, gia đình, mọi thứ.”

Nhưng câu chuyện của ông, và của cả miền Nam Việt Nam, chẳng bao giờ xuất hiện trên truyền thông Mỹ – không trong các bộ phim như Apocalypse Now hay Platoon, cũng chẳng có mặt trong các chương trình của CBS, NBC, ABC, hay PBS. Hãy tưởng tượng sự lạc lõng mà một đứa trẻ như tôi đã trải qua khi nghe những câu chuyện đan xen, mâu thuẫn ấy.

Mãi đến khi lên cấp hai tôi mới lần đầu tiếp xúc với lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Sau khi xem loạt phim Vietnam War: A Television History (1983), một bạn cùng lớp hỏi tôi, “Gia đình mày thuộc về phía nào?” Chẳng hiểu hết sự phức tạp của cuộc chiến nhưng biết gia đình tôi thường hay gọi mình là người miền Nam, tôi đáp, “Miền Nam.” Bạn ấy liền chỉ vào mặt tôi, cười khẩy, “Vậy nên gia đình mày xứng đáng thua.”

Tôi ngẩn ngơ, bối rối. “Xứng đáng thua?” Điều đó có nghĩa gì? Làm sao một chương trình truyền hình lại có sức mạnh để gieo vào tâm trí của một đứa trẻ Mỹ ở cấp hai – có lẽ biết rất ít về Việt Nam hay chiến tranh – một niềm tin rằng gia đình tôi “xứng đáng” thua trong một cuộc chiến đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, để lại bao nỗi đau, và để chính tôi cùng bao người khác, dù là Việt, Mỹ, hay Mỹ gốc Việt, gánh chịu di sản của nó?

Câu trả lời cho những câu hỏi của tôi dần trở nên rõ ràng hơn khi tôi tìm hiểu các câu chuyện lịch sử về Chiến tranh Việt Nam, phần lớn qua lăng kính của người Mỹ – nhất là từ những trang sách giáo khoa lịch sử trung học và các công trình học thuật làm nền tảng cho chúng. Những tài liệu này, với không ít định kiến, đã vẽ nên một bức tranh thiên lệch về cuộc chiến, khắc sâu vào nhận thức của người đọc một cái nhìn phiến diện về xung đột và khắc họa hình ảnh người tỵ nạn Việt Nam, đặc biệt những ai từng gắn bó với miền Nam Việt Nam và chế độ VNCH.

Bị ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến và những nguồn tư liệu chủ yếu dựa vào quan điểm của người Mỹ và cộng sản Việt Nam, những cuốn sách như A People’s History of the United States của Howard Zinn nhấn mạnh sự phản đối đối với sự can thiệp của Mỹ, thường lý tưởng hóa miền Bắc Việt Nam trong khi mô tả miền Nam Việt Nam như một chính quyền bù nhìn yếu đuối và tham nhũng.

Câu chuyện này che khuất những phức tạp thật sự của cuộc chiến, làm mờ đi những chính sách đàn áp nghiệt ngã của miền Bắc, từ cải cách ruộng đất trong thập niên 1950 đến việc bóp nghẹt tiếng nói bất đồng trong thời kỳ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, vốn vẫn còn tiếp diễn. Các sách giáo khoa như The Enduring Vision: A History of the American People của Paul S. Boyer, American History: Connecting with the Past của Alan Brinkley, The American Pageant của David Kennedy, và United States History: The Twentieth Century của Pearson Education mang đến những phân tích chính trị và quân sự chi tiết, nhưng lại có xu hướng quá chú trọng vào góc nhìn Mỹ.

Những sản phẩm này thường bỏ qua hoặc giản lược những câu chuyện đầy khát vọng của chính phủ miền Nam, những ước mơ của người dân, và những trải nghiệm khốc liệt của họ trong chiến tranh, bao gồm cả những tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra. Như vậy, hình ảnh của cuộc chiến Việt Nam trở nên đơn giản hóa, khiến cho âm vang của những cuộc đời và số phận bị lãng quên.

Những câu chuyện này thường thiên vị Bắc Việt, nhấn mạnh các sự kiện như thảm sát Mỹ Lai hoặc vụ hành quyết Nguyễn Văn Lém trên đường phố Sài Gòn mà bỏ qua những sự kiện quan trọng như thảm sát Mậu Thân ở Huế năm 1968, nơi cộng sản hành quyết hàng ngàn người, nhiều người bị chôn sống; hay cả bối cảnh bi thương đằng sau tấm ảnh hành quyết nổi tiếng kia. Các câu chuyện này thường kết thúc với sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, lãng quên những thực tế hậu chiến đã thúc đẩy hàng triệu người bỏ trốn từ cuối thập niên 1970 đến 1990, bao gồm sự phân biệt đối xử hà khắc đối với những người liên quan đến chính thể VNCH, từ trại cải tạo đến chính sách tập thể hóa cưỡng bức, và các chính sách chống tư bản.

Sự miêu tả thiên lệch này vẫn tiếp tục ảnh hưởng, bóp méo ký ức lịch sử, khiến nhận thức và trải nghiệm của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Mỹ bị lu mờ. Điều này được thể hiện rõ nét trong những tác phẩm hiện đại như The Vietnam War của Ken Burns hay kể cả The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen. Bằng cách làm phai nhạt các giá trị và khát vọng của VNCH cùng với cuộc sống của những người như ba mẹ tôi, những sản phẩm này không chỉ giảm thiểu nỗi đau của miền Nam mà còn lãng quên thực tại khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản.

Hậu quả là, những câu chuyện trên đã bóp nghẹt, gạt bỏ tiếng nói và góc nhìn của người tỵ nạn Việt Nam. Nhận thức lệch lạc này không chỉ làm giảm đi tính chính đáng, sự chủ động, khát vọng, và trải nghiệm của họ, mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hội nhập và đón nhận trong xã hội Mỹ. Điều này góp phần vào sự coi thường rộng rãi hơn đối với những khó khăn và đóng góp của họ, khiến cho hành trình tìm kiếm chỗ đứng của họ trong xã hội trở nên chông chênh.

Tóm lại, sự thiên lệch này trong tài liệu giáo dục đã in sâu vào tâm trí người đọc cách nhìn nhận về người tỵ nạn Việt Nam và lịch sử của họ, tạo ra một bức tranh méo mó, đơn giản và thiếu sót về lịch sử Việt Nam, cuộc chiến, và những hệ lụy đọng lại.

Một cuộc chiến giành lại bản sắc

Ý niệm “xứng đáng thua” lại trở lại khi tôi học tại Đại học California, Berkeley, trong một khóa học mang tên “Hòa Bình và Xung Đột,” do một cựu quân nhân Mỹ – người đã từ bỏ quân đội để phản đối cuộc chiến Việt Nam – giảng dạy. Cách trình bày thiên lệch của vị giáo sư này đã khắc sâu ấn tượng trong tôi, khi ông lý tưởng hóa Bắc Việt như biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc, đồng thời lên án Nam Việt Nam là một chính quyền bù nhìn, vừa bất hợp pháp vừa yếu kém.

Sau một buổi học, một trợ giảng người Mỹ gốc Việt đã quay sang đồng nghiệp và thì thầm: “Bây giờ tôi hiểu vì sao ông bà và ba mẹ tôi lại thua, và tại sao họ xứng đáng thua.” Câu nói ấy như một nhát dao, cắt sâu vào lòng tôi, khiến tôi không thể không suy nghĩ về sự bất công và ảnh hưởng của những nhận định ấy.

Phẫn nộ với sự thiên lệch và những hệ quả nghiêm trọng của nó, tôi đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm trong bài thi giữa kỳ, kêu gọi giáo sư mở ra một góc nhìn cân bằng hơn, bao quát các quan điểm đa dạng. Thế nhưng, phản hồi thật sự đáng thất vọng: Tôi nhận được điểm “F-,” cùng với một trang phê bình nói rằng tôi được điểm ấy vì văn phong của tôi kém và tôi không hề trả lời đúng đề bài. Giáo sư còn phủ nhận quan điểm của tôi, cho rằng sự phê bình đó chỉ là sản phẩm của nỗi cay đắng về những mất mát trong gia đình.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi mạnh mẽ nảy sinh quyết tâm: “Fuck it! From now on, I will write my own history and the history of my people.” Và từ đó, hành trình nghiên cứu, giảng dạy, và thách thức những câu chuyện sai lệch, bị bóp nghẹt, bắt đầu. Đó là một cuộc chiến giành lại bản sắc, bắt đầu từ việc tôi chuyển từ Alex Thai Dinh Vo thành Alex-Thai Dinh Vo, rồi thành Alex-Thái Đình Võ của hôm nay. Hành trình này không chỉ là khôi phục tên mình; nó còn là giành lại lịch sử và quyền định nghĩa chính tôi và của cộng đồng và dân tộc, tạo dựng những nền tảng cho những tiếng nói bị gạt bỏ như của ba mẹ tôi và thế hệ của họ và của chính chúng tôi.

Từ đó tôi đã nỗ lực xây dựng niềm tin vào chính mình, phát triển sự tự tin để đối mặt với những định kiến, cả từ bên ngoài lẫn bên trong, và nhìn nhận chiến tranh Việt Nam, những hậu quả của nó, cùng trải nghiệm của người tỵ nạn qua những lăng kính phong phú, đa chiều, và cảm thông hơn. Nhờ đó, tôi có thể trân trọng những trải nghiệm chung giữa chúng ta, dù cho có những khác biệt to lớn, và tạo ra nền tảng để bảo tồn, tôn vinh.

Lubbock, Texas
Những ngày cuối năm 2024, viết cho chính mình và những thân phận.

(Đăng trong: Người Việt: Giai Phẩm Xuân Ất Tỵ, 2025)

Chú thích:

“Nếu khi ba không còn nữa mà con muốn tìm hiểu ba là ai, thì hãy cứ đọc bài viết này. Nó không hay, nhưng nó thật—thật với ba, với ông bà, và với bao thân phận khác. Thế thôi, bao nỗ lực, trước sau, chỉ có bấy nhiêu.

“Hai con của tôi, đặc biệt là con gái lớn, thường hỏi tôi về lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh Việt Nam. Nhưng tôi thường không biết trả lời sao và bắt đầu từ đâu, nên hay viện cớ chuyển sang đề tài khác, dù tôi mang danh là một chuyên gia về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam.

Rồi một hôm, tôi quyết định viết. Tôi viết theo yêu cầu cho một hội thảo về giảng dạy lịch sử Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Mỹ, rồi viết theo sự yêu cầu của một chủ biên tập nhân kỷ niệm 50 năm sau sự kiện 1975. Nhưng sau nhiều lần thất bại khi cố gắng viết điều gì đó ý nghĩa về những mẫu người, mẫu chuyện được cho là lớn lao trong lịch sử, tôi đành trở lại với chính mình—viết về cái cá nhân nhỏ nhất, bình thường nhất, để tự nhận diện sự tồn tại của mình, của ba mẹ, của anh em, của hai đứa con, và của bao người khác.

Bằng cách này, tôi đã đi ngược lại lối mòn của một nhà nghiên cứu và mô hình của một người viết sử “khách quan” để nhìn nhận chính bản thể và bản ngã của mình trong cái hiểu biết về lịch sử và con người. Khi nhận diện điều này, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm.

(Nguồn FB Alex-Thai)

2 thoughts on “NHÌN THẲNG VÀO CHÍNH MÌNH ĐỂ CÒN BIẾT NHÌN NHẬN NHAU! (ALEX-THÁI VÕ)

  1. Nguyen Khoa Tỷ Muội

    Ôi, tội nghiệp quá . Một tuổi trẻ đáng thương. Nhưng giờ đây đã thành đạt, trở thành một trí thức trẻ có lý tưởng, rất quyết tâm dành lại sự công bằng cho VNCH. Đáng quý.

    Reply
  2. Phong Nguyen

    Một người trẻ rất đáng khâm phục. Sinh ra 7 năm sau khi CS cưỡng chiếm miển Nam, nhưng vẫn bị nhiều hệ lụy bởi thân phụ từng phục vụ trong chính quyền VNCH, bị tù đày nhiều năm. Gặp nhiều khó khăn kỳ thị khi mới đến Hóa Kỳ, vậy mà đã sớm có ý thức, tranh đấu, bảo vệ giá trị chính nghĩa VNCH, cũng như bản sắc của chính mình, ngay trong những ngày còn ở ghế nhà trường,. Nỗ lực học hành, nhưng không chọn những ngành để dễ kiếm tiền mà chọn Sử học để có mội trường bảo vệ, phổ biến sự thật của Lịch Sử, đặc biệt Lịch Sử Cuộc Chiến Việt Nam, và Chính Nghĩa VNCH, luôn bị CSVN tìm mọi cách bóp méo, tuyên truyền, làm sai lạc. Một tinh thần , ý chí và tài năng rất đáng được ca ngợi và khuyến khích.
    Nguyễn Quý Phong (Toronto)

    Reply

Leave a Reply to Nguyen Khoa Tỷ Muội Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *