Úc Châu – nơi mà cả đất trời và bạn bè ai nấy cũng dễ thương

C húng tôi đến Úc Châu và ở lại đó chỉ có ba tuần. Ba tuần với bộn bề bao nhiêu công việc và di chuyển khắp đó đây. Từ Sydney đến Melbourne  rồi  Adelaide và  Brisbane. Vậy mà ngày trở lại Bắc Âu, lòng nặng trĩu bao nhiêu hình ảnh thơ mộng và đầy ắp ân tình của bè bạn đồng môn, đồng hương.

Sau chuyến bay khá dài, mệt đừ người, chúng tôi đến phi trường Sydney lúc 9 giờ tối. Mặc dù được thông báo trước là có các bạn Nguyễn văn Thuần, Đặng Trung Chính và Trần văn Phước ra đón, tôi vẫn lo, vì không biết ba ông bạn đồng môn chưa bao giờ gặp mặt này có nhận ra mình không. Mấy tấm ảnh gởi sang trước để làm poster và slide show cho các Buổi Ra Mắt Sách, chụp lúc tôi còn trẻ và có chút oai phong trong bộ quân phục, chứ còn dung nhan của tôi bây giờ thì chắc chẳng khác nào.. trời đã sang đông. Nhưng khi vừa mới bước ra phòng đợi, nghe tiếng gọi tên mình, rồi tiếng chào, cười đùa của các bạn, lòng tôi hân hoan vô hạn. Thì ra trong số người đi đón còn có cả vợ chồng anh chị bạn thân của tôi ở Nauy lúc trước. Hai con chim thiên di này bay sang Úc trốn lạnh từ hơn 15 năm trước, rồi không bao giờ trở lại. Vợ chồng anh chị bạn này là người Biên Hòa, tuy cả hai cũng là giáo sư lúc trước nhưng không dính dáng gì tới Võ Tánh, Nữ Trung Học Nha Trang. Thì ra họ cũng đã quen nhau, và muốn dành cho chúng tôi một bất ngờ. Cái tình đồng hương của người Việt ở Úc Châu nó đậm đà như vậy đó.

Trời Úc Châu đang cuối xuân vào hạ. Lòng tôi cũng bâng khuâng cái cảm giác giao mùa.Trên con đường từ phi trường về nhà cặp vợ chồng người bạn đồng môn Huy&Hạnh, tôi đã được đi qua những con đường xinh xắn, đèn đường sáng rực, đủ để tôi nhìn thấy những cây phượng tím, phượng hồng đang rộ mùa hoa, nhắc nhớ một thời tuổi thơ cùng những mối tình học trò hoa mộng. Sydney có nhiều con đường đẹp, mà nhà văn Phan Lạc Phúc ở Úc gọi là những con đường tình. Và con đường tình nhất ở Sydney có lẽ là con đường dọc theo bờ sông George tới Bankstown đi từ hướng Cabramatta lên. Một bên là cây cao bóng mát, một bên là dòng sông xanh lượn lờ giữa hai bờ cây lá… Không biết có những đôi tình nhân VT&NTH nào thường nắm tay nhau đi trên con đường tình này, để nhớ lại cái thời mới quen, dìu nhau đi trên con đường Duy Tân, Bá Đa Lộc thơ mộng ngày nào.

(vừa từ phi trường về đến nhà Huy&Hạnh với Thuần, Chính và anh chị Đảm)

Vợ chồng tôi và cô con gái đến sau từ Mỹ, được vợ chồng bạn Nguyễn thắng Huy(VT69)&Đặng Mậu Thị Hạnh(NTH70), cũng là đôi tình nhân học trò hơn 40 năm trước, sau này cả hai đều là giáo sư trung học, và bây giờ chuẩn bị làm ông bà ngoại, nhận về cho tá túc. Chúng tôi được gia chủ hiếu khách dành nguyên tầng trên của ngôi nhà vừa lớn, vừa đẹp, nằm trong một khu yên tĩnh, mà chúng tôi cứ gọi đùa đây là tư dinh của ông bà đại sứ.

(trước nhà Huy&Hạnh với Thầy Tích cùng các bạn Sanh-Bửu-Lam và chị Hạnh)

Sáng hôm sau, anh chị Huy&Hạnh lấy một ngày nghỉ, đưa chúng tôi đi thăm vùng Cabramatta sầm uất, khu “Little Saigon” của Úc châu. Cũng giống như Orange County ở California, Cabramatta trước kia là một nơi đìu hiu hoang vắng. Nhưng từ khi có làn sóng người Việt  đổ về đây lập nghiệp, đã biến vùng đất này trở nên trù phú, tiếng tăm. Cabramatta mang bộ mặt Á châu rõ rệt, từ công viên trên đường Park Road, tượng 12 con giáp,  cho tới cái cổng chào có hàng chữ Việt nam, là một câu tục ngữ mang nhiều ý nghĩa ở nơi này:  Lá Lành Đùm Lá Rách. Ở đây có khá nhiều văn phòng, cửa hàng của người Nha Trang. Đặc biệt có đủ loại trái cây Việt nam được trồng trên nước Úc. Gần như không thiếu bất cứ loại nào : từ mít, xoài, chôm chôm, thanh long, cho tới trái sầu riêng.

Rồi hôm sau, một tối thứ bảy đẹp trời, bạn bè Nha Trang đã cho tôi những hạnh ngộ bất ngờ. Hơn năm mươi thầy trò từ cái thời trung học, từ mọi nơi về đây tự lúc nào, đang quây quần bên đống lửa sau vườn nhà Huy&Hạnh. Ăn uống, chuyện trò, cười đùa và đàn hát líu lo. Không ngờ ở một nơi hoàn toàn xa lạ này, tôi bất ngờ tìm lại được “hang động tuổi thơ” ở cái thành phố biển thơ mộng nằm bên kia bờ đại dương, trên dưới 40 năm trước, mà tôi cứ ngỡ là tất cả đã biến mất sau cơn dông tố tháng 3/75 bất ngờ ập xuống.

Tôi được bạn bè cho biết, khu vườn nhà xinh xắn của đôi uyên ương Huy&Hạnh này là nơi gặp gỡ thường xuyên của những thầy trò VT&NTH Úc Châu. Ông bà chủ nhà tốt bụng còn rất giỏi về việc nấu nướng các món ăn đặc sản quê nhà. Nhìn một vòng qua khu nhà bếp lộ thiên, tôi thấy nào bánh căn, bún cá, bánh canh, gỏi bò kho…, và có cả món tré dành riêng cho Cô, Thầy và bạn bè Nha Trang gốc Huế nữa.

(đêm hội ngô đồng môn VT&NTH Nha Trang sau vườn nhà anh chị Huy&Hạnh)

Tôi đến chào cô Trương Mỹ Nam khi cô và chị Hạnh chủ nhà đang đúc bánh căn. Cô Trương Mỹ Nam, dường như học trước tôi mấy lớp, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Thầy Trần Mích Nhũ tôi cũng chỉ quen biết khi thầy ra làm hiệu trưởng trường Trung học Vạn Ninh, quê tôi, nơi tôi có vài người bạn thân là giáo sư cùng dạy ở đó, nên trong những lần về phép ngắn ngủi, hoặc trên đường chuyển quân, vội vã ghé thăm bạn nên được gặp thầy.Thời gian chỉ đủ uống cạn một ly bia. Vậy mà hôm nay gặp nhau ở đây, tôi có cảm giác họ là những thầy cô giáo của chính mình. Tư cách, lòng yêu thương, sự bình dị, gần gũi với đám học trò của Cô Mỹ Nam cùng phu quân Trần Thiện Tích, của vợ chồng Thầy Nhũ, đã làm cho tôi thấy mình nhỏ lại, và thèm được nhận cái hạnh phúc trong vòng tay yêu thương, thân ái của cô, thầy. Các con của cô Mỹ Nam cũng có mặt. Tất cả đều lễ phép cung kính chào hỏi các cô các chú, mang thức ăn đến mời chúng tôi. Hỏi ra, tôi mới biết là hầu hết các con trai và nàng dâu của Cô đều là những bác sĩ, nha, và dược sĩ. Tôi thầm cảm phục các cháu và nghĩ đúng là con của những thầy cô giáo.

(với Thầy Tích&Cô Mỹ Nam và con cháu cùng chị Hạnh + chị Đỗ Lê Viên)

Có một điều lạ, là hầu hết những đồng môn VT&NTH ở Úc Châu đều trẻ tuổi hơn tôi. Chỉ có bạn Ngô Năm học cùng năm với tôi, bên ban B. Khác lớp, nhưng tôi nhận ra ngay, vì thời ấy Ngô Năm rất vui tính và cũng là một cây “quậy” trong nhóm Đào Đàm, con thầy Đào Trữ, nhưng lúc nào cũng hết lòng với bạn bè. Năm cũng một thời là lính chiến, từng đánh đông dẹp bắc, và bị tù đày nhiều năm. Bây giờ sống âm thầm ở Sydney, chỉ thường lui tới với đám bạn bè Võ Tánh, Nha Trang.  Tôi gặp ở đây những người bạn trẻ ấy, và đa số đều rất thành công ở Úc. Nguyễn văn Thuần (VT71) bây giờ là luật sư có uy tín tiếng tăm, Thuần quen biết hầu hết các cơ quan truyền thông, báo chí ở đây, nên báo đài nào cũng liên tục thông báo tin chúng tôi Ra Mắt Sách (RMS), và dành cho chúng tôi cũng như độc giả trong và ngoài nước nhiều cuộc phỏng vấn về tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường. Đặng Trung Chính (VT70) bây giờ là nhà kế toán có văn phòng lớn nhất Sydney, với gần 20 nhân viên mà đa số là con, dâu, cháu trong nhà, ai cũng nghe danh. Vì vậy tôi không lấy làm lạ khi Chính rất tài ba trong việc tổ chức buổi RMS. Tôi cũng rất cảm động khi gặp chị Đỗ Lê Viên, một cô dâu Võ Tánh luôn có mặt trong những sinh hoạt của VT&NTH Nha Trang, mặc dù người cựu học sinh (VT68) Đỗ Lê Viên đã qua đời hơn hai năm trước. Anh Viên là người Việt nam hành nghề luật sư đầu tiên ở Úc Châu, và cũng là người sáng lập tuần báo Việt Luận, một trong số những tờ báo lớn, có nhiều độc giả  ở Úc. Chúng tôi cũng có hai người bạn chụp ảnh tài tử nhưng rất “chuyên nghiệp”: bạn Nguyễn Được (VT72), người đã từng làm chủ một tờ báo lớn ở Sydney. Hèn gì cô con gái của tôi lúc nào cũng khen chú Được rất dễ thương và thông thái, hiểu biết mọi vấn đề từ kinh tế, văn hóa đến chính trị Đông, Tây.. Người bạn trẻ Trần văn Phước, phu quân của Đặng Thị Minh Tâm (NTH 75+), là một nhà thơ kiêm nhiếp ảnh rất nghệ sĩ mà tôi đã có lần được cô bạn Cao Đồng Phước ở tận bên xứ Calgary, Canada giới thiệu khi biết tin tôi đến Úc.

(với bạn Ngô Năm và anh Giác (nhà in Bambo)

Tôi cũng bất ngờ về ba người bạn trẻ khác đến từ những tiểu bang xa, mà tôi đã từng nghe tên và liên lạc bao nhiêu lần qua e-mail, điện thoại, bây giờ mới gặp: Người Xứ Vạn Nguyễn văn Sanh (VT68), đồng hương Vạn Giã, nổi tiếng thành đạt trong học hành, từ thời trung học, đến SV Đốc sự và Cao học ở Học Viện QGHC Sài gòn, cũng vừa tốt nghiệp Cao học Kế Toán & Thương Mãi tại Úc Châu. Sanh cũng là nhà kế toán & thuế vụ đầu tiên và tên tuổi của người Việt ở thành phố Brisbane, trên 25 năm nay. Bạn Ngô Lam (VT71), một cầu thủ VT tiếng tăm lừng lẫy một thời, thường được bạn Hồ văn Tâm, người bạn VT chí tình của tất cả mọi người, nhắc đến trong các Đặc San Hội Ngộ VT&NTH. Ngô Lam, người Nha Trang gốc Huế rất dễ thương mà bất cứ ai gặp qua một lần chắc không dễ gì mà quên được. Tôi nghĩ, ngày xưa, chắc cũng phải chiến đấu dũng cảm với bao nhiêu người đẹp Nha Trang, cô giáo Chi mới giành được ông bạn cầu thủ dễ thương này của trường VT. Và điều bất ngờ lý thú là bạn Nguyễn Phi Bửu (VT68), lại là một đồng đội cùng đơn vị với tôi ngày trước. Sang Úc muộn màng, nhưng bây giờ kinh tế rất vững vàng. Vợ chồng đang làm chủ một tiệm ăn ở thành phố Melbourne, mà nếu ai đó đến lúc 11 giờ trưa hay 5 giờ chiều là không còn chỗ để… xếp hàng. Ngoài ra, anh còn là chủ đại lý phát hành báo chí Úc Châu. Nhờ vậy mà trong hơn một tháng, tờ báo nào cũng có kèm theo một poster giới thệu những buổi RMS. Không ngờ chàng sĩ quan viễn thám của một đại đội trinh sát đánh giặc lừng lẫy ngày xưa lại còn có tài kinh bang tế thế.  Các bạn Sanh, Lam và Bửu về đây để gặp thầy bạn cũ và cũng rút kinh nghiệm từ Buổi RMS tại Sydney cho các buổi RMS tại Melbourne và Brisbane sau đó, mà các anh là thành viên chính trong các Ban Tổ Chức. Tôi thầm cảm phục tấm lòng và cách làm việc của các cựu VT ở đây.

(với Thầy Cô Nhủ và chị Thuần ( ds Thủy) đang chờ đón khách mời cho buổi RMS)

Ngày chủ nhật 2/11, hai giờ trước khi khai mạc buổi RMS tại Sydney, khi chúng tôi đến Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt NSW, đã thấy gần đông đủ các thầy cô và bạn bè, kể cả các phu nhân và phu quân VT&NTH.. Họ chia nhau mọi công việc. Các cô các chị, trong chiếc áo dài dân tộc, trông trẻ lại như những cô học trò Nha Trang ngày trước, tiếp tân, bán sách, giới thiệu tác giả với bà con quen biết. Các anh thì lo trang trí hội trường, sân khấu, sắp xếp ghế ngồi, mời và hướng dẫn quan khách. Đặc biệt cô nữ sinh NTH trẻ nhất Phương Trang (NTH74) và cô dược sĩ Thủy, phu nhân của bạn Thuần, đã bán được rất nhiều sách trước giờ khai mạc, làm tác giả ký tên không kịp thở. Riêng bạn Đặng Trung Chính và Nguyễn văn Được thì đang toát mồ hôi bởi cái máy chiếu slide show mới toanh nhưng bỗng trở chứng không hoạt động, cuối cùng phải cầu cứu đến cậu con trai của Chính. Bạn Được là tác giả cái slide show mang nhiều ý nghĩa, đã làm xúc dộng hầu hết cử tọa khi mở đầu chương trình buổi RMS hôm nay. Anh chị Đỗ Quốc Dũng (VT71), một trong những kỹ sư sau cùng của trường Phú Thọ, thì sắp xếp chương trình văn nghệ và chuẩn bị những bó hoa tươi để trao tặng cho những cá nhân, các toán văn nghệ giúp vui. Đặc biệt hôm nay, ngoài ban văn nghệ của các cựu Trưng Vương, còn có ban hợp ca Phượng Tím. Và trong số những cô ca sĩ nghiệp dư xinh đẹp này, tôi gặp lại cô bạn trẻ cùng quê Vạn Giã với Sanh và tôi, mang nửa dòng máu Trung Hoa, một người đẹp cũng là một trong những bác sĩ tốt nghiệp vào giờ thứ 25 của miền Nam: Lữ Thế Anh. Gia đình cô rất thành công ở Úc.

Vợ chồng tôi và cô con gái đứng nhìn mọi người mà lòng xúc động. Cô con gái hỏi tôi: Chẳng lẽ cái thời của ba má, các thầy cô và bè bạn có tình với nhau như vậy hay sao Ba ? Tôi không trả lời chỉ nhìn cô con gái với ánh mắt vừa hãnh diện vừa xúc động.

Buổi Ra Mắt Sách chưa bắt đầu, nhưng ai cũng đã nhìn thấy sự thành công. Nhưng rồi sự thành công còn hơn mọi người hy vọng lúc ban đầu. Số người tham dự càng lúc càng đông (báo chí ghi nhận trên 800 người hiện diện, sự kiện chưa từng có trước đây ở Úc). Anh em lại tìm thêm ghế để xếp ra hội trường. Ghế đã hết và trong hội trường cũng không còn chỗ trống. Bà con đứng chật hai bên hành lang, ngoài cửa. Điều làm chúng tôi xúc đông hơn là tất cả đồng môn VT&NTH đều nhường ghế, ra ngoài hành lang đứng với khách.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn/nhà báo lão thành Phan Lạc Phúc, nhà báo kỳ cựu và uy tín tại Úc Châu, trong bài nói chuyện, giới thiệu tác giả tác phẩm, đã dành hơn 10 phút để ngợi ca hai ngôi trường VT&NTH Nha Trang, và cô giáo đầu đàn tại Úc Châu, Trương Thị Mỹ Nam, được mời đứng lên giữa những tràng pháo tay vang dội hội trường.

Cuối buổi RMS, Luật sư Nguyễn văn Thuần, trưởng ban tổ chức, khi thay mặt những cựu học sinh VT&NTH Nha Trang tại Úc Châu, nói lời cám ơn quan khách, đồng hương và trao cho Hội Cứu Trợ TPB/ NSW $10,000 Úc kim đầu tiên, trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, trong niềm hạnh phúc và hãnh diện của tất cả mọi người từng dạy dỗ và xuất thân từ hai ngôi trường VT&NTH Nha Trang. Cho dù hai ngôi trường ấy bây giờ chỉ còn trong hoài niệm.

(Trưởng BTC- Ls Nguyễn Văn Thuần giới thiệu tác giả)

Ở đây chúng tôi gặp thêm một đôi vợ chồng VT&NTH mà vì bận đi xa, nên không có mặt trong buổi tối hạnh ngộ ở nhà Huy&Hạnh: Anh chị Nguyễn văn Quân (VT67)&Lê Thị Điệp (NTH68), mời chúng tôi về tư gia uống nước. Anh chị có hai đứa con trai đều là bác sĩ, thêm niềm hãnh diện cho VT&NTH Nha Trang.

(ở nhà anh chị Chính)

Suốt hai ngày sau đó, anh chị Chính và anh chị Được tình nguyện làm hường dẫn viên du lịch cho vợ chồng tôi và cô con gái, đi thăm hấu hết những thắng cảnh ở Sydney: Sydney Harbour Bridge, Opera House (Nhà Hát Con Sò), khu bờ biển, các trường đại học, sở thú, nơi mà lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những con thú đặc biệt biểu tượng của Úc châu: Kangaroo mang con dưới bụng và các chú Koala hiền lành lúc nào cũng như đang say ngủ. Ở Opera House, các anh chị còn đặt vé từ trước để đưa chúng tôi vào trong thính đường lớn nhất xem một chương trình ca vũ nhạc dân tộc của Nhật Bản.

(với anh chị Được tại khu Opera House)

Sáng sớm thứ bảy, chị Thuần lái xe đưa chúng tôi ra phi trường để đến thành phố Adelaide, Nam Úc. Buổi RMS ở đây được phối hợp với Hội Bạn TPB/VNCH mà đứng đầu là bác sĩ Ngô Anh Tuấn . Ở thành phố này chỉ có một cặp vợ chồng VT&NTH duy nhất : Đặng Hữu Tám (VT70). Tám trông còn rất trẻ và vui tính. Cùng với Thuần, Chính ngồi với vợ chồng Tám trong hội trường Adelaide xa lạ mà tôi cứ tưởng là mình đang ngồi trong một lớp học của trường VT ngày nào, bởi cái đùa thật vui vẻ dễ thương và hồn nhiên của Tám, làm mọi người ai cũng phải bật cười. Ai đã từng hảo ngọt, ăn bánh tiệm Hóa Hưng ở đường Phan Bội Châu, trước chợ Đầm Nha Trang, chắc còn nhớ, đó chính là nhà của anh Tám Adelaide.

(tại Tượng Đải CS Việt&Úc cùng với ô/bà bs Tuấn và Thuần + Chính)

Chỉ ở lại Adelaide một đêm. Thuần, Chính và chúng tôi được ông bà bác sĩ Tuấn cho ở trong một ngôi biệt thự mới toanh nằm gần bờ hồ thơ mộng. Thuần và Chính ở chung trong một phòng ngủ lớn. Buổi sáng, khi vừa thức dậy, tôi đã thấy Thuần và Chính ngồi uống cà phê với ông bà chủ nhà nói cười vui vẻ. Cô con gái tôi hỏi chú Chính sao thức dậy sớm thế. Chính cười, bảo là chú có ngủ được đâu mà thức. Bởi ông bạn luật sư Thuần của chú ngáy dữ quá. Mà lại còn đổi tông liên tục. Vừa cố làm quen với tông này, là ông bạn vàng đã đổi sang tông khác, chú theo không kịp thở. Tiếng cười lại rộn rã khi một ngày chỉ vừa mới bắt đầu. Cái tình đồng môn sao dễ thương đến thế!

Từ Adelaide, chúng tôi đến Melbourne. Tại phi trường có anh chị Nguyễn Xuân Tiên, anh chị Ngô Lam và anh chị Phan Chi Hảo đón. Khi tôi vừa mới đẩy xe hành lý ra ngoài, chị Bích Ngọc (NTH70) đã chạy tới hỏi tôi: chuyện Ba Dòng Nước Mắt của anh là có thật? Bởi anh Hảo, phu quân của chị từng là phi đoàn trưởng không quân. Tôi cười, bảo đừng nóng lòng, sẽ được nghe trả lời trong buổi RMS.

Chúng tôi ở nhà anh chị bạn Ngô Lam. Ông bà có ba đứa con đã tốt nghiệp đại học, nhưng đều qua làm việc ở London. Chúng tôi thắc mắc là ở Úc thời tiết tốt và đất đai rộng rãi, sao các cháu sang làm việc ở một nơi vừa chật chội vừa đắt đỏ làm gì. Anh Lam cho biết là các cháu mang dòng máu của ông già, thích đi đó đi đây để tìm tòi học hỏi. Ngôi nhà trở nên rộng rãi và vắng vẻ, nên chị Lam nuôi hai con chó. Mới đầu chúng tôi nghe chị gọi cháu và xưng bà ngoại, cứ tưởng là anh chị đã lên chức ông bà rồi, mà sao không nghe tiếng khóc của trẻ thơ. Hóa ra là chị Lam nói chuyện với hai con chó.

(Bạn Ngô Lam và anh chị Hảo&Ngọc đón ở phi trường Melbourne)

Anh chị Nguyễn Xuân Tiên (VT69)&HuỳnhThị HiềnTriết (NTH68) đã đem tới cho tôi một điều bất ngờ lý thú khác. Sau một lúc tâm tình, hóa ra ông cụ thân sinh của anh Tiên là bạn thân của ông già tôi. Gia đình anh có một thời ở Vạn Giã. Lúc còn đi học tôi thường đến nhà anh Tiên cùng với ba tôi, nhưng lúc ấy, có lẽ anh Tiên ít tuổi hơn, nên chúng tôi không quen nhau. Anh Nguyễn Văn Túc, bào huynh của anh Tiên lại là người bạn học cùng lớp với tôi ở Võ Tánh, sau này lại là bạn cùng khóa Thử Đức và ra cùng đơn vị với tôi. Nhưng sau bốn năm , anh được giải ngũ vĩ bị cận thị quá nặng, được về dạy tại Trường Cán Sự Bưu Điện Sài gòn.Cô con gái của anh chị Tiên có cái tên khá đặc biệt làm gợi nhớ quê nhà: Nguyễn Huỳnh Nha Trang. Là một luật sư rất trẻ, dáng dấp như một cô bé học trò trung học, nhưng được nhiều người biết danh, vì cháu tình nguyện sang làm việc ở Phi Luật Tân , trong một tổ chức giúp đỡ và can thiệp định cư cho những người Việt còn kẹt ở đây. Cháu Nha Trang sẽ thay mặt những độc giả trẻ tuổi nhận định về tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường của tôi trong buổi Ra Mắt Sách chiều nay.

Cũng như ở Sydney, khi đến Trung Tâm YMCA Footscray, nơi RMS, tôi đã thấy các anh chị VT&NTH có mặt từ trước và tất tả với công việc. Anh chị Nguyễn Xuân Tiên cùng cô con gái Nha-Trang và chị Bích Ngọc phụ trách bán sách. Anh chị Ngô Lam tiếp tân, anh chị Nguyễn Phi Bửu phối họp với Hội Cựu QN Victoria trong Ban Tổ Chức. Thuần và Chính từ Sydney lên phụ trách slide show.

Có lẽ nhờ phát xuất từ tình đồng môn thắm thiết này mà buổi RMS tại Melbourne đã thắm đẫm tình đồng hương tha phương lưu lạc. Trong những lúc trao đổi tâm tình, hội trường hoàn toàn yên lặng, người ta chỉ còn nghe tiếng sụt sùi của nhiều đồng hương và của chính tác giả. Và cũng ở đây, tôi gặp lại vài người bạn cùng tù, và bà xã tôi gặp lại vợ chồng cô bạn thân Ninh-Hòa rất dễ thương ngày trước.

(Chị Tiên-cô bạn Hồng Phước -vợ chồng Ninh ( tại nhà HP)

Hai ngày sau đó, anh Nguyễn Xuân Tiên lấy hai ngày nghỉ (anh làm trong Sở Thuế Vụ TB Victoria) cùng phu nhân Huỳnh Hiền Triết đưa chúng tôi đi thăm thành phố Melbourne, những di tích lịch sử và thắng cảnh ở đây. Chúng tôi cũng có ghé lại Tượng Đài Thuyền Nhân nằm trong một công viên ngoại ô thành phố, và thăm một vài người bạn cũ của chúng tôi vừa mới gặp lại ở Melbourne trong ngày RMS.

Hai hôm sau, chia tay Melbourne, chúng tôi bay sang tiểu bang Queensland. Vợ chồng bạn Nguyễn văn Sanh (VT68) cùng một độc giả không quen, anh Lân, đón chúng tôi tại phi trường Gold Coast (Biển Vàng), thành phố biển du lịch nổi tiếng Úc Châu. Trời đổ cơn mưa rào như chào đón những người khách lạ. Xe chạy dọc theo bờ biển xanh, với những hàng thông tuyệt đẹp, nghe tiếng gió reo sóng vỗ, tôi tưởng như mình đang trở lại Nha Trang, và sắp được nhìn thấy mái trường ngói đỏ một thời yêu dấu. Nhưng bạn Sanh bảo là chúng tôi đang vào Brisbane, thủ phủ của tiểu bang Queensland (xứ Bà Hoàng), và cũng là nơi gia đình Sanh đang ở. Thành phố rất dễ thương, với những khu biệt thự xinh xắn, những hàng cây phượng tím đan vào nhau phủ mát những con đường. Vợ chồng bạn Trần văn Phước từ Sydney cũng vừa lên, đón chúng tôi ở ngã ba vào nhà Sanh, say mê chụp ảnh dọc theo con đường thật đẹp mà Phước đặt tên là Lối Về Xứ Vạn. Phước&Tâm cũng mang cho chúng tôi mấy cành hoa phượng đỏ, nhắc nhớ những mùa hè học trò của bao nhiêu năm trước.

Chúng tôi được sắp xếp ở trong ngôi nhà riêng dùng làm văn phòng của Sanh. Ngôi nhà rộng rãi thoáng mát, phía trước có một hàng cau, làm Sanh và tôi thường nhắc nhớ đến quê hương Vạn Giã của mình, nơi có những làng quê với nhiều hàng cau và hàng dừa thẳng tắp.

Buổi chiều, chúng tôi được anh chị  Phạm Bá Thắng (VT60), cũng là huynh trưởng QGHC của Nguyễn văn Sanh, mời vợ chồng hai thằng em ăn cơm. Một bữa cơm thịnh soạn với những con cua đồng (mud crab) thật lớn. Anh em tha hồ tâm sự chuyện xưa nay. Anh chị rất vui, như không còn khoảng cách của lằn ranh tuổi tác. Anh kể chuyện một người yêu thuở học trò của anh đến bây giờ vẫn còn ở vậy.. đợi chờ. Chị Thắng cười bảo là vẫn thấy “hai ông bà già” tâm sự tỉ tê trong điện thoại. Nhưng nhìn dung nhan rất xuân của bà chị Thắng, chúng tôi đùa: “sẽ không có mỹ nhân nào qua mặt được chị, và người tình xưa của ông anh chắc sẽ phải suốt một đời mang theo nỗi sầu vạn cổ”. Sau này, khi đã chia tay, tôi mới biết anh Thắng chính là anh cả của chị Cẩm Vân, hoa khôi VT nổi tiếng một thời, từng làm điêu đứng mấy ông Thầy trẻ cùng biết bao anh hùng hào kiệt. Nghe nói cả ông tướng Râu Kẻm, trước khi gặp cô hôtesse de l’air Tuyết Mai, con gái của bà chủ tiệm gỗ Công Hoàng ở đường QL1, cũng đã từng bao lần lượn máy bay dọc theo con đường Phước Hải mà vẫn chưa nhận được nửa nụ cười của mỹ nhân. (Quả là chị Cẩm Vân có tài đoán trước được con người tráo trở). Rất buồn là chị Cẩm Vân không còn nữa. Chị định cư cùng gia đình ở Đức và mất sớm. Cô em kế Kim Anh, một chị bạn học cùng lớp Nhất C với tôi. Lúc ấy chị cũng là một người đẹp, hiền lành, tốt bụng, mà bọn tôi kính mến như bà chị của mình. Gia đình chị Kim Anh cũng đang sống ở thành phố Brisbane này. Và phu quân của chị Kim Anh là cựu giáo sư VT Trần Xuân Hiền (dạy từ năm 1964).

Trong buổi RMS tại Brisbane mà bạn Nguyễn văn Sanh đa tài vừa là đồng trưởng ban tổ chức cùng với bác sĩ Trần văn Lân, vừa là MC điêu luyện trước 350 quan khách Úc-Việt, con số đồng hương tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay tại Brisbane, tôi được gặp cô Lê Thị Trúc, phu nhân của thầy giám thị VT Nguyễn văn Dành. Thầy Dành qua đời đã hơn mười năm. Mặc dù tôi không học với Thầy Dành, nhưng cô Trúc đã dành cho chúng tôi bao nhiêu thương mến. Cô mua ủng hộ đến mười cuốn sách và đã tặng chúng tôi nhiều DVD kỷ niệm về sinh hoạt hướng đạo của CôThầy. Tôi cũng được biết, gia đình Thầy Cô Dành là một trong những gia đình người Việt thành công nhất tại Brisbane, với trưởng nữ là Nguyễn Thị Cúc Phương (NTH69) cùng chồng đều là nha sĩ, trưởng nam Nguyễn Ngọc Khôi (VT71) và vợ cũng đều là nha sĩ, và cô gái út cưng của Thầy Cô là bác sĩ. Tất cả đều đang hành nghề ở tại Brisbane này.

Cũng trong buổi ra mắt sách tại Brisbane, chúng tôi bất ngờ được gặp một số đồng hương Phú Hội, Vạn Giã, Hòn Khói, Ninh Hoà. Ai cũng ôm lấy chúng tôi, mừng rỡ, thân tình, cảm động.

Anh chi Sanh cũng dành cho chúng tôi gần một ngày đi thăm các danh lam thắng cảnh đẹp nhất ở Brisbane như đồi Mount Cootha, Vườn Botanic Garden, Tượng Đài Kỷ niệm các Chiến sĩ Việt-Úc ở Roma, thành phố Brisbane…

Từ Brisbane trở về lại Sydney. Ngày cuối cùng, Thầy trò chúng tôi lại gặp nhau ở TTSHCĐ/NSW,  trong buổi tiệc chia tay. Không ngờ hôm ấy có rất nhiều anh chị trong báo giới, truyền thông, và một số độc giả, cùng các anh trong hội Thương Phế Binh/VNCH/ NSW cũng có mặt. Ai cũng muốn chụp chung với nhau tấm ảnh, tặng một món quà lưu niệm, và hỏi han, chia sẻ đôi điều về các câu chuyện tôi viết trong sách. Thời gian còn lại không đủ để Thầy Bạn tâm tình.

Buổi sáng sớm khi chúng tôi rời khỏi Úc Châu, thành phố Sydney đang còn ngái ngủ. Khi phi cơ bay vòng lấy cao độ, nhìn xuống Sydney, tôi muốn tìm lại Opera House bên cây cầu Sydney Harbour Bridge, biểu tượng của Úc Châu, nhưng bất ngờ tôi lại nhận ra phía dưới là những con đường tình với những hàng phượng tím mà nhà văn lão thành Phan Lạc Phúc đã ngợi ca. Bất giác lòng tôi lắng xuống, nước mắt trào ra, khi chợt nghĩ ra rằng: ở Úc Châu này, bất cứ con đường nào với tôi cũng là đường tình. Bởi vì chính ở nơi đây tôi đã thực sự vừa tìm lại được tình bạn, tình người, để thấy cuộc đời lắm phiền muộn này vẫn còn có điều gì đó rất dễ thương.

Xin được cám ơn Úc Châu, cám ơn những con đường tình. Xin cám ơn Cô, Thầy và các bạn bè VT&NTH Úc Châu cùng tất cả đồng hương quí mến, đã cho tôi cái hạnh phúc hiếm hoi này./-

Phạm Tín An Ninh

(cuối tháng11/2008)

 

Video – Buổi Ra Mắt Tập Truyện Ở Cuối Hai Con Đường tại Sydney ngày 2-11-2008

 

1 thought on “Úc Châu – nơi mà cả đất trời và bạn bè ai nấy cũng dễ thương

  1. Takasaki Thai

    Ai sắp du lịch Úc châu nên đọc bút ký hấp dẫn, lôi cuốn này của anh PTAN, tuy chi tiết nhưng không rườm rà, nhàm chán,

    T.Thai

    Reply

Leave a Reply to Takasaki Thai Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *