Lá Thư Úc Châu

      No Comments on Lá Thư Úc Châu

( trên báo VNTP, Trang Nhà ĐHSP, QGHC..)

Tập truyện “Rừng khóc giữa mùa xuân”
của Phạm Tín An Ninh phát hành tại Úc châu

NXVan

Trong khoảng thời gian 6 năm trở lại đây, tại hải ngoại, chúng ta thấy có sự xuất hiện của một nhà văn gốc lính là anh Phạm Tín An Ninh (PTAN) mà một số tác phẩm của anh hầu hết được các báo chí Việt ngữ khắp nơi đăng tải vì có liên quan đến thời chinh chiến trước 75 với tình chiến hữu, tình đồng đội, tình đồng bào ruột thịt, nói chung là Tình Người đã nằm bàng bạc hầu hết trong các câu chuyện rất bi tráng của anh ở cả hai miền Nam Bắc kể cả những mảnh đời tan vỡ sau 75.

Lần trước, anh đến Úc châu với hành trang là tập truyện ở Cuối Hai Con Đường, Ls NV Thuần là Trưởng ban Tổ chức các buổi Ra Mắt Sách tại Úc châu. Lần này cũng vậy, nhưng vì lý do phải điều trị mổ mắt ở Na uy, anh đã không thể đến Úc được nên Ls Thuần đã tiếp tục gánh vác vì nghĩa cả. Nhờ sự hổ trợ tích cực của Cộng đồng NV tại Úc cũng như quý đồng hương khắp nơi, Ls Thuần đã hăng hái tổ chức các buổi ra mắt sách rất thành công tại 4 thành phố lớn ở Úc là Sydney, Brisbane, Adelaide và Melbourne.

Chúng ta đã từng say mê đọc các truyện của anh PTAN. Cái đẹp của các tác phẩm của anh không chỉ thể hiện cái tình người qua những giòng chữ, những trang sách, mà cao quý hơn nữa, anh đã đến Úc châu mang theo cả trái tim nhân hậu. Điều này ít nhà văn nào làm được. Lần trước, anh đã tặng hiến tất cả số tiền thu được trong các buổi RMS tại Úc ước lượng có trên $30 ngàn Đô Úc (AUD) đến quý TPB/VNCH hiện còn đang sống lấy lất ở quê nhà. Anh PTAN là người đã sinh ra đứa con tinh thần là tập truyện, Ls Thuần lại là người thực hiện hoài bão của anh PTAN tại Úc châu. Trong chuyến đi lần trước, anh PTAN đã tự bỏ tiền túi cho tất cả các chuyến bay đến Úc cũng như di chuyển trong nội địa cho cả anh lẫn chị và cháu gái mà không nhận lại một đồng nào! Lần này cũng thế, chỉ có điều khác biệt là không có tác giả PTAN. Nhưng với nhu cầu đặc biệt của Cộng đồng NV ở Úc, Anh PTAN cũng như Ls Thuần đã hoan hỉ Ra mắt sách nơi đây là để tiếp tục góp phần nhỏ vào việc giúp đỡ các TPB/VNCH ở quê nhà, phần khác gây quỹ Xây Dựng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại thành phố Brisbane mà Cộng đồng hằng đeo đuổi bấy lâu nay.

Nhà văn PTAN (người chưa bao giờ chịu nhận mình là nhà văn) sinh năm Quí Mùi (1943). Quê quán Làng Phú Hội, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa. Mẹ anh mất lúc anh mới lên 3 tuổi. Cha bị chết trong tù cải tạo tháng 6/1976. Lúc nhỏ học ở trường Văn Hóa rồi được tuyển sang Trường Võ Tánh, Nha Trang. Đi lính Khóa 18 SQTB Thủ Đức. Mười năm phục vụ tại SĐ 23 BB (chuyên về tác chiến và tham mưu). Bị tù cải tạo 8 năm. Vượt biên và định cư tại vương Quốc Na uy cùng gia đình năm 1985. Làm việc tại Ngân hàng Bưu Điện Na uy và về hưu đầu năm 2008.

Trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (RKGMX) lần này, anh PTAN có nhắc đến những khung trời, những địa danh, những con người mà người viết khá quen thuộc một phần trong đó. Điều đó cũng dễ hiểu vì ở quê nhà, người viết ở rất gần nhà anh, hai anh em ở cách nhau chỉ chừng 3 cây số. Chúng tôi không muốn, và cũng không thể đi sâu vào các tình tiết éo le của các câu chuyện kể vì trang báo có hạn. Điều này xin dành cho sự tò mò, ngưỡng mộ và khám phá của quý độc giả. Tuy nhiên người viết xin đóng góp vài ý nghĩ trong vài câu chuyện sau đây:

* Chuyện Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà mở đầu cho tác phẩm RKGMX mà trong truyện anh diễn tả ngọn núi Phổ Đà soải cánh như cánh chim Đại bàng thì đó là một ý tưởng tượng rất chính xác mà thời thơ ấu người viết cũng cảm thấy như thế. Tại sao vậy? Là vì nhà người viết nằm sát ở dưới chân của ngọn núi này! Chỉ cần một chiếc xe đạp từ trên núi xổ xuống hết dốc là sẽ dừng lại ở trước cổng nhà. Cũng ở ngọn núi này mà người bạn của anh PTAN có lần tương tư người yêu đã thốt lên câu: “Mai này có chết, moa sẽ trở thành một đám mây, không bay đi đâu hết, mà bám chặt lấy ngọn núi Phổ Đà này”, rồi anh đọc hai câu thơ tình đẫm lệ: “Ta sẽ làm mây trên đỉnh núi, Nghìn năm ôm lấy cuộc tình em”. Hai câu thơ này chẳng khác nào hai câu thơ để đời ở Quân trường Đồng Đế Nha Trang: “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Em nằm xỏa tóc đợi chờ anh”.

* Rồi đến truyện Tiếng Sáo viết về anh chàng có tên là Hồ Ngọc Phú Hội. Đó cũng là tên của quê quán anh PTAN. Hai người coi như ở chung một thôn. Và chuyện tình của anh Phú Hội có thể nói là một chuyện tình đẫm lệ điển hình cho trăm ngàn chuyện tình tuyệt đẹp và thương tâm nhất của các cặp vợ chồng son hay tình nhân trai tài gái sắc ở miền Nam sau 1975.  Anh Phú Hội ngày xưa được một ông Thầy người Huế tặng cho anh một chiếc sáo trúc và dặn một câu để đời “một cậu học trò có năng khiếu, sẽ tạo cho chiếc sáo này có một linh hồn”. Thế mà trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của những đổ vỡ và tan nát từ gia đình, anh vẫn còn giữ được chiếc sáo trúc ấy cho đến ngày hôm nay và dĩ nhiên là anh đã tạo cho nó có một linh hồn.

Cách đây hơn một năm, người viết có dịp gặp anh Phú Hội tại Cali, và gặp cả người tình hiện nay của anh là một nhà thơ nhưng anh vẫn coi như là một người bạn, vì chuyện tình xưa không thể nào thay thế được. Anh PTAN và anh Phú Hội là hai người bạn rất thân và rất hiểu nhau, hiểu đến nỗi anh PTAN có lần nói với bạn bè khi nghe những điều không hay về anh Hội, anh Ninh bảo “Nếu có một người không bao giờ đi tu mà thành Phật, thì đó chính là thằng Hội”. Đây là một câu chuyện tuyệt vời rất đáng đọc.

* Chuyện Lá Rụng Không Về Cội diễn tả một người con dân Quận Vạn Ninh. Sau những ngày dài vào quân ngũ với chức vụ Tiểu đoàn Trưởng, ông được chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm về lại quê nhà của mình để giữ chức vụ Quận Trưởng chăm sóc dân tình. Quả thật đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn vì làm sao tránh được những lời ve tiếng ong của những người xấu miệng. Sau đó ông trở lại quân ngũ và có thời làm huấn luyện viên cho các quân trường lớn như Võ Bị Liên Quân Đà lạt, Võ Khoa Thủ Đức v.v… Có lần được Tướng Ngô Q Trưởng bổ nhiệm làm Tư lệnh phó cho một Sư đoàn Thiện chiến vào bậc nhất của miền Nam VN.

Sau này như một phép mầu, ông đã được bốc đi vào giờ thứ 25 của cuộc chiến. Sang Hoa kỳ, ông hiện ở miền Bắc Cali, có lần nhờ bà con về lại quê nhà mang qua giùm cho ông hai kỷ vật được coi là gia bảo: Đó là chiếc nón lá, và một bao Nilong chỉ toàn là cát. Chiếc nón lá được ông đóng đinh treo ngay trong phòng khách, còn bao cát thì ông bỏ một nửa vào chiếc lư hương để cúng kính trên bàn thờ Tổ tiên, nửa còn lại thì ông cất kỹ ở dưới đầu giường và trong di chúc có ghi xin vợ con ông rắc năm cát này trên di thể của ông trước khi đậy nắp quan tài. Người đó chính là Đại Tá Trương Tấn Thục mà khi còn nhỏ người viết đã có dịp thấy ông.

* Chuyện Những Cánh Én Giữa Mùa Đông nói về các chàng không quân đa tình trên tình trường, nhưng lại hết sức hào hùng, can đảm trên chiến trận. Bất chợt người viết bắt gặp được một người bạn học cùng lớp ngày xưa, cũng Trường Võ Tánh Nha Trang là phi công Vĩnh Hiếu, Lead gun của phi đoàn Thần Tượng 215 – một phi công trực thăng gan dạ hào hùng trên Chiến trường vùng 2 năm nào đã vào sinh ra tử nhiều lần cứu được các cánh quân bạn đang bị địch bao vây. Ngày xưa khi còn đi học thì Vĩnh Hiếu đã có đai đen Thái cực Đạo. Đến ngày tan hàng anh đã bay ra hạm đội và thoát chết trong đường tơ kẻ tóc khi chiếc trực thăng anh lái đáp xuống một chiến hạm ngoài khơi đúng lúc máy bay của anh vừa hết xăng! Anh hiện sống tại Hoa kỳ và vẫn đầy nét hào hùng, hào hoa như thuở xưa.

* Cuối cùng, câu chuyện Bến Bờ Lưu Lạc nói về một gia đình rất thương đau của một người phụ nữ VN rất đặc biệt – Đó là chị Phạm Phan Lang, sinh năm 1950, vị Nữ Trung Tá gốc Việt đầu tiên trong Quân Lực Hoa kỳ. Chị là người không xa lạ mấy vì ngày xưa trước 75, chị là đồng môn của chúng tôi dưới mái trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang (NTH69). Đã vậy, ba má chị lại là đồng hương xứ Vạn với chúng tôi. Chị có khuôn mặt khá xinh, tính tình hiền thục dễ thương nên khi còn nhỏ đã làm rúng động trái tim của một sĩ quan Hải Quân QLVNCH thời ấy là anh Phạm Văn Diên (Khóa 14 HQ Đệ nhị Kim Ngưu).

Vào nửa đêm 29-04-75, Thiếu Tá Diên đã đưa chiến hạm PGM615 của anh rời khỏi VN mang theo vợ (là chị Lang) với 3 đứa con thơ ra đi. Cũng như nhiều gia đình khác, thời gian đầu tiên đến đất Mỹ đời sống rất vất vả. Vợ chồng chị Lang đã phải trãi qua rất nhiều nghề như thợ mộc, thợ nề, rửa bát đĩa cho nhà hàng, tiệm ăn, nhổ cỏ trong các cánh đồng cà, hái trái cây, trông nom trại gà v.v… Với tính kiên nhẫn, vợ chồng vừa làm vừa theo học chương trình Đại học ở Maryland, Eastern Shore. Năm 1980, chị Lang đậu cùng lúc hai bằng Cử nhân trong đó có bằng Nutrition và Dietetics (Dinh Dưỡng học). Chị đã xin thực tập ở một số trường đại học trong đó có Chương trình Thực tập Dinh dưỡng của Lục quân Hoa kỳ (US Army Dietetic Internship). Nhờ cơ duyên này, chị đã nộp đơn xin gia nhập vào quân đội Hoa Kỳ và tiến thân nơi đây. Sau khi tốt nghiệp, chị đã được thăng dần lên cấp bậc Trung úy và nhiệm sở đầu tiên là tại Fort Jackson, Columbia, SC. Và cũng tại nơi đây, một biến cố lớn đã xảy ra mang đến điều bất hạnh lớn lao nhất cho cuộc đời của chị.

Vào ngày Lễ Độc Lập Hoa kỳ, ngày 4/07/1985, lúc đó chị đã được vinh thăng Đại úy, nể lòng một người bạn, cựu Trung Tá HQ ở Charleston, SC, hai vợ chồng đã nhận lời mời tham dự một buổi tiệc picnic ở bãi biển Foley Beach, SC và tại nơi đây, tai nạn đã xảy ra. Vào khoảng 8 giờ sáng, lũ nhỏ con của bạn bè cùng con của anh chị Diên & Lang ham mê nhảy xuống biển tắm đã bị cơn sóng ngầm cuốn trôi xa. Anh Diên tức tốc nhảy xuống biển tìm cách cứu vớt tất cả các em nhỏ nhưng vì lũ nhỏ sợ hãi bám víu vào người anh không cựa quậy được đến nỗi anh bị uống nước bất tỉnh nhân sự. Hôm ấy một bé gái 11 tuổi cũng đã bị sóng biển đánh dạt ra xa mãi mấy tiếng đồng hồ sau mới tìm thấy xác.

Sau một tháng chống chọi với tử thần, cuối cùng anh Diên đã ra đi và chị Lang đã một mình phải nuôi 3 đứa con nhỏ khôn lớn là cả một gánh nặng không thể tưởng tượng nổi trong khi chị còn phải phục vụ trong quân đội. Chức vụ cuối cùng của chị là Trung Tá. Năm 2002, lúc chị đang làm việc tại Hawaii thi nhận được thông báo sẽ thăng cấp Đại tá nếu chị bằng lòng ở trong quân đội và được thuyên chuyển đến một nhiệm sở mới, rất nhiều triển vọng là Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên vì yêu biển cả và chẳng muốn xa rời thành phố biển Hawaii, chị đã không nhận chức vụ Đại tá mà xin ở lại Hawaii với nắng ấm tình nồng, chẳng khác nào vùng thùy dương cát trắng Nha thành dấu yêu của chị ngày xưa. Đây quả là một trang tình sử đẫm lệ và là một cuộc phấn đấu khốc liệt của đời tỵ nạn của một trang nữ kiệt mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Nhà văn Tâm Thanh, một người bạn văn của tác giả PTAN cùng ngụ tại Vương quốc Na-uy đã có những nhận xét về tác phẩm RKGMX như sau:

“Đối với người lính chiến miền Nam Việt Nam, chỉ cần nhắc tên một ngọn núi, như Núi Tà Dôm hay Chu Pao, một con đường, như Quốc Lộ 14, Tỉnh Lộ 7B; một đồ vật như đôi giầy “xô”, cái nón sắt… là có thể tâm hồn òa vỡ. Vết thương lính có thể lành nhưng ký ức không bao giờ phai nhạt. Nó bừng lên nếu có ai bật nút. PTAN là một trong số người bật nút tài tình vào bậc nhất hiện nay. Có nhiều người không còn thích nghe nói về chiến tranh hay xem chiến tranh trên màn ảnh truyền hình nhưng tại sao người ta vẫn thích các câu chuyện kể của anh PTAN? Câu trả lời đơn giản là vì PTAN không kể chuyện chiến tranh (thản hoặc chỉ lấy chiến tranh làm bối cảnh). Anh kể chuyện lính, tức là kể về những con người, trong đó “đánh đấm” chỉ là một khía cạnh. Và không phải người lính đơn độc, mà người lính gắn liền với người dân, với một mối tình. Người lính không chỉ có kiêu hùng mà còn lãng mạn, nhân bản, vị tha. Hình ảnh người lính của PTAN không phải đẹp với bộ quân phục mà đẹp trong suy nghĩ, trong tâm hồn. Độc giả sẽ thấy những nét đặc thù đó nổi bật hơn nữa trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.

Hai anh lính trẻ nhận được hai tấm khăn thêu và hai lá thư “sao y chánh bản” tới tận trường tìm cô em gái hậu phương, để sau đó một người thành người tình bạc mệnh, một người thành nhà sư canh mộ cho bạn mình (Gói quà đầu năm).

Anh lính Biệt Động Quân gùi đứa con trai bốn tuổi sau lưng, mở đường máu cho đồng đội, để cuối cùng bỏ xác, bỏ con trên rừng thẳm (Rừng khóc giữa mùa xuân). Cô gái cán bộ lâm trường người Hà Giang yêu anh lính tù cải tạo, giúp anh bản đồ, địa bàn và lương khô để vượt ngục; cuộc đào thoát thất bại, cô tưởng anh đã chết, sáu năm mới đi lấy chồng, nhưng anh vẫn còn sống và trở thành một vị thầy tu…(Nghỉ hè ở Mallorca).

Sau cuộc chiến, dù là người bại trận, họ vẫn luôn dang hai tay ôm lấy cái tình huynh đệ, cố giữ hào khí, tư cách của ngày xưa (Những cánh đại bàng sau cơn bão lửa). Nhiều năm khốn khổ trong lao tù, trở về với một gia đình tan nát, người lính vẫn chịu đưng bao dung, bao nhiêu nỗi oan khiên gởi theo hồn tiếng sáo (Tiếng Sáo). Về già, ngồi “điểm danh”, nhớ thương từng đồng đội cũ, tiếc nuối bao kinh nghiệm chiến trường giờ không biết còn truyền lại cho ai (Lá rụng không về cội)…

Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong phim về chiến tranh Nam-Bắc Mỹ hoặc Chiến tranh và Hòa bình tại Nga. Nhưng đó là những hình ảnh con người trong chiến tranh Việt Nam. PTAN thu được những hình ảnh đó nhờ anh là lính chiến; anh kể lại chi tiết từng địa danh, năm tháng, không hẳn vì nhờ có trí nhớ tuyệt vời, mà chính vì anh không thể nào quên. Nhưng yếu tố quan trọng không kém khiến cho truyện PTAN có giá trị đặc biệt, là anh có một triết lý riêng để lý giải tất cả mọi việc trên đời – thái độ trước định mệnh.

Cuộc đời trong thế giới PTAN đầy oan trái, và đầy tính định mệnh. Nhưng các nhân vật không thúc thủ trước định mệnh. PTAN tin “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Truyện PTAN thường cực kỳ éo le, chằng chịt khúc mắc, dàn dựng khác với phép dựng kịch của truyện ngắn cổ điển. Các truyện trong Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, vì thế, phần nhiều là bi kịch, nhưng luôn luôn có hậu, khuynh hướng mà đa số độc giả trông đợi. Nhờ thế, đọc truyện Phạm Tín An Ninh, dù chảy nước mắt nhưng ai cũng phải hài lòng (Tâm Thanh).

Anh PTAN chẳng những là một nhà văn bất đắc dĩ, mà còn là một nhà thơ bất đắc dĩ nữa. Ta hãy nghe lại một đoạn thơ của anh khi anh về tìm lại mộ cha để cải táng. Khi trở về lại ngôi làng xưa, nhìn cảnh “thương hải biến vi tang điền” anh viết trong bài thơ Ta Về Chỉ Gặp Lại Mình Ta:

“Ta về đứng trước ngôi trường cũ
Nhìn xuống làng xưa chạnh nỗi niềm
Nhấp nhô những mái nhà rêu phủ
Thương hải tang điền mấy biến thiên

Ta về xuôi một giòng sông chảy
Con nước vô tình lặng lẽ trôi
Hiểu nghĩa cuộc đời đành không thể
Hai lần tắm ở một dòng thôi

Ta về có phải sông về biển
Sao nghe từng con sóng não nề
Như thể bây giờ là cổ tích
Ta về chỉ gặp lại mình ta”.

(Pham Tín An Ninh)

Xin được dùng những lời thơ não nùng này để kết thúc câu chuyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân của tác giả Phạm Tín An Ninh.

NXVan

(Úc châu Tháng 10/2012)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *