điểm sách

      No Comments on điểm sách

Đọc Phạm Tín An Ninh

Truyện của Phạm Tín An Ninh đi thẳng vào lòng người, thực ra không cần mưỡu đầu hay bạt đuôi. Nếu phải có, thì người viết, ngoài thế giá văn chương, nên là một người phần nào đã trải qua như anh – từng xông pha trận mạc, từng đi tù cộng sản, từng vui tuổi thơ hoa mộng, từng một thời đào hoa bay bướm, rất chiu chắt tình bạn, và bây giờ được bình tâm ôn chuyện xưa… Người như thế không hiếm trong số các bạn hữu đông đảo của anh. Nhưng anh Ninh lại thích dành danh dự cho một người hoàn toàn không đạt được một tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn trên – một độc giả thầm lặng trong số hàng vạn độc giả của anh.

Độc giả này chỉ có mỗi một ưu thế là cư ngụ chung với tác giả trên một vương quốc nhỏ bé yên bình miền Bắc cực. Và vì là đồng cư của anh, trong thời gian gần đây, hầu như mỗi tuần độc giả này lại nhận được một điện thư hỏi “Bạn ở Na-uy có biết Phạm Tín An Ninh không, sao viết cảm động thế?” Câu trả lời rất đơn giản: Phạm Tin An Ninh là một người sống thiết tha, và viết chân thành. Văn anh trở thành một dòng chảy hồn nhiên bắt nguồn từ đời sống và song song với đời sống. Anh kể về đời tù cải tạo ở Nghĩa Lộ với cùng một giọng đôn hậu như khi kể về tuồi thơ ở Vạn Giã, Nha Trang.

Anh Ninh sống thế nào viết thế nấy. Nhờ đó, mỗi câu chuyện, dù rất lạ lùng, ẩn hiện bóng dáng quen thuộc của chính người đọc. Nhiều hình ảnh đẹp khó tìm thấy trên đời (như quản giáo Nguyễn Văn Thà trong truyện ruột Ở Cuối Hai Con Đường), không cần tác giả cam đoan có thật, ta vẫn muốn tin là có thật, để đời đáng sống hơn. Đọc Phạm Tín An Ninh ta có cảm tưởng như những mảnh đời phiêu bạt tha thiết gọi nhau, xum họp trong lòng mình. Chuyện vinh nhục đời lính, chuyện đắng cay tù cải tạo, chuyện HO ở tuổi tri thiên mệnh… từ trên 30 năm nay đã hàng ngàn người kể, đến nỗi sắp thành nhàm chán, bỗng Phạm Tín An Ninh xuất hiện, khai quật những di tích mới.

Làm mới chuyện cũ, biến chuyện cũ thành gần như cổ tích thời đại, là đóng góp đặc sắc nhất của anh trong văn đàn hải ngoại. Khác với cổ tích thần tiên, truyện của anh chứa nhiều nghịch cảnh, đọc dễ chảy nước mắt, nhưng chúng ta có thể yên tâm mà đọc, vì trong mọi nghịch cảnh, kể cả thảm cảnh thù hận và tình yêu tan vỡ, Phạm Tin An Ninh không bao giờ dập tắt ngọn nến cuối cùng – niềm tin. Trên con đường thành công quá bất ngờ, anh thường tâm sự mình không phải là nhà văn. Nhưng anh đã cầm bút như bất cứ nhà văn lớn nhỏ nào – khai thác đời sống. Anh tìm người. Anh săm soi tìm người, và anh may mắn hơn Diogènes – không cần thắp đuốc lang thang, anh vẫn thấy bóng người ở mọi ngả đường. Dù đôi khi dáng người mờ nhạt sau dáng thú – như nơi nhân vật Hồng Hương trong truyện Chiếc Nhẫn – anh vẫn phù chú ‘bắt’  đương sự cởi bỏ lốt thú. Hoặc giả trong những tình huống hoàn toàn bế tắc – như trong truyện Ba Dòng Nước Mắt, một phiên bản mới của Lưu Bình Dương Lễ  – anh lại khai thông, cho tất cả chảy về hồ thủy chung, cái chung thủy không chỉ cần thiết cho tình vợ chồng. Thủy chung với nhau và thủy chung với căn tính con người hình như là đặc tính của cả văn lẫn người Phạm Tín An Ninh.

Nhờ sống và nhìn đời bằng phong thái ấy mà anh cho chúng ta thấy ở cuối mọi ngả đường luôn hiện ra một điểm hội tụ sáng ngời nhân tính.

Tâm Thanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *